Chủ Nhật, Tháng 7 13, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Giáo dục nghệ thuật đờn ca tài tử học đường, gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa Nam Bộ



ĐNA -

Là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, Đờn ca tài tử gắn bó mật thiết với đời sống người dân Nam Bộ từ thuở mở đất. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống mãnh liệt và ảnh hưởng sâu rộng, loại hình âm nhạc này đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhằm đưa Đờn ca tài tử đến gần hơn với thế hệ trẻ, đặc biệt trong môi trường học đường, Trường PTCS – PTTH nên thí điểm triển khai chương trình sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam Bộ” cùng nhiều hoạt động nghệ thuật ngoại khóa trong môn Ngữ văn và Âm nhạc.

Đờn ca tài tử gắn bó mật thiết với đời sống người dân Nam Bộ từ thuở mở đất. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống mãnh liệt và ảnh hưởng sâu rộng, loại hình âm nhạc này đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc triển khai chương trình giảng dạy thí điểm nghệ thuật truyền thống tại một số trường học đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Đây là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tại TP. Hồ Chí Minh, việc đưa Đờn ca tài tử vào học đường trong ngoại khoa môn ngữ văn hoặc trong trương trình năng khiếu bộ môn âm nhạc không chỉ góp phần ươm mầm tài năng nghệ thuật mà còn tạo tiền đề cho sự hình thành một thế hệ khán giả trẻ yêu thích và gắn bó với loại hình sân khấu truyền thống. Đặc biệt, việc khơi gợi niềm đam mê Đờn ca tài tử ngay từ lứa tuổi mầm non là hướng đi cần thiết, nhằm nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc và xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển của nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ
Đờn ca Tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ những ngày đầu mở đất. Đờn ca tài tử có lịch sử hình thành muộn so với nghệ thuật Tuồng (Hát Bội), Chèo, Quan họ hay Ca trù,… Tính chuyên nghiệp nhưng đậm chất dân dã của loại hình nghệ thuật này được thể hiện qua không gian văn hóa trình diễn, hình thức tổ chức, bài bản, ngôn ngữ nghệ thuật, sự giao tiếp, ứng xử và cả sự giao hòa đồng điệu tri kỷ tri âm của tiếng đờn, lời ca.

Đờn ca tài tử thể hiện tính cách phóng khoáng, nếp sống sông nước miệt vườn của cư dân Nam Bộ. Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng văn hóa sâu rộng, Đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Nam Bộ.

Vai trò của giáo dục nghệ thuật
Giáo dục nghệ thuật : Nghệ thuật sinh ra như một đòi hỏi tất yếu của xã hội, như một thể hiện, biểu hiện cần có của con người với thế giới chung quanh. Khi nói tới nghệ thuật, người ta thường nhớ câu nói nổi tiếng của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky: “Ở đâu và khi nào ngôn từ bất lực thì ở đó sẽ sinh ra một thứ ngôn ngữ mới hùng hồn hơn, đó là âm nhạc”.

Các loại hình nghệ thuật bao giờ cũng mang trong nó những đặc thù riêng về phương tiện biểu hiện. Để hiểu, để thưởng thức một loại hình nghệ thuật con người cần có những tri thức cơ bản, kiến thức nhất định về loại hình nghệ thuật đó. Tiến sĩ Jerome Kagan đã phát biểu tại hội nghị John Hopkins Learning, Arts and the Brain năm 2019 rằng Nghệ thuật góp phần thúc đẩy con người học tập tốt đến đáng ngạc nhiên, bởi các bộ môn nghệ thuật thường kết hợp ba công cụ chính mà trí não con người sử dụng để tiếp nhận, lưu trữ và truyền đạt kiến thức, đó là: các kỹ năng vận động, sự hình dung thông qua giác quan, và ngôn ngữ.

