Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Xử lý đúng đắn cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm

ĐNA -

Sự cần thiết phải xử lý đúng đắn cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm. Xử lý chính xác những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm là điều kiện quan trọng củng cố khối đoàn kết trong Đảng và bảo đảm sự nghiệp của Đảng được phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đã chỉ ra một cách sâu sắc rằng: “Đảng ta rất tiền tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những sự sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa. Chúng ta quyết tâm công tác thêm, để làm cho Đảng tiến bộ thêm mãi (1). Tư tưởng này của Người đã khái quát quan điểm, thái độ, phương châm cơ bản của Đảng đối với sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên.

Thứ nhất, bất cứ một cán bộ nào cũng khó tránh khỏi mắc sai lầm, khuyết điểm.
Mọi sai lầm, khuyết điểm đều không có lợi cho sự nghiệp của nhân dân và của Đảng, do đó nên khi mắc sai lầm, khuyết điểm, cố gắng tránh mắc sai lầm, khuyết điểm; khi đã mắc sai lầm, khuyết điểm rồi phải nghiêm chỉnh khắc phục, sửa chữa nhanh. Nhưng cần phải thấy được, một chính đảng, một cán bộ, một cá nhân do chịu hạn chế của điều kiện lịch sử và các nguyên nhân khác, không thể không mắc phải những sai lầm, khuyết điểm này nọ. Không có ai là không mắc sai lầm, khuyết điểm. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành lời dạy của V.I.Lênin khi cho rằng: “Lênin có nói rằng: Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm” (2).

Vì vậy, đó chính là vấn đề chúng ta phải làm thế nào để xử lý đúng đắn đối với những sai lầm, khuyết điểm. Có hai vấn đề mà tính chất không giống nhau, nhưng lại có liên hệ với nhau: Một là, tuyệt đại đa số cán bộ là tốt và tương đối tốt; hai là, mọi cán bộ đều khó tránh khỏi có những sai lầm, khuyết điểm này hoặc sai lầm, khuyết điểm khác, hoặc là những cán bộ từ trước chưa mắc sai lầm, khuyết điểm thì về sau cũng có khả năng mắc sai lầm, khuyết điểm.

Chính vì như vậy, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm từ quá khứ, quyết không được đánh đổ một cán bộ, đồng thời phải thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình, cần phải như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa. Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được” (3). Do đó chúng ta phải thừa nhận là cán bộ mắc phải sai lầm, khuyết điểm trong công tác là thực tế khó tránh khỏi, phải xử lý, đối đãi đúng đối với những cán bộ mắc lỗi.

Thứ hai, người mắc lỗi lầm thường là người sẽ giàu kinh nghiệm.
Trong thời kỳ cách mạng dân chủ nhân dân, Đảng ta đã chỉ rõ: “Có đồng chí nhìn cán bộ một cách cầu toàn, thành kiến với cán bộ phạm sai lầm, không xem xét họ đã tiến bộ ra sao mà chỉ căn cứ một mặt vào những sai lầm đã qua. Những đồng chí đó không thấy rằng trong nhiều trường hợp có những đồng chí đã phạm sai lầm, có khi bị thi hành kỷ luật, một khi đã cố gắng sửa chữa, không hề kém hơn một số đồng chí khác chưa từng bị thi hành kỷ luật. Trái lại, có đồng chí hoàn toàn không xem xét những khuyết điểm, sai lầm đã qua của cán bộ để hiểu cán bộ một cách sâu sắc hơn, chỉ tìm hiểu cán bộ đơn thuần qua khả năng và thái độ hiện tại. Đó cũng là một lệch lạc nữa cần phải tránh” (4).

