Thứ Hai, Tháng 5 12, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ngày hội Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế: Lan tỏa vẻ đẹp văn hóa từ “Kinh đô áo dài Việt Nam”



ĐNA -

Từng được biết đến với vẻ đẹp trầm mặc và cổ kính, cố đô Huế nay đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên mình nguồn năng lượng mới để khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, du lịch hàng đầu cả nước. Gắn liền với danh xưng “Kinh đô áo dài Việt Nam”, Huế không ngừng lan tỏa giá trị của tà áo dài truyền thống thông qua chuỗi sự kiện Ngày hội Tuần lễ Áo dài cộng đồng được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức thường niên, như một lời tôn vinh sâu sắc dành cho chiếc áo dài truyền thống, vừa là một di sản vô giá, vừa là biểu tượng sức mạnh mềm mà kiêu hãnh của văn hóa Việt.

Diễu hành Việt phục trong Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2024.

Sự kiện văn hóa – xã hội có chiều sâu cộng đồng
Không đơn thuần là một sự kiện trình diễn mang tính phong trào, Ngày hội Tuần lễ Áo dài cộng đồng tại Huế mang đậm tính cộng đồng và giáo dục, được triển khai linh hoạt tại nhiều không gian văn hóa mở, gắn liền với dòng sông Hương, trục cảnh quan huyết mạch của đô thị di sản.

Các lễ hội và hoạt động tôn vinh áo dài thường được tổ chức tại những địa điểm rất đẹp và mang tính biểu tượng cao của Huế như: quảng trường Phu Văn Lâu – Nghinh Lương Đình, công viên Thương Bạc, tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cầu gỗ Lim, quảng trường trước trường Quốc Học, cầu Bán nguyệt… Mỗi không gian trở thành một sân khấu mở, nơi chiếc áo dài được tái hiện trong vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, thướt tha mà sống động giữa đời thường thông qua nhiều hoạt động rất đa dạng: Trình diễn áo dài, triển lãm áo dài, khiêu vũ hiện đại với áo dài, dân vũ với áo dài, xe đạp với áo dài, thi vẽ về áo dài…

Điểm nhấn trong các ngày hội là những diễu hành áo dài cộng đồng với sự tham gia của hàng ngàn người dân, học sinh, nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà thiết kế, cán bộ, công chức, viên chức, tiểu thương… Hình ảnh dòng người trong tà áo dài ngũ thân, áo Nhât bình, áo dài đương đại, áo dài học đường… cùng nhau hành hương lên lăng Trường Thái- lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, hay tiến vào Đại Nội qua các trục đường quanh Hoàng thành trong những ngày tháng 6… đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ, thể hiện tinh thần “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”.

Áo dài ở làng di sản Phước Tích.

Sự đồng hành của cộng đồng và tổ chức xã hội
Ngày hội áo dài cộng đồng không chỉ là sự kiện của ngành văn hóa mà đã lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự đồng hành từ nhiều tổ chức, hội đoàn và cá nhân sáng tạo. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Huế là lực lượng tiên phong trong vận động hội viên tham gia sự kiện và giữ thói quen mặc áo dài trong sinh hoạt hằng ngày. Hội Áo dài Huế cùng Hội May mặc Huế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ may áo, thiết kế các mẫu áo dài truyền thống và các loại cổ phục chuẩn mực, tổ chức các buổi trình diễn và phổ biến kiến thức về áo dài truyền thống cho cộng đồng.

Các nhà thiết kế như Hạnh SH, Quang Hòa, Viết Bảo, Đoan Trang, Nguyên Trang, Nguyên Phong, Hạnh Mai… là những nghệ nhân tiên phong trong việc phục dựng và sáng tạo áo dài Huế trên nền chất liệu mới, hoa văn xưa và kiểu dáng ngũ thân truyền thống. Những bộ sưu tập của họ không chỉ hiện diện trên sàn diễn thời trang mà còn được mặc rộng rãi trong các ngày hội, góp phần làm sống dậy vẻ đẹp tao nhã của Huế qua thời gian.

Tại chợ Đông Ba, ngoài việc tham gia các phong trào về áo dài do Sở Văn hóa & Thể thao phát động, hàng trăm tiểu thương mỗi cuối tuần đều hưởng ứng ngày mặc áo dài, tạo nên một “phiên chợ áo dài” độc đáo, gây ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là cách làm đẹp cho không gian kinh doanh, mà còn là cách tiểu thương Huế góp phần bảo tồn di sản bằng chính công việc thường nhật của mình.

Trong môi trường học đường, bên cạnh một số trường trung học phổ thong, trung học cơ sở, Trường Tiểu học Quang Trung là đơn vị tiêu biểu tiên phong trong việc may áo dài ngũ thân đồng phục cho gần 1500 em học sinh. Trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở môi trường mở gắn liền với áo dài, tạo điều kiện cho học sinh diện những bộ áo dài nhỏ xinh, đồng diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống. Hình ảnh này gieo mầm tình yêu văn hóa dân tộc từ những bước chân đầu đời.

