Chuyến bay ATR72 mang số hiệu K6 840, Hãng hàng không Cambodia Angkor Air khởi hành từ Siêm Riệp, Campuchia lúc 15h35 ngày 1/7/2022, đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 17h35 cùng ngày, đã đánh dấu chuyến bay đầu tiên của đường bay này chính thức được khai thác trở lại.
“Nỗ lực hỗ trợ nhau khôi phục kinh tế du lịch, trong đó, nổi bật là sớm thiết lập trở lại các đường bay trực tiếp giữa Campuchia và Việt Nam, là một trong những dấu ấn kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”- ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Theo ông Lưu Minh Chung – Tổng Giám đốc Cambodia Angkor Air, “Cambodia Angkor Air rất vui mừng với việc khôi phục lại đường bay Siêm Riệp – Đà Nẵng và mong muốn trở thành cầu nối văn hóa, kinh tế, du lịch giữa hai quốc gia”.
Cambodia Angkor Air hiện là Hãng hàng không có tần suất bay cao nhất giữa Việt Nam và Campuchia (với 30 chuyến khứ hồi mỗi tuần), kết nối các thành phố lớn của Campuchia Phnôm Pênh, Siêm Riệp, Sihanouk Ville với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng của Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là Hãng hàng không quốc gia và là hãng đầu tiên, hãng duy nhất hiện nay tại Campuchia đáp ứng tiêu chuẩn IOSA (chứng chỉ an toàn khai thác uy tín được cấp bởi Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA)
Đại diện Cambodia Angkor Air cho biết, kể từ nay, hãng sẽ khai thác trở lại với tần suất ban đầu 3 chuyến/ tuần vào các ngày thứ 2, 4, 6 (bằng mãy bay ATR72) và hợp tác liên danh linh hoạt (code-share) với Vietnam Airlines.
Đường bay trực tiếp Siêm Riệp và Đà Nẵng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy nhu cầu đi lại, du lịch giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như tạo thuận lợi trong trao đổi khách quốc tế giữa Siêm Riệp và Đà Nẵng. Từ tháng 9/2022, Hãng sẽ nâng tần suất khai thác lên 5 chuyến/tuần.
“Đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Siêm Riệp khẳng định hơn nữa định vị chiến lược của Đà Nãng đối với các thị trường khách quốc tế, khẳng định vị trí cửa ngõ đến với các di sản thế giới của Đà Nẵng. Với khoảng 2 giờ bay Đà Nẵng-Siêm Riệp bằng phương tiện của Cambodia Angkor Air, du khách quốc tế có thể thưởng ngoạn kỳ quan Angkor Wat cùng như các di sản văn hóa thế giới miền Trung Việt Nam” – ông Nguyễn Xuân Bình phân tích thêm.
Được biết, đến nay, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa của sân bay quốc tế Đà Nẵng đã đạt gần tương đương thời điểm trước dịch Covid-19. Hằng ngày có trung bình hơn 100 chuyến bay 1 chiều đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột. Đối với thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng với Băng-cốc (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul và Daegu (Hàn Quốc), Simreap (Campuchia)….
Theo kế hoạch, trong tháng 7/2022 hãng hàng không Hongkong Express sẽ mở lại đường bay Hongkong – Đà Nẵng, tháng 9/2022, hãng hàng không Bangkok Airways mở lại đường bay Băng Cốc – Đà Nẵng, tháng 10/2022, Hãng hàng không Thái Vietjet Air sẽ tăng tần suất chuyến bay Băng Cốc – Đà Nẵng…
“Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế quan trọng của Việt Nam, là điểm đến có nhiều tiềm năng lớn để trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Một khi khôi phục và phát triển các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, điều đó góp phần quan trọng trong thúc đẩy hội nhập của điểm đến Đà Nẵng với khu vực và thế giới, nâng cao sự đa dạng của sản phẩm du lịch quốc gia Việt Nam” – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh cho biết, Furama Resort Đà Nẵng đã khởi động nhiều dự án đầu tư tầm cỡ để sẵn sàng đón thị trường khách mới từ Ấn Độ.
Sự chủ động này từ Furama Resort Đà Nẵng nhằm đón đầu các cơ hội khi Hãng hàng không vận tải hành khách lớn nhất tại Ấn Độ – IndiGo – chính thức cam kết với chính quyền thành phố Đà Nẵng trong đồng hành cùng ngành Du lịch, và các doanh nghiệp lữ hành, thực hiện các chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Ấn Độ. IndiGo cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến sâu rộng, đưa du khách Ấn Độ đến Đà Nẵng.
IndiGo bắt đầu khai thác các chuyến bay từ Ấn Độ đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất từ năm 2019. Cũng trong năm 2019, trao đổi khách giữa hai quốc gia đạt gần 200.000 lượt. Thị trường khách Ấn Độ từng nằm trong danh sách thị trường khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất.
Trung Đức