Chúng ta phải có cách nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử và phát triển về vấn đề này, bởi vì sai lầm, khuyết điểm, mặc dù là không thể tránh khỏi, nhưng cũng không cần phải sợ. Trên một ý nghĩa nhất định, một người không phạm sai lầm, khuyết điểm thì sẽ không tiến bộ. Mỗi lần phạm sai lầm, khuyết điểm đồng thời cũng là mỗi lần ta rút ra được bài học, càng có nhiều bài học kinh nghiệm thì sẽ không ngừng hoàn thiện được bản thân mình. Những điều đúng đắn thông thường được rút ra từ những sai lầm, khuyết điểm. Các phát minh của những nhà khoa học chẳng lẽ không phải có được từ những cuộc thử nghiệm và từ những sai lầm, khuyết điểm đó sao? Một đồng chí phạm một lỗi lầm nhỏ, không sao hết; thực sự mắc lỗi, chỉ cần rút kinh nghiệm, thì năng lực sẽ được nâng cao. Vì vậy, không phải lo cán bộ mắc lỗi, mà phải tạo điểu kiện để họ phát huy tối đa năng lực của mình.

Về lỗi lầm, bản thân nó không phải là điều tốt, nhưng điều xấu cũng có thể biến thành điều tốt. Vì trong số những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm có rất ít người là biết rõ, nhưng vẫn cố tình vi phạm, còn đa số là không biết; khi đã phạm sai lầm, khuyết điểm chúng ta sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm, nhờ đó mà biến thất bại thành thắng lợi, cái gọi là “một lần ngã, một lần bớt dại”, “thất bại là mẹ của thành công” chính là đạo lý này.

Do đó, khi ứng xử với những đồng chí phạm sai lầm, khuyết điểm, chúng ta vừa phải xem xét mặt họ sai lầm, khuyết điểm, vừa phải xem xét phương diện họ sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm và tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Chúng ta nên cho phép cán bộ mắc lỗi, cho phép sửa chữa lỗi lầm, “lập công chuộc tội”. Đó chính là tính nhân văn của Đảng khi đúng đắn cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm.

Đặc biệt, trong điều kiện lịch sử mới, khi mà đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo ở các nước có chế độ chính trị khác nhau dần thay thế các thế hệ cán bộ được tôi luyện qua chiến tranh, được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây để gánh vác sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình này, mắc phải những sai lầm, khuyết điểm nây hoặc sai lầm, khuyết điểm khác là khó tránh khỏi. Chỉ có nhìn nhận đúng đắn sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, mới có lợi cho sự trưởng thành của họ. Tuy nhiên, phải khắc phục cả hai huynh hướng quá tả khuynh hoặc quá hữu khuynh; đặc biệt phải thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với những người có thành tích, phải khen thưởng, đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức” (5).

Thứ ba, nhìn nhận xử lý đúng đắn những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm là mắt xích quan trọng đoàn kết toàn đảng. 

Dù là bất cứ cán bộ nào cũng khó tránh khỏi mắc lỗi nhưng lỗi lầm thường của cán bộ cấp dưới cũng có phần nào trách nhiệm của cán bộ cấp trên. Vì vậy, tổ chức các cấp trên cơ sở xuất phát từ đại cục đoàn kết, Đảng cần phải thực hiện phương châm “ngăn trước, ngừa sau”, “trị bệnh, cứu người”; thậm chí phải “chặt cành, cứu cây” trong xử lý với những cán bộ mắc lỗi. Đồng thời, cũng phải yêu cầu những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm cần có thái độ nghiêm túc đối với khuyết điểm, phải rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, nỗ lực làm tốt công tác cách mạng. Có như thế mới tăng cường khối đoàn kết toàn Đảng, mới có thể cùng nhau phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng.

Nhìn nhận, đối đãi đúng đắn với những cán bộ mắc lỗi là biểu hiện cụ thể sự quan tâm của Đảng đối với cán bộ, là khâu quan trọng trong thực hiện bình thường hoá đời sống trong nội bộ Đảng. Vì vậy, khi ứng xử với người mắc sai lầm, khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhân văn: “Đối những cán bộ sai lầm – Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm” (6); Người còn giải thích thêm: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng. Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo” (7).

