Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, NGUỒN NHÂN LỰC trở thành một chủ đề được quan tâm đặc biệt. NGUỒN NHÂN LỰC được xem là điều kiện then chốt, là yếu tố đặc biệt quan trọng của môi trường đầu tư. Tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào Đà Nẵng, không thể thiếu số lượng – chất lượng của NGUỒN NHÂN LỰC.
Thẳng thắn và trách nhiệm trước độc giả, trước yêu cầu bức bách của phát triển; Tạp chí Đông Nam Á đã đặt nhiều câu hỏi đang được dư luận quan tâm với Phó Giáo sư (PGS), Tiến sỹ (TS) Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
Đại học Đà Nẵng góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực như thế nào?
(ĐNA)
“Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng ngoại ngữ, nhất là đối với các ngành nghề mà Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư…” Nội dung trên được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề cập tại sự kiện Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng ? Còn với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, thưa PGS.TS, ông nhìn nhận “điểm nghẽn” này như thế nào ?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ:
Xin nói thẳng, nói ngay, khi tài nguyên tự nhiên, đất đai và lợi thế biển của Đà Nẵng đã được huy động, khai thác ở mức cao, thì một trong những động lực mới cần thành phố nghĩ đến ngay và có giải pháp thật cụ thể. Đó là kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi chính nguồn lực này đáp ứng đòi hỏi phát triển các ngành mũi nhọn (công nghệ cao, công nghệ nguồn, các dịch vụ đem lại năng suất, giá trị gia tăng lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu).
Theo bản điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đã được phê duyệt thì tổng diện tích sử dụng đất của thành phố là 129.046 ha, dự báo dân số của thành phố đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người; đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người. Theo đó thì quỹ đất của Đà Nẵng không còn nhiều, số dân cũng không lớn để có thể phát triển thành đầu tàu kinh tế miền Trung.
Tôi cho rằng, Đà Nẵng cần quan tâm đến chính sách thu hút nhân tài, chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài hơn là dùng ngân sách của thành phố để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Muốn vậy, chính sách cán bộ (của Đà Nẵng), không chỉ khép kín quy hoạch, sử dụng trong không gian “Quận, huyện, xã phường” hay “Sở,ngành” mà cần có chính sách cán bộ “mở”, liên thông giữa thành phố với các cơ quan Trung ương, các trường đại học, để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ, đội ngũ trí thức trình độ cao.
Khi thành phố được TƯ cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thì theo tôi, đây chính là cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi.Một ví dụ khác, mà theo tôi cũng là “điểm nghẽn” của nhân lực: Đà Nẵng là địa phương có độ “mở” về kinh tế rất lớn, thành phố là điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch quốc tế, nơi được chọn tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, diễn đàn quốc tế, … tính sẵn sàng trong hội nhập của Đà Nẵng có yêu cầu rất cao.
Do vậy, thành phố cần có chủ trương, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây cũng phải là tiêu chí bắt buộc trong bổ nhiệm cán bộ với lộ trình phù hợp (đề xuất) như sau: Từ nhiệm kỳ 2025-2030, các phó giám đốc sở, ngành và tương đương có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong làm việc trực tiếp với người nước ngoài; nhiệm kỳ 2030-2035 yêu cầu áp dụng với các giám đốc sở, ngành và tương đương; đến nhiệm kỳ 2035-2040 áp dụng đối với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của thành phố.
Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt của Đà Nẵng so với các địa phương khác, bên cạnh các yêu cầu về năng lực, chuyên môn, chính trị để lãnh đạo thành phố phát triển trong thời kỳ đất nước hội nhập.
Đại dịch Covid-19 là thảm họa đối với thế giới nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới để các nước phát triển thời kỳ hậu Covid-19. Nhiều khái niệm về phương thức làm việc hiệu quả đã thay đổi. Nhiều công ty ở châu Âu, Hoa Kỳ cho phép người lao động được làm việc tại nhà, Nhật Bản đã từ lâu khuyến khích các công ty cho người lao động được làm việc trực tuyến, không nhất thiết đến công sở. Khái niệm nhà gần hay xa nơi làm việc không còn nhiều ý nghĩa.
Từ thực tế, kinh nghiệm hội nhập quốc tế, Đà Nẵng nên tận dụng lợi thế là “Thành phố đáng sống”, cửa ngõ giao thương để xây dựng các “hub” cư dân cùng làm việc trực tuyến (Hub/Village for online workers) từ đó mở ra cơ hội thu hút nhân tài không những trong nước mà còn khắp nơi trên thế giới. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được thế cạnh tranh so với các thành phố khác trong khu vực.
Để hóa giải những điểm nghẽn của nguồn nhân lực, tôi cho rằng không chỉ là trách nhiệm của các trường đại học hay các trung tâm, cơ sở đào tạo, mà các giải pháp phải có tính đồng bộ.
