(Phnom Penh, Cambodia). Trong hai ngày 14 và 15/7/2025, hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực” (Conference on Information Technology and its Applications, gọi tắt là CITA) XIV năm 2025. Đây là lần đầu tiên hội thảo CITA mở rộng quy mô ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình quốc tế hóa.

Góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia và khu vực Đông Nam Á
Sự kiện do Cộng đồng các trường đại học Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học (ACIR) và Hiệp hội các Khoa-Trường-Viện CNTT&TT Việt Nam (FISU Việt Nam), Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng; Học viện Công nghệ Kỹ thuật số Cambodia (CADT), trong vai trò đồng tổ chức; Nhà xuất bản Springer, IEEE SMC, Trường Đại học Bách Khoa Wroclaw (Ba Lan), Đại học Dublin (Ireland) và tài trợ bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thông qua dự án ODA là các tổ chức đã bảo trợ chuyên môn và đồng hành cùng sự kiện.
Được khởi xướng vào năm 2012, CITA là chuỗi hội thảo khoa học về công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực được VKU (Đại học Đà Nẵng) đăng cai tổ chức hằng năm. Mục tiêu chính của hội thảo nhằm tạo một diễn đàn quy tụ và kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia công bố, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng.

Là người sáng lập và gắn bó xuyên suốt cùng hành trình của CITA, tôi vui mừng và tự hào khi nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ CITA đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một diễn đàn học thuật quốc tế uy tín, nơi quy tụ tri thức, kết nối các cộng đồng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số.
Đặc biệt, CITA 2025 đánh dấu một cột mốc có ý nghĩa to lớn – lần đầu tiên hội thảo được tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam, tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Đây không chỉ là bước tiến về quy mô, mà còn là biểu hiện rõ nét cho tầm vóc và sứ mệnh quốc tế hóa của hội thảo.
Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả và đồng hành tích cực từ Học viện Công nghệ Kỹ thuật số Campuchia (CADT) – đơn vị đăng cai tổ chức, cùng sự góp sức của các nhà khoa học, tổ chức học thuật, doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu từ nhiều quốc gia.
CITA không chỉ là nơi chia sẻ các kết quả nghiên cứu, công bố học thuật, mà còn là cầu nối lan tỏa tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, hội thảo cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của VKU trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng khoa học, giáo dục và công nghệ khu vực”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học VKU, Trưởng Ban Tổ chức, Chủ trì sáng lập Hội thảo CITA, Chủ trì đồng sáng lập ACIR, nhấn mạnh.
Được biết đến nay, vẫn chưa có nhiều hội thảo chuyên ngành, do các nhà khoa học tại Việt Nam khởi xướng duy trì được lịch sử lâu dài (như CITA), với 14 năm hình thành và phát triển thành chuỗi hội thảo CITA thường niên; lại có thể vươn ra tổ chức ở nước ngoài (sau CITA 2025 diễn ra tại Phnom Penh, Cambodia; CTA 2027 sẽ tiếp nối tại Bangkok, Thailand; do VKU – Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Công nghệ King Mongkut’s Bắc Bangkok, Thái Lan (KMUTNB) phối hợp tổ chức).

Một thành tựu lớn nữa là Kỷ yếu hội thảo CITA được đưa vào danh mục cơ sở dữ liệu của Scopus.
Được biết kể từ năm 2022 (sau 10 phiên diễn ra), hội thảo CITA đã nhận được sự đồng hành và bảo trợ chuyên môn từ các Tạp chí có uy tín quốc tế như Tạp chí “Journal of Information and Telecommunication” (Scopus, eSCI) của nhà xuất bản Taylor and Francis (https://www.tandfonline.com/toc/tjit20/current) và Tạp chí “Vietnam Journal of Computer Science” (Scopus, eSCI) của nhà xuất bản World Scientific Publishing. Cả 2 tạp chí vừa nêu, đều được trích dẫn trong cơ sở dữ liệu in Scopus và e-SCI.
Từ đó, sẽ có thêm nhiều bài báo chất lượng tốt được lựa chọn tại các phiên báo cáo của CITA để mở rộng và xuất bản trong các số đặc biệt của 2 Tạp chí trên. Kỷ yếu hội thảo CITA liên tục được xuất bản trong Lecture Notes in Network and Systems (Springer) thuộc cơ sở dữ liệu DBLP, Scopus, Web of Science.
Dấu ấn quan trọng trong hợp tác học thuật khu vực Đông Nam Á
Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức CITA XIV, TS. Sopheap Seng – Viện trưởng Học viện Công nghệ Kỹ thuật số, Cambodia (CADT) trong phát biểu chào mừng CITA 2025 đã khẳng định “CITA 2025 tại Phnom Pênh Cambodia là dấu ấn quan trọng trong hợp tác học thuật khu vực Đông Nam Á.
CADT cam kết tiếp tục đóng vai trò tích cực trong phát triển cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. CITA không chỉ là nơi chia sẻ thành tựu mà còn là động lực gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực nhằm phát triển nguồn nhân lực và công nghệ cho tương lai số của toàn Đông Nam Á”.

