Thứ ba, Tháng mười hai 31, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam cần đẩy mạnh các nỗ lực liên quan đến ESG



ĐNA -

Nghiên cứu cho thấy so với các quốc gia khác tại Châu Á – Thái Bình Dương, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong hành trình ESG. Trong số 50 công ty niêm yết hàng đầu, chưa tới một nửa xem biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng và mới chỉ một phần ba công bố các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu.

ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G).

Theo nghiên cứu Báo cáo phát triển bền vững của PwC và Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore (NUS) công bố ngày 3/6 về hiệu quả chương trình ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và thù lao của các nhà lãnh đạo cho thấy:

Có 84% công ty ở Châu Á – Thái Bình Dương tin rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề liên quan đến bền vững, nhưng chưa đến một nửa thực hiện tích hợp các biện pháp và đo lường rủi ro khí hậu trong cơ cấu hoạt động.

Cần chủ trương đẩy mạnh đào tạo về phát triển bền vững, đồng thời cải thiện mối liên kết giữa hiệu quả chương trình ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và thù lao của các nhà lãnh đạo.

Cần tiếp tục củng cố niềm tin với nhà đầu tư và các bên liên quan thông qua việc doanh nghiệp chủ động tham gia và tìm kiếm sự công nhận, đảm bảo từ bên ngoài.

Khi các yêu cầu về báo cáo bền vững dần trở nên phổ biến khắp Châu Á – Thái Bình Dương, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nỗ lực thực hiện báo cáo phát triển bền vững và chuyển đổi các cam kết thành hành động cụ thể – theo nghiên cứu mới nhất của PwC Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Quản trị và Bền vững (CGS) tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore (NUS) công bố tại Báo cáo Nghiên cứu “Tính bền vững: Nắm vững các yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững trên khắp Châu Á Thái Bình Dương và góc nhìn tổng quan về quá trình hiện tại”, phân tích về hoạt động báo cáo phát triển bền vững của 50 công ty niêm yết hàng đầu theo vốn hóa thị trường được công bố vào năm 2020 và 2021 trên 13 nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Trung Quốc (đại lục), Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam.
Tích hợp đo lường rủi ro khí hậu vào hoạt động kinh doanh

Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thấy mức độ nghiêm trọng của các vấn đề khí hậu, họ vẫn chưa tiến hành đưa các biện pháp đo lường khí hậu vào hoạt động kinh doanh và chiến lược của mình. Trong số 650 công ty được phân tích, 84% xem biến đổi khí hậu là một vấn đề liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, chưa đến một nửa (41%) đã báo cáo các mục tiêu cơ hội hoặc rủi ro liên quan đến khí hậu và/hoặc công bố kết quả hoạt động của mình trên cơ sở tương quan với các mục tiêu này. Thêm vào đó, chỉ 36% báo cáo cách thức mà doanh nghiệp họ đã tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quản lý rủi ro tổng thể.

Ông Bee Han Theng – Chủ tịch kiêm Lãnh đạo dịch vụ ESG của PwC Việt Nam, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy so với các quốc gia khác tại Châu Á Thái Bình Dương, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong hành trình ESG. Trong số 50 công ty niêm yết hàng đầu, chưa tới một nửa xem biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng và mới chỉ một phần ba công bố các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp ở Việt Nam cần bắt kịp với kỳ vọng ngày càng gia tăng của các bên liên quan về giải pháp khí hậu cũng như tích hợp khí hậu vào chiến lược kinh doanh cốt lõi. Hơn nữa, việc bắt đầu sớm và xây dựng lộ trình báo cáo bền vững phù hợp có thể mang lại giá trị cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu các tiêu chuẩn và kỳ vọng của các bên liên quan.”

Quản trị ESG và nâng cao kỹ năng

Nghiên cứu cho thấy một số kết quả đáng khích lệ: hơn 80% công ty đã công bố các mục tiêu bền vững của họ, 75% chia sẻ về cấu trúc quản trị ESG của họ và 67% cho biết trách nhiệm của ban giám đốc đối với hoạt động bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện về một số khía cạnh về quản trị và trách nhiệm ESG của cấp lãnh đạo. Cụ thể, chỉ 4% doanh nghiệp công bố đã thực hiện các khóa đào tạo liên quan đến ESG cho ban giám đốc của họ và chỉ 6% công bố mối liên hệ giữa hiệu quả chương trình ESG với thù lao của các giám đốc điều hành của họ.

Xây dựng lòng tin thông qua sự đảm bảo

Với thị trường ngày càng đòi hỏi thông tin về tác động bền vững của doanh nghiệp và kiến tạo giá trị, nghiên cứu này chỉ ra những cơ hội để doanh nghiệp củng cố niềm tin với nhà đầu tư và các bên liên quan. Theo đó, doanh nghiệp có thể tương tác và trao đổi tích cực hơn với các bên liên quan.

Trong khi 81% doanh nghiệp có các kênh chia sẻ thông tin, nhưng chỉ 46% cho biết đã giải quyết các vấn đề mà các bên liên quan quan tâm. Ngoài ra, một cách khác để củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư là lập báo cáo phát triển bền vững đáng tin cậy. Hiện tại, chỉ có 7% doanh nghiệp cho biết họ đã đạt được sự đảm bảo từ bên độc lập cho các công bố ESG của họ.

Ông Nguyễn Hoàng Nam – Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán của PwC Việt Nam, cho biết “Việc thực hành ESG phải bắt đầu từ việc phân tích rủi ro và cơ hội trước khi tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Sau đó, kết quả hoạt động nên được đánh giá lại hàng năm. Khối lượng công việc này sẽ chỉ mang lại giá trị khi được công bố trong báo cáo phát triển bền vững cho các bên liên quan. Các doanh nghiệp cần xem xét các ý kiến đảm bảo, trong đó cần nêu rõ phạm vi công việc, tiêu chuẩn đảm bảo cần tuân theo và khối lượng công việc cần thực hiện. Điều này sẽ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư thông qua báo cáo bền vững đáng tin cậy.”

Với mục tiêu đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình thực hiện ESG, PwC Việt Nam phối hợp cùng Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) thực hiện khảo sát “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam 2022”.

ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G).

Tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật…

Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: Quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên.

Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích
Nguồn ĐCSVN