Nghệ thuật luôn không chỉ mang đến cho con người những giây phút giải trí thoải mái, mà hơn vậy, mang đến cho con người sự hưởng thụ mang tính thẩm mỹ về phương diện tinh thần, mang đến cho con người sự thanh cao, cao thượng và cả nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Vai trò của giáo dục nghệ thuật
Từ thời cổ đại, các triết gia đã coi giáo dục nghệ thuật là một trong những phương thức hiệu quả nhất cho việc giáo dục con người trở thành người tốt. Diễn trình lịch sử xã hội loài người cũng có thể được nhìn nhận ở góc độ của những quan điểm khác nhau về giáo dục nghệ thuật. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của giáo dục nghệ thuật là làm cho người học tôn trọng và hiểu các nền văn hóa, các giá trị khác nhau của xã hội đa dạng. Việc đánh giá cao vai trò của giáo dục nghệ thuật không phải là điều mới trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Giáo dục nghệ thuật là lĩnh vực có thể sẽ mang đến cho đối tượng cần những tri thức cơ bản để có thể tiếp cận với một loại hình nghệ thuật. Quỹ Giáo dục giải thích: “Giáo dục nghệ thuật sẽ trở thành cầu nối chia sẻ, chất keo định hình sự hiểu biết về cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác” [6]. Một trong những lợi ích lớn nhất của giáo dục nghệ thuật đối với học sinh là nó thực sự có thể cải thiện các kỹ năng học tập, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo. Không có gì có thể khám phá, phát triển sáng tạo và trí tưởng tượng tốt hơn giáo dục nghệ thuật. Nhiều học sinh đang thực sự quan tâm nhiều hơn và có kỹ năng trong các hình thức nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường ở Việt Nam
Giáo dục nghệ thuật : Giáo dục nghệ thuật là nhu cầu cho mọi tầng lớp xã hội. Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông giữ vai trò rất quan trọng, bởi vì, ngoài thời gian trẻ em sống ở gia đình và xã hội, thời gian học tập ở nhà trường chiếm phần nhiều. Công tác giáo dục nghệ thuật, do đó, cần đa dạng hơn về không gian và phương thức tiến hành. Nhiều nhà giáo dục nghệ thuật thường rất chú trọng tới đối tượng nhà trường phổ thông, coi đây là khu vực quan trọng để có thể tiến tới mục tiêu giáo dục nghệ thuật cho toàn xã hội trong tương lai.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường ở Việt Nam, trong một thời gian dài chỉ triển khai ở hai môn âm nhạc và mỹ thuật. Các bài học về âm nhạc và mỹ thuật tại trường phổ thông cũng đã đóng góp tích cực trong việc mang đến cho tuổi trẻ Việt Nam những kiến thức cần để có thể trở thành một con người toàn diện. Tuy nhiên, giờ học âm nhạc và mỹ thuật ở trường phổ thông chỉ có ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở, không có giờ dạy nghệ thuật (âm nhạc hay mỹ thuật) ở trường trung học phổ thông (THPT), trong khi học sinh ở lứa tuổi THPT cũng rất cần sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và xã hội trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật truyền thống trong nhà trường: Nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho học sinh. Việc giáo dục nghệ thuật thuật sáng tạo sẽ giúp các em trở nên linh hoạt, giàu trí tưởng tượng và thích ứng tốt với cuộc sống hiện đại. Các nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật, đều thống nhất với nhau về sự cần thiết, cấp bách của công tác giáo dục nghệ thuật cho lứa tuổi THPT. Các nhà nghiên cứu cho rằng rất cần thiết để có một sự chỉ đạo ở tầm chiến lược của công tác này.

Một số phụ huynh, giáo viên và học sinh coi giáo dục nghệ thuật không quan trọng, đặc biệt là khi so sánh với các môn như ngôn ngữ, toán học và khoa học. Tuy nhiên, giá trị của các môn học nghệ thuật không nên đánh giá thấp bởi nó thực sự có thể mang đến nhiều lợi ích cho người học. Dù luôn xuất hiện một cách thường trực trong danh sách các “môn học phụ” trong tâm trí của nhiều người, song, các môn học nghệ thuật vẫn luôn mang những vai trò vô cùng quan trọng. Việc đưa các môn về nghệ thuật vào nhà trường các cấp không chỉ đơn thuần nhằm phát triển năng khiếu ở các em học sinh, mà còn mang đến một giá trị vô cùng quý giá, đó chính là tư duy thẩm mỹ.

Giáo dục nghệ thuật cần được xem xét, đổi mới phương pháp, đưa từ nhận thức cái đẹp thành tự tự nhận thức, đưa giáo dục thành tự giáo dục, từ đó hướng các em tới các giá trị của chân, thiện và mỹ. Việc hình thành tư duy thẩm mỹ góp phần thúc đẩy tư duy sáng tạo, kỹ năng xã hội đến phẩm chất cá nhân, hướng các em trở thành những người biết trân trọng, yêu quý cái đẹp, và mong muốn làm ra cái đẹp.

