Trải qua chặng đường 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành kể từ ngày thành lập (31/12/1951), lực lượng An ninh điều tra Công an thành phố Hải Phòng, tiền thân là lực lượng Chấp pháp đã không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố, cùng sự tin yêu, giúp đỡ của Nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài ngành Công an, lực lượng An ninh điều tra đã góp phần quan trọng vào thành tích chung, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Cảng.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2025) và 74 năm Ngày truyền thống của lực lượng An ninh điều tra (31/12/1951 – 31/12/2025), chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để ôn lại chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng An ninh điều tra Công an thành phố Hải Phòng. Những dấu ấn vẻ vang qua các thời kỳ cách mạng không chỉ khắc ghi đóng góp to lớn của lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ pháp luật, nghiệp vụ, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của dân tộc.
Đi qua hai cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước (1951-1975)
Tháng Tám lịch sử năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trước yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất Sở Cảnh sát và Ty Liêm phóng có tên là ”Việt Nam Công an vụ”, đặt nền móng cho lực lượng Công an Nhân dân. Tại Hải Phòng, Ty Công an được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ty Liêm phóng và Ty Cảnh binh, trong đó bộ phận điều tra xét hỏi, tiền thân của lực lượng An ninh điều tra đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các thế lực phản cách mạng như đặc vụ Tưởng, mật thám Pháp, gián điệp Nhật, Việt Quốc, Việt Cách… góp phần giữ vững an ninh chính trị những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng.
Tháng 8/1951, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VI, ngành Công an đã xác lập một bước ngoặt quan trọng trong công tác tổ chức khi thông qua Đề án tổ chức lại hệ thống bộ máy. Đến ngày 31/12/1951, Nghị quyết về tổ chức Nha Công an Trung ương thuộc Bộ Nội vụ được ban hành, với các đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng Nha, Ty Bảo vệ chính trị, Ty Trị an hành chính và Trường Công an trung cấp. Trong đó, Phòng Chấp pháp thuộc Ty Bảo vệ chính trị và Ban Chấp pháp tại các Công an liên khu đã được hình thành, đánh dấu sự ra đời của những tổ chức tiền thân của lực lượng An ninh điều tra trong Công an nhân dân. Nhằm ghi nhận sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, ngày 4/12/1998, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã quyết định lấy ngày 31/12/1951 là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh điều tra.
Ngày 7/5/1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã vang dội khắp năm châu, đánh dấu mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính thức chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong đó có sự phát triển, trưởng thành của lực lượng Công an Nhân dân nói chung và lực lượng An ninh điều tra nói riêng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia.
Sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VI, cơ cấu tổ chức của lực lượng Chấp pháp và hệ thống lý luận về công tác điều tra, xét hỏi trong Công an nhân dân từng bước được định hình và hoàn thiện. Phòng Chấp pháp thuộc Ty Bảo vệ chính trị được tách ra, thành lập Vụ Chấp pháp thuộc Thứ Bộ Công an; tại các địa phương, các Phòng, Ban Chấp pháp lần lượt được thành lập. Cùng với đó, hệ thống pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng được xây dựng với việc ban hành các sắc lệnh quan trọng như: Sắc lệnh số 27 ngày 28/2/1946, Sắc lệnh số 223 ngày 27/11/1946, và Sắc lệnh số 168 ngày 14/4/1948 nhằm trừng trị các hành vi tham ô, bắt cóc, ám sát, tống tiền…
Tại Hải Phòng, từ năm 1951 đến 1952, Ty Công an thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên sâu nhằm xây dựng cơ cấu tổ chức, xác định nhiệm vụ công tác Công an phù hợp với yêu cầu tình hình. Trong các cuộc họp này, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ kinh tế quốc dân được xác định là trọng tâm, với nội dung cốt lõi là điều tra, khám phá âm mưu, thủ đoạn của địch; đấu tranh chống các hoạt động phá hoại trong và ngoài nước; phát hiện, triệt phá các đảng phái phản động và xử lý các hành vi phạm pháp về tư pháp. Giai đoạn này, lực lượng Chấp pháp Công an Hải Phòng đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn thành phố.
Sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VI, cơ cấu tổ chức của lực lượng Chấp pháp và hệ thống lý luận về công tác điều tra, xét hỏi từng bước được định hình và hoàn thiện. Phòng Chấp pháp thuộc Ty Bảo vệ chính trị được tách ra, phát triển thành Vụ Chấp pháp trực thuộc Thứ Bộ Công an; tại các địa phương, các Phòng, Ban Chấp pháp cũng lần lượt được thành lập. Cùng với đó, một số văn bản pháp lý quan trọng như Sắc lệnh số 27 ngày 28/2/1946, Sắc lệnh số 223 ngày 27/11/1946 và Sắc lệnh số 168 ngày 14/4/1948 về việc trừng trị các hành vi tham ô, bắt cóc, ám sát, tống tiền đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tại Hải Phòng, trong giai đoạn 1951–1952, Ty Công an thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức và xác định rõ nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới. Qua đó, nhiều nội dung quan trọng được phân tích, làm rõ, nhấn mạnh yêu cầu: để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân và kinh tế quốc dân, lực lượng Công an phải tích cực điều tra, khám phá âm mưu, thủ đoạn của địch; đấu tranh chống các thế lực phá hoại trong và ngoài nước; triệt phá các đảng phái phản động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp. Trong giai đoạn này, lực lượng Chấp pháp Công an Hải Phòng đã lập được nhiều chiến công tiêu biểu, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn thành phố như:
Tháng 8/1952, lực lượng Chấp pháp Công an Hải Phòng đã điều tra và phát hiện một vụ nội gián nghiêm trọng trong Chi đội 53 mặt trận “V” Hải Phòng. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thị Thanh Vân nguyên là cán bộ của chi đội cùng chồng là Thế Tâm đã phản bội cách mạng, đầu hàng và làm tay sai cho thực dân Pháp.
Trước đó, vào tháng 1/1950, khi địch liên tục mở các đợt tấn công, càn quét tại khu vực Hải Dương, Vân không chịu nổi gian khổ, đã mang con rời bỏ đơn vị và hồi cư về thành phố Hải Phòng. Tại đây, Vân quen biết với hai đối tượng lưu manh là Thành và Huệ, những kẻ có mối liên hệ với đơn vị vũ trang biệt động “Nam Bắc Thành Tô” của ta. Tháng 6/1950, qua giới thiệu của hai tên này, Vân được giao nhiệm vụ theo dõi Lê Thuận, nhân viên Sở mật thám Liên bang Pháp đang hoạt động tại khu vực Hàng Kênh. Tuy nhiên, Vân đã sa vào cạm bẫy tình ái và vật chất của Thuận, sau đó trở thành vợ y và được huấn luyện để hoạt động gián điệp cho Pháp.
Tháng 8/1950, Thế Tâm, chồng cũ của Vân bị bắt và đầu hàng địch và được Phòng Nhì Pháp “thả” về đơn vị cũ, giữ chức Trưởng ban công tác đặc biệt. Theo chỉ đạo của Pháp, Vân và Tâm tái hợp, bí mật hoạt động nội gián. Trong thời gian này, Thế Tâm đã từng bước biến một bộ phận trong Chi đội 53 thành tay chân của địch, trực tiếp chỉ điểm để quân Pháp vây bắt các cơ sở kháng chiến nội thành. Còn Vân đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng, giúp địch phá hoại kế hoạch tấn công của lực lượng “Nam Bắc Thành Tô”, đồng thời tham gia lập kế hoạch “cất vó” nhằm bắt giữ cán bộ của lực lượng này. Ngoài ra, cặp đôi còn chỉ điểm cho Pháp tổ chức các đợt càn quét, vây ráp, bắt giết nhiều cán bộ kháng chiến, gây thiệt hại nặng nề cho ta. Tháng 8/1952, ta phát hiện, điều tra làm rõ mạng lưới nội gián này và phục kích tiêu diệt cả hai đối tượng.
Tháng 10/1952, lực lượng Chấp pháp Công an Hải Phòng tiếp tục lập chiến công xuất sắc khi phát hiện và triệt phá một ổ nhóm phản động thuộc tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng tại xã Đông Tạ, huyện Vĩnh Bảo. Trong chuyên án này, lực lượng công an đã bắt giữ 9 đối tượng cầm đầu, trong đó có tên bí thư chi bộ và 4 tên ủy viên chuyên trách làm nhiệm vụ chỉ điểm, do thám cho địch. Qua công tác đấu tranh khai thác, ta đã mở rộng điều tra, phát hiện và xóa sổ một khu đảng bộ cùng 8 chi bộ Việt Nam Quốc dân đảng đang hoạt động bí mật ở khu vực phía Bắc đường 10 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Bảo, góp phần làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động, củng cố an ninh chính trị vùng nông thôn trọng điểm.