Đơn cử đầu tiên, phải tập trung phát triển kinh tế để Đà Nẵng thực sự trở thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước, tạo tiền đề quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến với Đà Nẵng, vì trước hết là họ đến Đà Nẵng để làm việc, để phát triển sự nghiệp, sau đó mới để sống.
Mặt khác đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước để Đà Nẵng trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động của miền Trung, để người Miền Trung không phải đến các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm, chịu nhiều rủi ro khi có đại dịch hay sự cố bất trắc xảy ra.
Nhân đây, tôi cũng muốn bàn thêm câu chuyện từ chính kinh nghiệm ứng phó với đại dịch thời gian qua.
Đà Nẵng phải tìm ra hướng đi mới với cơ cấu kinh tế hợp lý, với các ngành nghề mũi nhọn phù hợp, có thể chống chịu với các cuộc khủng hoảng trong một thế giới đầy biến động, các tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững nhiều khi không thể lường trước được. COVID-19 là ví dụ rất điển hình! Nếu chỉ phụ thuộc vào các dịch vụ truyền thống như du lịch, dịch vụ logistics, bất động sản… thì nền kinh tế rất dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng rất lớn so với các địa phương khác.
Và cái không thể thiếu, là Đà Nẵng “phải có cơ chế, chính sách tạo môi trường có những lợi thế vượt trội”.
Đà Nẵng hiện có đội ngũ lãnh đạo khá trẻ, năng động, đoàn kết, sáng tạo với khát vọng không ngừng nâng cao được mức sống của người dân, vì mục tiêu bao trùm là phát triển Đà Nẵng xứng đáng với tiềm năng, ngang tầm các đô thị lớn của cả nước và hơn thế nữa là khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19, dù ở những tình huống khốc liệt nhất, Đảng bộ – Chính quyền Đà Nẵng cũng luôn đưa ra quyết sách đúng đắn, nhân văn, hợp lòng người. Tất cả đã góp phần ổn định và phát triển thành phố, sớm đưa Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường. Dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao. Đây cũng là điểm mạnh của Đà Nẵng hiện nay cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.Trung ương đã đồng ý chủ trương phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng để Đà Nẵng thực sự trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo thì phải có những điểm vượt trội về môi trường đầu tư, môi trường sống và môi trường làm việc. Đà Nẵng phải có sức hấp dẫn khi tạo ra môi trường tốt để mỗi người đều có điều kiện cống hiến và thành công. Đà Nẵng phải sớm hoàn thiện hạ tầng, nền tảng kỹ thuật và chuyển đổi số đồng bộ, hiện đại, tạo nền móng vững chắc cho giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ phát triển.
Để giải quyết điểm nghẽn về nhân lực, theo tôi trước hết Đà Nẵng cần xác định cơ cấu lao động cho địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị thì đến năm 2030 Thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Yêu cầu nhân lực của thành phố “khởi nghiệp”, “đổi mới sáng tạo” khác biệt rất nhiều so với các địa phương phát triển kinh tế xã hội theo mô hình truyền thống của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quyết định 1982 năm 2016 thì nhân lực chủ yếu để thực hiện đổi mới sáng tạo phải tương đương bậc 7 trở lên. Vì thế nếu chúng ta thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà cơ cấu nhân lực không thay đổi theo thì đây chính là một trong những điểm nghẽn cần phải tháo gỡ. Khi Thành phố xác định được cơ cấu nhân lực, các trường Đại học sẽ đổi mới nội dung chương trình, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho Thành phố.
Cuối cùng, xin khẳng định lại lần nữa, Đà Nẵng chỉ thực sự trở thành một trung tâm kinh tế – xã hội, trung tâm tài chính, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước, hướng đến khu vực và thế giới; trở thành Thành phố hạt nhân, động lực của vùng và đất nước khi Đà Nẵng thực sự có “đột phá” trong chiến lược về nguồn nhân lực.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rất rõ “Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là 1 trong 3 khâu đột phá cốt lõi để phát triển”.
Và cũng lưu ý thêm: Đà Nẵng có một lợi thế vượt trội mà không phải địa phương nào ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, rộng hơn là cả vùng bắc và nam Trung bộ cũng có được. Đó là Đà Nẵng còn là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Đà Nẵng tập trung nhiều trường đại học, đang đào tạo nhiều ngành mũi nhọn phù hợp yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng các xu thế công nghệ tiên tiến mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến, cũng như các ngành kinh tế, được Thành phố xác định đột phá của phát triển. Người Đà Nẵng có truyền thống hiếu học, khoa bảng, cần cù, sáng tạo với tinh thần tự lực, tự cường.
Nguồn nhân lực có chất lượng trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, quản lý kinh tế, dịch vụ…, mà Đà Nẵng đang có được, chính là thế mạnh của Đà Nẵng mà không phải địa phương nào cũng có. Để gỡ các điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn nguồn nhân lực, tôi cho rằng, Đà Nẵng phải biết cách huy động hết các thế mạnh mà mình đang có./.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ.
Thế Cương – Trung Đức
thực hiện