Ngày 28/6/2025, tờ Thế Giới Trẻ có trụ sở tại Berlin đăng tải bài viết gây chú ý của nhà báo Jörg Tiedjen với tiêu đề “Liên minh Châu Âu – Hội nghị thượng đỉnh của sự chia rẽ tại Brussels”. Bài viết phản ánh sâu sắc sự thất bại nghiêm trọng của EU trong việc đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine, hé lộ những rạn nứt ngày càng rõ trong nội khối khi đối mặt với các thách thức địa chính trị.

Dù kỳ vọng thể hiện sự đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được mục tiêu này. Sự chia rẽ thể hiện rõ khi khối không thể thống nhất quan điểm về vấn đề Ukraine. Gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga buộc phải hoãn lại đến tuần tới do vấp phải sự phản đối từ Slovakia và Hungary. Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhấn mạnh tại cuộc họp rằng ông chỉ đồng ý nếu nguồn cung năng lượng tương lai cho đất nước được đảm bảo. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, theo Reuters, tuyên bố vào thứ Sáu rằng ông hoàn toàn ủng hộ lập trường của Fico. Trước tình trạng thiếu đồng thuận, tuyên bố chung cuối cùng chỉ dừng lại ở việc lên án các cuộc không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và kêu gọi Moscow lập tức ngừng bắn. Bên cạnh đó, EU cũng bày tỏ ý định tăng cường hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Ukraine.
Liên minh châu Âu tiếp tục cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Trung Đông. Trong tuyên bố bế mạc hội nghị, các lãnh đạo EU kêu gọi Israel cải thiện việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine tại Dải Gaza, đồng thời yêu cầu Hamas trả tự do cho các con tin Israel. Họ cũng lên án các hành vi bạo lực của người định cư Do Thái tại Bờ Tây. Tuy vậy, Israel dường như không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả cụ thể nào từ phía EU. Thủ tướng Đức Friedrich Merz trước đó đã khẳng định phản đối việc đình chỉ Hiệp định liên kết EU–Israel, dù có những cáo buộc liên quan đến tội ác chiến tranh.
Tuyên bố của EU về các cuộc không kích do Israel và Mỹ tiến hành nhằm vào Iran cũng mơ hồ, khi không có sự lên án rõ ràng hay lời ủng hộ công khai nào được đưa ra. Thay vào đó, khối chỉ kêu gọi “kiềm chế” từ mọi phía. Dù vậy, EU vẫn tái khẳng định lập trường không chấp nhận việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi Israel từ lâu đã được cho là đã sở hữu loại vũ khí này. Trước hội nghị, Thủ tướng Merz đã công khai ủng hộ lập trường của các bên tấn công trong chiến dịch nhằm vào Iran.
Hội nghị thượng đỉnh Brussels một lần nữa phơi bày những rạn nứt nội tại trong lòng Liên minh châu Âu, cả về chiến lược đối ngoại lẫn khả năng hành động tập thể trước các khủng hoảng toàn cầu. Từ Ukraine đến Trung Đông, sự thiếu đồng thuận không chỉ làm suy yếu vai trò địa chính trị của EU, mà còn đặt ra câu hỏi về tính thống nhất và năng lực định hình trật tự quốc tế của khối. Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng phân cực, EU có lẽ cần nhiều hơn những lời kêu gọi “kiềm chế” – đó là một tầm nhìn chung, thực chất và hành động nhất quán.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.jungewelt.de/artikel/502861.europ%C3%A4ische-union-gipfel-der-spaltungen-in-br%C3%BCssel.html