Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa không còn bị giới hạn trong phạm vi quốc gia mà liên tục giao thoa và lan tỏa trên toàn thế giới. Việt Nam chủ động hội nhập văn hóa quốc tế sâu rộng, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc, thể hiện qua chiến lược “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam” và “Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Tiêu biểu cho tiến trình này là Cố đô Huế, nơi vừa quảng bá tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới, vừa tiếp thu giá trị nhân loại trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Hai chiều hội nhập, một hướng phát triển
Trong dòng chảy toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam đang bước vào một giai đoạn hội nhập hai chiều đầy năng động và bản lĩnh. “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam” không chỉ là việc giới thiệu tà áo dài, nhạc cung đình hay các giá trị truyền thống tại các sân khấu, triển lãm quốc tế, mà còn là hành trình đưa bản sắc dân tộc lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới.
Ở chiều ngược lại, “Việt Nam hóa văn hóa quốc tế” thể hiện tinh thần tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa nước ngoài từ nghệ thuật, thể thao, đến phong cách sống để làm giàu thêm cho đời sống văn hóa trong nước mà không làm phai mờ cốt lõi dân tộc.
Hai quá trình tưởng chừng đối lập ấy thực chất lại song hành và tương hỗ, tạo nên một hướng phát triển bền vững: hội nhập để khẳng định mình, tiếp biến để hoàn thiện mình. Trong dòng chảy ấy, văn hóa Việt không chỉ giữ được bản sắc mà còn vươn lên mạnh mẽ, tự tin khẳng định sức hấp dẫn trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Huế, cánh cửa mở ra thế giới và đón thế giới về
Nằm ở trung tâm dải đất miền Trung, Huế không chỉ là vùng đất mang dấu ấn vàng son của một kinh đô xưa mà đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, sáng tạo và kết nối di sản mang tầm quốc gia và quốc tế.
Với triết lý “giữ hồn xưa trong dáng hình hiện đại”, Huế tiên phong trong hành trình đưa văn hóa Việt ra thế giới và đón nhận tinh hoa nhân loại một cách bản lĩnh và có chọn lọc. Không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống, Huế còn linh hoạt chuyển mình để trở thành cánh cửa hội nhập , nơi văn hóa được giao thoa, lan tỏa và thăng hoa trong nhịp sống đương đại.

Festival Huế, hào khí di sản và đối thoại toàn cầu
Ra đời từ năm 2000, Festival Huế không chỉ là sự kiện văn hóa thường niên mà đã trở thành thương hiệu văn hóa quốc tế mang đậm bản sắc Việt. Trên nền tảng di sản cố đô, lễ hội là nơi tái hiện sinh động các giá trị cung đình, dân gian và nghệ thuật đương đại Việt Nam, đồng thời mở ra không gian đối thoại văn hóa đa phương với sự góp mặt của hàng trăm đoàn nghệ thuật đến từ khắp thế giới.
Từ Pháp, Hàn Quốc đến Mexico, Bỉ…, mỗi kỳ Festival là một “đại tiệc văn hóa” đa sắc màu, nơi công chúng được thưởng thức những màn trình diễn độc đáo từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Song hành với đó là niềm tự hào khi các làn điệu Nam ai, Nam bình hay vũ khúc Hoa đăng, Bát dật của Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận nồng nhiệt.
Festival Huế vì thế không chỉ là dịp quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, mà còn là minh chứng sống động cho một mô hình hội nhập văn hóa hai chiều – nơi di sản đối thoại bình đẳng và sáng tạo cùng nhân loại.

Thể thao, kênh đối thoại mới giữa các nền văn hóa
Không chỉ là điểm hẹn của nghệ thuật, Huế còn khẳng định vai trò là trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế quy mô, như VnExpress Marathon Huế, Coupe de Huế, giải đua xe đạp phong trào theo chuẩn quốc tế, hay các giải đá cầu châu Á. Những sự kiện này thu hút hàng nghìn vận động viên và du khách quốc tế, góp phần tạo nên sân chơi lành mạnh, đồng thời trở thành cầu nối giao lưu văn hóa đầy hiệu quả.
Với tính toàn cầu và phổ quát, thể thao đang trở thành con đường ngắn nhất để văn hóa các quốc gia gặp gỡ nhau trong tinh thần hữu nghị và nhân văn. Mỗi giải đấu tại Huế không chỉ là cuộc tranh tài thể lực, mà còn là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa cố đô, về con người Việt Nam thân thiện, bản lĩnh và hiếu khách.

Di sản, giao thoa và gìn giữ
Huế là địa phương duy nhất tại Việt Nam sở hữu tới 8 di sản được UNESCO vinh danh, bao gồm cả vật thể và phi vật thể như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình, các bản đúc nổi trên Cửu đỉnh, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm lớn trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Huế đã chủ động thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín như UNESCO, JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc), Đại học Waseda, Viện Bảo tồn di sản Pháp, Cục Di sản Hàn Quốc, và các tổ chức bảo tồn của Đức… để triển khai hàng loạt dự án bảo tồn và trùng tu di sản.
Không chỉ là nơi tiếp nhận hỗ trợ, Huế còn là điểm gặp gỡ của tri thức và tâm huyết. Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đã đến đây “truyền nghề, truyền lửa” cho đội ngũ làm công tác bảo tồn trong nước. Những công trình như phục dựng điện Cần Chánh, trùng tu cung An Định, điện Phụng Tiên, Tả Vu, Bi Đình lăng Tự Đức hay Hữu Tùng Tự – lăng vua Minh Mạng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa tri thức bản địa và tinh hoa công nghệ, kỹ thuật quốc tế – góp phần gìn giữ di sản trong dòng chảy hội nhập.

