Ngày 17/7/2025, Asia News Network (Singapore) đăng tải bài viết với tiêu đề “Đất hiếm Myanmar giá rẻ nuôi sống Trung Quốc khi các mỏ biên giới gây ô nhiễm Thái Lan”, làm dấy lên lo ngại về những hệ lụy môi trường nghiêm trọng do hoạt động khai thác đất hiếm ở Myanmar đã dẫn đến dòng chảy hóa chất làm ô nhiễm các nguồn nước chính, bao gồm cả sông Kok và sông Sai chảy vào miền bắc Thái Lan.

Đất hiếm, lợi nhuận chiến lược và hệ lụy môi trường tiềm tàng
Theo bài viết, kỹ thuật “rửa quặng” đang được áp dụng tại các mỏ đất hiếm ở Myanmar đã làm phát sinh dòng chảy hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước trọng yếu như sông Kok và sông Sai, những con sông quan trọng chảy vào khu vực miền bắc Thái Lan. Tình trạng ô nhiễm xuyên biên giới này đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với an ninh môi trường khu vực và yêu cầu cấp thiết về hợp tác giám sát giữa các quốc gia trong khu vực Mekong.
Khi nhắc đến đất hiếm (REE), nhóm 17 kim loại đóng vai trò thiết yếu trong các ngành công nghệ cao như sản xuất điện thoại thông minh, xe điện, tuabin gió và cả công nghiệp quốc phòng, thế giới thường hướng sự chú ý về Trung Quốc. Với việc kiểm soát đến 90% hoạt động chế biến đất hiếm toàn cầu và sở hữu khoảng 44 triệu tấn, gần một nửa trữ lượng đã biết của thế giới tính đến năm 2024, Trung Quốc không chỉ giữ vị trí dẫn đầu mà còn có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Trong khi đó, các quốc gia khác như Hoa Kỳ (1,9 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn), Úc (5,7 triệu tấn), Nga (3,8 triệu tấn) và Việt Nam (3,5 triệu tấn) cũng sở hữu trữ lượng đáng kể, nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh về quy mô khai thác và chế biến. Đáng chú ý, Myanmar, quốc gia không nằm trong nhóm có trữ lượng lớn lại trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc.
Điều nghịch lý là Myanmar không “sở hữu” nhiều đất hiếm nhưng lại “sản xuất” khá nhiều nhờ vào hoạt động khai thác diễn ra mạnh mẽ tại các bang Shan và Kachin. Phần lớn sản phẩm sau khai thác được vận chuyển trực tiếp sang Trung Quốc để tinh luyện và chế biến sâu. Điều này biến Myanmar thành một điểm trung chuyển khoáng sản thô, gánh nặng tài nguyên và rủi ro môi trường lại nằm trọn trên vai nước này.
Thực tế cho thấy, kỹ thuật khai thác phổ biến như “rửa quặng”, vốn đơn giản nhưng gây ô nhiễm cao đang để lại hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Dòng chảy hóa chất từ các mỏ ở Myanmar đã và đang gây ô nhiễm xuyên biên giới, đặc biệt ảnh hưởng tới nguồn nước tại miền bắc Thái Lan, trong đó có các con sông quan trọng như Kok và Sai.
Việc khai thác đất hiếm theo cách “bán rẻ môi trường, đổi lấy lợi ích kinh tế trước mắt” đang đặt ra bài toán phát triển bền vững cho không chỉ Myanmar mà cả khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh cuộc đua kiểm soát nguyên liệu chiến lược ngày càng nóng lên, việc cân bằng giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự minh bạch, hợp tác xuyên biên giới và cam kết thực thi các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn từ cả nhà nước và doanh nghiệp.
Khai thác đất hiếm biên giới Myanmar: Trung tâm lợi nhuận, vùng lõi ô nhiễm
Sự thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc không chỉ bắt nguồn từ nội lực chế biến hay trữ lượng khổng lồ trong nước, mà còn dựa vào nguồn cung ổn định từ nước láng giềng Myanmar, nơi đang chứng kiến làn sóng khai thác khoáng sản tăng vọt tại các khu vực biên giới, đặc biệt là bang Shan và bang Kachin. Những địa phương từng hẻo lánh nay trở thành “thủ phủ đất hiếm”, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ – đó là môi trường bị tàn phá nghiêm trọng và mối đe dọa ô nhiễm xuyên biên giới ngày càng rõ nét.
