Tiếp nối các hoạt động kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/05, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức “Ngày hội tiếng Việt tại Liên bang Nga”.
Hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam-Liên bang Nga, đồng thời tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, cũng như trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.
“Ngày hội tiếng Việt tại Liêng bang Nga” được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm đa chức năng Hà Nội-Moscow, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, các trưởng ban ngành của Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nga, giảng viên, sinh viên Nga từ các trường đại học, Viện nghiên cứu, đại diện cộng đồng người Việt tại Nga, Đoàn thanh niên, du học sinh Việt Nam tại Nga. Chương trình có sự kết nối trực tuyến từ Hà Nội với Uỷ ban Người Việt (Bộ Ngoại giao), Bộ Giáo dục và đào tạo, các điểm cầu từ Vladivostok, Kazan, Ufa, St.Petersburg.
Nội dung của Ngày hội gồm tọa đàm về hợp tác, hỗ trợ đào tạo tiếng Việt/Việt Nam học tại Nga và giảng dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng người Việt tại Nga; trưng bày và trao giải báo tường cho sinh viên, con em cộng đồng; trưng bày sách, tài liệu giảng dạy tiếng Việt/Việt Nam học của các tác giả Việt Nam và Nga; trình diễn thư pháp tiếng Việt; triển lãm tranh, ảnh Việt Nam và biểu diễn văn nghệ.
Sinh viên Kachia, có tên tiếng Việt là Hương, học năm cuối tại trường Đại học Ngôn ngữ Moscow cảm thấy rất vui khi được đắm mình vào không gian văn hóa Việt: “Đây là lần đầu tiên em được tham dự một sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Em có rất nhiều cảm xúc, muốn nói chuyện với những người quen biết rồi và cũng biết thêm về lịch sử Việt Nam, vì sự kiện hôm nay là về dạy tiếng Việt và giao lưu. Em rất muốn làm việc với tiếng Việt, nhất là trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật”.
Cô Hồ Thị Thúy Hằng-giảng viên tại trường Đại học Liên bang Kazan cho biết, tiếng Việt được đưa vào giảng dạy tại trường từ 5 năm trước, hiện có khoảng 20 sinh viên Nga theo học. Khó khăn nhất là thiếu tài liệu để nghiên cứu, giảng dạy, cũng như các hoạt động liên quan đến tiếng Việt. Các em khó có cơ hội để được giao tiếp nhiều với người Việt. Vì vậy, sự kiện như Ngày hội tiếng Việt là rất bổ ích.
Cô Hồ Thị Thúy Hằng chia sẻ:“Tôi rất vui vì Đại sứ quán tổ chức ngày hội này, vì đây là cơ hội cho sinh viên được trau dồi tiếng Việt, được giao lưu kết bạn với nhiều nơi, không chỉ ở Kazan, mà còn nhiều thành phố khác ở Nga. Tôi hy vọng, Đại sứ quán có thể tổ chức nhiều chương trình này hơn nữa”.
Trong phần tọa đàm, các đại biểu đã nghe 12 tham luận, về các nội dung như “hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Nga”, “Thực trạng và giải pháp góp phần gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt tại Viễn Đông, Nga”, “Hành trình xây dựng và phát triển ngành tiếng Việt tại Nga”, “Một vài suy nghĩ về ngành Việt Nam học tại Nga”, “Giảng dạy dịch thuật chính trị-xã hội tại Học Viện quan hệ quốc tế Moscow” …
Việc đào tạo tiếng Việt/Việt Nam học tại Nga có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc gìn giữ và giảng dạy tiếng Việt trong cộng cộng đồng người Việt tại Nga cũng là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự hỗ trợ có tính hệ thống, thường xuyên và lâu dài từ các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng và các hội đoàn người Việt tại Nga.
Qua lắng nghe các ý kiến, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đúc rút, tiếng Việt của chúng ta được Liên Xô/ Nga chú ý, nhiều trường đại học có khoa tiếng Việt, hàng năm đào tạo khoảng 100 sinh viên ưu tú, làm việc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Từ năm 2017, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Putin, trường Đại học Ngôn ngữ Moscow đã mở khoa tiếng Việt, năm 2018- mở tại trường Đại học Kazan, có những trường nổi tiếng lâu đời như Đại học Liên bang Viễn Đông đã đào tạo và đóng góp nhiều nhân tài.
Đại sứ khẳng định, Ngày hội tiếng Việt đã hết sức thành công: “Qua hội thảo, hai bên đều nhất trí cho rằng, tiếng Việt là sức mạnh mềm của Việt Nam. Tiếng Việt là nhịp cầu hữu nghị kết nối giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Chúng ta tin tưởng rằng, sự nỗ lực của hai bên, đặc biệt nỗ lực của giáo viên và nhà trường ở Nga thì tiếng Việt tiếp tục được duy trì, giảng dạy, phát huy tốt hơn, tăng cường củng cố quan hệ giữa hai nước chúng ta”.
Đại sứ cũng chỉ đạo để các phòng ban của Đại sứ quán tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam, các viện, trường của Nga, các hội đoàn của người Việt để Ngày hội tiếng Việt được tổ chức thường niên, với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn và thiết thực.
Theo Ban Tổ chức, mặc dù thời gian để chuẩn bị cho Ngày hội tiếng Việt lần đầu tiên này không nhiều, nhưng đã nhận dược sự hưởng ứng nhiệt tình với 19 bài tham luận của 14 tổ chức, cá nhân, 20 tờ báo tường của 14 nhóm sinh viên Nga và con em cộng đồng gửi đến tham gia Ngày hội.
Qua chấm báo tường, Ban Tổ chức nhận thấy nhiều tờ báo của các sinh viên Nga và con em cộng đồng thể hiện tài năng sáng tạo và hiểu biết sâu sắc về Việt Nam. Nhiều tờ báo của sinh viên Nga thấm đẫm tình yêu với đất nước Việt Nam, với Bác Hồ và lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Kết quả, có 6 tờ báo đạt giải ba, 4 giải nhì và 2 giải nhất thuộc về tờ “Bản sắc văn hóa Việt Nam” của nhóm sinh viên Đại học quốc gia St.Petersburg và “Hồn Việt” của con em cộng đồng thành phố Ufa.
Ngày hội tiếng Việt đã khép lại bằng phần biểu diễn văn nghệ đặc sắc của các sinh viên Việt Nam đang học tại Nga, các ca sĩ trong cộng đồng./.
PV. Nguồn baonga.com