Theo đó, mỗi cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm thì chúng ta nên giúp họ sửa chữa… khi ai phạm sai chỉ cần giác ngộ, thiết thực sửa đổi, thì đội ngũ cách mạng nên cho phép người ta tiếp tục cách mạng. Hôm nay phạm sai lầm, khuyết điểm thì công lao trước đây có thể bù lại; nếu trước đây, hôm nay đều phạm sai lầm, khuyết điểm, thì tương lai có thể chuộc tội. Đảng ta cần nỗ lực hết sức để giúp đỡ họ đứng lên, làm như thế mới có lợi cho cách mạng.

Phương thức xử lý đối với cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm

Quán triệt sâu sắc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp luận khi xử lý cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm:

“a) Phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì sai.

b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.
c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng.
d) Không làm máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.

đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng” (8)

Phương châm thi hành kỷ luật của Đảng thể hiện rõ quan điểm, chính sách xử lý của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo Điều 35 Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời” (9). Theo đó cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là, cần phân tích cụ thể, tính lịch sử của lỗi lầm.
Khi phân tích bất cứ một vấn đề xã hội nào, chúng ta cần phải đưa vấn đề đặt vào phạm vi lịch sử nhất định theo như yêu cầu tuyệt đối của lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Đối với những vấn đề lịch sử đặc thù cần phải phân tích một cách cụ thể. Sự khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, cũng như điều kiện chủ quan khách quan dẫn đến sai lầm, khuyết điểm của cán bộ làm cho sai lầm, khuyết điểm có tính chất và mức độ không như nhau: có sai lầm, khuyết điểm là do biết rõ, nhưng cố tình vi phạm; có những sai lầm, khuyết điểm là do không biết. Vì vậy, cần phải phân tích cụ thể sai lầm, khuyết điểm, nhất là cần phải nghiêm khắc phân biệt tính chất phạm sai lầm, khuyết điểm của cán bộ; không thể coi sai lầm, khuyết điểm thông thường trong công tác hoặc sai lầm, khuyết điểm về nhận thức tư tưởng là sai lầm, khuyết điểm về đường lối hoặc chính trị; càng không thể lẫn lộn giữa vấn đề có tính chất trong nội bộ Đảng với vấn đề có tính chất địch – ta.

Hai là, phải phân biệt tình tiết nặng nhẹ của sai lầm, khuyết điểm và thái độ của người phạm lỗi đối với lỗi lầm.
Khi phân tích tình tiết, phải có căn cứ, không được dựa vào ấn tượng chủ quan hoặc “bóng gió”; không được khuếch đại sự thực, đem những lỗi lầm cá biệt, cục bộ, không quan trọng nói thành những lỗi lầm có tính hệ thống, nghiêm trọng; càng không thể giả mạo tư liệu, bức cung, hại cán bộ. Khi phân tích thái độ của cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm phải thực sự cầu thị, thái độ tốt, thì nói là tốt; không được nói tốt thành không tốt. Phải có biện pháp xử lý khác nhau đối với cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm có thái độ tốt và không tốt. Khi cán bộ mắc lỗi thì phải kiểm tra, tuy nhiên nhận thức được lỗi lầm thì phải cần một quá trình, khi cán bộ chưa nhận thức được lỗi lầm thì không được bức họ. Chỉ cần cán bộ mắc lỗi nói rõ được vấn đề thì tức là đã có thái độ tốt. Một người phạm sai lầm, khuyết điểm, trong quá trình nhận thức và kiểm tra lỗi lầm, đôi lúc sẽ có hiện tượng tái phạm, điều này không có gì là kỳ lạ, chúng ta nên kiên trì giúp họ nâng cao nhận thức, thôi thúc họ tự rút kinh nghiệm, nghiêm túc nhận thức và sửa chữa lỗi lầm.

