Thứ Tư, Tháng 7 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Liệu việc cắt giảm thuế cho các công ty có thể kích thích nền kinh tế trở lại không?



ĐNA -

Ngày 5/6/2025, báo điện tử NachDenkSeiten (Đức) đăng bài viết của nhà báo Lutz Hausstein với tiêu đề “Liệu việc cắt giảm thuế cho các công ty có thể kích thích nền kinh tế trở lại không?”. Bài viết đặt vấn đề về hiệu quả thực sự của chính sách giảm thuế doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế châu Âu trì trệ, đồng thời cảnh báo nguy cơ gia tăng bất bình đẳng và áp lực ngân sách nếu tiếp tục chạy theo mô hình tăng trưởng thiếu bền vững.

Liệu việc cắt giảm thuế cho các công ty có thể kích thích nền kinh tế trở lại không?

Lập luận ủng hộ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp thường được trình bày một cách đơn giản và tưởng chừng hợp lý: khi thuế giảm, doanh nghiệp giữ lại được nhiều tiền hơn để đầu tư. Các khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản lượng, nâng cao năng suất, tăng doanh thu và tạo thêm việc làm. Nghe có vẻ thuyết phục, hợp lý, thậm chí đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, liệu lập luận ấy có đang bỏ qua những chi tiết quan trọng, những yếu tố tưởng nhỏ nhưng đủ để khiến toàn bộ “tòa nhà lý thuyết” này sụp đổ?

Bộ trưởng Tài chính mới của Đức, Lars Klingbeil (SPD), đang lên kế hoạch cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu. Động thái này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nhóm vận động hành lang doanh nghiệp như Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) và Liên đoàn Chủ sử dụng lao động Đức (BDA), cùng các viện nghiên cứu kinh tế theo khuynh hướng tân tự do như ifo, RWI và IfW. Ngoài ra, không ít cây bút kinh tế trong giới truyền thông Đức cũng sẽ tán thành hướng đi này.

CDU/CSU không chỉ là đối tác liên minh lớn của SPD trong chính phủ hiện tại và đã chấp thuận đề xuất cắt giảm thuế, mà còn là lực lượng đã kiên trì thúc đẩy chính sách này suốt nhiều năm qua. Dù FDP không còn ghế trong Quốc hội Liên bang sau cuộc bầu cử năm 2025, việc cắt giảm thuế cho doanh nghiệp vẫn là dấu ấn chính trị đặc trưng của đảng này và chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, bất kể họ có đại diện trong quốc hội hay không. Với sự đồng thuận rộng rãi từ nhiều phía như vậy, liệu tất cả họ có thể cùng sai lầm?

Tuy nhiên, sự đồng thuận rộng rãi ấy không đồng nghĩa với việc chính sách đề xuất là đúng đắn. Cùng lắm, nó chỉ cho thấy các bên liên quan đang muốn bơm thêm nguồn lực tài chính vào khu vực doanh nghiệp. Nhưng điều đó không đảm bảo bất kỳ kết quả tích cực nào. Bởi lẽ, cả ông Klingbeil lẫn bất kỳ ai khác đều không thể tạo ra tăng trưởng kinh tế chỉ bằng cách rót thêm tiền cho doanh nghiệp. Trong kịch bản lạc quan nhất, các nguồn tài chính sẵn có chỉ là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ để mở rộng sản xuất và phục hồi kinh tế.

Sau khi được cắt giảm thuế, các doanh nghiệp có nhiều tiền hơn trong tay, họ có toàn quyền sử dụng số tiền này theo ý muốn. Họ có thể đầu tư, nhưng cũng hoàn toàn có thể dùng để lập quỹ dự phòng, mua lại cổ phiếu, rút vốn cá nhân (với công ty tư nhân) hoặc chi trả cổ tức.

Vấn đề cốt lõi và cũng là điều mà các “chuyên gia kinh tế” nên tự hỏi là: Tại sao doanh nghiệp lại phải đầu tư số tiền bổ sung đó? Động cơ đầu tư không đơn giản chỉ đến từ việc có tiền. Hãy hỏi một người thợ thủ công nhỏ quanh góc phố xem khi nào anh ta sẽ mua thêm máy móc hay thuê thêm nhân viên, câu trả lời gần như luôn là: khi anh ta dự đoán nhu cầu sẽ tăng trong tương lai.

Tiền không tự sinh ra đầu tư. Nhu cầu mới là yếu tố quyết định. Nếu không có triển vọng đơn hàng tăng, không ai dại gì mở rộng sản xuất chỉ vì có thêm tiền. Một nhà sản xuất ô tô ở Đức sẽ không mua thêm dây chuyền chỉ vì thuế giảm, họ sẽ trả cổ tức cao hơn cho cổ đông, hoặc giữ lại vốn nếu luật cho phép. Đơn giản là: mở rộng sản xuất để làm gì nếu thị trường không có thêm người mua? Cắt giảm thuế không tạo ra khách hàng. Và nếu không có khách hàng, sẽ chẳng có đầu tư hay tăng trưởng thực sự.

Thực tế rằng trong nhiều thập kỷ qua, cắt giảm thuế cho các tập đoàn lại được xem như công cụ duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thấy một sự phá sản rõ rệt về mặt trí tuệ. Sự thống trị gần như tuyệt đối của tư duy chính sách kinh tế hướng cung vốn ăn sâu không chỉ trong giới hoạch định chính sách mà cả trong giảng dạy tại các trường đại học Đức từ lâu đã bị các nhà kinh tế theo hướng cầu, như Heiner Flassbeck, chỉ trích dữ dội. Và họ hoàn toàn có lý.

Nếu chính phủ liên bang hiện tại, liên minh đen-đỏ không thay đổi đường lối, chúng ta sẽ lại chứng kiến một viễn cảnh quen thuộc: tăng trưởng kinh tế như lời hứa sẽ không thành hiện thực, trong khi nguồn lực tài chính công lại tiếp tục chảy vào túi các tầng lớp doanh nghiệp giàu có nhất một cách hợp pháp nhưng đầy phi lý.

Một nền kinh tế thực sự phục vụ lợi ích chung cần được tổ chức lại một cách căn bản. Thay vì tiếp tục đặt niềm tin mù quáng vào các biện pháp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, điều cần thiết là phải tăng thu nhập đáng kể cho những nhóm dân cư có mức sống thấp, những người hiện không đủ khả năng biến nhu cầu thiết yếu thành sức mua thực tế. Người về hưu với lương hưu thấp, cha mẹ đơn thân, người thất nghiệp, các gia đình đông con hay những người sống trong nghèo đói vì hoàn cảnh, chính họ mới là lực đẩy tiềm năng của nhu cầu nội địa nếu được tiếp cận thêm nguồn lực tài chính.

Chi tiêu từ các nhóm này sẽ nhanh chóng quay trở lại nền kinh tế dưới dạng tiêu dùng thực, từ đó kích thích sản xuất, việc làm và tăng trưởng bền vững. Đó là một logic kinh tế đơn giản, rõ ràng nhưng đáng tiếc, lại bị giới chính trị và truyền thông phớt lờ trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới, vì một nền kinh tế phục vụ số đông, chứ không phải đặc quyền cho thiểu số.

Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.nachdenkseiten.de/?p=134041