Là một tổ chức khu vực có tư cách pháp nhân độc lập, ASEAN từ lâu đã nhấn mạnh “vai trò trung tâm” của mình trong cấu trúc khu vực đang không ngừng phát triển, điều này không chỉ phản ánh mối tương quan cao giữa ASEAN và các vấn đề khu vực, mà còn phản ánh tính đặc thù của khối này trong hợp tác khu vực, với các danh xưng như “người dẫn dắt”, “đầu tàu”, “thuyền trưởng” …
Ngày 23/6/2019, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 thông qua đã mở rộng “vai trò trung tâm” của ASEAN sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù các chuẩn mực hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do ASEAN đề xuất không thay đổi đáng kể, nhưng chúng được mở rộng về mặt địa lý từ bờ Đông của Thái Bình Dương đến bờ Tây của Ấn Độ Dương, thậm chí còn vượt khỏi phạm vi của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Xét trên khía cạnh quan hệ, mối quan hệ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại ổn định hơn nhiều so với mối quan hệ giữa các đối tác đối thoại của khối này, điều này giúp nâng cao tầm quan trọng của ASEAN trong cấu trúc đa phương khu vực và khiến ASEAN trở thành “đầu mối” của mối quan hệ mật thiết và hợp tác chặt chẽ mà các đối tác đối thoại của khối này muốn duy trì. “Vai trò trung tâm” của ASEAN trong hợp tác khu vực không những là kết quả của chính sách đối ngoại và nỗ lực ngoại giao của khối này, mà còn là sản phẩm của quá trình đấu tranh và thỏa hiệp lẫn nhau giữa các đối tác đối thoại.
ASEAN duy trì “vai trò trung tâm” của mình trong hợp tác khu vực, tạo vùng đệm và không gian thích hợp cho việc triển khai hợp tác giữa các bên và đây là cách thức mà các bên đều có thể chấp nhận. Các cơ chế đa phương trong hợp tác khu vực đều là sự thể hiện cụ thể của mô hình hợp tác “ASEAN + N” trên nhiều lĩnh vực và cấp độ, ASEAN có quyền chủ động thậm chí là quyền chủ đạo mạnh mẽ trong việc thiết lập chương trình nghị sự và định hướng quy tắc. ASEAN không những coi trọng và nghiêm túc bảo vệ lợi ích chiến lược của các nước thành viên, mà còn quan tâm và tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các đối tác hợp tác, thúc đẩy lợi ích chung của các bên tham gia, duy trì tính xây dựng và tính bền vững của hợp tác khu vực.
Tuy nhiên, ASEAN hoàn toàn khác với Mỹ, Anh và Australia. Mỹ, Anh và Australia ở chỗ, họ đều là những thành viên cốt lõi của “Liên minh Ngũ nhãn” – một cơ chế chia sẻ thông tin tình báo được thành lập trong Chiến tranh Lạnh, đều mang tư duy chiến tranh lạnh và ý thức cạnh tranh, không tin tưởng và dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả các đồng minh của họ. Tất nhiên, là những nước chủ chốt và trung thành với các chiến lược toàn cầu và khu vực của Mỹ, Anh và Australia cũng hy vọng sẽ hiện thực hóa lợi ích toàn cầu hoặc chí ít là khu vực của họ trong quá trình hợp tác với Mỹ. Ngược lại, Canada và New Zealand, lại rất khó mang lại sự hỗ trợ tương tự cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Ngoài ra, New Zealand còn là quốc gia cực lực phản đối hạt nhân, ít nhất là tạm thời không tham gia cơ chế này.Trong bối cảnh đó, với tư cách là một biện pháp quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, việc thành lập AUKUS với đặc trưng chủ nghĩa đa phương mang tính khép kín mạnh mẽ chắc chắn sẽ hình thành một cuộc cạnh tranh thể chế gay gắt đối với cơ chế hợp tác đa phương mang tính bao trùm ở khu vực. Đối với một ASEAN luôn muốn duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự hiện diện mạnh mẽ của AUKUS chắc chắn đã gây tác động tiêu cực rõ ràng.