Hiện nay, nhiều học sinh có sự hiểu biết và yêu thích các tác phẩm âm nhạc nước ngoài. Những giá trị văn hóa cổ truyền còn chưa được yêu thích và coi trọng, nhất là trong giới trẻ. Các thể loại âm nhạc và sân khấu truyền thống không được các em lưu ý quan tâm. Giới trẻ Việt Nam hôm nay phần nhiều không yêu thích do không hiểu được những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống. Trong các bài dân ca, nhiều lời ca cổ là khó hiểu đối với thế hệ trẻ hôm nay. Để khắc phục vấn đề này, cần phải có một tầm chiến lược mang tính định hướng cao vì thế hệ trẻ và cũng là vì tương lai của đất nước.

Việc truyền bá nghệ thuật dân tộc đến giới trẻ là rất cần thiết. “Truyền bá văn hóa là một trong những quá trình biến đổi văn hóa quan trọng bên cạnh những khám phá của bản than mỗi nền văn hóa” [1]. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Từ đó, mỗi con người Việt Nam sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc trong sự hội nhập giữa các nền văn hóa trên thế giới.

Giáo dục nghệ thuật bằng Đờn ca tài tử ở TP. Hồ Chí Minh
Sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam Bộ” tại Trường PTTH
– Căn cứ công văn thông tư 32/2018/TT-BGD về chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Căn cứ vào sách giáo khoa mới của năm học 2022 – 2023:

Sách Ngữ văn 10 (Bộ Chân trời sáng tạo) – Bài 5. Nghệ thuật truyền thống. + Tài liệu Giáo dục địa phương TP. Hồ Chí Minh của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, chủ đề 4. Sự hình thành và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ của TP. Hồ Chí Minh. Căn cứ vào tình hình thực tế, tổ Ngữ văn và tổ Giáo dục địa phương trường THPT xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam Bộ”.

Mục đích
– Thực hiện chương trình giảng dạy của hai bộ môn Ngữ văn 10 và Giáo dục địa phương.

– Tạo không khí học tập sôi nổi, năng động với hình thức sân khấu trực quan, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức.

– Giúp học sinh hiểu được những đặc điểm cơ bản của hình thức diễn xướng dân gian Nam Bộ, với bộ môn Cải lương, Đờn ca tài tử – văn hóa phi vật thể được Unesco công nhận năm 2013.

– Giúp học sinh có sân chơi, trải nghiệm những điệu hò, điệu lí, … mang phong vị của vùng đất Nam Bộ xưa.

– Tạo thêm phong trào học tập năng động sáng tạo cho nhà trường.

Nhằm đưa Đờn ca tài tử vào học đường, kế hoạch tổ chức chương trình Sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam Bộ” của tổ Ngữ văn và Giáo dục địa phương năm học 2022 – 2023 đã được triển khai tại Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai. Chương trình do giáo viên Hồ Hoài Khanh phụ trách, tổ chức ở khối lớp 10.

Yêu cầu
– Chương trình phải được chuẩn bị chu đáo, kế hoạch cụ thể.

 – Sự phối hợp của GVCN quản lí học sinh trong quá trình học ngoại khóa.

 – Chương trình hấp dẫn, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có tính lan tỏa.

– Học sinh tham dự phải thực hiện đúng yêu cầu của thầy cô, có ý thức tốt, luôn có tinh thần học hỏi, giao lưu, chia sẻ, hòa đồng và thân thiện.

Đối tượng: Toàn thể học sinh khối 10 của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Chương trình giảng dạy thí điểm này đã có những thành công bước đầu, được tuyên truyền trên VTV”. Đến thời điểm hiện tại chương trình Sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam Bộ” đã triển khai được ở ba trường: Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (1 lần – do trường công khó khăn về kinh phí), Trường THPT Trần Nhân Tông (3 lần năm 2023-2024-2025) và Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng (2 lần 2024-2025) [3].

