Thứ Tư, Tháng 7 2, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025)



ĐNA -

(Đà Nẵng) Sáng ngày 20/6/2025, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) và trao Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2024. Sự kiện là dịp để tôn vinh những đóng góp của đội ngũ người làm báo, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp phát triển của thành phố và đất nước.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thường trực Thành ủy Đà Nẵng tặng hoa, tri ân các nhà báo lão thành. Ảnh: T.Ngọc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Báo chí Cách mạng Việt Nam đã phát triển, lớn mạnh không ngừng với 797 cơ quan báo chí, 72 cơ quan phát thanh, truyền hình, hơn 1.200 tờ báo, tạp chí, với đội ngũ trên 21.000 nhà báo được cấp thẻ. Trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, báo chí cách mạng với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của Nhân dân, đã tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời thực tiễn sinh động của đất nước, thành phố; tham gia tư vấn, phản biện chính sách; góp phần quan trọng vào định hướng tư tưởng, văn hóa, giáo dục, thẩm mỹ…; là diễn đàn để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân bày tỏ, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, từ đó khơi dậy và lan tỏa tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển và ý chí vươn lên. Những đóng góp của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Hòa chung vào sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó, Báo chí Quảng Nam – Đà Nẵng ra đời từ rất sớm và đã luôn sát cánh, đồng cam cộng khổ với quân và dân trên các mặt trận. Ngay sau khi Đảng bộ Đà Nẵng thành lập năm 1930, các tờ báo cách mạng cũng hình thành để đáp ứng nhu cầu phát triển và truyền bá tư tưởng cách mạng. Thị ủy lâm thời Tourane hết sức coi trọng vai trò của báo chí cách mạng, chủ trương ra báo Còi nhà máy, do Bí thư Thị ủy Hồ Sĩ Thiều khởi xướng và trực tiếp tác nghiệp và Tourane cũng là một trong những đầu mối chủ yếu để phát hành báo Lưỡi cày, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam. Hai tờ báo Còi nhà máy và Lưỡi cày trở thành công cụ tuyên truyền cách mạng và kêu gọi quần chúng tại Đà Nẵng-Quảng Nam đứng dậy đấu tranh chống thực dân Pháp.

Năm 1942, Tỉnh ủy Quảng Nam cho ra đời tờ báo Cờ độc lập, sau đổi tên thành báo Cờ giải phóng và trong 2 cuộc kháng chiến, nhiều tờ báo tiếp tục ra đời nhằm để tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ cán bộ trụ bám nằm vùng và các tổ chức cách mạng hợp pháp ở vùng đồng bằng, vùng địch hậu, phục vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, như tờ báo Chiến Thắng, tờ báo Quyết Tiến và sau đó đổi tên thành báo Giải Phóng. Đến năm 1966, do yêu cầu tăng nguồn thông tin chính thống, tin cậy cho thành phố Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà giao Báo Giải Phóng Quảng Đà xuất bản thêm Báo Cờ Giải Phóng phát hành cho nội thành Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Quá trình hình thành và hoạt động của báo chí Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ vô cùng gian nan, khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi tự hào, người làm báo ngày ấy vừa là nhà báo, vừa là chiến sĩ xung phong vào tuyến lửa ác liệt để ghi lại những khoảnh khắc xúc động, những hình ảnh chân thực về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, về sự dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta.

Tháng 2/1976, Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, hai tờ báo Giải phóng Quảng Đà và Giải phóng Quảng Nam sáp nhập thành báo Quảng Nam – Đà Nẵng, trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, những người làm báo với bản lĩnh chính trị vững vàng, với tinh thần tiến công của cách mạng, với niềm tin vào lý tưởng của Đảng, đã chủ động dấn thân, hòa mình vào thực tiễn để có những phản ánh kịp thời, sinh động về tình hình của tỉnh nhà, nhiều chuyên mục theo yêu cầu “xây và chống” được đưa vào các trang báo.

Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí và những người làm báo trên địa bàn thành phố tiếp tục có sự chuyển mình mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế – xã hội; tuyên truyền những nhân tố mới, mô hình, cách làm hay, biểu dương người tốt việc tốt gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Năm 2025 là năm có nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước với những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành phố Đà Nẵng của chúng ta cũng đang đứng trước nhiều cơ hội mới to lớn mới.

Việc hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là dấu mốc lịch sử, mở ra cánh cửa cho giai đoạn phát triển đột phá mới, tiên phong trong phát triển khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng mới trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của thế giới; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới, biển, đảo. Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đà Nẵng đã tạo ra kỳ tích Sông Hàn trong phát huy phát triển kinh tế – xã hội với mô hình 5 cao, gồm: Tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao và chất lượng sống cao”.

Thay mặt lãnh đạo thành phố và BTC sự kiện, Phó Chủ tịch  UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (giữa, áo dài) tặng hoa cảm ơn các nghệ sỹ Nhà hát Trưng Vương đã đóng góp tiết mục văn nghệ cho buổi lễ. Ảnh: T.Ngọc.

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đà Nẵng đã tạo ra kỳ tích Sông Hàn trong phát huy phát triển kinh tế – xã hội với mô hình 5 cao”. Ảnh: T.Ngọc.

Trước đó, phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), diễn ra chiều ngày 19/6/2025, bà Nguyễn Anh Thi – Phó Chủ tịch  UBND thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định: Báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, chế độ, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội. Những năm qua, báo chí thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước, trên địa bàn thành phố và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng hành với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; đã phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông số, đặc biệt là báo chí điện tử; những sản phẩm báo chí không ngừng đổi mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, chính xác của xã hội; các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các chương trình truyền hình, các kênh thông tin trực tuyến tích hợp trên nền tảng mạng xã hội mang lại những tác động mạnh mẽ tới cộng đồng.

“Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn”. Để trở thành những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, là “thư ký của thời đại”, trở thành “người gác cổng của Nhân dân”, người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, xây dựng hình ảnh nhà báo, như cố nhà báo Hữu Thọ đã từng nói “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Tiếp nối truyền thống 100 năm hình thành và phát triển, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, báo chí thành phố Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp xuất sắc, khẳng định vị thế xứng đáng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, báo chí thành phố sẽ luôn đồng hành cùng Đà Nẵng trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới trong kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ  Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), tại buổi lễ đại diện các thế hệ nhà báo lão thành và đại diện dội ngũ Phóng viên trẻ đã có phát biểu, chia sẻ cảm nghĩ về Nghề và trách nhiệm của Nghề Báo trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Trong dịp này Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2024 cũng được tổng kết và trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải./.

Trần Ngọc