CITA 2025 – XIV, thực sự đã khẳng định bước tiến vượt bật về uy tín, quy mô và chất lượng của một hội thảo quốc tế.
Ban tổ chức nhận được 165 bài báo khoa học của hơn 450 tác giả đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu biểu như Áo, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ireland, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Myanmar, Hongkong, Indonesia, Singapore, Na Uy, Ba Lan, Luxembourg, Nga, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Dưới sự chủ trì và cố vấn chuyên môn của các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số như GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (Việt Nam), PGS.TS. Lê Khắc Nhiên Ân (Ireland), GS.TS. Kang-Hyun Jo, GS.TS. Franck Leprévost (Luxembour), GS.TS. Christian Boitet (Pháp), GS.TS. Tzung-Pei Hong (Đài Loan), GS.TS. David Camacho (Tây Ban Nha), GS.TS. Nitesh Chawla (Hoa Kỳ), GS.TS. Lipo Wang (Singapore)… đã có 73 bài báo được lựa chọn để đăng tại Lecture Notes of Networking and Systems (tỷ lệ chấp nhận là 44%). Quá trình phản biện khoa học các bài báo diễn ra chặt chẽ, nghiêm túc, mỗi bài báo có từ 2 – 4 phản biện cho ý kiến.
Đặc biệt có 4 báo cáo khoa học chất lượng, được lựa chọn để xuất bản trong số dành riêng của Chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng, dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông (ISSN 1859-3526), Tạp chí Thông tin và Truyền thông uy tín của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tại phiên toàn thể của CITA 2025, hội thảo đã nghe 2 báo cáo đề dẫn chất lượng cao, của GS.TS. Franck Leprévost (Đại học Luxembourg, Luxembourg) với chủ đề “Classification models at Image Recognition Tasks: Assessing the Risks”, và GS.TS. Masugi Inoue (Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông quốc gia Nhật Bản) với chủ đề “Building a Resilient Society through ICT Innovation and Deployment”.

Các phiên báo cáo đặc biệt của CITA 2025, được dành cho chủ đề Vision and Intelligence Communication Systems for Next-Generation Applications (Hệ thống truyền thông thông minh và thị giác máy tính cho các ứng dụng thế hệ mới); Cyber Security, Digital Forensics and Cryptography (An toàn thông tin, mật mã và điều tra số); Modern Computational Intelligence in Digital Economy (Trí tuệ tính toán trong nền kinh tế số); Computer Vision (Thị giác máy tính).
Trong các phiên làm việc tiếp theo, hội thảo tiếp tục với 12 rooms báo cáo khoa học song song, bao gồm nhiều chủ đề thời sự và xu hướng phát triển mạnh hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ; Xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên ; Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin ; Mạng và Truyền thông ; Kinh tế số; …
Trong phiên bế mạc CITA 2025, Ban tổ chức đã quyết định trao thưởng cho 2 bài báo xuất sắc nhất (Best Paper Award) cho bài báo “Investigating Impact of Uneven Node Distribution and Cross-shard Transactions on Sharding Iot-Blockchain Systems” của nhóm tác giả Yue Su, Yang Xiang, Kien Nguyen, Hiroo Sekiya đến từ Trường Đại học Chiba, Nhật Bản và bài báo “IoT Intrusion Detection: A Comprehensive Benchmark of Feature Selection and Machine Learning Models” của nhóm tác giả Hong-Nhu-Y Vo, Dat Thinh Nguyen, Xuan Ha Nguyen, Kim-Hung Le đến từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam./.

Nguyễn Ngọc Hòa/từ Phnom Penh, Cambodia