Ngày 26/6/2025, báo điện tử NachDenkSeiten đăng tải bài viết gây chú ý của nhà báo Marcus Klöckner với tiêu đề “Người dân Đức đang bị bỏ đói, nhưng hàng tỷ đô la cho con sâu bướm không biết thỏa mãn của ngành công nghiệp vũ khí”. Là một nhà xã hội học, chuyên gia nghiên cứu truyền thông và Hoa Kỳ tại Đại học Philipps ở Marburg, Klöckner nổi bật với quan điểm phê phán sâu sắc đối với quyền lực và giới truyền thông, điều được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm báo chí và nghiên cứu của ông.

Trong một bài đăng trên nền tảng X, ông Ulrich Schneider, cựu Giám đốc điều hành lâu năm của Paritätischer Wohlfahrtsverband (Hiệp hội Phúc lợi Bình đẳng) đã phát biểu đầy chua xót “Đây không còn chỉ là tỷ lệ đói nghèo, mà là tỷ lệ bị bỏ đói”. Phát biểu này được đưa ra sau khi một nghiên cứu mới cho thấy hơn một nửa số người đang nhận thu nhập công dân tại Đức không có đủ lương thực. Tỷ lệ người dân phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ các tổ chức từ thiện đang gia tăng đáng báo động. Trong một quốc gia được xếp vào hàng giàu có, việc người nghèo phải xếp hàng tại các bếp ăn từ thiện trong khi hàng nghìn tỷ euro đổ vào cuộc chạy đua vũ trang đang đặt ra những câu hỏi nhức nhối. Thực trạng này, theo nhiều chuyên gia, là hệ quả từ các chính sách bị cho là phản xã hội.
Nghèo đói không chỉ là một hoàn cảnh khó khăn, mà ngày càng trở thành một thực tế nhức nhối trong lòng xã hội hiện đại. Ngay tại trung tâm của một quốc gia được xem là giàu có, vẫn còn rất nhiều người đang thiếu thốn lương thực, đặc biệt là những người độc thân và các bậc cha mẹ đơn thân sống dựa vào trợ cấp thu nhập cơ bản. Những tác động tiêu cực từ các chính sách bị cho là làm xói mòn hệ thống phúc lợi đã không chỉ dừng lại ở tầng lớp yếu thế, mà đang dần lan rộng đến cả tầng lớp trung lưu, nơi từng được xem là biểu tượng của sự ổn định kinh tế.
Trong bối cảnh giá cả leo thang, từ thực phẩm, tiền thuê nhà đến chi phí điện, sưởi ấm và xăng dầu, cảm giác bất an và nỗi sợ trượt dốc xã hội đang ngày càng bao trùm cuộc sống của nhiều người dân. Nhưng bắt đầu từ đâu để giải quyết, khi những nhu cầu thiết yếu nhất cũng đang nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều gia đình?
Một nghiên cứu mới đây do hiệp hội “Không trừng phạt” thực hiện đã đặt ra câu hỏi: “Những người nhận trợ cấp công dân đang sống như thế nào?” Với hơn 1.000 người tham gia ở độ tuổi từ 17 đến 67, nghiên cứu phản ánh bức tranh thực tế đáng lo ngại. 72% người được hỏi cho rằng mức trợ cấp cơ bản 563 euro mỗi tháng là không đủ để sống một cuộc sống tử tế. Gần một nửa thừa nhận không phải ai trong gia đình họ cũng có đủ thức ăn hằng ngày, và hơn một nửa số cha mẹ (54%) cho biết họ phải nhịn ăn để dành phần cho con. Dù phần lớn người được hỏi mong muốn có công việc ổn định, họ lại gần như không đặt hy vọng vào việc tìm được một công việc với mức lương đủ sống.
Nỗi xấu hổ và sợ hãi cũng là cảm xúc thường trực trong cuộc sống của họ: 42% cảm thấy xấu hổ khi nhận trợ cấp, trong khi 72% lo sợ các biện pháp thắt chặt hơn nữa sẽ được áp dụng trong tương lai.
Có thể nhiều người sẽ bác bỏ hoặc né tránh những con số và phát hiện này vì không muốn tin, nhưng sự thật thì không thể bị che giấu. Đức là một quốc gia có hệ thống phúc lợi, đó là điều đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, mức trợ cấp quá thấp, đặc biệt với người độc thân, đang khiến đói nghèo trở thành một cái bẫy lâu dài. Những ai rơi vào hệ thống trợ cấp công dân mà không có tài sản tích lũy, thậm chí đang gánh nợ, sẽ rất dễ rơi vào một vòng xoáy nghèo đói không lối thoát, nơi mà chỉ cần đảm bảo đủ ăn cả tháng cũng đã là một thử thách, chứ chưa nói đến việc được tiếp cận thực phẩm lành mạnh và có chất lượng.
Những phát hiện từ nghiên cứu của hiệp hội “Không trừng phạt” không chỉ là lời cảnh tỉnh về tình trạng nghèo đói gia tăng trong lòng một quốc gia thịnh vượng, mà còn là minh chứng cho sự thất bại của các chính sách phúc lợi hiện hành. Khi những người yếu thế nhất – từ cha mẹ đơn thân đến người lao động không có việc làm ổn định – phải chật vật để sống sót với mức trợ cấp không đủ sống, thì đó không còn là vấn đề cá nhân, mà là một khủng hoảng xã hội. Cái gọi là “nhà nước phúc lợi” đang bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng khi không thể bảo vệ công dân khỏi vòng xoáy nghèo đói kéo dài. Vấn đề không nằm ở việc hỗ trợ có hay không, mà nằm ở cách thức hỗ trợ đã lỗi thời, thiếu thực tiễn và thiếu công bằng. Trong khi ngân sách quốc gia tiếp tục ưu tiên chi tiêu quân sự hàng tỷ euro, thì những bữa ăn đầy đủ và cuộc sống tối thiểu cho người dân lại trở thành một điều xa xỉ. Sự chênh lệch này không chỉ là một nghịch lý, mà là một thất bại đạo đức trong hoạch định chính sách.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.nachdenkseiten.de/?p=135056