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đại chúng với nhiều hình thức giải trí trên mạng xã hội. Trước thực trạng nhiều bạn trẻ hiện nay ít quan tâm hoặc không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật truyền thống như Chèo, Tuồng, Cải lương, Ca trù, Quan họ… Để bảo tồn và phát huy cái hay cái đẹp của nghệ thuật truyền thống nghệ thuật Đờn ca Tài tử, một trong những giải pháp cấp thiết nhất, đó là xây dựng một thế hệ khán giả mới. Đặc biệt chú trọng phát huy năng khiếu và lòng đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống Đờn ca tài tử học đường là điều cấp thiết.

Hiện nay, vẫn có những cá nhân hoặc cộng đồng trẻ yêu thích, học hỏi và sáng tạo trên nền tảng nghệ thuật truyền thống. Ví dụ, các nhóm cover dân ca đương đại, biểu diễn Cải lương trên mạng xã hội, kết hợp tuồng – rap…, Vấn đề đưa nghệ thuật Đờn ca Tài tử vào học đường từ lứa tuổi mẫu giáo không quá khó. Từ khi con trẻ còn nằm trong nôi, chúng được cha mẹ cưng nựng, được nghe lời ru của mẹ bằng ngôn ngữ vùng miền địa phương. Vào trường mầm non, giờ học âm nhạc, ngoài những bài hát của lứa tuổi mầm non như: Bé bé bằng bông, Cháu lên ba, Cả nhà thương nhau,…  con trẻ lại được cô nuôi dạy trẻ dạy ca hát bằng âm nhạc dân gian với những bài bản tài tử rất đơn giản như: Thu Hồ, Long Hổ Hội,… “lòng bản” có sẵn, chỉ cần sáng tác lời mới, nội dung phù hợp lúa tuổi mẫu giáo. Ví dụ, bài Thu Hồ

Câu 1. Xê cống hò là hò xự xang (Bé lớn rồi không vòi mẹ đâu)
Câu 2.  Xự hò cống xê xàng cống xê (Chiều mẹ đón bé về với cha)

Vào cấp học PTCS – PTTH, các cháu tiếp tục được học các bài bản phù hợp với lứa tuổi của mình, khi lớn lên tâm hồn các  cháu cũng sẽ thấm đẫm âm điệu dân gian ngọt ngào. Đây là lực lượng khán giả dồi dào cho nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc cũng là nguồn lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ tương lai. Việc cho phép sự sáng tạo và trí tưởng tượng tự do là cách “học mà chơi” từ nghệ thuật có thể dẫn đến việc cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ khi các em học cách diễn giải thông tin và nói lên ý tưởng và quan điểm của mình một cách sáng tạo, tự tin. Tiến sĩ Kagan đã phát biểu tại buổi nói chuyện về sự tiếp thu, nghệ thuật và não bộ con người tại Trường Đại học John Hopkins vào năm 2009 như sau:“Nghệ thuật và âm nhạc đòi hỏi con người ta phải sử dụng đến cả kiến thức về biểu đồ và tiến trình, chính vì vậy sẽ giúp cho một đứa trẻ hiểu rộng hơn và sâu hơn về một vấn đề nào đó, và về thế giới này” [5].

“Nếu không có nghệ thuật và khoa học, thế giới của chúng ta sẽ là một nơi buồn tẻ và sự sáng tạo sẽ ít xuất hiện hơn” [3]. Nghệ thuật Đờn ca tài tử được đưa vào giáo dục tạo ra sự hấp dẫn và mang lại niềm vui cho việc học, thúc đẩy khả năng giao tiếp, hợp tác giữa các học sinh. Kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học chắc chắn rất quan trọng, nhưng trí tưởng tượng, sự sáng tạo và cách chúng ta tương tác với người khác cũng quan trọng không kém. Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là những môn học căn bản nhất để giảng dạy nhưng chưa đủ. Đưa các môn học nghệ thuật vào học đường mang nhiều ý nghĩa hơn là một hoạt động giải trí của học sinh ở trường. Trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách học sinh tương tác với nhau trong các mối quan hệ xã hội, cách các em tự tin giải quyết vấn đề, tư duy trực quan, và định hướng thẩm mĩ cũng quan trọng không kém.

