Ngày 1/7/2025, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo rằng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ chính thức ngừng triển khai các chương trình viện trợ nước ngoài. Theo đó, vào lúc 11g59 tối thứ sáu, ngày 2/7/2025 (giờ miền Đông nước Mỹ), toàn bộ nhân viên do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tuyển dụng trực tiếp trên toàn cầu sẽ bị cho nghỉ hành chính…
“Bắt đầu từ ngày 1/7, USAID sẽ chính thức ngừng triển khai viện trợ nước ngoài”, ông Rubio phát biểu, theo bản ghi lại bài phát biểu được Kyiv Post chia sẻ. “Chúng tôi sẽ ưu tiên thương mại thay cho viện trợ, cơ hội thay cho sự phụ thuộc, và đầu tư thay vì hỗ trợ”, ông nói thêm.
Việc đóng cửa USAID diễn ra sau một cuộc rà soát do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo hồi đầu năm nay, dẫn đến việc hủy bỏ khoảng 80% chương trình của cơ quan này trên toàn cầu.
Theo thông báo của chính quyền, phần lớn chức năng còn lại của USAID sẽ được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao Mỹ, với định hướng tập trung vào thương mại và đầu tư thay vì viện trợ truyền thống. Chính phủ khẳng định thay đổi này nhằm giảm sự phụ thuộc vào viện trợ và thúc đẩy cơ hội kinh tế thông qua các giải pháp theo định hướng thị trường.

Sứ mạng thực của USAID tại Mỹ Latinh
Theo báo Tin Tức (Việt Nam) đăng ngày 2/10/2012,đăng tải Mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu” ngày 1/10 cho rằng, lâu nay các văn phòng của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Mỹ Latinh đã nổi tiếng là các trung tâm tình báo, âm mưu làm suy yếu các chính phủ hợp pháp tại một số quốc gia.
Sự thật là USAID đang chứa chấp các điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ được che đậy sơ sài, vì các văn phòng USAID dường như đã đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc đảo chính tại Mỹ Latinh, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư tưởng cho các phe đối lập. USAID cũng thường tìm cách can dự với các lực lượng vũ trang và các cơ quan thực thi pháp luật, tuyển dụng các “điệp viên” trong các lực lượng này để sẵn sàng giúp phe đối lập khi có cơ hội.
Trong nhiều mức độ khác nhau, tất cả các nhà lãnh đạo dân túy tại Mỹ Latinh đều cảm thấy sức ép của USAID. Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela là mục tiêu số một trong danh sách kẻ thù của USAID. Sự ủng hộ của người dân đối với phe đối lập tại Venezuela đã giảm mạnh từ sau các cuộc biểu tình lớn năm 2002 – 2004, khi chính phủ tái tập trung vào các vấn đề kinh tế xã hội, chăm sóc y tế, xây dựng nhà ở và các chính sách thanh niên. Phe đối lập bắt đầu phải dựa nhiều hơn vào các chiến dịch trên các phương tiện truyền thông.
Những tin đồn gây hoảng loạn về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp lương thực, những báo cáo phóng đại về mức độ tội phạm tại Venexuela và những cáo buộc chính phủ bất lực trong phản ứng đối với những thảm họa công nghệ thường xuyên được đưa ra như một phần của kịch bản lật đổ, liên quan đến một mạng lưới của các tổ chức phi chính phủ (NGO), trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Venezuela đang tới gần. Trong một số trường hợp, các thành viên của một NGO có thể chỉ là 3, 4 người, nhưng cùng với các phương tiện truyền thông, phe đối lập có thể là một lực lượng đáng ngại. Các nhà bình luận ủng hộ ông Chavez đang quan ngại rằng các “điệp viên” USAID sẽ tranh cãi về kết quả bầu cử, đồng thời các nhóm bán quân sự sẽ gây hỗn loạn tại nhiều thành phố của Venezuela để tạo cớ cho Mỹ can thiệp quân sự. Năm 2014, Mỹ chi ra hơn 18 triệu USD thông qua các tổ chức “bình phong” như USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) và NED (Quỹ Quốc gia ủng hộ dân chủ) để tài trợ cho các nhóm chống chính quyền ở Venezuela.