Tháng 6/1953, trong một trận đánh phối hợp hiệu quả, lực lượng Công an và du kích Trạm kiểm soát bến Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng đã bắt giữ tên Lê Phi Hổ, một tay sai nguy hiểm của thực dân Pháp. Hắn cải trang làm thường dân, đi trên canô từ vùng địch, vượt qua vùng du kích, nhằm về bốt Đông Côn để chuẩn bị cho một trận càn lớn vào khu du kích Tiên Lãng. Qua đấu tranh khai thác, lực lượng Công an đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng về âm mưu, kế hoạch tấn công của địch. Những thông tin này đã giúp ta chủ động bố trí lực lượng, tổ chức đánh trả hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi vang dội của trận chống càn tại Tiên Lãng. Sau đó, Tòa án nhân dân đã đưa Lê Phi Hổ ra xét xử công khai, tuyên án tử hình và thi hành án tại đình Chấn Hưng, Tiên Lãng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và khẳng định quyết tâm trấn áp các phần tử phản cách mạng, giữ vững an ninh vùng căn cứ.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Hải Phòng trở thành khu vực tập kết 300 ngày của quân Pháp trước khi rút hoàn toàn khỏi miền Bắc. Lợi dụng tình hình chuyển tiếp đầy biến động, đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện các kế hoạch hậu chiến tại Hải Phòng, nhằm từng bước thay chân thực dân Pháp, biến Việt Nam và toàn Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới.
Dưới vỏ bọc viện trợ và hợp tác, Mỹ tiến hành tuyển chọn, huấn luyện và cài cắm các toán tình báo, gián điệp vào các địa bàn trọng yếu về chính trị, kinh tế, quân sự ở Hải Phòng, Kiến An; đồng thời tung hàng trăm toán gián điệp, biệt kích móc nối với tàn quân phỉ, các phần tử phản động trong nước hòng gây chia rẽ, kích động bạo loạn và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Lực lượng tình báo, gián điệp, đặc vụ còn tiến hành nhiều hoạt động phá hoại công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc.
Thời điểm này, Hải Phòng trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự khi đầy rẫy các loại đối tượng như gián điệp, phản động, ngụy quân, ngụy quyền và các phần tử lưu manh, côn đồ trà trộn hoạt động. Tình hình càng thêm phức tạp khi hàng vạn đồng bào bị cưỡng ép di cư từ nhiều nơi đổ về thành phố, khiến cho bài toán chính trị – xã hội đặt ra cho lực lượng Công an càng thêm nặng nề và cấp bách.
Trước tình hình chính trị – xã hội phức tạp sau chiến thắng Điện Biên Phủ và trong thời kỳ tiếp quản thành phố, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác đấu tranh với các phần tử phản cách mạng và các loại tội phạm khác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, ngày 3/5/1955, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 101/CAND, thành lập Sở Công an Hải Phòng với biên chế ban đầu gồm 775 cán bộ, chiến sĩ.
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, công tác tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn. Đầu năm 1957, Ban Chấp pháp thuộc Phòng Bảo vệ Chính trị và Ban Cảnh pháp thuộc Phòng Trị an Dân cảnh được sáp nhập, hình thành Ban Chấp pháp thống nhất – một đầu mối quan trọng trong công tác điều tra, xử lý các hoạt động phản cách mạng và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Ngày 6/12/1957, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Chấp pháp được đổi tên thành Phòng Chấp pháp, mang phiên hiệu PSD5. Đây là một bước kiện toàn quan trọng về tổ chức, thể hiện sự chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc trong công tác điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Phòng Chấp pháp được giao đảm nhiệm nhiều chức năng, nhiệm vụ trọng yếu, bao gồm: trực tiếp thực hiện các hoạt động bắt giữ, khám xét, hỏi cung, giam giữ; thu thập và bảo quản tang vật, tài liệu liên quan đến các vụ án; xử lý, tập trung giáo dục cải tạo đối tượng; đồng thời trực tiếp quản lý Trại tạm giam và phạm nhân. Ngoài ra, đơn vị còn có nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác bắt, khám xét tại Công an các quận, huyện – góp phần đảm bảo sự thống nhất, hiệu lực trong công tác chấp pháp trên toàn địa bàn thành phố.
