Ngày 8/7/2025, Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga đã chính thức liệt Đại học Yale, một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ, có trụ sở tại bang Connecticut vào danh sách các tổ chức “không mong muốn”. Theo tuyên bố từ phía Nga, trường đại học này bị cáo buộc đã can thiệp vào công việc nội bộ và tìm cách gây bất ổn nền kinh tế Nga. Lệnh cấm đồng nghĩa với việc Đại học Yale không được phép hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào trên lãnh thổ Nga.

“Các hoạt động của trường đại học này nhằm mục đích vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga, thực thi lệnh phong tỏa quốc tế, phá hoại nền kinh tế và làm mất ổn định tình hình kinh tế – xã hội và chính trị của đất nước”, tuyên bố của văn phòng cho biết.
Việc Văn phòng Tổng công tố Nga đưa Đại học Yale vào danh sách các tổ chức “không mong muốn” không chỉ phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và phương Tây, mà còn làm nổi bật vai trò của các tổ chức học thuật trong các cuộc đối đầu chính trị toàn cầu. Theo cáo buộc của các công tố viên Nga, Chương trình Maurice R. Greenberg World Fellows tại Trường Quan hệ Toàn cầu Yale Jackson đã bị sử dụng như một công cụ để “đào tạo các nhà lãnh đạo phe đối lập từ các quốc gia nước ngoài”, trong đó có Aleksey Navalny và Leonid Volkov, hai nhân vật chủ chốt trong phong trào đối lập tại Nga.
Cái chết của Navalny trong tù vào tháng 2/2024, cùng với bản án 18 năm tù vắng mặt dành cho Volkov hồi tháng trước, tiếp tục đẩy căng thẳng giữa chính quyền Nga và các tổ chức được cho là hậu thuẫn phe đối lập lên cao trào. Theo Moscow, Quỹ chống tham nhũng (FBK), tổ chức từng bị cấm hoạt động tại Nga đã ứng dụng “kiến thức và kỹ thuật” từ Yale để khuếch đại các hoạt động phản đối trong nước.
Không dừng lại ở đó, cáo buộc còn mở rộng sang lĩnh vực tài chính – pháp lý, khi giới chức Nga tố cáo Yale đã cố gắng xây dựng “khuôn khổ pháp lý” nhằm chuyển hướng tài sản Nga bị đóng băng sang mục đích hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đây là hành động mà Nga coi là vi phạm luật pháp quốc tế và ngang với hành vi chiếm đoạt tài sản.
Một nhân vật trung tâm trong loạt cáo buộc này là giáo sư Jeffrey Sonnenfeld thuộc Trường Quản lý Yale, người từ năm 2022 đã tích cực vận động cộng đồng doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường Nga và ủng hộ các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn. Cùng với Steven Tian, giám đốc nghiên cứu tại Viện Lãnh đạo CEO Yale, họ đã công khai việc hợp tác với Bộ Tài chính Mỹ để thiết kế các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga.
Dù những cáo buộc từ phía Nga chưa được kiểm chứng độc lập, sự kiện lần này tiếp tục làm nổi bật cách các tổ chức giáo dục và học thuật phương Tây ngày càng bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu địa chính trị, không chỉ về mặt học thuật, mà cả về ảnh hưởng và quyền lực mềm.
Alexander Yakovlev, cựu học viên Đại học Columbia (Hoa Kỳ) theo học bổng Fullbright, đã bị vạch mặt là “điệp viên có ảnh hưởng” của Mỹ.
