Chủ Nhật, Tháng 7 27, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ: Công nghệ ADN và hành trình khôi phục ký ức những liệt sĩ chưa rõ danh tính



ĐNA -

Chiều 25/7/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa rõ danh tính, do Bộ Công an tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7). Thông qua việc đẩy mạnh giám định ADN, Đảng và Nhà nước khẳng định cam kết không để ai bị lãng quên trong hành trình truy tìm danh tính liệt sĩ, một biểu hiện sâu sắc của chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính. (VGP).

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ Công an, trực tuyến đến 34 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Hội Cựu CAND Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, thân nhân và gia đình các liệt sĩ đã xác định được danh tính qua ADN…

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108 ngày 10/7/2024, thống nhất chủ trương phân tích ADN toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tiến tới xây dựng kho dữ liệu ADN quốc gia phục vụ việc đối sánh, truy tìm thông tin hài cốt liệt sĩ. Đây là bước đi có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, đồng thời thể hiện sự đổi mới trong cách tiếp cận giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh bằng khoa học – công nghệ. Sau một năm triển khai Kế hoạch 356, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các địa phương, đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu: hơn 300.000 thông tin liệt sĩ và thân nhân chưa xác định danh tính được cập nhật, chuẩn hoá (đạt 42,3% tổng số cần thu thập); gần 60.000 mẫu ADN được thu nhận, trong đó hơn 11.000 mẫu đã được phân tích và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đặc biệt, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Người có công hoàn thiện hồ sơ và xác định được danh tính 16 liệt sĩ thông qua đối sánh ADN. Tại Hội nghị sơ kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp trao kết quả giám định ADN cho thân nhân các liệt sĩ – những người đã mòn mỏi chờ đợi suốt nhiều năm. Niềm vui, sự xúc động của các gia đình không chỉ là minh chứng cho hiệu quả của chính sách, mà còn khẳng định sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm lớn lao của Đảng, Nhà nước và các lực lượng chức năng trong hành trình tri ân và hàn gắn vết thương lịch sử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính pát biểu ý kiến tại hội nghị (VGP)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong không khí cả nước kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), hội nghị là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, đây là minh chứng cho nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ – một việc làm giàu tính nhân đạo, xuất phát từ trái tim của những người tham gia.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm và thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời tri ân sâu sắc tới các Anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh và những người có công với cách mạng. Đây không chỉ là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước mà còn là lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

“Chúng ta làm gì cũng đáng quý nhưng có làm bao nhiêu cũng không đủ so với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ; và chúng ta quyết tâm làm bằng được, làm bằng hết, làm đến khi nào không thể làm được mới dừng lại”, Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ xúc động vì những nghĩa cử tham gia chương trình của các tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp, người dân, thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, cả nước có khoảng 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó hơn 900.000 hài cốt đã được an táng tại các nghĩa trang, nhưng còn khoảng 300.000 hài cốt chưa xác định được danh tính và 175.000 trường hợp đang tiếp tục được tìm kiếm, quy tập từ các chiến trường trong nước, Lào và Campuchia. Cả nước hiện cũng có hơn 650.000 thương binh, gần 200.000 bệnh binh, hơn 132.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và khoảng 320.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng trăm nghìn gia đình vẫn đau đáu chờ mong thông tin về người thân để đưa các liệt sĩ trở về với quê hương. Tuy nhiên, thời gian không chờ đợi, và điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, địa hình càng khiến công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ thêm khó khăn. Nếu chúng ta không hành động khẩn trương, sẽ có những người thân của liệt sĩ ra đi mà chưa kịp biết tin tức về người đã khuất. Vì vậy, nhiệm vụ này cần được tăng tốc, đột phá, thần tốc hơn nữa – vì đây là cuộc chạy đua với thời gian”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Chúng ta cũng xác định ADN không chỉ là thông tin về sinh học mà còn là chìa khoá để mở ra, phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ đã hy sinh, là công cụ quan trọng kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai, đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ. Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng công nghệ phân tử, Việt Nam không chỉ làm chủ khoa học mà còn khẳng định giá trị đạo lý, bản sắc nhân văn của dân tộc”, Thủ tướng xúc động nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi công tác tìm kiếm, quy tập, xác minh danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, cần được đầu tư bằng trí tuệ, công nghệ, tài chính và lòng nhân ái. Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức.

Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội đã phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an, triển khai nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội, tổ chức giải trình tự gene, đóng góp tích cực vào ngân hàng gene liệt sĩ. Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến thầm lặng của các lực lượng chức năng, các tổ chức, cá nhân đã góp phần tạo nên kết quả bước đầu – một thành quả mang tính nhân văn, khoa học và là biểu hiện sinh động của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Việc này không thể đo đếm bằng giá trị vật chất cụ thể, điều quan trọng là phải làm bằng tinh thần vô tư, trong sáng, không ngại khó khăn, gian khổ, làm với tất cả trách nhiệm và tấm lòng,” Thủ tướng xúc động chia sẻ.