Ngày 20/10/1962, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa I, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An được hợp nhất thành một đơn vị hành chính với tên gọi chung là thành phố Hải Phòng. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới về mặt tổ chức hành chính và đặt ra yêu cầu kiện toàn lực lượng công an cho phù hợp với địa bàn rộng hơn, tình hình an ninh phức tạp hơn.

Trong bối cảnh đó, Phòng Chấp pháp Công an thành phố Hải Phòng được tăng cường thêm cán bộ từ Ty Công an Kiến An cũ, đồng thời củng cố lại tổ chức bộ máy gồm ba bộ phận gồm: Đội điều tra xét hỏi án chính trị và làm công tác tập trung cải tạo; Đội điều tra xét hỏi án hình sự phụ trách thêm khâu văn thư, đánh máy và quản lý tang tài vật; Trại tạm giam có quản giáo và văn thư quản trị. Việc kiện toàn tổ chức theo hướng chuyên sâu, phân công rõ ràng từng lĩnh vực công tác đã góp phần nâng cao năng lực điều tra, xử lý tội phạm và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố sau hợp nhất.
Đến năm 1965, để chủ động đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, trước đòi hỏi của tình hình mới, Trại tạm giam của Công an Hải Phòng được tách khỏi Phòng Chấp pháp, trở thành đơn vị độc lập. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Chấp pháp sau đó thực hiện theo Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967 và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970.
Đến năm 1965, trước yêu cầu cấp bách trong bối cảnh đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, Công an thành phố Hải Phòng đã có bước điều chỉnh quan trọng về tổ chức lực lượng để phù hợp với tình hình mới. Trại tạm giam được tách ra khỏi Phòng Chấp pháp, trở thành một đơn vị độc lập, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giam giữ, quản lý và cải tạo can phạm nhân trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Từ thời điểm đó, Phòng Chấp pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý tội phạm theo các cơ sở pháp lý cụ thể. Đặc biệt, chức năng và hoạt động của đơn vị được điều chỉnh, củng cố theo: Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967 và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970. Những văn bản pháp lý này là cơ sở quan trọng để lực lượng Chấp pháp triển khai hiệu quả công tác điều tra, truy tố, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động, đồng thời giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ chiến tranh và hậu chiến.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, Phòng Chấp pháp Công an thành phố Hải Phòng không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều tra, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương mà còn tích cực tham gia chi viện cho các đơn vị tuyến đầu. Nhiều cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ cao đã được tăng cường về các huyện, khu phố và đặc biệt là điều động vào chiến trường miền Nam – nơi đang diễn ra những trận chiến sinh tử vì độc lập, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, tỉnh Quảng Đà – địa phương kết nghĩa với thành phố Hải Phòng – đứng trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực để phục vụ chiến dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả vì tiền tuyến – Tất cả cho Quảng Đà kết nghĩa”, Công an Hải Phòng đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ lên đường chi viện. Trong lực lượng ấy, các cán bộ xét hỏi của Phòng Chấp pháp được tin tưởng giao nhiệm vụ, trực tiếp hỗ trợ Công an Quảng Đà trong công tác điều tra, bảo vệ an ninh trật tự, góp phần quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ khi thành lập đến năm 1975, dù chưa có điều kiện được đào tạo bài bản, hệ thống, nhưng đội ngũ cán bộ xét hỏi của Phòng Chấp pháp Công an thành phố Hải Phòng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phần lớn cán bộ trong lực lượng này được tuyển chọn từ những người có trình độ văn hóa khá, từng trải qua công tác trinh sát, nghiên cứu, có hiểu biết lý luận nhất định. Nhờ đó, lực lượng đã đáp ứng tương đối đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình phức tạp lúc bấy giờ.
