Sơn La là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh; diện tích đất tự nhiên lớn, cao nguyên và núi rừng hùng vĩ; có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc Tây Bắc; truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng, đoàn kết dân tộc.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 17/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La.
Phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, GRDP quý I tăng 5,02%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,83%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,9%, xuất khẩu tăng 3,2%, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm bằng 29% kế hoạch vốn giao. Đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua, đã góp phần vào sự phát triển của vùng Tây Bắc và cả nước. Thủ tướng cũng ghi nhận tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan đã tổ chức tốt Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam lần thứ 4 tại tỉnh Sơn La.
Tuy nhiên, những kết quả nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; quy mô kinh tế còn nhỏ; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực còn chậm và chưa có đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Hạ tầng giao thông còn khó khăn, việc kết nối giao thông với các địa phương khác và với cả nước gần như không thay đổi trong nhiều năm qua; hạ tầng y tế, giáo dục còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển còn hạn chế, bất cập. Thu nhập bình quân đầu người chưa cao, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao, công tác cải cách hành chính còn hạn chế, sự hài lòng của người dân còn ở mức trung bình.
Phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh
Để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới, tỉnh Sơn La cần khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đồng thời xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, trong đó có các nghị quyết sắp được ban hành về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong chỉ đạo, điều hành tiếp tục bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, không cầu toàn, nóng vội; bình tĩnh, sáng suốt chọn những việc có tác động lan tỏa, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó; vấn đề càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ và huy động trí tuệ tập thể.
Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Sơn La, từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời của mình; không trông chờ, ỷ lại, quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; phấn đấu đạt kết quả cao nhất và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra.
Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Huy động mọi nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp để tăng đầu tư phát triển; lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực, làm mục tiêu cho sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả,bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19; triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn. Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng vaccine, hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 và trẻ em từ 5 đến 12 tuổi trong quý II năm 2022 theo đúng mục tiêu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nhận diện và phát huy các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được những khó khăn, thách thức, hóa giải được những mâu thuẫn, tạo động lực mới cho tỉnh, đưa Sơn La phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Tây Bắc. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả, cây dược liệu vùng Tây Bắc, tăng cường nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao; khai thác tốt tiềm năng thủy sản. Thúc đẩy ngành chế biến lâm sản giá trị gia tăng cao, bền vững, gắn với phát triển và bảo vệ rừng.
Tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, mở rộng năng lực sản xuất, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, gắn với xây dựng thương hiệu. Tiếp tục khai thác tốt thế mạnh về năng lượng tái tạo; chú trọng phát triển bền vững thủy điện, nghiên cứu phát triển điện mặt trời, điện gió, kết hợp với giữ nước, giữ rừng, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ để hình thành cơ cấu kinh tế hài hòa, gia tăng giá trị, ưu tiên phát triển hệ thống lưu thông, phân phối, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất. Phát triển du lịch sớm trở thành ngành mũi nhọn gắn với phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, tập trung thu hút đầu tư các khu du lịch, với các sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp, có thương hiệu.
Rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công – tư; quản lý chặt chẽ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế về đất đai
Tỉnh Sơn La tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; nâng hạng các chỉ số về cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, các di sản, di tích. Tập trung đầu tư giáo dục, y tế; phát triển phải dựa trên sự tiến bộ mạnh mẽ vì con người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, dân vận, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế về đất đai. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; phát triển đô thị, khu dân cư thích ứng với thiên tai; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường phòng chống ma túy. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với các địa phương của Lào, góp phần xây dựng biên giới hữu nghị, hòa bình, phát triển.
Tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tiêu cực trong toàn hệ thống chính trị.
Khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu
Về đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (từ km53 đến cuối tuyến, thuộc địa phận tỉnh Sơn La), Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Tỉnh về việc đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thuộc địa phận tỉnh Sơn La theo hình thức đầu tư công và giao Ủy ban nhân tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản dự án theo các quy định hiện hành.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư trên cơ sở kế thừa các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trước đây và phù hợp với quy mô, số vốn ngân sách trung ương và địa phương dự kiến theo quy định của Luật Đầu tư công; tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Về đầu tư tuyến cao tốc từ Mộc Châu – thành phố Sơn La, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất việc tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tiến độ đến năm 2030 hoàn thành tuyến đường theo mục tiêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Về đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của tỉnh Sơn La về sự cần thiết đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền chậm nhất vào quý IV năm 2022.
Theo Văn phòng Chính phủ