Bên cạnh ghi nhận, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số bất cập cần sớm khắc phục: trách nhiệm giữa các cơ quan còn thiếu đồng bộ; cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và thân nhân còn thiếu, phân tán; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả; việc rà soát gặp khó khăn do thân nhân đã cao tuổi, nhiều người không còn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Đại biểu tại Hội nghị. (VGP)

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới phải tiếp tục thực hiện công việc này với tinh thần trách nhiệm và tình cảm cao nhất, bằng hành động xuất phát từ “mệnh lệnh trái tim”, nỗ lực hơn, quyết liệt hơn, chạy đua với thời gian để đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vai trò của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động toàn hệ thống chính trị, phối hợp lực lượng công an, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhân dân cùng tham gia thu thập, phân tích ADN và giải trình tự gene phục vụ công tác xác định danh tính liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác xác minh danh tính liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” của cả dân tộc. Để đạt hiệu quả thực chất, cần tăng cường tiếp cận trực tiếp các hộ gia đình thân nhân liệt sĩ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu thập thông tin, tài liệu, nhân chứng dù là nhỏ nhất; đồng thời thường xuyên rà soát, kiểm tra, tổng kết những mô hình hiệu quả, sáng tạo.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu:
Bộ Nội vụ sớm tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành kế hoạch tổng thể thu thập mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa rõ danh tính, đề xuất phân tích các mẫu ADN đã có và đối sánh với dữ liệu thu được.

Bộ Công an phối hợp chặt với các địa phương, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu sinh học, kỹ thuật gene, đặt mục tiêu đến năm 2027 hoàn tất cơ bản việc thu thập và phân tích ADN liệt sĩ chưa xác định danh tính.

Bộ Quốc phòng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, chỉ đạo các đội tìm kiếm tập trung thu thập, kết nối dữ liệu phục vụ giám định.

Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, đào tạo chuyên sâu, đầu tư thiết bị phục vụ công tác phân tích ADN chính xác, hiệu quả.

Bộ Tài chính đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động giám định ADN, hướng dẫn rõ ràng về thanh toán chi phí, không để phát sinh vướng mắc ảnh hưởng tiến độ và tinh thần chung.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng… khẩn trương rà soát, lập danh sách và hoàn tất thu nhận mẫu ADN trước 30/6/2026, hoàn tất phân tích, cập nhật dữ liệu trước 31/12/2026, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Doanh nghiệp, tổ chức KH&CN tiếp tục đồng hành, cải tiến kỹ thuật, tối ưu hoá hệ thống dữ liệu gene liệt sĩ.

Báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, lan toả tinh thần tri ân, nhân văn.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng công an, quân đội phát động thi đua, vận động toàn dân đóng góp, hỗ trợ công tác xác minh liệt sĩ theo tinh thần “ai có gì giúp nấy”. Phần còn lại, ngân sách Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm.

Gia đình các liệt sĩ tham dự Hội nghị. (VGP)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc xác định danh tính liệt sĩ bằng công nghệ ADN và xây dựng ngân hàng gene là bước tiến mang tính đột phá về khoa học, pháp lý, đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm chính trị và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, mà còn là bổn phận thiêng liêng, mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau và sự mong mỏi của hàng trăm nghìn gia đình vẫn chưa thể nguôi ngoai. Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để trả lại tên tuổi cho các liệt sĩ là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là khẳng định mạnh mẽ rằng: đất nước không quên ai, không bỏ lại ai phía sau, và không một sự hy sinh nào là vô danh trong tâm thức dân tộc. Đó cũng là cách để thế hệ hôm nay sống xứng đáng với những mất mát lớn lao của quá khứ.

Thủ tướng khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ với công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ thể hiện qua chính sách hay con số, mà còn nằm ở sự chỉ đạo sát sao, hành động quyết liệt, tinh thần trách nhiệm lan tỏa từ Trung ương đến cơ sở, từ các lực lượng chức năng đến người dân, doanh nghiệp và giới khoa học. Tất cả đều chung một mục tiêu: đưa các liệt sĩ trở về với tên tuổi, với quê hương, với gia đình; để không một liệt sĩ nào bị lãng quên, không một gia đình nào còn phải chờ đợi, day dứt.

Thủ tướng trao giấy chứng nhận danh tính cho gia đình các liệt sĩ . (VGP)

Với niềm tin và quyết tâm cao, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng: bằng việc kiên trì ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, bằng lòng biết ơn sâu sắc, bằng “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, phát huy tối đa nguồn lực, công cụ, phương tiện để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt này. Đó là nhiệm vụ không chỉ mang giá trị chính trị – xã hội sâu sắc, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của đạo lý và lòng tri ân.

Việc từng bước trả lại danh tính cho các liệt sĩ không chỉ giúp các gia đình được an lòng, mà còn hoàn thiện những khoảng trống lịch sử, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết và trách nhiệm trong toàn xã hội. Mỗi danh tính được xác định là một phần ký ức được khôi phục, một biểu tượng sống động của lòng biết ơn và đạo lý dân tộc.

Thủ tướng khẳng định: với sự đồng lòng, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta sẽ tiếp tục đưa công việc thiêng liêng này đi tới đích. Qua đó, góp phần hàn gắn nỗi đau chiến tranh, làm tròn nghĩa vụ với quá khứ và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Minh Châu