Mỹ đang muốn duy trì vai trò lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “đi chệch” khỏi cam kết tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Việc thiết lập AUKUS cho thấy Mỹ muốn xây dựng một cơ chế an ninh vượt ra khỏi khuôn khổ khu vực hiện có. Mỹ thực sự cảm thấy rằng cấu trúc an ninh khu vực hiện tại với ASEAN là trung tâm đã hạn chế nghiêm trọng vai trò lãnh đạo và chi phối chiến lược của mình, là một sự sắp xếp thể chế không phù hợp với lợi ích của Mỹ, và không thể đáp ứng được nhu cầu chiến lược giành lại quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Nếu muốn phát huy hết lợi thế chiến lược, thì Mỹ phải làm suy yếu hiệu quả thực chất của khuôn khổ an ninh hiện có.
Để đạt được mục tiêu này, Mỹ phải xây dựng một khuôn khổ an ninh khu vực mà nước này có thể dẫn dắt và tránh để ASEAN chiếm vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc Mỹ hợp tác với hai đồng minh quân sự truyền thống của mình chứ không phải là ASEAN hay các nước khác cho thấy tâm lý thất vọng mạnh mẽ của Mỹ. Dù là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan, thì đều không còn là đối tượng được Mỹ đặt trọn niềm tin. Tất cả những quốc gia này đều có toan tính riêng và không thể hỗ trợ hiệu quả cho tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Do đó, để có thể chi phối chương trình nghị sự chung về hành động tập thể giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu-Đại Tây Dương, việc Mỹ lôi kéo các đồng mình cốt lõi ở hai khu vực này là Anh và Australia cùng thiết lập AUKUS đã trở thành sự lựa chọn rất thiết thực.
Tuy nhiên, điều này đi ngược lại cam kết lâu dài của Mỹ về việc tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm, bản sắc và sự đoàn kết của ASEAN cũng như “hoan nghênh một ASEAN mạnh mẽ, độc lập và phát huy được vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á”. Điều này cũng chứng tỏ rằng, Mỹ không thực sự tôn trọng ASEAN mà chỉ muốn đặt khối này dưới khuôn khổ chiến lược của mình.
Chủ nghĩa đa phương mang tính khép kín của AUKUS làm suy yếu hiệu quả của cơ chế an ninh đa phương khu vực và làm xói mòn nghiêm trọng nền tảng vị trí trung tâm của ASEAN.
Nhìn chung, chủ nghĩa đa phương mang tính khép kín có tính phá hoại lớn hơn cái gọi là chủ nghĩa “đa phương hẹp”. Chủ nghĩa “đa phương hẹp” có ít thành viên, tầm ảnh hưởng đối với trật tự quốc tế và khu vực tương đối kém, thường chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định.
Trong những năm gần đây, các cơ chế “đa phương hẹp” không nhiều, chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế hơn là lĩnh vực an ninh, đặc biệt là lĩnh vực an ninh truyền thống. Hơn nữa, mặc dù chủ nghĩa “đa phương hẹp” trong kinh tế-thương mại ít mang tính bao trùm hơn, nhưng mức độ hợp tác lại cao hơn và sẽ có vai trò bổ sung hoặc thậm chí dẫn dắt mạnh mẽ trong các hiệp định thương mại tự do đa phương cởi mở. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ có 4 thành viên sáng lập là New Zealand, Singapore, Chile và Brunei.
Tuy nhiên, với vai trò là một cơ chế đa phương mang tính khép kín do Mỹ dẫn đầu, AUKUS ở một mức độ nhất định mang bản chất của một “NATO phiên bản châu Á”, mang tính khép kín, tính mục tiêu và tính cưỡng chế mạnh mẽ, điều này sẽ khiến nhiều quốc gia trong khu vực cho rằng, Mỹ đang “lôi bè kéo cánh”, từ đó nảy sinh tâm lý e sợ. Mỹ với năng lực chiến lược vượt trội, lẽ ra Mỹ có thể một mình làm được nhiều điều, nhưng lại muốn lôi kéo hoặc cưỡng ép một số nước trong khu vực cùng tham gia, buộc họ phải chọn bên, điều này đã ảnh hưởng đến sự ổn định của tình hình an ninh khu vực và làm lung lay nền tảng hợp tác mà ASEAN và các đối tác đối thoại đang duy trì.
