Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Marco Rubio sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới châu Á trong tuần này, với điểm đến là Malaysia, để tham dự các cuộc họp với các quốc gia Đông Nam Á. Thông tin được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ngày 7/7/2025, trên hãng tin Reuters. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế cao đối với Malaysia, nước chủ nhà cùng nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực.

Chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio từ ngày 8 đến 12/7, theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm khẳng định lại cam kết chiến lược của Washington đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những gì diễn ra gần như cùng thời điểm khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế mạnh tay với hàng loạt đối tác và đồng minh trong khu vực đã khiến thông điệp ngoại giao trở nên đối lập và phức tạp hơn bao giờ hết.
Nghịch lý ngoại giao và chính sách thuế quan
Chưa đầy 24 giờ sau khi kế hoạch chuyến đi của Rubio được công bố, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh then chốt của Mỹ trong đối trọng với Trung Quốc. Tiếp đó, sáu quốc gia Đông Nam Á, bao gồm nước chủ nhà Malaysia, nơi Rubio sắp tham dự các cuộc họp ASEAN cũng bị liệt vào danh sách áp thuế. Trong số đó, có những mức thuế lên đến 40%, như Lào và Myanmar, thậm chí cả Thái Lan, một đồng minh an ninh lâu đời của Mỹ cũng không được miễn trừ.
Đây không chỉ là một thông điệp kinh tế. Nó là một lời nhắn chính trị mạnh mẽ về việc Mỹ sẵn sàng đặt lợi ích thương mại lên trên cả các mối quan hệ chiến lược. Nhưng nghịch lý ở chỗ: chính quyền Trump cũng đang cố gắng thuyết phục các nước ASEAN tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc trong khi lại trực tiếp gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của họ.
ASEAN: Đối tác chiến lược hay nạn nhân của chính sách “Nước Mỹ trên hết”?
Từ nhiều năm qua, ASEAN được Mỹ nhìn nhận là một trụ cột trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Thế nhưng, việc áp thuế đồng loạt và không phân biệt giữa đối tác thân cận với các nước ngoài quỹ đạo Mỹ đã làm xói mòn đáng kể lòng tin vốn đã mong manh.
Các nước Đông Nam Á vốn đã hoài nghi về độ bền vững của chính sách xoay trục sang châu Á từ thời Obama, lại càng thêm e ngại trước chiến lược thiếu nhất quán của chính quyền Trump. Thông điệp “cam kết lâu dài” mà Rubio mang đến có nguy cơ bị lu mờ hoàn toàn nếu thiếu sự bảo đảm cụ thể về mặt lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế, đầu tư mạnh vào hạ tầng và gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, các nước ASEAN không thể đơn giản lựa chọn theo phe nào nếu không nhận thấy lợi ích rõ ràng. Việc Mỹ chọn cách gây áp lực kinh tế, thay vì hợp tác cùng có lợi, có thể đẩy nhiều nước trong khu vực xích lại gần hơn với Bắc Kinh, bất chấp các mối lo ngại về chủ quyền hay ảnh hưởng chính trị.
Mỹ: Tái khẳng định cam kết hay tự cô lập?
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, mục tiêu của Rubio là “tái khẳng định cam kết” và khẳng định rằng khu vực này “phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra lại gợi lên câu hỏi: Washington thực sự đang củng cố lòng tin hay đang tự đánh mất vị thế của mình bằng chính các chính sách ngắn hạn?
Chính quyền Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng chính sách thuế nhằm mục tiêu tái cân bằng thương mại. Tuy nhiên, trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt tại khu vực đang chịu sức ép chiến lược từ Trung Quốc, sự khôn ngoan chính trị đôi khi quan trọng hơn chỉ số thâm hụt thương mại. Khi thông điệp an ninh và kinh tế phát ra theo hai hướng khác nhau, không dễ để các quốc gia châu Á tin rằng Mỹ là một đối tác ổn định và lâu dài.
Một bài kiểm tra lòng tin chiến lược
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Rubio diễn ra trong thời điểm then chốt, không chỉ với quan hệ Mỹ – ASEAN, mà với toàn bộ cấu trúc an ninh khu vực. Dù Washington vẫn có lợi thế về quân sự, công nghệ và giá trị dân chủ, nhưng nếu không đi kèm với một chính sách kinh tế mang tính xây dựng, lợi thế đó sẽ ngày càng bị thách thức bởi sự thực dụng của các quốc gia trong khu vực.
Chính sách “cây gậy và củ cà rốt” có thể hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng trong một thế giới đa cực và nhiều rủi ro, việc duy trì lòng tin chiến lược vẫn là điều kiện tiên quyết để duy trì ảnh hưởng. Chuyến đi của Rubio có thể là bước đầu tiên, nhưng liệu có đủ để hóa giải những nghi ngại ngày càng sâu sắc từ Đông Nam Á?
Thế Nguyễn