Ngày 20/6/2025, báo điện tử NachDenkSeiten (CHLB Đức) đăng tải bài viết của nhà báo Ramon Schack với tiêu đề: “Hội nghị thượng đỉnh Astana: Trung Á là nơi ‘bảo đảm tương lai’ cho nền kinh tế Trung Quốc”. Bài viết cho thấy Hội nghị thượng đỉnh Astana được xem là một bước đi chiến lược trong việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại khu vực được coi là “trái tim Á-Âu”.
Astana, thủ đô của Kazakhstan, hiện đang là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trung Á. Là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới và đứng thứ chín về diện tích lãnh thổ, Kazakhstan có chung đường biên giới với Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Với vị thế địa chiến lược quan trọng, quốc gia này tự xác định là địa điểm phù hợp để đăng cai diễn đàn khu vực, dưới sự bảo trợ của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.
Trung Á – được ví như “trái tim” cũ và mới của thế giới – đang nổi lên như một điểm then chốt trong những chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu. Nhận định này đang nhận được sự đồng thuận từ nhiều nhà phân tích và giới quan sát quốc tế.
Kazakhstan hiện đang chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ, với những dấu hiệu rõ nét tại thủ đô Astana – trung tâm hành chính, chính trị và kinh tế mới của đất nước. Động lực phát triển hiện nay được so sánh với những chuyển mình mạnh mẽ của các nền kinh tế “hổ” tại Đông Á và Đông Nam Á trong thập niên 1980–1990.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trong khu vực từng phát triển nhanh chóng trước đây, quá trình này không diễn ra trong điều kiện dân chủ theo tiêu chuẩn phương Tây. Thay vào đó, mô hình phát triển tại Kazakhstan đang được dẫn dắt bởi nhà nước với tính tập trung cao, trong một hệ thống chính trị mang tính kiểm soát, tương tự các mô hình đã từng thành công ở một số quốc gia châu Á. Việc tự do hóa kinh tế, nếu có, thường diễn ra muộn hơn và không hoàn toàn đi kèm với các cải cách dân chủ theo chuẩn mực phương Tây.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á
Tại thủ đô Astana (Kazakhstan), các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của năm quốc gia Trung Á đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á. Đây là chuyến công du nước ngoài lần thứ ba của ông Tập trong năm 2025, theo truyền thông Kazakhstan và Trung Quốc.
Tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi này có Thái Kỳ – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Sự hiện diện của các quan chức cấp cao này thể hiện rõ tầm quan trọng chiến lược của hội nghị đối với Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đang cùng phối hợp để đưa ra các định hướng địa chính trị chung, trong bối cảnh Trung Á nổi lên như một khu vực có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực Á – Âu. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.
Tổng thống Tokayev, người đứng đầu Kazakhstan từ năm 2019, được đánh giá là nhà lãnh đạo am hiểu sâu sắc về Trung Quốc. Ông từng đảm nhiệm vai trò ngoại giao tại Bắc Kinh, thông thạo tiếng Quan Thoại và có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo Trung Quốc. Dưới sự chủ trì của ông, Kazakhstan đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2024, trong đó Belarus chính thức gia nhập tổ chức – mở rộng phạm vi ảnh hưởng của SCO đến sát biên giới phía đông của Liên minh châu Âu.
Trung Á hiện đang có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc, không chỉ nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như urani, dầu mỏ và kim loại đất hiếm, mà còn bởi vị trí địa lý đặc biệt – là hành lang vận tải then chốt nối Trung Quốc với châu Âu. Trong bối cảnh ảnh hưởng truyền thống của Nga tại khu vực này đang có dấu hiệu suy giảm, Trung Quốc đang từng bước củng cố sự hiện diện và vai trò dẫn dắt thông qua các sáng kiến hợp tác khu vực.
Trung Á là nơi “bảo đảm tương lai” cho nền kinh tế Trung Quốc
Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng Trung Quốc đang theo đuổi một mục tiêu chiến lược dài hạn: bảo đảm tương lai kinh tế quốc gia trong kịch bản quan hệ với Hoa Kỳ bị cắt đứt hoàn toàn. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gia tăng, Trung Á nổi lên như một vùng đệm chiến lược và hành lang kinh tế quan trọng trong toan tính này của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các quốc gia Trung Á, trong đó có Kazakhstan, đang cố gắng giữ thế cân bằng trong quan hệ đối ngoại. Mặc dù mở rộng hợp tác với Trung Quốc, các nước này vẫn thể hiện mong muốn duy trì sự độc lập trong định hướng chiến lược và không lệ thuộc vào bất kỳ một đối tác đơn lẻ nào.
