Chủ Nhật, Tháng 7 27, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Nơi lưu giữ ký ức “Sáng trong như ngọc một con người”



ĐNA -

Ngày 26/7/2025, trong khuôn khổ chuyến công tác tại thành phố Huế và Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến dâng hương và tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một địa chỉ đỏ mang đậm dấu ấn lịch sử giữa lòng Cố đô.

Trong không khí trang nghiêm và với tấm lòng thành kính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự, chính trị xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế).

Tại đây, Thủ tướng đã kính cẩn ghi vào sổ lưu niệm những dòng đầy xúc động: “Kính cẩn nghiêng mình biết ơn và ngưỡng mộ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Người con ưu tú của thành phố Huế, Nhà lãnh đạo và học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, suốt đời vì nước vì dân!”. Dòng lưu bút không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ đối với một vị tướng kiệt xuất của dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về tinh thần phụng sự Tổ quốc, Nhân dân, di sản lớn lao mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại cho hậu thế.

Hành trình hình thành từ tâm huyết và tri ân
Giữa lòng thành phố Huế cổ kính và yên bình, trên con đường Đặng Thái Thân rợp bóng cây xanh, có một địa chỉ đặc biệt lưu giữ dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một trong những vị tướng tài ba, kiên trung của dân tộc. Đó chính là Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tọa lạc tại số 144 Đặng Thái Thân, phường Phú Xuân, thành phố Huế, không chỉ là điểm đến văn hóa mới mẻ mà còn là một địa chỉ đầy ý nghĩa trên bản đồ di sản của đất Cố đô.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là bảo tàng ngoài công lập thứ tư tại thành phố Huế, chính thức được UBND thành phố cho phép hoạt động theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 2/6/2022. Đây là thành quả của một quá trình chuẩn bị công phu, đầy tâm huyết từ gia đình Đại tướng, với sự đồng hành của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa và sự hỗ trợ tích cực từ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế.

Tọa lạc trên nền kiến trúc nhà rường truyền thống, vốn là Nhà tưởng niệm được xây dựng từ năm 2011 – bảo tàng không chỉ lưu giữ những ký ức quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà còn là một không gian văn hóa mở, nơi lan tỏa tinh thần cách mạng, đạo đức mẫu mực và lòng yêu nước sắt son của một người con ưu tú quê hương Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, thành phố Huế.

Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng (6/7/1967 – 6/7/2022), trở thành một điểm đến văn hóa – lịch sử không thể bỏ qua đối với người dân và du khách khi đến Huế.

Không gian lưu giữ ký ức và cảm hứng cách mạng
Với diện tích tổng thể 650m², bảo tàng được chia thành nhiều khu vực chức năng: không gian trưng bày và tọa đàm 300m², phòng đọc sách, văn phòng hành chính, sân vườn trưng bày ngoài trời và kho bảo quản hiện vật. Không gian được thiết kế gần gũi, ấm cúng nhưng vẫn trang trọng, gợi lên những thước phim sống động về cuộc đời Đại tướng từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, thời gian bị giam cầm trong các nhà lao khắc nghiệt, đến những năm tháng chiến đấu không mệt mỏi vì lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng, nơi đây không chỉ đơn thuần tái hiện lịch sử một con người, mà còn khơi mở những suy ngẫm sâu sắc về lý tưởng sống, về tinh thần vượt khó và trách nhiệm với quê hương. Đặc biệt, thông điệp nhân văn, truyền cảm hứng từ cuộc đời Đại tướng được truyền tải tinh tế đến thế hệ trẻ – những người đang và sẽ viết tiếp trang sử dân tộc trong bối cảnh mới.

Tôn vinh một cuộc đời tận hiến- “Sáng trong như ngọc một con người”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh năm 1914 tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Gần 30 năm hoạt động liên tục, ông từng bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man trong nhiều nhà lao như Lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột… nhưng vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Sau nhiều lần vượt ngục thành công, ông trở lại với phong trào cách mạng, đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo ở nhiều chiến trường khốc liệt.

Từng đảm nhận hàng loạt cương vị quan trọng như Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Liên khu ủy Khu IV, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là nhà quân sự tài ba mà còn là người lãnh đạo gần dân, hiểu dân và sống trọn với dân. Ông để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân với tư duy sắc bén, quyết đoán, luôn đặt lợi ích của cách mạng và đất nước lên trên hết.

Phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh” nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh Nhân dân Việt Nam, chính là minh chứng cho trí tuệ và bản lĩnh của ông trong những thời khắc quyết định của cuộc kháng chiến.

Di sản sống động giữa lòng cố đô
Sự ra đời của Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế không chỉ là hành động tri ân đối với một danh tướng của dân tộc, mà còn là đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng Huế trở thành thành phố di sản, thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa, đúng theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) khẳng định: “Bảo tàng sẽ là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho mọi thế hệ; đồng thời cụ thể hóa quan điểm phát triển tỉnh nhà thành đô thị di sản xanh, thông minh và bền vững.”

Hiện nay, bảo tàng mở cửa phục vụ khách tham quan hằng ngày (trừ thứ Hai), hoàn toàn miễn phí như một cách lan tỏa tinh thần phục vụ cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tiếp cận di sản văn hóa một cách cởi mở và thân thiện.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là một công trình tưởng niệm, mà còn là nơi thời gian như ngưng đọng để lịch sử lên tiếng. Từng hiện vật, từng không gian tại đây không chỉ tái hiện chân dung một danh tướng kiên trung, mà còn gợi mở cả một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Trong không khí trầm mặc và thiêng liêng ấy, người xem như được dẫn dắt trở về với ký ức của một thời “gan không núng, chí không mòn”, để rồi từ đó lặng lẽ tiếp nhận một ngọn lửa cách mạng, lý tưởng và niềm tin vẫn đang âm ỉ cháy trong lòng đất Huế. Ngọn lửa ấy chính là sợi dây vô hình nối kết quá khứ với hiện tại, hun đúc tinh thần cho thế hệ hôm nay bước tiếp hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Hương Bình- Minh Anh