Thứ Tư, Tháng 7 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sắc màu Hanbok giữa lòng Cố đô, điểm nhấn Á Đông trong đêm khai mạc Festival Huế 2025



ĐNA -

Với chủ đề “Áo dài – Trong dòng chảy lịch sử và hội nhập với thế giới”, chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc Festival Huế 2025 mùa Hạ sẽ diễn ra vào tối 6/6 tại Cung An Định, mang đến một không gian văn hóa đậm đà bản sắc nhưng cũng đầy tinh thần thời đại. Trong đêm hội ấy, Hanbok Fashion Show trình diễn trang phục truyền thống Hàn Quốc sẽ là một trong những điểm nhấn đặc sắc, góp phần thắt chặt mối liên kết văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia Đông Á trong không gian nghệ thuật đậm chất di sản nhưng vẫn mang hơi thở đương đại.

Áo dài và hành trình giao lưu văn hóa Đông Á
Lấy áo dài làm trung tâm, chương trình khai mạc không chỉ tôn vinh vẻ đẹp truyền thống Việt mà còn mở rộng biên độ văn hóa khi kết nối với các trang phục biểu tượng của khu vực Đông Á như Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản và Trường sam của Trung Quốc. Trong sự kiện đặc biệt này – đêm chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị chính quyền các nước Đông Á tổ chức tại Huế đầu tháng 6 – những bộ quốc phục sẽ cùng xuất hiện trên một sân khấu chung, tạo nên một bức tranh sinh động về sự đa dạng và giao thoa văn hóa khu vực.

Sự hiện diện của Hanbok không chỉ mang tính trình diễn thời trang mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị và kết nối bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc – hai quốc gia có nền văn hóa lâu đời, đồng thời đang ngày càng tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, nghệ thuật và giao lưu nhân dân.

Hanbok, linh hồn văn hóa Hàn Quốc
Hanbok từ lâu đã được xem là biểu tượng văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc. Với kiểu dáng mềm mại, uyển chuyển, màu sắc nổi bật rực rỡ, hoa văn tinh xảo, Hanbok thể hiện sự thanh lịch, đoan trang và mỹ cảm phương Đông. Mỗi thiết kế Hanbok không chỉ là một sản phẩm thời trang mà còn chứa đựng trong đó lịch sử, mỹ học và linh hồn của dân tộc Hàn Quốc.

Tại đêm khai mạc Festival Huế mùa Hạ, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những bộ Hanbok đặc sắc đến từ các thương hiệu và nhà thiết kế uy tín của Hàn Quốc như Jo Ha Young và Sung-ae Kim, cùng sự tham gia của các công ty nghệ thuật như ORIHERI Co., Ltd và J Actors Entertainment, những đơn vị có kinh nghiệm và uy tín hoạt động trong lĩnh vực quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới.

Cầu nối giao lưu văn hóa Việt – Hàn
Đặc biệt, chương trình Hanbok Fashion Show có sự tham gia của bà Trần Thị Ngọc Diệp – CEO của ORIHERI Co., Ltd kiêm đại diện của Hiệp hội xúc tiến văn hóa di sản (HCPA) và Hiệp hội văn hóa thủ công hoàng gia Hàn Quốc (ARCC); ông Jeong Kyung Hoon, CEO của J Actors Entertainment; bà Kim Min Yeong, CEO của Hanbok Suhhyeon; bà Kim Sungae, Nhà thiết kế kiêm CEO của Young Ji Hanbok; Nhà thiết kế Hanbok Jo Ha Young và các đơn vị đã góp phần quan trọng trong hợp tác sản xuất nội dung, đồng thời thiết lập cầu nối, kết nối nghệ sĩ, nhà thiết kế, người mẫu Hàn Quốc đến Huế và tạo nên chương trình trình diễn mang tầm khu vực này.

Để có một show diễn thời trang văn hóa di sản thành công và chuyên nghiệp, là cả một hành trình hợp tác bền chặt và tâm huyết của những con người yêu văn hóa, mong muốn đưa di sản dân tộc ra khỏi biên giới quốc gia để đến gần hơn với công chúng quốc tế. Sự kiện tại Huế lần này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và kết nối văn hóa trong bối cảnh hội nhập khu vực.

Sân khấu di sản, không gian trình diễn của văn hóa Đông Á
Cung An Định, địa điểm được chọn làm sân khấu cho đêm khai mạc vốn là một công trình kiến trúc độc đáo pha trộn giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây, mang vẻ đẹp cổ kính và thanh lịch. Khi ánh đèn sân khấu thắp sáng những mái vòm, hành lang và bức phù điêu trăm tuổi, nơi đây sẽ trở thành phông nền lý tưởng để Hanbok, Kimono, Trường sam và Áo dài cùng khoe sắc.

Trong một không gian sân khấu di sản đặc biệt như vậy, mỗi bước catwalk sẽ không đơn thuần là sự trình diễn trang phục, mà còn là sự chuyển động của những giá trị văn hóa đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử của mỗi dân tộc. Hanbok sẽ sánh bước cùng các quốc phục khu vực trong tinh thần sẻ chia, đối thoại và tôn vinh bản sắc.

Chào đón tương lai từ di sản
Chương trình Hanbok Fashion Show cùng với màn trình diễn áo dài và quốc phục các nước kết hợp với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc không chỉ nhằm tạo nên một đêm hội mãn nhãn mà còn mang ý nghĩa biểu tượng: Di sản không là điều xưa cũ, mà là chất liệu để khơi nguồn sáng tạo và kết nối tương lai. Sự kiện là một phần trong định hướng của Festival Huế năm nay: khai thác chiều sâu di sản văn hóa để mở rộng giao lưu, hợp tác và phát triển bền vững.

Việc đưa quốc phục các nước Đông Á đến trình diễn tại Huế cũng là một cách thể hiện rõ tinh thần chủ đề “Kinh đô xưa – Vận hội mới” mà Festival Huế 2025 hướng đến: Huế – với cốt lõi là một đô thị di sản – đang từng bước trở thành một trung tâm văn hóa mang tầm khu vực, nơi hội tụ các giá trị bản địa và quốc tế, truyền thống và hiện đại.

Hanbok Fashion Show không chỉ là một màn trình diễn nghệ thuật, mà còn là biểu tượng cho sự giao hòa và kết nối giữa các nền văn hóa Đông Á. Trong khoảnh khắc Hanbok, Kimono, Trường sam và Áo dài cùng hội tụ dưới ánh đèn sân khấu tại Cung An Định, vẻ đẹp truyền thống của mỗi quốc gia được tỏa sáng trong sự giao thoa đầy trân trọng. Và giữa dòng chảy hội nhập ấy, Áo dài Việt Nam vẫn giữ vững vị thế như một biểu tượng văn hóa dân tộc mềm mại, kiêu hãnh nhưng không biệt lập. Đó chính là tinh thần mà Festival Huế hướng tới: hội nhập để phát triển, nhưng không bao giờ quên cội nguồn, một bản sắc Việt Nam bền vững trong lòng bạn bè quốc tế.

Hương Bình – Minh Anh