Trong giai đoạn này, Phòng Chấp pháp đã ghi dấu nhiều chiến công quan trọng, nổi bật là công tác ổn định và kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Qua thực tiễn công tác, Phòng đã chủ động tham mưu với Giám đốc Công an thành phố về việc phân công, phân cấp công tác điều tra giữa các cấp và các lực lượng: theo đó, cơ quan điều tra cấp huyện và tương đương tiếp nhận, xử lý các vụ việc ít nghiêm trọng, đối tượng bị bắt quả tang hoặc do công an cơ sở chuyển giao; trong khi đó, Phòng Chấp pháp – cơ quan điều tra cấp thành phố – đảm nhiệm điều tra các vụ án phản cách mạng, các vụ án hình sự nghiêm trọng và thực hiện vai trò kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới.
Bên cạnh đó, Phòng cũng tổ chức biên soạn tài liệu, mở các lớp tập huấn nhằm phổ biến văn bản pháp luật, hướng dẫn phân loại các vụ việc từ giai đoạn đầu, cách soạn thảo văn bản tố tụng và các kỹ năng cần thiết trong công tác điều tra. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, hạn chế sai sót trong giải quyết các vụ án và từng bước xây dựng lực lượng điều tra chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.
Song song với việc kiện toàn tổ chức, Phòng Chấp pháp đã khẩn trương tiến hành phân loại và xử lý số đối tượng phạm tội hình sự đang bị giam giữ tại trại tạm giam ngay sau khi tiếp quản thành phố. Công tác này được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ theo ba nhóm đối tượng cụ thể: đối với các đối tượng phạm tội nhẹ, khai báo thành khẩn, có người bảo lãnh, xử lý tha và giao cho người bảo lãnh; đối với các đối tượng phạm tội nhẹ, khai báo thành khẩn nhưng không có người bảo lãnh, xử lý tha và giao cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục; đối với những đối tượng phạm tội nặng, khai báo không thành khẩn, không địa chỉ rõ ràng, không người bảo lãnh thì lập hồ sơ trình ủy ban quân quản thành phố làm thủ tục dẫn giải về trại cải tạo trung ương.
Chủ trương xử lý theo hướng phân hóa rõ ràng, kết hợp giữa khoan hồng và nghiêm minh này đã thể hiện tư tưởng nhân đạo của cách mạng, đồng thời đảm bảo yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự trong giai đoạn tiếp quản đầy khó khăn, phức tạp.
Đối với công tác tập trung giáo dục cải tạo những phần tử nguy hại an ninh quốc gia: Đây là những đối tượng nhiều lần có hoạt động sai phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Bộ phận Chấp pháp được giao hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đề nghị (các văn bản, thủ tục cần thiết…với nội dung cần chú ý là lý lịch và những hoạt động gần nhất của đối tượng), hỗ trợ các đơn vị có nhiều đối tượng trong việc lập hồ sơ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ trên địa bàn thành phố để rà soát lại. Sau đó lập danh sách, báo cáo Hội đồng xét duyệt của Thành phố duyệt (Chủ trì là đại diện Ủy ban nhân dân thành phố, các thành viên là đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an thành phố) và Giám đốc Công an thành phố ký trình Bộ Công an phê chuẩn. Trên cơ sở phê chuẩn của Bộ, bộ phận Chấp pháp phối hợp với các đơn vị triển khai đưa các đối tượng về Trại tạm giam, tổ chức khai thác để thẩm tra lại trước khi thi hành, qua đó đã phát hiện một số trường hợp không đúng diện, phải hủy lệnh hoặc chuyển xử lý biện pháp khác. Kết quả là thành phố đã đưa tập trung giáo dục cải tạo hàng trăm đối tượng có hoạt động phản cách mạng và lưu manh chuyên nghiệp.
Phòng chấp pháp cũng đề xuất chuyển giao việc quản lý, giáo dục những đối tượng tệ nạn xã hội và đối tượng phạm pháp nhiều lần là vị thành niên nên chưa xử lý hình sự được cho các cơ quan hữu quan phụ trách, cơ quan điều tra chỉ tập trung xử lý những đối tượng phạm tội hình sự. Những mô hình như vậy có thể tạo ra cơ hội cho việc cải cách hệ thống tư pháp hình sự, đồng thời cũng giúp các cơ quan điều tra và công an tập trung vào việc giải quyết các tội phạm nghiêm trọng hơn. Việc nhân rộng mô hình này trên toàn quốc có thể góp phần tạo nên một hệ thống pháp lý linh hoạt và phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng.
