Vào ngày 19/6/2025, tờ ASIA NEWS đăng tải bài viết mang tiêu đề “Các quốc gia ASEAN chuẩn bị cho thuế quan của Trump bằng các gói kích thích kinh tế táo bạo”. Trước viễn cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đang mạnh tay bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nhưng đồng thời phải đối mặt với áp lực gia tăng nợ công.

Để ứng phó với nguy cơ lan rộng từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nền kinh tế Đông Nam Á đang mạnh tay triển khai loạt biện pháp kích thích đầy tham vọng.
Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đồng loạt công bố các gói chi tiêu lớn nhằm bảo vệ sức mua của người dân và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bất chấp rủi ro nợ công gia tăng và áp lực thâm hụt ngân sách.
Theo Nikkei Asia, các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng thực thi các “gói kích thích quy mô lớn” để ứng phó với khả năng Mỹ tăng thuế quan.
Tại Indonesia, chính quyền Tổng thống Prabowo Subianto công bố gói hỗ trợ trị giá 24,44 nghìn tỷ Rupiah (tương đương 1,3 tỷ USD), đánh dấu bước ngoặt chính sách sau khi từng lên kế hoạch cắt giảm ngân sách 306 nghìn tỷ Rupiah. Khoảng 18 triệu người dân có thu nhập thấp sẽ nhận trợ cấp tiền mặt và gạo trong hai tháng 6-7, cùng lúc với kế hoạch giảm 30% giá vé tàu hỏa.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh, mục tiêu chính là giữ ổn định sức mua trong bối cảnh GDP quý I chỉ tăng 4,87% – mức thấp nhất kể từ năm 2021, do tiêu dùng trung lưu suy yếu.
Trong khi đó, Singapore và Thái Lan đều hạ dự báo tăng trưởng GDP do triển vọng thương mại xấu đi. Singapore hiện dự báo tăng trưởng 0-2%, trong khi Thái Lan điều chỉnh xuống 1,3-2,3%. Nội các Thái Lan vừa phê duyệt gói chi tiêu 157 tỷ baht (4,19 tỷ USD) nhằm kích cầu du lịch và đầu tư hạ tầng, đi kèm với quyết định trì hoãn chương trình tiền kỹ thuật số gây tranh cãi trị giá 10.000 baht.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Thái Lan cảnh báo, nợ hộ gia đình đã chạm ngưỡng gần 90% GDP, đe dọa hạn chế dư địa chính sách trong tương lai.
Tại Malaysia, Thủ tướng Anwar Ibrahim tung ra gói hỗ trợ 1,5 tỷ Ringgit (317,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua vay ưu đãi và bảo lãnh tín dụng. Trong khi đó, Việt Nam cân nhắc gia hạn giảm VAT thêm 18 tháng, bất chấp lo ngại ảnh hưởng đến ngân sách.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại từ Mỹ có nguy cơ gây ra làn sóng chấn động kinh tế toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đang lựa chọn phản ứng bằng chính sách tài khóa mở rộng, bất chấp rủi ro về nợ công và ngân sách. Những gói kích thích này thể hiện nỗ lực duy trì đà tăng trưởng và bảo vệ sức mua trong nước, song cũng đặt ra bài toán dài hạn về sự cân đối giữa ổn định kinh tế vĩ mô và linh hoạt chính sách tài chính. Cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu đang buộc ASEAN phải hành động nhanh, nhưng cũng cần hành động khôn ngoan.
Minh Anh