USAID cũng dính líu đến cuộc đảo chính bất thành mới đây tại Ecuado, khi Tổng thống Rafael Correa đã thoát một âm mưu ám sát trong gang tấc. Một số âm mưu nhằm thay thế chính phủ của Tổng thống Evo Morales rõ ràng có liên quan đến các quan chức của USAID tại Bolivia. Tháng 6/2012, ngoại trưởng của các thành viên thuộc Liên minh Boliva vì châu Mỹ (ALBA) đã thông qua một nghị quyết về USAID. Nghị quyết trên viết: “Lấy cớ lập kế hoạch và phối hợp viện trợ nước ngoài, USAID đang công khai can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tài trợ cho các NGO và các hoạt động biểu tình nhằm làm suy yếu các chính phủ hợp pháp bị Oasinhtơn xem là không “‘thân thiện'”.
Các tài liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ tài chính cho các đảng và các nhóm đối lập với các chính phủ “Liên minh Bolivar vì các dân tộc châu Mỹ” (ALBA). Tại hầu hết các quốc gia ALBA, USAID hoạt động thông qua các mạng lưới NGO mở rộng của họ và tài trợ bất hợp pháp cho các tổ chức truyền thông và các nhóm chính trị”. Các Ngoại trưởng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo ALBA trục xuất ngay các đại diện USAID, những người đang đe dọa chủ quyền và ổn định chính trị tại các quốc gia mà họ đang hoạt động. Nghị quyết trên đã được Bolivia, Cuba, Ecuado, Cộng hòa Dominica, Nicaragoa và Venexuela ký.
Uy tín của USAID đang ngày càng giảm sút và ông Paul J. Bonicelli, được Thượng viện Mỹ phê chuẩn là người phụ trách mới ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe của USAID, dường như không thể đảo ngược khuynh hướng này. Người tiền nhiệm của ông Bonicelli là Mark Feuerstein bị giới lãnh đạo Mỹ Latinh tránh xa do đã “dàn dựng” các vụ lật đổ các nhà lãnh đạo hợp pháp của Ondurat và Paragoay. Là một người bảo thủ, ông Bonicelli đã đứng đầu nhiều bộ phận khác nhau của USAID và “thúc đẩy dân chủ” cùng với Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.

USAID đóng cửa, kết thúc một kỷ nguyên, hé lộ vai trò ngầm của tình báo Mỹ
Việc chính thức đóng cửa USAID không chỉ là dấu chấm hết cho một cơ quan viện trợ lâu đời, mà còn mở ra một cuộc tranh luận sâu sắc về vai trò thật sự của tổ chức này trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đằng sau các dự án phát triển, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ kỹ thuật, USAID từ lâu đã bị nghi ngờ là một phần trong cấu trúc hoạt động mềm của tình báo Mỹ.
Nhiều chuyên gia, nhà báo điều tra và cả cựu quan chức Mỹ từng thừa nhận rằng USAID không đơn thuần là một cơ quan viện trợ. Các chương trình của USAID, đặc biệt tại các quốc gia chiến lược như Ukraine, Venezuela, Cuba, hoặc các nước ở Trung Đông và châu Phi, thường được sử dụng như công cụ để thu thập thông tin, gây ảnh hưởng chính trị, và thúc đẩy các mục tiêu địa chiến lược của Washington. Sự hiện diện của USAID đôi khi trùng khớp với các hoạt động ngầm của CIA hoặc các cơ quan an ninh khác, thông qua việc tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự, báo chí độc lập và phong trào đối lập tại nước sở tại.
Việc giải thể USAID có thể là động thái chiến thuật nhằm che giấu hoặc tái cấu trúc các hoạt động này dưới hình thức khác, như thông qua các quỹ đầu tư, tổ chức phi chính phủ “độc lập”, hay các sáng kiến ngoại giao thương mại. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt với Trung Quốc và Nga, không loại trừ khả năng Washington sẽ tiếp tục sử dụng các kênh mới để duy trì ảnh hưởng, nhưng với lớp vỏ bọc kín đáo hơn.
Do đó, sự kết thúc của USAID không nhất thiết đồng nghĩa với sự kết thúc của “quyền lực mềm” Mỹ mà có thể là sự thay hình đổi dạng, kín đáo và chiến lược hơn. Với những gì từng được triển khai thông qua USAID, dư luận quốc tế có lý do để tin rằng khi một cánh tay chính thức bị rút lại, một cánh tay ngầm khác có thể đã âm thầm thế chỗ.
Thế Nguyễn