Trước những hành động quân sự leo thang của Israel tại Dải Gaza và Bờ Tây, làn sóng chỉ trích quốc tế ngày càng gia tăng. Các chính phủ phương Tây không chỉ dừng lại ở lời lên án mà đang bắt đầu triển khai các biện pháp trả đũa cụ thể. Ngày 10/6/2025, đài truyền hình NTV (Cologne, Tây Đức) đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Quyết định không thể chấp nhận được – Các nước phương Tây trừng phạt các bộ trưởng Israel”, cho biết ít nhất năm quốc gia phương Tây đã tiến hành trừng phạt trực tiếp một số bộ trưởng trong chính phủ Israel.

Anh, Úc, Canada, New Zealand và Na Uy đã đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai bộ trưởng cực hữu của Israel vì những phát ngôn mang tính kích động thù địch nhằm vào người Palestine tại khu Bờ Tây. Theo tuyên bố chung của ngoại trưởng năm quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir đã có những lời lẽ kêu gọi “bạo lực cực đoan” và “vi phạm nghiêm trọng quyền con người của người Palestine”.
Chính phủ Anh cho biết các lệnh trừng phạt bao gồm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản, trong đó lệnh cấm nhập cảnh cũng được áp dụng bởi Na Uy. Chính quyền Israel đã phản ứng một cách giận dữ, gọi các biện pháp này là “phẫn nộ” trong một tuyên bố chính thức.
Ngoại trưởng năm nước nhấn mạnh rằng những phát ngôn cực đoan kêu gọi cưỡng bức di dời người Palestine và mở rộng các khu định cư Do Thái là “đáng sợ và nguy hiểm”. Họ khẳng định các biện pháp trừng phạt được đưa ra chủ yếu do tình hình leo thang tại Bờ Tây, nhưng không thể tách rời khỏi “thảm họa nhân đạo” đang diễn ra ở Dải Gaza.
Smotrich và Ben-Gvir che đậy hành vi bạo lực của những người định cư hiếu chiến
Vào cuối tháng 5, chính phủ Israel tuyên bố kế hoạch xây dựng 22 khu định cư mới tại Bờ Tây bị chiếm đóng – một động thái vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Khu Bờ Tây cùng với Đông Jerusalem và các vùng lãnh thổ khác đã bị Israel chiếm giữ từ cuộc chiến tranh năm 1967. Hiện nay, hơn 700.000 người Israel đang sinh sống tại các khu định cư ở những khu vực này, giữa khoảng ba triệu người Palestine. Theo luật pháp quốc tế, các khu định cư của Israel bị xem là bất hợp pháp.
Hai bộ trưởng cực hữu trong chính phủ Israel – Bezalel Smotrich (Bộ trưởng Tài chính) và Itamar Ben-Gvir (Bộ trưởng An ninh Quốc gia) – là những người ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái. Họ bị cáo buộc không chỉ thúc đẩy việc chiếm đất, mà còn bao che cho các hành vi bạo lực do những người định cư cực đoan gây ra với người dân Palestine tại Bờ Tây. Theo tuyên bố của các ngoại trưởng Anh, Úc, Canada, New Zealand và Na Uy, bạo lực ngày càng leo thang một phần do bị kích động bởi lời lẽ cực đoan từ các quan chức cấp cao Israel. Hậu quả là nhiều dân thường Palestine thiệt mạng và một số cộng đồng bị cưỡng bức di dời.
Ngoài ra, Smotrich gần đây đã công khai đe dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Dải Gaza, trong khi Ben-Gvir kiên quyết phản đối việc nối lại các chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ này sau khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa. Trước tình hình đó, năm quốc gia trên một lần nữa khẳng định rằng giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất để đảm bảo an ninh và ổn định lâu dài cho khu vực Trung Đông.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt, gọi đó là hành động “đáng phẫn nộ” khi các quan chức được dân bầu và thành viên chính phủ phải đối mặt với những quyết định như vậy. Một phiên họp đặc biệt của nội các Israel dự kiến sẽ được tổ chức trong tuần tới nhằm thảo luận phản ứng chính thức trước “quyết định không thể chấp nhận được” từ các nước phương Tây. Cả Smotrich và Ben-Gvir đều là thành viên của chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu, nhưng không thuộc đảng Likud. Họ đại diện cho các đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền hiện tại.
Động thái trừng phạt của các quốc gia phương Tây không chỉ phản ánh sự bất bình ngày càng gia tăng đối với chính sách cứng rắn của Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, mà còn cho thấy áp lực quốc tế đang chuyển từ lời lên án sang hành động cụ thể. Trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang và triển vọng về một giải pháp hòa bình ngày càng mờ mịt, việc cộng đồng quốc tế kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền và luật pháp quốc tế có thể là nhân tố then chốt định hình cục diện chính trị Trung Đông trong thời gian tới.