Ngày 22/06/2022, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chủ trì tổ chức Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, thu hút hơn 200 đơn vị xúc tiến thương mại và doanh nghiệp tham dự. Cùng phối hợp với Alibaba.com khởi động chương trình hỗ trợ cho 10.000 doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp được bán hàng trên trang điện tử thương mại quốc tế Alibaba.com. Các ngành hàng trọng tâm là hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại “Chuyển đổi số là tất yếu, không còn sự lựa chọn nào khác đối với doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức và doanh nghiệp để thích ứng và tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì và mở rộng thị trường.”
Quan điểm này đã và đang được cụ thể hóa ở một loạt các văn bản, trong đó có Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030,…
Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đã mang lại thành tựu ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong bối cảnh ấy, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.
Các nước đang phát triển không nhất thiết sẽ là nước đi sau trong quá trình tiếp cận và ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 do tốc độ và phạm vi phát triển nhanh chưa từng có tiền lệ, CMCN 4.0 có thể tương tác với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như xây dựng chính sách trong nước.
Số lượng các công nghệ, nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng đang ngày càng gia tăng và ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã triển khai sâu và rộng trong nhiều năm qua nhằm khai thác các giá trị xuyên thời gian và không biên giới.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định một trong những quan điểm phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030 là phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0 để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Do vậy, Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại được tổ chức để tạo diễn đàn cho các chuyên gia và doanh nghiệp cùng trao đổi các vấn đề về công nghệ và các giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hàng hóa và ứng dụng.
Đây là hoạt động tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trên môi trường số hiệu quả, thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thương hiệu sản phẩm Việt. Đặc biệt, cục XTTM sẽ phối hợp với sàn TMĐT Aliababa.com thực hiện các chương trình hỗ trợ cho hơn 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ DN trang bị thêm những công cụ và xây dựng năng lực, thích ứng với tiến trình phát triển chung, sẵn sàng vượt qua các thách thức.
Ngoài ra, hai bên có kế hoạch triển khai các khoá huấn luyện cho các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, hộ kinh tế tại các thành trong cả nước nhằm nâng cao tư duy thương mại điện tử B2B của các doanh nghiệp, trực tiếp bán hàng (livestream), đồng tổ chức các sự kiện đào tạo để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực có năng lực trong nghiệp vụ thương mại điện tử.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Hoạt động xúc tiến thương mại số đang không ngừng được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xúc tiến xuất khẩu. Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương luôn tích cực, nhanh chóng và sáng tạo nhằm ứng dụng thực hiện các mô hình XTTM trực tuyến và Hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam.
Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật, các hoạt động phối kết hợp và hợp tác dài hạn của các đối tác công nghệ, các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số, xúc tiến thương mại trên môi trường số của các tổ chức và doanh nghiệp.
Với Alibaba.com, ngoài những hợp tác tập trung nâng cao năng lực xúc tiến đầu ra cho sản phẩm trên môi trường số, Cục XTTM và Alibaba.com đã xây dựng và vận hành ‘Gian hàng Quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion’ trên sàn TMĐT Alibaba.com nhằm từng bước xây dựng hình ảnh sản phẩm Việt thông qua sàn TMĐT này”
Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển Thị trường Alibaba.com Việt Nam cho biết thêm: “Trong khuôn khổ hợp tác vơi Cục XTTM nhằm hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm thông qua thương mại điện tử, Alibaba.com đã và đang có những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Bên cạnh các sự kiện, Alibababa.com cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, đào tạo dành riêng cho nhà cung cấp trong ngành nông sản, thực phẩm và đồ uống. Cụ thể, hàng tháng chúng tôi cung cấp các hoạt động đào tạo về thông tin thị trường, kỹ năng tham gia hội chợ triển lãm trực tuyến; hay hàng quý, chúng tôi cung cấp các thông tin ngành hàng. Một số hoạt động năm 2022 Alibaba triển khai như triển lãm March EXPO, triển lãm trực tuyến (Global Supplier), triển lãm trực tuyến Việt Nam F&B O2O, triển lãm trực tuyến Super September…”
Ông Bùi Cao Học – Giám đốc điều hành Công ty OnlineCRM chia sẻ: “Trong vai trò của một đơn vị tư vấn và triển khai các giải pháp công nghệ, chúng tôi đã phối hợp và đồng hành cùng với Cục XTTM để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả bằng các công việc cụ thể sau: Làm rõ sự cần thiết và vai trò của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp; Tư vấn cho các chủ doanh nghiệp về các giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp cần dựa trên thực trạng và nguồn lực từng doanh nghiệp; Cung cấp đội ngũ nhân sự để tư vấn, triển khai các giải pháp số cho các doanh nghiệp; Tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án cùng doanh nghiệp nhằm bảo đảm hiệu quả cuối cùng cho dự án. Để đạt được mục tiêu hỗ trợ 10 ngàn doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả từ 2022-2025 thì chúng tôi rất cần sự chung tay của tất cả, từ cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề cho tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cùng phối hợp và hỗ trợ chúng tôi cũng như Cục XTTM để thực hiện nhiệm vụ lớn lao này”.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ Tịch – Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng chia sẻ thêm “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM thời điểm hiện tại là lựa chọn tối ưu cho mỗi DN nhằm thích nghi với bối cảnh thương mại mới. Thời gian qua chuyển đổi số trong XTTM xuất khẩu diễn ra hiệu quả và các DN đã quan tâm và đầu tư cho phương tiện và mô hình chuyển đổi số, các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo môi trường pháp lý thông thoáng. Đặc biệt, Cục XTTM đã chú trọng đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho DN và cải cách thủ tục hành chính, thuế nhập khẩu… tạo tiền đề cho công tác XTTM xuất khẩu trên môi trường số ngày càng hiệu quả. Các DN nên chuyển đổi số các hoạt động xuất khẩu gắn với từng thị trường cụ thể và thị trường truyền thống… tham gia tích cực các sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin, nhân sự sale, marketing, giỏi ngoại ngữ để đáp ứng công việc thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, Bà Trần Thị Yến Phi – Giám đốc Điều hành DSW – một trong những diễn giả của hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu qua thương mại điện tử: “Phải đối mặt với nhiều thách thức, DSW đã tìm kiếm được cơ hội cho mình, tìm kiếm được thị trường tiềm năng dựa vào sáng kiến ‘kinh doanh xuyên biên giới’ của Alibaba. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc, nắm bắt nhu cầu thị trường, và quan trọng là khi vận hành gian hàng, Alibaba.com luôn thay đổi tư duy marketing cho sản phẩm, đặc biệt kênh tìm kiếm khách hàng của Alibaba.com không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào, nên chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch”.
Còn theo ông Chu Trường Ân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh: “Tôi đánh giá cao các nội dung của Hội nghị lần này đối với thực tiễn của doanh nghiệp chúng tôi. Việc hiểu rõ hơn phương thức xúc tiến thương mại ứng dụng các ứng dụng các công cụ số, tiếp cận sàn TMĐT quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thông tin về các hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số cho doanh nghiệp thật sự rất đáng quý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong chờ về tính hiệu quả trên thực tế, những tư vấn, hướng dẫn dài hơi cho doanh nghiệp để quá trình tham gia và ứng dụng được thành công”.
Trong năm 2022, trong khuôn khổ hợp tác với Alibaba.com, Cục XTTM đã .phối hợp với Alibaba.com thiết kế, xây dựng và triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam – VIETNAM PAVILION”.
The Cuong – Hieu Nguyen