“Vòng tròn nhỏ” an ninh mang tính khép kín do Mỹ xây dựng tương phản hoàn tòan với chủ nghĩa đa phương do ASEAN thúc đẩy Mỹ có ý đồ củng cố cam kết ngoại giao “Nước Mỹ đã trở lại” dưới hình thức xây dựng một “vòng tròn nhỏ” an ninh mang tính khép kín để hợp tác hiệu quả hơn, khiến chủ nghĩa đa phương giả tạo phát triển, tạo thành một sự tương phản rõ rệt với chủ nghĩa đa phương chân chính do ASEAN thúc đẩy. Sự xung đột giữa các mối quan hệ chắc chắn trở nên gay gắt hơn.
Theo quan điểm của các thành viên tham gia, chủ nghĩa đa phương do ASEAN lãnh đạo có thể được chia thành ba cấp độ: một là sự tương tác giữa các thành viên ASEAN, thứ hai là hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại riêng lẻ, thứ ba là cấu trúc hình thành giữa ASEAN và một số đối tác đối thoại. Nhìn vào các lĩnh vực được thúc đẩy có thể thấy chủ nghĩa đa phương của ASEAN mang định hướng kinh tế-thương mại, ví dụ như các hiệp định thương mại tự do; mang định hướng an ninh, ví dụ như Hội nghị Ngoại trưởng và Diễn đàn Khu vực ASEAN; mang định hướng quân sự, ví dụ như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (mở rộng); mang định hướng tổng hợp, ví dụ như Hội nghị các nhà lãnh đạo… Dù là trên phương diện thành viên hay lĩnh vực, các chuẩn mực hợp tác luôn là bao trùm, cởi mở, mang tính xây dựng, không nhắm vào bên thứ ba và lấy việc xây dựng lòng tin làm định hướng. Không những tự hào với địa vị lãnh đạo trong cấu trúc khu vực, ASEAN còn đóng vai trò là bên tổ chức hội nghị, bên lập chương trình nghị sự, bên hoạch định vấn đề và bên điều phối hành động, đồng thời tạo ra cũng như thu được nhiều lợi ích nhất định trong hợp tác với các đối tác đối thoại. Tuy nhiên, AUKUS rõ ràng đang phá hoại môi trường để ASEAN thúc đẩy hợp tác đa phương trong khu vực, làm hiện rõ nhược điểm của chủ nghĩa đa phương ASEAN, đồng thời làm suy giảm uy tín cũng như tính tương thích của ASEAN trong hợp tác khu vực.
AUKUS tập trung nhưng không giới hạn ở khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, điều này làm suy yếu đáng kể khả năng của ASEAN trong việc định hình trật tự khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Theo quan điểm của Mỹ, khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là một khu vực rộng lớn trải dài từ bờ biển phía Tây của Mỹ đến bờ biển phía Tây của Ấn Độ, với trung tâm là Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á của Tây Thái Bình Dương, nhưng được chú ý hơn cả là khu vực hàng hải rộng lớn, đặc biệt là an ninh hàng hải. Australia và Anh có nền tảng quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau, và định nghĩa của họ về phạm vi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng không hoàn toàn nhất quán với Mỹ, nhưng các nguyên tắc chiến lược và vấn đề trọng tâm của họ tương đối giống nhau. Nói một cách chính xác, Mỹ và Anh có thể được coi là những nước ngoài khu vực có lợi ích tương đối rộng rãi tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai nước coi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng để họ phát huy ảnh hưởng toàn cầu, điều này chắc chắn sẽ khiến ASEAN ngày càng bị gạt sang bên lề.