Ba là, xử lý có tổ chức đối với những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm phải hết sức thận trọng.
Khi tiến hành xử lý một cách có tổ chức, cần phải nỗ lực thực hiện thực sự cầu thị nghiêm túc trận trọng, đã thận trọng ròi còn phải lật đi, lật lại nữa. Đối với những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm thông thường, nên cố gắng không xử phạt hoặc ít xử phạt. Nhưng đối với những lỗi lầm thực sự nghiêm trọng thì không xử phạt sẽ không giáo dục được mọi người, nên phải có những hình thức xử phạt thích đáng theo kỷ luật của Đảng. Đối với những người nhiều lần tái phạm lỗi lầm, bao nhiêu lần rồi mà không chịu sửa thì càng phải xử phạt nghiêm khắc hơn. Khi giải quyết vấn đề cán bộ phạm lỗi cần phải phòng tránh và phản đối hai khuynh hướng, vừa không thể thực hiện chủ nghĩa trừng phạt, xử phạt cán bộ quá nghiêm khắc, cũng không thể nhượng bộ, đáng xử phạt thì không phạt. Kết luận và xử lý phải để lối thoát cho cán bộ, phải được tập thể đảng ủy thông qua, đồng thời phải gặp gỡ cán bộ phạm lỗi lắng nghe ý kiến của họ và cho phép họ bảo lưu ý kiến. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh cn dặn: “Sửa chữa sai lầm cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, khuyết điểm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng” (10).

Bốn là, cần phải đoàn kết và giúp đỡ những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm. Những người mắc lỗi phần lớn đều muốn có cơ hội sửa chữa, muốn nhận lại được sự tín nhiệm của tổ chức và các đồng nghiệp. Và cũng chỉ có thực tiễn mới kiểm chứng được họ thực sự nghiêm chỉnh nhận thức và muốn sửa chữa lối lầm hay không. Điều này đòi hỏi phải tạo điều kiện cho những cán bộ mắc lỗi thực hiện nguyện vọng của họ. Do dó, cần phải tận tình khuyến khích và giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm, không được kỳ thị họ. Sau khi phê bình và xử lý một cách có tổ chức, những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm cần phải kịp thời phân công công tác cho họ; không được để họ đứng bên lề lâu, phải thực tâm hoan nghênh họ, coi trọng họ như những người khác. Khi cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm đã rút kinh nghiệm, nghiêm túc sửa chữa, có biểu hiện tốt, có thành tích, có thể lại cho họ đảm nhận những công việc quan trọng.

Năm là, đối với những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm, không thể chỉ đòi hỏi tổ chức và đồng nghiệp cư xử đúng đắn, mà trước hết phải tự mình nhận thức một cách sâu sắc về lỗi lầm của mình.
Khi phạm sai lầm, khuyết điểm cần dũng cảm đối diện và thừa nhận lỗi lầm, dám tự phê bình, khiêm tốn, thành ý lắng nghe sự phê bình của tổ chức, của đồng nghiệp và chịu sự xử lý của họ; cần phải tìm ra nguyên nhân chủ quan gây nên sai lầm, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm, thiết thực sửa chữa để làm việc tốt hơn cho Đảng.

Xử lý thấu tình, đạt lý cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm là việc khó, nhưng rất cần thiết, không thể không làm. Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hàng ngày không thể tránh khỏi mắc khuyết điểm, bị sai lầm; chúng ta không sợ mắc khuyết điểm, không sợ bị sai lầm; điều quan trọng là không giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của mình, tìm ra nguyên nhân dẫn tới khuyết điểm, sai lầm, rồi tìm mọi cách để sửa chữa và quyết tâm sửa chữa; mặt khác, tuỳ theo tội nặng hay tội nhẹ, Đảng phải xử phạt cán bộ bị sai lầm cho đúng. Đối với những cán bộ, đảng viên cố ý sai lầm, cố tình phá hoại mà ngoan cố, không chịu ăn năn, sửa chữa, Đảng phải có kỷ luật thích đáng, không để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Có vậy, Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng mới tiến bộ không ngừng, mới thật sự “là đạo đức, là văn minh”./.

Trích dẫn TCĐNA số tháng 4 (TS.Hà Sơn Thái – Học viện Chính trị BQP)

Chú thích:

(1) (6) (7) (8) (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304; tr.323; tr.323; tr.304-305; tr.322-323

(2) (3) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.336; tr.336-337.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.760

(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.170

(9) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.54.