Năm 1958, Trưởng Ban Tuyên truyền Đảng Cộng sản Liên Xô Alexander Yakovlev được Đảng Cộng sản Liên Xô cử đi sang Mỹ du học một năm bằng học bổng Fulbright. Theo học bổng Fulbright, A.Yakovlev theo học chương trình thực tập sinh tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) dưới sự hướng dẫn khoa học của Giáo sư Chính trị học Hoa Kỳ David Truman, một trong những người sáng lập học thuyết đa nguyên chính trị và là một chuyên gia chống cộng khét tiếng. Theo hồi ký của cựu Chủ tịch KGB V. Kryuchkov, A.Yakovlev được cơ quan tình báo Hoa Kỳ tuyển mộ trong thời gian đang là học viên của Viện hàn lâm khoa học xã hội sang Hoa Kỳ thực tập tại Đại học Columbia. Việc A.Yakovlev bị cơ quan tình báo nước ngoài tuyển mộ cũng được trung tướng Y. Pitovranov và cựu Chủ tịch KGB Viktor Chebrikov xác nhận.
Trong những năm cải tổ ở Liên Xô, A. Yakovlev hiện nguyên hình là kẻ chống chủ nghĩa xã hội. Báo Nước Nga Xô Viết (số ra ngày 7/5/1991) đã đăng bức thư ngỏ của G.Zyuganov (về sau là Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga) gửi A.Yakovlev với tiêu đề “Kiến trúc sư trưởng bên đống đổ nát”. Sau khi bức thư này được công bố, báo chí Nga gọi A.Yakovlev là “kiến trúc trưởng công cuộc cải tổ” dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô.
Về sau, trong hồi ký của mình, A.Yakovlev tiết lộ: “Chúng tôi sẽ phải xóa bỏ hệ thống chính trị Xô Viết bằng các phương thức khác nhau như ủng hộ và tôn vinh những người bất đồng chính kiến. Nhưng biện pháp này không triệt để và không có hiệu quả. Cần phải phá hoại Liên Xô từ bên trong và cách duy nhất đúng để đạt mục tiêu đó là sử dụng chính cơ chế quản lý toàn trị của hệ thống đó để phá bỏ nó và chúng tôi đã thành công”.
Tại Việt Nam, Đại học Fulbright, một dự án hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từng trở thành tâm điểm tranh luận trên mạng xã hội liên quan đến phát biểu của nguyên Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy trong một cuộc tọa đàm vào năm 2019 về bộ phim tài liệu “The Vietnam War” do Ken Burns và Lynn Novick thực hiện. Trong đoạn video được đăng tải trên YouTube, bà Thủy chia sẻ rằng bộ phim đã gây xúc động mạnh cho sinh viên Đại học Fulbright (FUV), đặc biệt là khi họ bày tỏ sự thương xót trước những nỗi đau mà binh lính Mỹ phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam giai đoạn 1965–1973. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng là giai đoạn mà quân đội Mỹ bị cộng đồng quốc tế và người dân Việt Nam lên án dữ dội do hàng loạt hành động tàn bạo như đốt phá làng mạc, sát hại thường dân và xâm hại phụ nữ tại miền Nam Việt Nam. Phát biểu của bà Thủy đã làm dấy lên tranh luận về cách tiếp cận lịch sử và giáo dục trong môi trường học thuật quốc tế tại Việt Nam.
Phát ngôn của bà Đàm Bích Thủy, dù xuất phát từ góc nhìn cá nhân, đã chạm tới một vấn đề sâu xa hơn: đó là cách nhìn nhận lịch sử và lòng tôn trọng đối với những mất mát, hy sinh của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, việc tiếp cận lịch sử với tinh thần khách quan là cần thiết, nhưng không thể đánh đồng giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Lịch sử không chỉ là ký ức, mà còn là nền tảng đạo lý và bản sắc dân tộc, điều mà bất kỳ cá nhân nào, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cũng cần nhận thức rõ ràng và thận trọng trong phát ngôn.
Tranh luận xung quanh phát biểu của bà Đàm Bích Thủy một lần nữa đặt ra câu hỏi về vai trò của giáo dục và giới trí thức trong việc tiếp cận lịch sử, liệu có thể “trung lập hóa” những giai đoạn lịch sử có tính chất xâm lược rõ ràng, hay cần một thái độ nhất quán trong việc bảo vệ giá trị độc lập, chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc.
Minh Anh