Bước ra thế giới không chỉ là biểu trưng, mà là hiện diện
Không chỉ chờ đón bạn bè quốc tế đến với mình, Huế đang từng bước chủ động hiện diện trên các sân khấu toàn cầu bằng chính bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần hội nhập mạnh mẽ. Năm 2025, Huế vinh dự là địa phương đại diện Việt Nam tham dự Triển lãm Thế giới Expo Osaka – một trong những sự kiện quốc tế quy mô lớn với hàng chục triệu lượt khách tham quan.
Tại đây, Huế sẽ giới thiệu những tinh hoa văn hóa đặc trưng như áo dài truyền thống, âm nhạc cung đình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các mô hình du lịch sáng tạo, mở ra không gian đối thoại không biên giới – nơi văn hóa Việt hiện diện sống động giữa lòng thế giới.
Ngoài việc tham dự Expo Osaka, Huế còn tích cực tham gia các sự kiện giao lưu, hoạt động kỷ niệm lớn tại TP. Hồ Chí Minh và các quốc gia đối tác nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước. Mỗi lần xuất hiện là một lần văn hóa Huế làm tròn vai “đại sứ mềm”, góp phần khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Đào tạo nhân lực, nền tảng của hội nhập
Một điểm sáng trong chiến lược quốc tế hóa văn hóa của Huế chính là tầm nhìn dài hạn dành cho công tác đào tạo nhân lực. Nhận thức rõ con người là trung tâm của mọi tiến trình phát triển, Huế đang đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật như Trường Đại học Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và các đơn vị nghệ thuật, bảo tồn di sản trên địa bàn.
Từ việc cử cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài, tổ chức các hội thảo chuyên đề, workshop quốc tế, đến mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài về giảng dạy tại chỗ, Huế đang xây dựng một thế hệ cán bộ văn hóa di sản có chuyên môn sâu, tư duy toàn cầu và bản lĩnh văn hóa vững vàng. Đây chính là nền tảng để hội nhập không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành thực tiễn vững chắc, nơi bản sắc dân tộc được giữ gìn trong quá trình tiếp cận và hợp tác với thế giới.

Văn hóa là nhịp cầu vững bền cho hội nhập
Câu chuyện của Huế là minh chứng sống động cho nhận định: quốc tế hóa văn hóa Việt Nam không chỉ là hành động đưa “cái đẹp của mình ra thế giới”, mà còn là một hành trình học hỏi, tiếp nhận và làm giàu bản sắc dân tộc bằng tinh thần cởi mở, bản lĩnh và tự tin. Ngược lại, Việt Nam hóa văn hóa quốc tế là quá trình chắt lọc và sáng tạo những giá trị ngoại lai trên nền tảng văn hóa truyền thống.
Trong dòng chảy ấy, Huế nổi bật như một điểm hội tụ và lan tỏa: nơi giao thoa văn hóa nhưng không đánh mất gốc rễ, nơi hiện đại song hành với truyền thống, và nơi toàn cầu hóa làm nổi bật thêm bản sắc Việt. Chính văn hóa, với chiều sâu di sản và sức sống đổi mới đang trở thành cây cầu vững bền đưa Huế nói riêng, Việt Nam nói chung, vươn ra thế giới một cách bền vững và tự tin.

Từ thành công của Huế, có thể rút ra một số định hướng chiến lược:
- Xây dựng chính sách quốc tế hóa văn hóa gắn với đặc thù di sản.
- Đầu tư phát triển nhân lực văn hóa đạt chuẩn quốc tế.
- Tạo điều kiện hạ tầng và cơ chế để tiếp nhận – lan tỏa văn hóa nhân loại.
- Phát huy vai trò của văn hóa – thể thao – di sản trong ngoại giao Nhân dân.
Chừng nào văn hóa còn giữ vai trò là căn cốt vững vàng, chừng đó Việt Nam còn tự tin vững bước trên hành trình hội nhập quốc tế không chỉ về kinh tế, chính trị mà sâu sắc và bền vững ở tầng sâu giá trị con người và bản sắc dân tộc. Trong hành trình ấy, Huế với tinh thần “Kinh đô xưa – Vận hội mới” – không chỉ gìn giữ quá khứ huy hoàng mà còn tiên phong mở lối cho tương lai.
Bằng sự kết hợp hài hòa giữa di sản và sáng tạo, giữa nội lực văn hóa và sức bật hội nhập, Huế đang viết nên một chương mới đầy bản lĩnh, cảm hứng và trách nhiệm cho văn hóa Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Đó không chỉ là niềm tự hào của một vùng đất, mà còn là hình ảnh thu nhỏ của một Việt Nam đang từng ngày lớn lên giữa thế giới bằng chính giá trị riêng có của mình.
Hương Bình