Đối với Kazakhstan, Nga vẫn giữ vai trò là “cửa ngõ” truyền thống ra thế giới, cung cấp quyền tiếp cận các đại dương thông qua mạng lưới hạ tầng hậu cần và mức độ hội nhập thương mại sâu rộng. Quan hệ song phương giữa hai nước được củng cố nhờ mối liên hệ cá nhân chặt chẽ giữa giới tinh hoa chính trị, cùng với vai trò không thể thay thế của tiếng Nga như một ngôn ngữ chính thức, bên cạnh tiếng Kazakh. Với hơn 7.500 km đường biên giới chung với Nga và khoảng 1.800 km biên giới với Trung Quốc, Kazakhstan giữ một vị trí địa chiến lược không thể xem nhẹ đối với cả Moscow và Bắc Kinh.
Từ sau khi xung đột Ukraine–Nga bùng nổ, vai trò của Kazakhstan càng trở nên nổi bật – không chỉ là nhà cung cấp nguyên liệu thô chiến lược mà còn là thị trường tiêu thụ tiềm năng và hành lang vận tải nối liền Á – Âu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Kazakhstan hiện còn hơn 5.000 mỏ khoáng sản chưa được khai thác, với tổng giá trị ước tính khoảng 46 nghìn tỷ USD. Quốc gia này cũng nằm trong số những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về vonfram, titan và thiếc.
Hiện nay, Kazakhstan chiếm hơn một nửa tổng GDP của toàn khu vực Trung Á. Với nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và chính sách đối ngoại khôn khéo, quốc gia này đang từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc quyền lực mới tại khu vực Á – Âu.
Khái niệm “Hành lang giữa”
Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Kazakhstan ngày càng khẳng định vị thế chiến lược trong mắt các cường quốc toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Âu. Nhận thức rõ tầm quan trọng của quốc gia mình trong trục kết nối Á – Âu, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã chủ động thúc đẩy vai trò của Kazakhstan không chỉ trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), mà còn thông qua việc đề xuất khái niệm địa chính trị mới – “Hành lang giữa” (Middle Corridor).
Được mô tả như một tuyến vận tải thương mại xuyên lục địa, “Hành lang giữa” khởi đầu từ Đông Nam Á, đi qua Trung Quốc, xuyên qua lãnh thổ Kazakhstan và Biển Caspi, tiếp tục tới Azerbaijan và Georgia, trước khi vươn tới châu Âu. Tuyến đường này được xem là một phương án thay thế chiến lược cho các tuyến thương mại truyền thống đi qua Nga, trong bối cảnh địa chính trị khu vực đang có nhiều biến động.
Các chính trị gia Kazakhstan khi phát biểu với báo chí đã ca ngợi “Hành lang giữa” như một bản thiết kế chiến lược không chỉ nhằm nâng cao vị thế địa kinh tế của Kazakhstan, mà còn đóng góp vào sự ổn định khu vực và toàn cầu. Việc xây dựng tuyến hành lang này dự kiến sẽ tăng cường kết nối đường sắt và hàng hải giữa Trung Quốc và châu Âu, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào hạ tầng vận tải của Nga.
Từ góc độ an ninh, Trung Á nói chung và Kazakhstan nói riêng có tầm quan trọng đặc biệt đối với Bắc Kinh do tiếp giáp với khu tự trị Tân Cương – khu vực có đa số cư dân theo Hồi giáo và là một trong những trọng điểm an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Kazakhstan vẫn là lợi ích kinh tế và thương mại.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lựa chọn thủ đô Astana để lần đầu tiên công bố sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” – bước khởi đầu cho chiến lược toàn cầu “Vành đai và Con đường” ngày nay. Việc đặt nền móng cho sáng kiến này tại Kazakhstan đã phần nào phản ánh vai trò đặc biệt của quốc gia Trung Á này trong tính toán dài hạn của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang tái định hình, Kazakhstan nổi lên như một điểm tựa chiến lược quan trọng tại Trung Á – nơi giao thoa giữa lợi ích của các cường quốc lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và châu Âu. Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý trọng yếu và chính sách đối ngoại linh hoạt, Kazakhstan không chỉ đóng vai trò là mắt xích trong các sáng kiến liên kết kinh tế xuyên lục địa, mà còn là nhân tố chủ động kiến tạo trật tự khu vực ổn định và cân bằng. Việc Tổng thống Tokayev thúc đẩy khái niệm “Hành lang giữa” cho thấy tham vọng của Kazakhstan trong việc khẳng định vai trò không thể thay thế trong cấu trúc quyền lực Á – Âu đang hình thành. Trong giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động hiện nay, khả năng duy trì độc lập chiến lược và cân bằng quan hệ giữa các cực quyền lực sẽ là yếu tố then chốt quyết định vị thế dài hạn của Kazakhstan trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.nachdenkseiten.de/?p=134733