Trong giai đoạn này, lực lượng Chấp pháp đã điều tra khám phá nhiều vụ gián điệp do địch cài cắm lại để chống phá; đấu tranh với bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa; điều tra, khám phá, bắt giữ, đề nghị truy tố, xét xử nhiều tổ chức và cá nhân phản động khác; điều tra, xử lý các tội phạm khác như tham gia giải quyết các điểm nóng, bắt giữ, xử lý những đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…Những chiến công tiêu biểu của lực lượng Chấp pháp:
Vụ án “Trần Minh Châu (tức Cập) hoạt động gián điệp”: Tháng 8/1954, Cơ quan tình báo Mỹ tuyển chọn 16 tên, chủ yếu là những tên trong đảng Đại Việt, đưa sang đảo Guam huấn luyện gián điệp. Sau khóa huấn luyện 3 tháng, chúng chọn Trần Minh Châu, Bùi Mạnh Tiềm và 5 tên khác cho xâm nhập trở lại miền Bắc, chia làm 3 tổ, hoạt động ở ba địa bàn chính là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định với nhiệm vụ thu thập tin tức về tình hình chính trị, quân sự, kinh tế ở miền Bắc, quản lý và sử dụng các kho vũ khí chôn giấu bí mật để phá hoại và nổi dậy khi có thời cơ, phát triển lực lượng, chuẩn bị địa bàn sẵn sàng đón quân Mỹ Bắc tiến. Để đảm bảo cho toán gián điệp hoạt động, trung tâm chỉ huy của Mỹ ở Sài Gòn đã sử dụng một số đảng viên Đại Việt sinh sống ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định lập sẵn 4 hộp thư làm địa điểm liên lạc bí mật; chôn giấu vũ khí, điện đài ở 8 địa điểm trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Trong đó, Trần Minh Châu vừa phụ trách cả toán gián điệp vừa phụ trách tổ hoạt động ở Hà Nội, Bùi Mạnh Tiềm phụ trách tổ ở Hải Phòng. Chúng đã móc nối với 25 đầu mối ở địa bàn 6 tỉnh, thành phố nhằm phát triển lực lượng ngầm. Ngoài thu thập tin tình báo, tổ chức gián điệp này còn âm mưu tiến hành nhiều vụ phá hoại, như vụ dùng mìn giống viên than kíplê để lẫn trong đống than chuẩn bị đưa lên đầu máy xe lửa chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội nhằm gây nổ cả đoàn tàu nhưng bị ta phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Ngày 3/6/1955, dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Chuyên án đấu tranh với tổ chức gián điệp này được xác lập, lấy bí số là “C30” với mục tiêu là phát hiện bằng hết số đầu mối của chúng, ngăn chặn âm mưu phát triển lực lượng ngầm và đưa người trốn vào Nam, nắm chắc từng đối tượng, quản lý chặt các kho vũ khí và hạn chế giao thông liên lạc của chúng với trung tâm chỉ huy. Bằng tinh thần mưu trí, sáng tạo và hiệp đồng chặt chẽ, ngày 11/11/1958, lực lượng An ninh Hải Phòng trong đó có bộ phận Chấp pháp đã kết hợp với Công an Hà Nội, Nam Định bắt 12 tên, thu giữ rất nhiều vũ khí, đạn, mìn các loại, điện đài…. Sau đó Trần Minh Châu đã bị tuyên án tử hình, Bùi Mạnh Tiềm 20 năm tù, số còn lại đều phải chịu các hình phạt thích đáng.