Ngoài ra, với tư cách là cựu bá chủ của một số nước châu Á, Anh có mối liên kết tình cảm sâu sắc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, muốn lợi dụng khu vực này làm điểm xuất phát mới để khôi phục ảnh hưởng toàn cầu sau khi rời khỏi EU. Mỹ và Anh đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, còn Australia là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang cố gắng gây dựng tầm ảnh hưởng lớn hơn. Cả ba nước đều có xu hướng chủ nghĩa hiện thực rất mạnh mẽ, một khi họ kết hợp lại thì tất yếu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh và xói mòn địa chính trị gay gắt, thậm chí sẽ soán quyền chủ đạo của ASEAN trong việc xây dựng chương trình hợp tác khu vực. Trong quá trình thúc đẩy hợp tác khu vực, ASEAN ngày càng chịu nhiều cản trở từ ba nước.
Năm 2021, cùng với việc Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN theo Hướng dẫn quan hệ ngoại giao ASEAN năm 2014 và Danh sách tiêu chí về quan hệ đối thoại năm 2021, sự cản trở này đã trở nên mạnh mẽ hơn sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Liz Truss tới Đông Nam Á. Một số nước ASEAN buộc phải chuyển nhiều tài nguyên chiến lược sang lĩnh vực an ninh chiến lược, điều này làm chậm lại tiến độ phục hồi kinh tế.
AUKUS quan tâm nhiều hơn đến an ninh chiến lược truyền thống, điều này đi ngược với ưu tiên của ASEAN tìm cách loại bỏ các mối đe dọa an ninh truyền thống.
Việc Mỹ và Anh giúp Australia chế tạo tàu ngầm hạt nhân không những thách thức cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, mà còn khơi dậy cuộc đối đầu an ninh truyền thống giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước lớn, làm suy yếu niềm tin an ninh của các nước vừa và nhỏ trong khu vực, dẫn đến chạy đua vũ trang trong khu vực, đặt niềm tin an ninh của các nước dưới áp lực lớn. Mặc dù tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân về cơ bản khác với vũ khí hạt nhân, nhưng đều cùng mang tính chiến lược mạnh mẽ. Vấn đề xử lý chất thải hạt nhân là một trong những kẽ hở của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP), nếu không được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nó có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bên cạnh đó, bản thân tàu ngầm là một phương tiện vũ khí tấn công, mà tàu ngầm hạt nhân còn có thể tấn công các quốc gia khác ở bên ngoài vùng biển của nước mình, hoặc khu vực chiến lược xa hơn , với khuynh hướng can thiệp và xâm lược tương đối mạnh mẽ. Việc Mỹ và Anh chuyển giao cho Australia thông tin nghiên cứu-phát triển và kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng, điện toán lượng tử, công nghệ dưới biển và khả năng tấn công tầm xa có lợi cho việc cải thiện khả năng sử dụng tàu ngầm hạt nhân của Australia và sự phối hợp chiến lược hạt nhân của ba nước.
Tuy nhiên, việc Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân sẽ gây cản trở cho nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. ASEAN và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đạt được thỏa thuận để chuẩn bị ký Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Việc Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân đồng nghĩa với việc thỏa thuận ban đầu không còn hiệu lực, và ASEAN cũng cần tiến hành các cuộc đàm phán tương tự với Australia, điều này khiến tiến trình ASEAN xây dựng khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á bị chậm lại.
Mặc dù là các đối tác đối thoại của ASEAN, nhưng Mỹ, Anh và Australia lại chệch hướng nghiêm trọng với các ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEANViệc Mỹ, Anh và Australia trước khi ký thỏa thuận với nhau đã không liên lạc và đàm phán với đồng minh Pháp, kiểu ngoại giao lộn xộn này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất mãn tột độ của Pháp và hoàn toàn tương phản với kiểu ngoại giao bình lặng thường thấy ở ASEAN. AUKUS là sự thể hiện đầy đủ của nguyên tắc “Nước Mỹ trước tiên” trong thời Biden, điều này nghĩa là “Nước Mỹ trở lại” mang hiệu ứng tiêu cực nhiều hơn. Chính quyền Biden có thể ruồng bỏ các đồng minh thân cận nhất của mình, điều đó có nghĩa là ngoại giao của Mỹ chỉ phục vụ lợi ích của chính họ, thậm chí không ngại hy sinh lợi ích của các đồng minh. AUKUS đã khiến Mỹ, Anh và Australia mất đi sự tin cậy cơ bản nhất trên trường quốc tế, khiến ASEAN cảm thấy lo sợ.
