Thứ Sáu, Tháng 7 4, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Washington và ván cờ thể chế với Havana



ĐNA -

Ngày 03/7/2025, tờ Thế Giới Trẻ (Đức) đăng tải bài viết của nhà báo David Siegmund-Schultze với tiêu đề “Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba – Hoa Kỳ muốn phá vỡ Cuba“. Bài viết đề cập đến việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Havana, khiến chính phủ Cuba lên án đây là “hành vi xâm lược”, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.

Một tân binh tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát do chính quyền thực dân Tây Ban Nha gây ra cách đây 154 năm (Havana, ngày 27 tháng 11 năm 2024). Ảnh: Alexandre Meneghini/REUTERS

Cuộc sống của người dân Cuba ngày càng khốn khó với tình trạng mất điện triền miên, xếp hàng dài chờ thực phẩm, thiếu hụt thuốc men, hệ quả nặng nề từ lệnh cấm vận kinh tế do Hoa Kỳ áp đặt từ năm 1962. Mới đây, Washington tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt. Theo bản ghi nhớ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm thứ Hai, chính quyền Mỹ sẽ thực thi nghiêm ngặt hơn các hạn chế đi lại và thắt chặt giới hạn đối với kiều hối gửi về Cuba. Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng ta sẽ buộc chế độ Cuba bất hợp pháp phải chịu trách nhiệm.” Các chính trị gia theo đường lối cứng rắn cũng lên tiếng ủng hộ. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Carlos Giménez nhấn mạnh: “Chúng ta phải cắt đứt nguồn cung cấp oxy của chế độ này.”

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez chỉ trích mạnh mẽ động thái mới từ Washington, cho rằng điều này “làm gia tăng hành vi xâm lược và lệnh phong tỏa kinh tế trừng phạt toàn thể người dân Cuba, đồng thời là trở ngại chính đối với sự phát triển của chúng tôi”. Trong tuyên bố phát đi hôm thứ Ba (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định bản ghi nhớ của Mỹ là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia. Trong suốt 30 năm qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gần như nhất trí lên án lệnh cấm vận này, ngoại trừ phiếu chống của Hoa Kỳ và Israel. Theo phía Cuba, các biện pháp trừng phạt của Mỹ còn ảnh hưởng đến các bên thứ ba có quan hệ thương mại với Cuba, qua đó vi phạm luật pháp quốc tế.

Bản ghi nhớ mới đại diện cho sự siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt từ đầu nhiệm kỳ năm 2017. Chính sách này tiếp tục nhắm vào ba nguồn thu nhập quan trọng nhất của Cuba: xuất khẩu hàng hóa, kiều hối từ cộng đồng người Cuba ở nước ngoài và ngành du lịch. Nỗi lo bị Mỹ trừng phạt cùng sự không rõ ràng trong các quy định đã khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế ngần ngại giao dịch hoặc đầu tư vào Cuba, dù các hoạt động này trên thực tế là hợp pháp. Nguy cơ bị cắt khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ khiến phần lớn ngân hàng quốc tế từ chối mọi rủi ro liên quan. Kể từ sau các lệnh trừng phạt năm 2017, nhiều ngân hàng đã ngừng hợp tác với Cuba, “bao gồm cả việc chuyển tiền hợp pháp để mua thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu cho người dân”, theo Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Alena Douhan trong một thông cáo phát đi tháng 7/2024.

Các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt mà chính quyền Mỹ áp đặt lên Cuba không đơn thuần là nhằm gây sức ép ngoại giao hay trừng phạt một quốc gia “thù địch”, mà thể hiện rõ một chiến lược dài hơi nhằm làm suy yếu mô hình xã hội chủ nghĩa tại quốc đảo này. Việc nhắm vào các nguồn sống kinh tế trọng yếu như du lịch, kiều hối và giao thương quốc tế, kết hợp với các biện pháp cô lập tài chính, cho thấy mục tiêu sâu xa của Washington là thúc đẩy sự bất ổn nội bộ, làm lung lay nền tảng kinh tế – xã hội Cuba, từ đó tạo điều kiện cho một sự chuyển đổi thể chế theo hướng có lợi cho phương Tây. Tuy nhiên, bất chấp áp lực kéo dài suốt nhiều thập kỷ, Cuba vẫn kiên định với con đường riêng của mình, cho thấy rằng các biện pháp trừng phạt, dù có thể gây tổn thất nặng nề về vật chất vẫn khó có thể khuất phục được ý chí chính trị của một dân tộc.

Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.jungewelt.de/artikel/503204.us-embargo-kubas-usa-wollen-kuba-brechen.html