Theo công bố của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng lĩnh vực Thông tin và Truyền thông ước đạt 8,89%, đóng góp 1,03 điểm %; tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung đạt 14,28%, trở thành ngành có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP (trong 6 tháng qua) cao nhất trong 21 ngành kinh tế cấp I.
Sáng nay, 29/6/2022, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo, chính thức công bố tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2022. Theo quy định chung, sau công bố tình hình kinh tế – xã hội cả nước (do Tổng cục Thống kê chủ trì, cũng vừa diễn ra sáng nay), các địa phương lần lượt công bố.
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ cho biết:
“Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (trên địa bàn Đà Nẵng) tiếp tục duy trì đà tăng cao. Doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7.584 tỷ đồng, tăng 9,4%, trong đó riêng quý II ước tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, xuất khẩu phần mềm 6 tháng ước tính đạt 55 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. VA toàn ngành thông tin và truyền thông quý II ước tăng 10,37%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng lĩnh vực Thông tin và Truyền thông ước đạt 8,89%, đóng góp 1,03 điểm phần trăm, tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung đạt 14,28%, là ngành có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP 6 tháng cao nhất trong 21 ngành kinh tế cấp I”.
Người đứng đầu Cục Thống kê thành phố cũng nhấn mạnh thêm “Chương trình số 37-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh”, sau 2 năm triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả ấn tượng.
Chương trình đã tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, gắn với hoàn thiện mô hình xây dựng Thành phố thông minh, nâng cao hiệu lực phục vụ của Chính quyền điện tử thành phố”.
Các quyết định mở cửa trở lại hoạt động du lịch, dịch vụ, mở lại đường bay quốc tế, cũng đã tạo môi trường và điều kiện để lĩnh vực lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và có tính bứt phá kể từ cuối quý I năm nay. Nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong khôi phục và phát triển du lịch.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 2.544 tỷ đồng, tăng 46,2%; lĩnh vực ăn uống đạt 5.785 tỷ đồng, tăng 2,9%. VA toàn ngành lưu trú và ăn uống 6 tháng ước tăng 11,67%, đóng 0,76 điểm phần trăm, với tỷ trọng đóng góp 10,52% trong mức tăng GRDP chung 6 tháng đầu năm 2022.
Nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của người dân đã trở lại trạng thái bình thường, du lịch được phục hồi đã tạo sức lan tỏa đến hầu hết các ngành dịch vụ tiêu dùng khác, cụ thể: Doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 641,7 tỷ đồng, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2021, tăng trưởng giá trị tăng thêm 6 tháng đầu năm ước đạt 57,41%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm với tỷ trọng đóng góp 3,2% vào mức tăng GRDP chung 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2022 ước tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 21,37% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 1,96% của quý trước. Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, kinh tế thành phố đã hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng ngay trong quý II năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GRDP ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 4,78% của 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 7,92%. Quỹ đạo phục hồi kinh tế của thành phố đang bước vào giai đoạn bứt tốc. Với mức tăng 7,23%, 6 tháng đầu năm 2022 Đà Nẵng xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP và xếp thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 57.792 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.077 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. So với cùng kỳ năm 2019, quy mô toàn nền kinh tế thành phố đã tăng gần 6.490 tỷ đồng, trong đó quy mô khu vực dịch vụ mở rộng gần 6.098 tỷ đồng. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng, khu vực dịch vụ chiếm cao nhất (67,44%).
Vẫn phải đối diện nhiều thách thức, tác động khách quan trì hoãn đà phát triển
Trao đổi với các cơ quan truyền thông, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ nhấn mạnh rằng, các số liệu công bố, đều đã qua quy trình thu thập, phân tích xử lý thông tin, đưa ra các đánh giá nhận định rất chặt chẽ. Ngoài chế độ báo cáo số liệu thống kê (theo quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp quận, huyện, các ngành,…); Cục Thống kê Đà Nẵng cũng đã có 23 cuộc điều tra, thu thập số liệu tình hình kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, Cục cũng đã hoàn tất cuộc điều tra với hơn 25.000 doanh nghiệp trên địa bàn … Các dữ liệu được đối chiếu, rà soát và được cơ quan cấp trên thẩm định, cho phép công bố. Do vậy, yêu cầu bảo đảm được độ chính xác; các đề xuất, kiến nghị, nhận định cũng rất sát với tình hình.
“Khái quát chung, chúng tôi nhìn nhận “Kinh tế thành phố Đà Nẵng”, đã dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ trước khi dịch bệnh xảy ra, các hoạt động du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; tình hình sản xuất kinh doanh từng bước cải thiện. Các mục tiêu, chính sách an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt, đời sống của các tầng lớp nhân dân được quan tâm thực hiện” – Lãnh đạo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Vũ, “Kinh tế – xã hội Đà Nẵng trong 6 tháng qua, vẫn còn một số hạn chế.
Tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng không đều, tăng trưởng tập trung ở khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù được phục hồi nhưng mức độ còn khá chậm. Mục tiêu đề ra tong thu hút dòng vốn FDI đã không đạt như kỳ vọng (ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid19 đã khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn).
Tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung – cầu lao động vẫn chưa được khắc phục, trong khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, thiếu lao động thì vẫn xảy ra tình trạng lao động thiếu việc làm.
Kết quả điều tra lao động việc làm (6 tháng đầu năm 2022), cho thấy tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,11%, tuy thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 7,27% cùng kỳ năm 2021 và tỷ lệ 7,24% của cùng kỳ năm 2020, song tỷ lệ thất nghiệp 2,11%, vẫn là một cảnh báo.
Ngành lưu trú và ăn uống đã có những chuyển biến đáng lạc quan, tuy nhiên đến cuối tháng 6/2022, lĩnh vực này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như thời kỳ trước khi có dịch Covid-19, VA 6 tháng đầu năm vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (-16,58%).
Giá xăng dầu liên tục tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Trong đó, giá xăng dầu (với 7 lần tăng liên tiếp) đã khiến các doanh nghiệp vận tải đã và đang tính đến phương án tăng giá cước vận chuyển. Ngành xây dựng hiện cũng phải đối mặt với chi phí nguyên vật liệu (vừa do tác động giá xăng dầu, vừa do đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều khâu liên quan). Bên cạnh đó, cước phí Logictist vẫn tiếp tục tăng cao đã thành một trở ngại, rào cản cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong đánh giá, nhìn nhận và đề xuất, Cục Thống kê Đà Nẵng cũng lưu ý đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do các khó khăn chung về quy trình, thủ tục đầu tư phải qua nhiều khâu, nhiều bước, bất cập kéo dài do công tác giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn về giá nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu tăng, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng…
“Chúng tôi cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa nhằm đảm bảo tiến độ; có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu. Đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình đúng kế hoạch. Đặc biệt phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 100% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Trung Đức