Thứ Năm, Tháng 7 3, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tehran thận trọng đáp trả: Căng thẳng Mỹ – Iran bước sang giai đoạn mới



ĐNA -

Ngày 25/6/2025, nhà báo Đức Ina Sembdner đăng tải bài viết “Mỹ – Iran: Tehran phản ứng thận trọng” trên báo Thế Giới Trẻ (Đức), phân tích bước đi có kiểm soát của Iran sau các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào cơ sở hạt nhân của nước này.

Tên lửa đánh chặn trên bầu trời Doha đêm thứ Hai. Ảnh: Stringer/REUTERS

Động thái đáp trả bằng một cuộc tấn công giới hạn vào căn cứ Mỹ tại Qatar cho thấy sự tính toán chiến lược của Tehran: tránh leo thang toàn diện nhưng vẫn khẳng định “lằn ranh đỏ” trước áp lực quân sự ngày càng tăng từ Washington. Bài viết phản ánh một bức tranh địa chính trị đầy căng thẳng, nơi cả hai bên đều tìm cách răn đe mà không kích hoạt chiến tranh toàn diện.

Từ sáng Chủ Nhật (22/6), đã có nhiều đồn đoán lan tràn: Iran sẽ phản ứng thế nào trước cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Hoa Kỳ vào Cộng hòa Hồi giáo? Washington đã khơi dậy nỗi sợ hãi về “các nhóm khủng bố ẩn náu” thay mặt cho Tehran ở mặt trận trong nước và đặt nhiều căn cứ quân sự khác nhau của mình ở Trung Đông, với tổng cộng 40.000 quân, trong tình trạng báo động. Những gì xảy ra sau đó là một cuộc tấn công “được cân nhắc kỹ lưỡng” (Reuters) vào căn cứ lớn nhất của Hoa Kỳ, căn cứ Al-Udeid, tại tiểu vương quốc vùng Vịnh Qatar. Không ai bị thương, như Tehran đã thông báo trước đó cho cả người Qatar và Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cảm ơn người Iran. Theo cổng thông tin ủng hộ chính phủ Axios vào Chủ Nhật, Washington cũng duy trì liên lạc thường xuyên với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aragchi trong cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào các cơ sở hạt nhân của nước này để tránh leo thang.

Theo thông tin từ Reuters, sau đòn đáp trả có giới hạn từ phía Tehran, Iran đã chủ động phát tín hiệu hạ nhiệt xung đột với Mỹ. Theo Axios, lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo đã gửi thông điệp chính thức tới Nhà Trắng, khẳng định sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở của Hoa Kỳ. Động thái này nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ Washington: Tổng thống Donald Trump đã chuyển một thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyah. Các quan chức chính phủ khác được cho là đã liên lạc với Iran. Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abd Al-Rahman Al Thani đã đóng vai trò trung gian, nhận được sự chấp thuận của Tehran.

Bên cạnh yếu tố quân sự, chẳng hạn như việc hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đang cạn kiệt, các động lực chính trị nội bộ tại Hoa Kỳ cũng được cho là đã ảnh hưởng đến quyết định nhanh chóng xuống thang căng thẳng của Tổng thống Donald Trump. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã đưa ra một nghị quyết nhằm hạn chế quyền đơn phương phát động chiến tranh của tổng thống, tái khẳng định vai trò kiểm soát của Quốc hội trong các quyết định quân sự lớn.

Đại diện đảng Cộng hòa Thomas Massie, một trong những người khởi xướng “Nghị quyết về quyền lực chiến tranh” phát biểu hôm thứ Ba: “Nếu đã có lệnh ngừng bắn, chúng ta không cần phải tiến hành chiến tranh.” Quan điểm này phản ánh sự đồng thuận ngày càng rõ trong Quốc hội, đặc biệt từ phía đảng Dân chủ. Dân biểu bang California Ro Khanna nhấn mạnh: “Xung đột có thể tái diễn trong tương lai, và chúng ta phải xác định rõ ràng rằng sẽ không có cuộc chiến tranh xâm lược nào nhằm vào Iran nếu không có sự cho phép trước của Quốc hội.”

Những phát biểu trên cho thấy không chỉ các tính toán chiến lược trên chiến trường mà cả áp lực chính trị trong nước cũng đang góp phần định hình cách tiếp cận của Nhà Trắng đối với khủng hoảng Iran – Mỹ hiện nay.

Dù Tổng thống Donald Trump tiếp tục khẳng định lập trường không theo đuổi chính sách thay đổi chế độ tại Iran, “Tôi không muốn điều đó. Tôi muốn mọi thứ lắng xuống càng nhanh càng tốt”, ông nói vào thứ Ba – các tiết lộ mới từ truyền thông Mỹ cho thấy một chiều hướng khác từ phía Israel. Theo bài viết đăng trên The Washington Post hôm thứ Hai, Israel được cho là vẫn theo đuổi kế hoạch lật đổ chế độ thần quyền tại Tehran, bất chấp nỗ lực xuống thang từ Washington.

Báo này dẫn nguồn từ một bản ghi âm bị rò rỉ, tiết lộ rằng chỉ vài giờ sau khi các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào Iran diễn ra vào ngày 13/6, các cơ quan tình báo Israel đã khởi động một “chiến dịch đe dọa bí mật” nhắm đến các quan chức cấp cao của Iran. Chiến dịch này được cho là nhằm chia rẽ giới lãnh đạo và làm mất ổn định tình hình chính trị nội bộ tại Tehran. Theo báo cáo, khoảng 20 người Iran đã bị tiếp cận trực tiếp, kèm theo các lời đe dọa ám sát không chỉ nhắm vào họ mà còn vào cả gia đình của họ.

Một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến một vị tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, người bị ép phải ghi hình một đoạn video tuyên bố công khai việc tách khỏi chính quyền Iran trong vòng 12 giờ. Lời đe dọa nhắm vào ông mang tính biểu tượng sâu sắc và rợn người: “Chúng tôi gần các người hơn cả tĩnh mạch cảnh của các người.”

Nếu được xác thực, những thông tin được tiết lộ này không chỉ phơi bày sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận giữa hai đồng minh là Hoa Kỳ và Israel, mà còn làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng về vai trò ngày càng lớn của chiến tranh tâm lý và các hoạt động bí mật trong bối cảnh xung đột địa chính trị hiện đại với Iran.

Những diễn biến gần đây trong quan hệ Mỹ – Iran, với sự can dự ngày càng sâu của Israel, không chỉ phản ánh sự phức tạp và đa tầng của xung đột khu vực mà còn làm nổi bật vai trò ngày càng quyết đoán của các chiến thuật phi truyền thống như chiến tranh tâm lý và hoạt động tình báo bí mật. Trong khi Washington có dấu hiệu muốn kiểm soát và hạ nhiệt căng thẳng, Tel Aviv dường như đang theo đuổi một quỹ đạo khác, với mục tiêu sâu xa hơn là làm lung lay nền tảng quyền lực của Tehran. Tình hình hiện tại cho thấy một cuộc khủng hoảng không đơn thuần là quân sự, mà còn là cuộc đấu trí chiến lược giữa các lực lượng trong bóng tối – nơi lời đe dọa có thể đáng sợ hơn cả đạn pháo, và sự im lặng có thể là khởi đầu của những biến động khó lường.

Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.jungewelt.de/artikel/502603.usa-iran-teheran-reagiert-besonnen.html