Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, ngày 7/7/2025, hãng Reuters đưa tin Thái Lan đã chính thức đệ trình một đề xuất thương mại mới lên Chính phủ Hoa Kỳ. Theo thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, đề xuất này bao gồm việc cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ. Động thái này được xem là nỗ lực chiến lược nhằm ngăn chặn nguy cơ Hoa Kỳ áp thuế cao trở lại đối với hàng hóa Thái Lan, từ đó duy trì sự ổn định trong quan hệ thương mại song phương và bảo vệ các ngành xuất khẩu chủ lực của nước này.

Washington đã cảnh báo sẽ áp mức thuế lên tới 36% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan nếu hai bên không đạt được thỏa thuận giảm thuế trước ngày 9/7, thời điểm lệnh tạm hoãn kéo dài 90 ngày, vốn giữ mức thuế cơ bản ở 10% đối với hầu hết các quốc gia, chính thức hết hiệu lực.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái, tương đương 54,96 tỷ USD. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan lên tới 45,6 tỷ USD, khiến Washington gia tăng áp lực đàm phán.
Trả lời báo chí sau khi trở về từ Washington, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết: “Chúng tôi đã lắng nghe các quan ngại của phía Mỹ và điều chỉnh đề xuất thương mại cho phù hợp.” Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) được cho là đã hoan nghênh những nỗ lực của Bangkok nhưng vẫn đề nghị thêm một số sửa đổi nhỏ.
Theo ông Pichai, đề xuất mới bao gồm việc áp mức thuế 0% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, kèm theo các biện pháp để cân bằng cán cân thương mại song phương trong vòng chưa đầy 10 năm, sớm hơn so với đề xuất ban đầu. Ngoài ra, Thái Lan cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để thúc đẩy thương mại hai chiều.
“Không chỉ là giảm thuế, mà còn là mở rộng quy mô thương mại,” ông nhấn mạnh. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng không phải toàn bộ mặt hàng đều được áp thuế 0%, mà chỉ áp dụng cho số lượng lớn các mặt hàng được lựa chọn.
Ông Pichai khẳng định các điều kiện trong đề xuất là “rất thuận lợi” và phù hợp với các yêu cầu từ phía Hoa Kỳ. Các cuộc đàm phán thương mại dự kiến sẽ tiếp tục sau thời điểm lệnh tạm hoãn thuế hết hiệu lực, bởi quá trình đàm phán cần sự tham vấn từ nhiều bên liên quan.
Trong năm 2024, ba mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan sang Mỹ là máy tính, điện thoại và các sản phẩm cao su, trong khi nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ là dầu thô, máy móc và hóa chất.
Một phần trong nỗ lực tái cân bằng thương mại, Thái Lan cũng cam kết nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn từ Mỹ và giảm thuế nhập khẩu ngô, mặt hàng hiện chịu thuế lên tới 73%, theo Hiệp hội Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Thái Lan.
Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn năng lượng nhà nước Thái Lan PTT đã ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm từ dự án LNG Alaska của Glenfarne trong vòng 20 năm. Đây là dự án trị giá 44 tỷ USD, được triển khai dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, những diễn biến trong quan hệ thương mại với Mỹ đang diễn ra trong bối cảnh Thái Lan phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế. Bộ trưởng Pichai cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á có thể chỉ tăng trưởng hơn 1% trong năm nay do tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Thái Lan hiện đang vật lộn với tiêu dùng nội địa yếu, nợ hộ gia đình gia tăng, tăng trưởng du lịch chậm lại và môi trường thương mại quốc tế bất ổn. Ngân hàng trung ương Thái Lan gần đây hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 2,3%, sau mức tăng trưởng 2,5% khiêm tốn trong năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng trong khu vực.
Đề xuất điều chỉnh thuế quan của Thái Lan cho thấy một chiến lược linh hoạt và thực dụng trong bối cảnh địa chính trị thương mại toàn cầu đầy biến động. Việc Hoa Kỳ đe dọa áp thuế lên tới 36% không chỉ là một lời cảnh báo mang tính chất song phương, mà còn phản ánh xu hướng bảo hộ thương mại đang quay trở lại trong chính sách đối ngoại của Washington. Để tránh bị cuốn vào làn sóng này, Thái Lan đã lựa chọn “chủ động nhượng bộ” thông qua các điều chỉnh về thuế, đồng thời mở rộng nhập khẩu từ Mỹ nhằm tái cân bằng cán cân thương mại, điều vốn là trọng tâm trong chính sách của các chính quyền Hoa Kỳ gần đây.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ, trong khi nội lực kinh tế nội địa lại đang suy yếu, đặt ra những thách thức lớn cho Bangkok. Việc nhượng bộ thương mại có thể giúp tránh cú sốc thuế quan ngắn hạn, nhưng cũng làm gia tăng áp lực dài hạn trong việc bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, những lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi nhập khẩu giá rẻ.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đang chậm lại, tiêu dùng trong nước suy yếu và môi trường toàn cầu đầy rủi ro, các quyết định đối ngoại về thương mại ngày càng trở nên gắn chặt với bài toán ổn định vĩ mô và an ninh kinh tế. Đề xuất thương mại lần này có thể là “phao cứu sinh” ngắn hạn, nhưng về dài hạn, Thái Lan cần một chiến lược tái cơ cấu kinh tế sâu rộng, giảm sự lệ thuộc vào một vài thị trường lớn và xây dựng nền tảng tăng trưởng bền vững từ bên trong.
Hieu Nguyen