Mỹ, Australia và các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác an ninh. Anh, Australia cùng với Singapore và Malaysia đều là thành viên của Thỏa thuận phòng thủ 5 nước (FPDA), nhưng hai nước Singapore và Malaysia không hề được báo trước, điều này khiến họ cảm thấy bị lừa dối.
Mỹ và Australia là đối tác đối thoại của ASEAN trong Chiến tranh Lạnh, nhưng sau một thời gian dài sau Chiến tranh Lạnh, họ mới thực sự tham gia vào khuôn khổ khu vực với ASEAN là nòng cốt, đặc biệt là Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. Chỉ sau khi rời khỏi EU, Anh mới tăng cường tiếp xúc với ASEAN và đang nỗ lực tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự của AUKUS không những khác hẳn với các hoạt động của ba nước này khi tham gia các vấn đề khu vực, mà còn mâu thuẫn lớn với chương trình hợp tác với ASEAN. Ngay cả trong lĩnh vực an ninh, AUKUS cũng làm thay đổi nghiêm trọng việc lựa chọn các vấn đề cho hợp tác an ninh khu vực. ASEAN quan tâm nhiều hơn đến hợp tác an ninh phi truyền thống, vốn không tương thích với quan hệ đối tác an ninh với Mỹ và Anh, hai bên khó có thể thực hiện kết nối vấn đề và hợp tác hiệu quả.
ASEAN phản ứng thận trọng với AUKUS
Ngay từ khi được thiết lập, AUKUS đã gây ra tranh cãi lớn và có tác động nghiêm trọng đến tình hình an ninh quốc tế và khu vực. Các nước như Mỹ, Anh và Australia có khả năng sẽ tăng cường đầu tư chiến lược đối với an ninh khu vực, điều này sẽ khiến các nước khác trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN cảm thấy áp lực rất lớn.
Vì vậy, sự bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN sẽ thể hiện rõ hơn, các nước ASEAN không thể cũng như chưa hình thành sự lựa chọn chính sách thống nhất đối với AUKUS, không thể đưa ra lập trường nhất trí ở cấp độ ASEAN, mà thay vào đó họ chọn phương thức “các bên tự thể hiện lập trường”, thể hiện sự khác biệt rõ ràng. Hiện tại, có thể chia thành các tình huống sau.
Phe đối lập mạnh mẽ như Indonesia bày tỏ quan ngại và kêu gọi Mỹ, Anh và Australia đưa ra lời giải thích hợp lý
Ngày 17/ 9/2021, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra Tuyên bố về Chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia, bày tỏ quan ngại sâu sắc về chạy đua vũ trang và cạnh tranh nước lớn trong khu vực, nhấn mạnh rằng Australia nên cam kết tiếp tục thực hiện tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân, kêu gọi Australia tiếp tục thực hiện cam kết vì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á… Tổng thống Indonesia Joko Widodo thậm chí còn tạm dừng chuyến thăm chính thức đã định của Thủ tướng Australia Scott Morrison với lý do lịch trình bận rộn.
Phe đối lập ôn hòa như Malaysia lo lắng về sự xấu đi của tình hình an ninh khu vực và kêu gọi ASEAN đạt được sự đồng thuận về lập trường đối phó. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, bày tỏ lo ngại rằng “AUKUS sẽ kích động các nước lớn khác hành động trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực Nam Hải”, “với tư cách là một nước ASEAN, Malaysia tuân thủ nguyên tắc xây dựng ASEAN thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập”. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói rằng AUKUS sẽ có khả năng phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là ở Nam Hải, đề nghị Australia tổ chức các cuộc hội đàm về AUKUS với nước chủ tịch ASEAN Brunei và các nước có quan hệ mật thiết với Trung Quốc như Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Phe ủng hộ dễ dao động như Philippines bày tỏ sự thấu hiểu và chấp nhận, nhưng luôn giữ thái độ thận trọng
Ngày 19/9/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết: “Philippines hoan nghênh quyết định của Australia về việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên với Mỹ và Anh” và “các hành động của Australia phản ánh mối quan ngại của họ về sự mất cân bằng trong khu vực cũng như mong muốn giúp duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Đó là đặc quyền của họ”, đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng tôi sẵn sàng thảo luận vấn đề này với các chính phủ khác” và “chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Australia tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như tuân theo các tiêu chuẩn cao nhất về quản lý hạt nhân”.