Nghệ thuật có khả năng làm phong phú tâm hồn con người ở các lứa tuổi khác nhau và các mức độ thành tích khác nhau vì “nghệ thuật sáng tạo không phân biệt đối xử”. Nó không chỉ dạy chúng ta sự đồng cảm hay ý nghĩa của việc tương tác với người khác mà còn hướng đến sự suy nghĩ đa chiều. Giáo dục các xúc cảm thẩm mĩ trong sáng và tốt đẹp dựa trên hệ tiêu chí cơ bản: chân, thiện, mỹ. Thẩm mĩ là một năng lực được hình thành lâu dài, bền bỉ thông qua nghệ thuật. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra gợi mở có tính chiến lược: mời các nghệ sĩ, vận động viên xuất sắc tham gia giảng dạy trực tiếp các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật và thể thao trong nhà trường [2]. Nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng chiều sâu văn hóa, cảm xúc và thể chất cho thế hệ trẻ Việt Nam từ những bước đi đầu đời thì đây là một tầm nhìn xa cho giáo dục toàn diện. Con người ngày càng đối diện với nhiều áp lực và thông tin tiêu cực. Trong một thế giới số hóa, để trẻ em được sống với nghệ thuật, càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Nghệ thuật dạy chúng ta sự đồng cảm, cải thiện việc tương tác giữa các cá nhân và hướng đến sự suy nghĩ đa chiều. Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là những môn học căn bản nhất để giảng dạy nhưng để chuẩn bị cho học sinh về sự đổi mới, chúng ta cần tập trung vào tư tưởng sáng tạo mang lại cho các cá nhân về sự đổi mới đó. Nghệ thuật đã và đang mang nhiều ý nghĩa hơn là một hoạt động giải trí của học sinh ở trường. Nghệ thuật đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn việc đơn thuần chỉ ươm mầm tài năng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp tương lai. Nghệ thuật là ngôn ngữ của cảm xúc, là cầu nối giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng. Một bản nhạc hay, một bức tranh đẹp, một vở kịch lay động có thể thay đổi nhận thức, khiến con người trở nên tử tế và nhân văn. Một đứa trẻ có khả năng cảm nhạc sẽ biết rung động, đồng cảm trước cái đẹp.

Trong các nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nghệ thuật chiếm một vị trí quan trọng trong hành trình trưởng thành của trẻ. Sức mạnh của nghệ thuật có thể chính là thứ mà chúng ta đang tìm kiếm đối với học sinh. Truyền cảm hứng luôn là một yếu tố quan trọng để trẻ tìm thấy đam mê và phát huy tiềm năng bản thân bằng nghệ thuật là một con đường đúng đắn. Trong các cấp học, nghệ thuật đóng vai trò là phương tiện biểu đạt lành mạnh cũng như là một phương tiện cải thiện sự phát triển nhận thức như kỹ năng tư duy. Nghệ thuật mang đến sự cởi mở trong học tập, cơ hội để thể hiện bản thân trong các lĩnh vực, mở rộng tầm nhìn và tư duy. Nghệ thuật xứng đáng được xếp chung vị trí với các bộ môn khoa học về mức độ quan trọng và cần thiết. Cần phải xem nghệ thuật có vai trò quan trọng không thể tách rời trong nền giáo dục hiện đại.

Thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật vào trường học, nhưng chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ. Để tạo được ảnh hưởng sâu rộng, cần một chiến lược dài hạn, đi kèm với đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, cơ chế phối hợp. Tại TP. Hồ Chí minh, kế hoạch đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào học đường, theo ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm hoàn toàn có thể trở thành một chính sách nếu các cơ quan, đơn vị, trường học biết tận dụng tốt nguồn lực xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần đặt nghệ thuật vào vị trí xứng đáng trong hành trình trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam, như một phần không thể thiếu trong sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ, cảm xúc và nhân cách con người.

TS. Đạo diễn Võ Thị Yến/Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành TP. Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo
1.A.A Radughin (2002), Từ điển bách khoa văn hóa học, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật

2.Mai An, Truyền cảm hứng nghệ thuật từ học đường, SGGP online, 11/05/2025.
3.Brown (2011).
4.Hồ Hoài Khanh (2024), Kế hoạch Sinh hoạt chuyên đề “Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam Bộ”.
5.Kim Loan, Giáo dục nghệ thuật: Đổi mới phương pháp để phát triển tư duy thẩm mỹ, Trung tâm Tin tức HTV,15/8/2024.
6.Quỳnh Linh, theo Parent Herald, VNExpress, 14/8/2016.