Vụ án “GM65” đấu tranh với nhóm gián điệp do Mỹ cài lại từ đầu năm 1955 nhằm phá hoại miền Bắc: Sau tiếp quản thành phố, quần chúng phát hiện và giao nộp cho công an nhiều bộ điện đài do Mỹ chế tạo chôn giấu tại nghĩa địa Bảo anh Thiên Thần, nghĩa địa Cây Thông, nghĩa địa Tây, nhà thờ Cấm…. Nhận định đây là điện đài của địch chôn giấu, Công an Hải Phòng lập chuyên án truy tìm, bố trí mật phục nhưng không có kết quả. Đầu năm 1965, Ty Công an Vĩnh Phú phá vụ phản động “cách mạng tư sản dân quyền”, phát hiện tên Nguyễn Tiến Thành làm gián điệp do Mỹ cài lại có vũ khí, điện đài chôn giấu ở Hải Phòng. Theo chỉ thị của Bộ, tên Thành được di lý về Công an Hải Phòng để khai thác và lập Chuyên án đấu tranh. Sau khi xác minh thông tin tên Thành khai về con người, địa chỉ chôn giấu điện đài, vũ khí, ta xác định đây là bọn gián điệp do CIA cài lại và số điện đài ta thu được năm 1955 là một phần số điện đài bọn gián điệp chôn giấu tại Hải Phòng. Việc đấu tranh với tổ chức gián điệp “GM65” rất phức tạp vì chúng được tuyển lựa, tạo được vỏ bọc khá chắc chắn, có tên đã phấn đấu chui sâu, leo cao vào nội bộ ta. Quá trình đấu tranh chuyên án đã bắt gọn toàn bộ 9 tên (trong đó có 4 tên nằm trong nội bộ một số cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn thành phố), thu 11 bộ điện đài, 10 quyển mật mã, 193 súng cacbin, 50 súng ngắn, 3 mìn điện, 109 gói thuốc nổ, 35 hòm đạn và nhiều máy ảnh, bản đồ, la bàn, vàng, tiền, thuốc chữa bệnh. Ngày 4/11/1968, Tòa án nhân dân thành phố đã xét xử công khai nhóm gián điệp này, tuyên phạt tên cầm đầu là Nguyễn Thiện Hồi tử hình, các tên khác từ 5 năm đến 20 năm tù giam. Trong vụ án này, lực lượng Chấp pháp đã rất thành công khi kết hợp nhuần nhuyễn công tác vận động quần chúng với sử dụng các biện pháp nghiệp vụ. Việc xét xử công khai bọn gián điệp Mỹ đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng của cán bộ đảng viên và nhân dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Thực hiện âm mưu Bắc tiến, từ năm 1962 đến năm 1963, Mỹ – Ngụy đã tung nhiều toán gián điệp biệt kích ra miền Bắc bằng đường biển để thu thập tình báo phá hoại. Ngày 20/8/1963, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, quần chúng nhân dân và Công an huyện phát hiện một thuyền chở người khả nghi trên biển đã kịp thời báo chính quyền xã và huy động thêm lực lượng biên phòng tổ chức kêu gọi đầu hàng, vây bắt. Kết quả ta đã bắt một xuồng chở toán gián điệp biệt kích gồm 6 tên với đầy đủ vũ khí, điện đài. Chúng khai là người miền Bắc di cư vào Nam, được Mỹ – Ngụy tuyển dụng, huấn luyện và được tung ra miền Bắc với mục đích hoạt động lâu dài, gây cơ sở trong nội địa, nắm tình hình bố phòng bờ biển của ta, hoạt động phá hoại tàu ra vào cảng Hải Phòng…nhưng âm mưu và hoạt động của chúng đã bị phát hiện, ngăn chặn ngay khi đưa trở lại miền Bắc.