Tuy nhiên, ngày 28/9/2021, Tổng thống Philippines Duterte bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận thêm về vấn đề này với nội các của mình và đưa ra quan điểm rõ ràng.
Phe xoa dịu và thận trọng như Singapore không tỏ ra quá lo lắng, nhưng hy vọng AUKUS sẽ mang tính xây dựng hơn.
Ngày 16/9/2021, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ hy vọng rằng AUKUS mới được thành lập có thể đóng góp một cách tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, bổ trợ cho cấu trúc an ninh khu vực. Ngày 25/9, sau bài phát biểu tại Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore không quá lo ngại về liên minh chiến lược mới do Mỹ, Anh và Australia thành lập vì Singapore có quan hệ hợp tác lâu dài và mang tính xây dựng với 3 nước. Ông nói: “Điều này rất có lợi và có nghĩa là chúng tôi sẽ không cần quá lo lắng”.
ASEAN thừa nhận rằng năng lực ứng phó của bản thân rất hạn chế và không có khả năng thực hiện các hành động đối phó thực tế. Dù là trên lĩnh vực an ninh truyền thống hay an ninh phi truyền thống, giữa các nước ASEAN với ba nước Mỹ, Anh và Australia đều tồn tại sự chênh lệch lớn, và một số nước ASEAN vẫn dựa vào sự trợ giúp về nhiều mặt của các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ. Về Singapore, quốc gia có trình độ phát triển quân sự cao nhất ASEAN, hàng năm nước này đều gửi quân đến các nước như Mỹ và Australia để thực hiện đào tạo, huấn luyện và tập trận chung; trang thiết bị và vũ khí tiên tiến nhất cũng được mua từ Mỹ; không ngừng tăng cường hợp tác với Mỹ trên các phương diện như chống khủng bố, chống cướp biển và ngăn chặn các mối đe dọa trên không gian mạng. Indonesia là thành viên lớn nhất của ASEAN và cũng phụ thuộc nhiều vào Mỹ về an ninh. Mỹ từng tạm ngừng việc huấn luyện lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố “Densus 88” của Indonesia do vấn đề nhân quyền, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chống khủng bố của Indonesia.
Dù có sự sự bất đồng nhất định trong nội bộ, nhưng ASEAN ít nhất vẫn nhận thấy rằng AUKUS là một thách thức nghiêm trọng, vì vậy hết sức cảnh giác và thận trọng khi phê phán, cố gắng dung hòa vai trò tiêu cực của AUKUS bằng cách kiên trì các nguyên tắc quy phạm của riêng mình. Hiện nay ASEAN chưa đưa ra lập trường chính sách thống nhất trực tiếp nhắm vào AUKUS, nhưng ASEAN đã bày tỏ sự không hài lòng thông qua các tuyên bố khéo léo nhưng rõ ràng. Ví dụ, năm 2021, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 đã thông qua một tuyên bố chung về chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh rằng ASEAN cần duy trì sự đoàn kết, gắn kết và khả năng phục hồi nhằm thúc đẩy các tôn chỉ và nguyên tắc được thể hiện trong Hiến chương ASEAN, cũng như cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặt nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn; nhấn mạnh việc lựa chọn phương thức chủ nghĩa đa phương vững chắc khi đứng trước các thời cơ và thách thức mới, đồng thời tích cực phát triển một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ có thể giải quyết các vấn đề cấp bách chung của khu vực và toàn cầu; chỉ ra việc cần thiết phải củng cố các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, duy trì vị trí trung tâm khi tiếp xúc mang tính xây dựng với các đối tác bên ngoài, xây dựng lòng tin, củng cố một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, lấy ASEAN làm trung tâm và dựa trên luật lệ; đồng thời bày tỏ rằng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) là kim chỉ nam để ASEAN tham gia sâu rộng hơn vào hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kêu gọi các đối tác bên ngoài dựa trên nguyên tắc này để thúc đẩy lòng tin, sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, ủng hộ và triển khai hợp tác với ASEAN, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị Cấp cao Đông Á năm 2021, ASEAN đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì cấu trúc khu vực với ASEAN là trung tâm, quản lý quan hệ giữa các nước trong khu vực dựa trên quy tắc và thúc đẩy lòng tin chiến lược. ASEAN cảm nhận mạnh mẽ được việc AUKUS đã làm suy yếu ảnh hưởng của mình trong các vấn đề an ninh khu vực. Do đó thông qua việc nhấn mạnh lại chính sách đề cao chủ nghĩa đa phương, ASEAN đã ngầm cho thấy rằng sẽ thận trọng đối phó với ảnh hưởng của AUKUS.