Tại thị trấn Poke (bang Shan), hoạt động khai thác đã phát triển mạnh dưới sự kiểm soát của lực lượng Quân đội Nhà nước Wa Thống nhất (UWSA). Chỉ trong vòng hai thập kỷ, số lượng mỏ tại đây đã tăng từ 3 (năm 2005) lên tới 26 mỏ vào năm 2025, một sự gia tăng đáng báo động. Phương pháp khai thác thủ công, “rửa quặng” bằng hóa chất dù đơn giản và chi phí thấp nhưng đã khiến chất thải độc hại tràn vào hệ thống sông ngòi, bao gồm sông Kok và sông Sai. Các dòng sông này tiếp tục chảy về phía bắc Thái Lan, mang theo cả lợi ích và gánh nặng môi trường cho quốc gia láng giềng.
Không kém phần dữ dội, phía bắc bang Kachin, tại các điểm như Pang Wa, Manse, Momok và Loy Ja đã trở thành trung tâm khai thác khoáng sản đất hiếm có quy mô lớn nhất Myanmar. Năm 2023 ghi nhận hơn 300 mỏ hoạt động cùng hơn 3.000 hố khai thác, tạo nên bức tranh khai khoáng “nóng bỏng” cả về cường độ lẫn hệ lụy môi trường. Đáng chú ý, kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, sản lượng đất hiếm tại khu vực này đã tăng tới 40%, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, nước đã mua tới 41.700 tấn đất hiếm từ Myanmar chỉ trong năm đó.
Sự phát triển không kiểm soát này đang tạo ra một vòng xoáy lợi ích, thiệt hại nghiêm trọng: Trung Quốc hưởng lợi từ nguồn cung giá rẻ, Myanmar thu về nguồn thu từ khai khoáng, trong khi môi trường và cộng đồng địa phương phải gánh chịu hậu quả trực tiếp. Tình trạng khai thác đất hiếm tại Myanmar, nếu không được giám sát chặt chẽ và điều chỉnh bằng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khu vực, sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á ngày càng dễ tổn thương bởi các biến đổi môi trường xuyên biên giới.
Chiến lược xuất khẩu ô nhiễm: Trung Quốc và những mỏ đất hiếm ở Myanmar
Khi nói đến sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu, phần lớn dư luận chỉ nhìn vào các con số thống kê về trữ lượng hay năng lực chế biến. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh đó là một chiến lược mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, trong đó Myanmar, đặc biệt là các bang Shan và Kachin đang trở thành “hậu trường” ít được nhắc đến nhưng lại đóng vai trò then chốt.
Không chỉ là nơi khai thác khoáng sản đơn thuần, các khu vực khai mỏ ở Myanmar còn đan xen giữa kinh tế, chính trị, xung đột sắc tộc và sự can dự ngày càng sâu của Trung Quốc. Phần lớn các mỏ đất hiếm tại đây được vận hành bởi các nhóm vũ trang địa phương hoặc có liên quan đến dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, trong khi các quy chuẩn về bảo vệ môi trường và nhân quyền hầu như bị bỏ ngỏ. Thiếu vắng sự giám sát nghiêm túc, các mỏ này trở thành “vùng xám” về pháp lý và môi sinh.
Việc Trung Quốc thắt chặt quy định khai thác đất hiếm trong nước, do lo ngại về ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên và các yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy các doanh nghiệp nước này tìm đến những thị trường kém kiểm soát hơn để duy trì chuỗi cung ứng. Myanmar, với khung pháp lý lỏng lẻo và khả năng quản lý tài nguyên hạn chế, nổi lên như một điểm đến lý tưởng để “xuất khẩu ô nhiễm”.