Vụ án “ED69” do tên Âu Trạch Niên cầm đầu làm gián điệp cho CIA: Tháng 8/1969, Sở Công an thành phố nhận được tin báo về tên To Tai Pho và Lam Ping Nam, là thợ đốt lò tàu Elizabeth của Anh, mỗi khi đến Hải Phòng thường lén lút đến nhà Âu Trạch Niên, người Hoa ở số 134 Nguyễn Đức Cảnh, làm công nhân bốc vác ở Cảng Hải Phòng. Ta bố trí lực lượng theo dõi và ngày 24/8/1969 đã phối hợp với Hải quan Hải Phòng tổ chức khám xét người Lam Ping Nam thu được một bản chỉ thị được chụp thành phim với nội dung là trung tâm chỉ huy tình báo của Mỹ đã nhận được bản báo cáo của một đối tượng ở địa bàn Hải Phòng và quy định địa chỉ liên lạc. Nam khai đây là lần thứ hai y thực hiện công việc trên theo yêu cầu của To Tai Pho. Ta đã thuyết phục được Nam cộng tác và báo cáo Bộ lập chuyên án đấu tranh lấy bí số là “ED69”. Trong thời gian ngắn Ban chuyên án đã nắm được âm mưu của cơ quan tình báo Mỹ móc nối, gây cơ sở, cài cắm gián điệp ở địa bàn cảng Hải Phòng để điều tra thu thập tin tức tình báo về công tác tiếp nhận, vận chuyển người, vũ khí, lương thực, thuốc men từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam và chuyển tài liệu cho trung tâm chỉ huy địch ở Hồng Kông qua To Tai Pho. Kết thúc chuyên án, ta đã thu được nhiều tài liệu tình báo, vô hiệu hóa và trục xuất Lam Ping Nam ra khỏi Việt Nam, bắt đối tượng chủ chốt Âu Trạch Niên cùng vợ là Âu Nguyệt Mi và con gái y là Âu Cần Tiên, liên lạc viên của tổ chức gián điệp. Ngày 24/8/1972, Tòa án nhân dân thành phố tuyên Âu Trạch Niên 20 năm tù, Âu Cần Tiên 10 năm tù giam, Âu Nguyệt Mi 5 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Làm rõ tổ chức và đưa ra xét xử công khai về tội tuyên truyền phản cách mạng đối với đối tượng Trần Nhân là con tư sản hiệu giày “Hoàn Toàn” do đã móc nối với một số phần tử phản động ở Pháp, âm mưu xây dựng một nhà nước kiểu Đờ gôn; bắt và truy tố 2 đối tượng cầm đầu nhóm phản động có tên là “Hợp mạng” là Nguyễn Văn Tươi, Trần Minh Hiển; nhóm tề ngụy 10 tên ở xã Chiến Thắng, huyện An Lão hình thành tổ chức phản động “Chi bộ liên hiệp Pháp”; nhóm phản động “Đồng tâm diệt Cộng” ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên… Đáng chú ý là tổ chức phản động “Nhân dân cách mạng Đảng” do các đối tượng Ngô Văn Lới, Nguyễn Văn Quấn, Nguyễn Văn Nhương ở Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên và Đỗ Văn Trà là bộ đội Quân khu 3 đứng ra thành lập tháng 8/1969.
Ngoài ra, lực lượng Chấp pháp cũng tham gia cùng Công an huyện Cát Hải giải quyết vụ một số đối tượng có người nhà bị xử lý trong cải cách ruộng đất gây rối trật tự và làm bị thương cán bộ xã Hoàng Châu; tham gia cùng Phòng cảnh sát trật tự giải quyết vụ gây rối trật tự, cản trở thi công, hành hung cán bộ khi thành phố thực hiện mở rộng Quốc lộ I, đoạn từ chân cầu Niệm đến ngã ba quán Trữ, huyện An Thụy; giải quyết vụ 3 đối tượng nhiều lần đột nhập cửa hàng tre nứa ở Cầu Sưa, huyện Thủy Nguyên cướp tiền của cửa hàng từ cửa hàng trưởng; phối hợp với các đơn vị trinh sát và Công an tỉnh Thái Bình tham gia điều tra vụ Nguyễn Minh Thoản là giáo viên ở huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình làm tem gạo giả và đem ra các thị trường Hải Phòng, Hà Nội, Nam Hà, Hà Bắc tiêu thụ; trực tiếp điều tra vụ Trương Thị Bé, thủ quỹ công ty Công nghệ phẩm tham ô 348.247 đồng (tương đương 250 lượng vàng). Đây là vụ án tham ô lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

Có thể nói, những chiến công thầm lặng của lực lượng Chấp pháp Công an thành phố hải Phòng giai đoạn này đã góp một phần không nhỏ vào chiến công chung của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Những chiến công ấy không chỉ là kết quả của tinh thần mưu trí, dũng cảm, ý chí kiên cường của từng cán bộ, chiến sĩ công an mà còn là minh chứng sống động cho vai trò đặc biệt quan trọng của công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phòng chống gián điệp, và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Qua từng vụ án, từng chuyên án, lực lượng Chấp pháp đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc về nghiệp vụ, bản lĩnh và tinh thần cách mạng, luôn sát cánh cùng nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc. Đó chính là những nền tảng vững chắc góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của dân tộc trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và tiếp tục là niềm tự hào, bài học quý báu cho các thế hệ công an hôm nay và mai sau./.
Nguyễn Anh Cường/Phòng An ninh điều tra Cong an thành phố Hải Phòng