Chương trình áo dài với xe đạp.

Sở Văn hóa và Thể thao – Người kiến tạo chiến lược phục hưng áo dài
Đứng sau sự thành công của chuỗi ngày hội là tâm huyết và chiến lược dài hạn của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế. Đơn vị không chỉ tổ chức sự kiện, mà còn đóng vai trò định hướng, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, phục dựng áo dài truyền thống một cách hệ thống và bền vững. Từ việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ ghi danh di sản áo dài, tổ chức các hội thảo khoa học nhằm chuẩn hóa bộ tiêu chí nhận diện áo dài ngũ thân, phối hợp đào tạo thợ may cổ truyền, đến việc kết nối các nghệ nhân và nhà thiết kế, Sở đã khơi nguồn cho một phong trào phục hưng di sản có chiều sâu văn hóa.

Ngoài ra, Sở cũng triển khai các chương trình vận động xã hội hóa để hỗ trợ tặng áo dài miễn phí, khen thưởng cá nhân tiêu biểu, tổ chức trưng bày cổ phục và phát hành ấn phẩm về áo dài Huế, quảng bá có hệ thống trên truyền thống đa phương tiện, tạo nên một mạng lưới hoạt động văn hóa phong phú.

Đoàn nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế gồm gần 30 đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, nhạc công và kỹ thuật viên của Nhà hát Ca kịch Huế tham gia biểu diễn tại thành phố hồ chí minh ngày 30/4/2025.

Festival Mùa Hạ 2025 – Ngày hội áo dài trở thành chuỗi khai mạc trọng điểm
Năm 2025 đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: 50 năm thống nhất đất nước, đồng thời là năm Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Trong khuôn khổ chương trình Festival Bốn mùa của thành phố, UBND thành phố Huế đã quyết định chọn Tuần lễ Áo dài cộng đồng làm chuỗi hoạt động khai mạc Festival Mùa Hạ.

Lễ khai mạc Festival Mùa Hạ 2025 sẽ diễn ra vào tối ngày 6/6 tại sân khấu Cung An Định, một không gian tráng lệ, nguyên là biệt cung của các vị hoàng đế Khải Định và Bảo Đại. Đây không chỉ là một sân khấu văn hóa – kiến trúc đặc sắc, mà còn là sự kết nối tuyệt đẹp giữa vẻ đẹp áo dài truyền thống và di sản kiến trúc cung đình Huế đầu thế kỷ XX với đời sống đương đại.

Chuỗi sự kiện áo dài cộng đồng năm nay hứa hẹn là màn hội tụ đặc sắc của nghệ thuật trình diễn áo dài bên dòng Hương, ngoài các sân khấu quen thuộc dọc hai bờ sông còn có sân khấu cung An Định được thiết kế cho hàng ngàn người có thể tham dự, trải nghiệm. Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên có một cuộc diễu hành Việt phục với quy mô rất lớn, mang tên Việt Phong Hội Tụ, quy tụ người yêu áo dài, cổ phục từ nhiều vùng miền đất nước tề tựu về cố đô Huế. Đoàn diễu hành sẽ đi qua những địa danh lịch sử, từ bến Nghinh Lương Đình qua Thương Bạc, qua cầu Trường Tiền, theo đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, qua cầu gỗ Lim, ngang qua bến đò Thừa Phủ đến trường Quốc Học Huế.

Bên cạnh đó là các chương trình đồng hành như Chợ quê Ngày Hội ở cầu Ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy),”Áo dài về với di sản”, “Áo dài với sản phẩm gốm Phước Tích” tại làng di sản Phước Tích (thị xã Phong Điền), Tiểu thương Đông Ba với áo dài…

Các hoạt động áo dài cộng đồng ở Huế

Từ một thành phố di sản đến kinh đô áo dài của Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên mà Huế trở thành nơi khơi nguồn cho làn sóng phục hưng áo dài truyền thống. Đây là mảnh đất kết tinh của văn hóa cung đình, lễ nghi, thẩm mỹ, và đời sống thị dân cổ kính. Việc phục dựng áo dài ngũ thân – vốn gắn với ký ức cha ông – đã tạo nên một “di sản sống”, lan tỏa từ nghệ nhân đến người dân, từ sân khấu đến phố phường.

Ngày hội Tuần lễ Áo dài cộng đồng không còn đơn thuần là một sự kiện văn hóa thường niên, mà đã trở thành biểu tượng sống động của tinh thần gắn kết cộng đồng, của nỗ lực bảo tồn di sản trong sự sáng tạo không ngừng. Tà áo dài, từ ký ức quá khứ đến nhịp sống hiện đại vẫn đang tiếp tục hành trình kiêu hãnh giữa lòng Cố đô, như một phần hồn cốt của Huế, khẳng định bản sắc riêng biệt không thể hòa lẫn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Và chính từ những giá trị ấy, Huế hôm nay vững tin bước vào tương lai với hình ảnh một đô thị di sản năng động, sâu sắc và đầy tự hào.

Hương Bình