AUKUS sẽ làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN
AUKUS và ASEAN khó tìm được điểm chung và đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề an ninh, và hai bên sẽ càng khó thích ứng được với nhau. Từ góc độ cơ chế tổ chức, AUKUS là một cơ chế đa phương mang tính khép kín, ngay cả sau này khi có thêm thành viên mới thì cũng khó thay đổi bản chất ban đầu, AUKUS sẽ không phát triển thành chủ nghĩa đa phương thực chất, cũng không thể hòa nhập vào cơ chế chủ nghĩa đa phương bao trùm hơn. Mặc dù Mỹ và Australia đều là các đối tác đối thoại của ASEAN, hơn nữa ASEAN có các cơ chế hợp tác như hội nghị cấp cao và hội nghị ngoại trưởng mô hình “ASEAN + 1”, nhưng hợp tác mang tính thể chế giữa Anh và ASEAN vẫn đang trong quá trình đàm phán, trong tương lai chỉ có thể trở thành mô hình hợp tác “ASEAN + 1”, hợp tác với ASEAN sẽ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, AUKUS mang tính chất của một liên minh chiến lược, trong khi ASEAN chỉ là một khối cộng đồng trên danh nghĩa, và cơ chế đa phương khu vực do ASEAN chủ đạo chỉ mang tính chất diễn đàn, không mang tính mục tiêu, càng không có tính khép kín, hai bên có xung đột rõ ràng về tính bao trùm.
Về các đề tài thảo luận, AUKUS nhấn mạnh an ninh chiến lược truyền thống, một số hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mà AUKUS thúc đẩy cũng góp phần tăng cường an ninh chiến lược. Cho dù sau này AUKUS có khả năng sẽ tiến hành các hợp tác trong lĩnh vực khác, nhưng phạm vi của các chủ đề được thảo luận sẽ không thay đổi nhiều nếu xu hướng chiến lược do Mỹ dẫn dắt không thay đổi. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng mà AUKUS khác với Bộ tứ. Xét cho cùng, mặc dù Ấn Độ được coi là một quốc gia hạt nhân trên thực tế và Nhật Bản là quốc gia có khả năng vượt ngưỡng trở thành quốc gia hạt nhân, nhưng các nước thành viên của Bộ tứ lại kém xa AUKUS về mức độ liên kết chặt chẽ trong phối hợp chiến lược liên quan. Trong bối cảnh này, AUKUS có thể dễ dàng đặt ASEAN vào thế bế tắc về an ninh. ASEAN hoàn toàn không thể thích ứng được với các mục tiêu an ninh chiến lược của AUKUS, và hai bên gần như không thể hợp tác triển khai một số hành động chung. Như vậy, cùng với việc quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia được tăng cường hơn nữa, chẳng hạn việc Anh cử nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để phô trương lực lượng, ASEAN sẽ buộc phải đưa ra phản ứng để tránh gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Tác động của AUKUS đối với ASEAN sẽ ngày càng rõ ràng, và khả năng hai bên rơi vào xung đột ngày càng cao. Tác động của AUKUS đối với ASEAN trước hết sẽ được thể hiện qua việc lựa chọn các chủ đề cho hợp tác an ninh khu vực. Giống như việc Mỹ ép buộc tăng cường vấn đề “phổ biến vũ khí hạt nhân” tại Hội nghị Cấp cao Đông Á 2012, các nước như Mỹ và Australia có thể nêu ra một số vấn đề liên quan đến hạt nhân trong cơ chế đa phương với ASEAN làm trung tâm. Trong một môi trường quốc tế mà cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng leo thang và Tổng thống Nga Putin ra lệnh đặt các cơ sở hạt nhân trong tình trạng báo động cao trong giai đoạn xung đột với Ukraine có thể gây ra sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu, những vấn đề như vậy sẽ khiến ASEAN cảm thấy tiến thoái lưỡng nan.