Điểm mấu chốt nằm ở chi phí. Theo Benchmark Mineral Intelligence, chi phí khai thác các nguyên tố đất hiếm nặng như dysprosi và terbi tại Myanmar rẻ hơn tới bảy lần so với tại Trung Quốc. Khoảng cách chi phí khổng lồ này không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn cho phép họ duy trì vị thế thống lĩnh trong các ngành công nghiệp chiến lược như sản xuất xe điện và năng lượng gió.
Tuy nhiên, lợi thế kinh tế đó đang phải đánh đổi bằng môi trường sống của người dân Myanmar, đặc biệt là tại các khu vực biên giới vốn đã mong manh vì xung đột và nghèo đói. Trong khi toàn bộ quy trình chế biến và gia tăng giá trị vẫn được thực hiện tại Trung Quốc, nơi kiểm soát công nghệ và lợi nhuận thì Myanmar chỉ giữ lại phần “ô nhiễm thô” của chuỗi giá trị.
Mỏ, hóa chất và sông ngòi
Pianporn Deetes, Giám đốc Chiến dịch Đông Nam Á tại International Rivers, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bangkok Business rằng cuộc khủng hoảng ô nhiễm xuyên biên giới đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người dân ở Chiang Rai, những người đang phải đối mặt với nguy cơ đe dọa tính mạng và sức khỏe do ô nhiễm kim loại nặng, đặc biệt là asen, trên sông Kok, chảy vào sông Mekong và sông Sai.
Người dân địa phương không còn có thể tham gia các hoạt động truyền thống như đánh bắt cá hoặc vận hành thuyền du lịch, và nông dân lo ngại rằng lúa trồng bằng nước sông Kok có thể bị nhiễm asen, vì lúa có xu hướng hấp thụ asen tốt. Ngoài ra, đã có báo cáo về việc cá bị nhiễm ký sinh trùng bất thường, có liên quan đến hoạt động khai thác mỏ làm xáo trộn đất.
Pianporn chỉ trích phản ứng của chính phủ Thái Lan là “chậm chạp”, kêu gọi họ thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng ô nhiễm xuyên biên giới lớn nhất mà Thái Lan từng phải đối mặt và hành động ngay lập tức. “Giải pháp duy nhất là dừng các hoạt động khai thác mỏ.”
Bà cũng kêu gọi chính phủ Thái Lan khẩn trương đàm phán với Myanmar và Trung Quốc, sử dụng nhiều biện pháp, bao gồm áp lực kinh tế, ngoại giao, và thậm chí cả áp lực liên quan đến lương thực, để chấm dứt các hoạt động khai thác mỏ. “Nếu đất đai tiếp tục bị xáo trộn và hoạt động khai thác vẫn tiếp diễn, người dân Chiang Rai sẽ ‘chết dần chết mòn’. Việc khôi phục các dòng sông bị ô nhiễm kim loại nặng là vô cùng khó khăn và tốn thời gian, như đã thấy trong vấn đề ô nhiễm suối Klity chưa được giải quyết, vốn đã kéo dài hơn 30 năm.”
Theo phân tích của Tạp chí Đông Nam Á (ASEAN News), thực trạng ô nhiễm xuyên biên giới từ hoạt động khai thác đất hiếm tại Myanmar không còn là vấn đề riêng lẻ của một quốc gia, mà đã trở thành phép thử rõ ràng cho năng lực hợp tác và trách nhiệm môi trường trong nội khối ASEAN. Khi lợi nhuận từ tài nguyên được quốc tế hóa chảy về các trung tâm chế biến, các tập đoàn xuyên quốc gia hay các thị trường tiêu dùng toàn cầu thì hậu quả lại đổ dồn về những cộng đồng biên giới vốn đã mong manh, nơi tiếng nói người dân hiếm khi được lắng nghe trên bàn đàm phán.
Vấn đề không nằm ở việc khai thác hay không khai thác, mà nằm ở cách thức khai thác và cơ chế giám sát trách nhiệm. Việc thiếu các tiêu chuẩn môi trường chung, thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng tài nguyên, và sự im lặng kéo dài từ các chính phủ khu vực đang tạo ra một khoảng trống nguy hiểm, nơi mà ô nhiễm, bất công và tổn thất sinh thái ngày càng tích tụ.
Thế Nguyễn