Ngày 16/6/2025, trên chuyên trang NachDenkSeiten, nhà báo Jens Berger đã đăng tải bài viết mang tựa đề đầy thách thức “Tôi không bao giờ muốn nghe từ ‘luật pháp quốc tế’ nữa”, chỉ trích gay gắt sự vận dụng có chọn lọc và mang tính công cụ của luật pháp quốc tế trong chính sách đối ngoại phương Tây. Bài viết đặt ra những câu hỏi gai góc về tiêu chuẩn kép, sự thỏa hiệp đạo đức và vai trò của truyền thông trong việc duy trì một trật tự thế giới mà tác giả cho là đầy giả tạo và thiên vị.

Khi quân đội Nga tiến vào Ukraine năm 2022, chính phủ Đức và truyền thông nước này không mất nhiều thời gian để gọi đó là một cuộc chiến tranh xâm lược trắng trợn, vi phạm luật pháp quốc tế. Lập luận được nhấn mạnh: cần thể hiện sự đoàn kết với quốc gia bị xâm lược, còn kẻ gây chiến không thể được thưởng vì chà đạp trật tự luật lệ toàn cầu. Tới đây, mọi chuyện dường như vẫn còn nhất quán.
Tuy nhiên, cùng một nguyên tắc lại không được áp dụng khi Israel tiến hành các đợt không kích vào lãnh thổ Iran kể từ thứ Sáu tuần trước, một hành động vi phạm rõ ràng điều 2.4 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, vốn cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Dù bản chất là một cuộc tấn công quân sự không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an, truyền thông và chính phủ Đức lần này lại im lặng đáng chú ý. Thay vì thể hiện sự ủng hộ với bên bị tấn công, họ lại kêu gọi đoàn kết với chính kẻ phát động cuộc chiến. Đây là biểu hiện rõ ràng của tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại, thậm chí ở mức nghịch lý.
Việc Nga biện minh cho chiến dịch quân sự tại Ukraine như một cuộc tấn công phủ đầu nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia – trước khả năng Ukraine gia nhập NATO và triển khai vũ khí phương Tây không làm thay đổi thực tế rằng đó là hành vi sử dụng vũ lực bị cấm theo luật pháp quốc tế. Tương tự, Israel cũng viện dẫn lý do an ninh quốc gia để biện minh cho cuộc tấn công vào Iran, nhấn mạnh mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Tehran. Nhưng một lần nữa, điều đó không hợp pháp theo luật quốc tế. Cả hai quốc gia, Nga và Israel đều không có sự ủy quyền từ Hội đồng Bảo an cho hành động quân sự của họ, và cả hai đều không gọi chiến dịch của mình là “chiến tranh”, mà chỉ là “hoạt động đặc biệt” hoặc “chiến dịch có mục tiêu”.
Tác giả bài viết lập luận rằng mặc dù bối cảnh, nguyên nhân và động lực của hai cuộc chiến không thể so sánh trực tiếp, nhưng tiêu chí đánh giá theo luật pháp quốc tế phải được áp dụng nhất quán. Trong khi luật quốc tế không chấp nhận ngoại lệ cho việc sử dụng vũ lực, thì các nước phương Tây lại đang chọn cách vận dụng có chọn lọc để phù hợp với lợi ích địa chính trị của họ.
Phản ứng ban đầu của Bộ Ngoại giao Đức trước các cuộc tấn công của Israel là một ví dụ điển hình. Họ gọi đó là “các cuộc tấn công có mục tiêu vào cơ sở hạt nhân của Iran”, một sự trung lập mơ hồ đáng ngạc nhiên. Cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và người đoạt Nobel Hòa bình, Mohamed El-Baradei, ngay sau đó đã lên tiếng nhấn mạnh rằng theo Công ước Geneva, những hành vi như vậy bị nghiêm cấm. Ông thẳng thắn khuyên chính phủ Đức nên đọc lại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Sự mâu thuẫn càng trở nên trầm trọng khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố ủng hộ “quyền của Israel trong việc bảo vệ sự tồn tại của mình”, một lập trường được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhanh chóng lặp lại. Cả hai, theo tác giả, đang tham gia vào một cuộc đảo ngược trật tự giữa thủ phạm và nạn nhân – một cách tiếp cận từng bị chỉ trích mạnh mẽ trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.
Tác giả không kêu gọi ủng hộ Iran hay lên án Israel đơn thuần, mà đặt vấn đề: nếu Berlin và Brussels thực sự muốn duy trì logic chính sách như đã áp dụng với Nga, họ sẽ buộc phải lên án Israel, áp đặt trừng phạt và thậm chí viện trợ quân sự cho Iran – điều không ai có thể tưởng tượng nổi. Chính vì vậy, ông cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho sự đạo đức giả và tính tùy tiện trong việc viện dẫn “luật pháp quốc tế” của phương Tây.
Ở cấp độ nguyên tắc, triết lý pháp lý châu Âu dựa trên một nền tảng đơn giản: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng trên trường quốc tế, điều đó không còn đúng. Trong thực tế, luật pháp quốc tế – khi bị sử dụng như công cụ của quyền lực – không còn giữ được tính chính danh. Và chừng nào luật quốc tế còn được vận dụng chọn lọc nhằm phục vụ lợi ích địa chính trị, thì chừng đó, theo tác giả Jens Berger, ông “không bao giờ muốn nghe thấy từ ‘luật pháp quốc tế’ nữa”.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.nachdenkseiten.de/?p=134560