Ngoài ra, Mỹ luôn lợi dụng vai trò xây dựng của mình đối với các cơ chế này và ảnh hưởng của mình đối với các đồng minh để cố gắng tạo ra lợi thế tuyệt đối, đồng thời thúc đẩy các chủ đề muốn thảo luận, từ đó làm suy yếu khả năng điều phối của ASEAN, đặc biệt là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trước đây, ASEAN thường coi một số đồng minh của Mỹ là đại diện cho Mỹ với quyền tự chủ chiến lược nhất định, trong tương lai nhận thức này có thể được củng cố hơn nữa và mọi tiêu điểm sẽ tập trung vào Mỹ. Đồng thời, Mỹ ngày càng có xu hướng coi đồng minh là công cụ thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình và có thể bị loại bỏ bất cứ lúc nào. Những năm gần đây, việc Mỹ tự ý từ bỏ các “đối tác” hợp tác, hoặc hạ cấp đồng minh xuống “đối tác” không còn là điều lạ lẫm.
Trong bối cảnh hiện tại, ASEAN cần duy trì trọng tâm chiến lược, dựa vào hành động tập thể để đối phó với những thách thức từ AUKUS. Tuy nhiên, đối với ASEAN, thực tế rất khắc nghiệt và tình hình ngày càng cấp bách. Một mặt, nội bộ ASEAN đã gặp phải một cuộc khủng hoảng chưa từng có về sự gắn kết.
Ngày 1/2/2021, Myanmar xảy ra chính biến, quân đội ngăn cản đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD)tiếp tục cầm quyền sau khi thắng cử với lý do có gian lận trong bầu cử. Ngày 24/4 cùng năm, Hội nghị Cấp cao đặc biệt về tình hình Myanmar đã thông qua “Đồng thuận 5 điểm” về vấn đề Myanmar, nhưng vì nhiều lý do, quá trình thúc đẩy vô cùng khó khăn. Hiện tại, an ninh chính trị của Myanmar đang xấu đi từng ngày và nước này đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện. Quan hệ giữa ASEAN và Myanmar cũng đi vào bế tắc, ASEAN chỉ đồng ý để Myanmar cử đại diện phi chính trị tham gia tiến trình ASEAN.
Sự đoàn kết và vai trò lãnh đạo của ASEAN đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của các nước ASEAN, khiến họ thiếu khả năng và tự tin để thúc đẩy hợp tác trong và ngoài khu vực. Nếu nội bộ ASEAN xảy ra vấn đề, bất đồng giữa các thành viên sẽ gia tăng và khả năng bị Mỹ lôi kéo sẽ tăng lên. Từ những phản ứng khác nhau của các nước ASEAN và việc ASEAN chỉ đưa ra một tuyên bố chung chung mà không có lập trường nào sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, có thể thấy rằng nếu muốn ứng phó hiệu quả với những thách thức từ AUKUS, ASEAN phải có lập trường nhất quán hơn.
Mặt khác, cơ chế hợp tác đa phương khu vực với ASEAN làm trung tâm ngày càng khó đạt được hiệu quả thực tế, và khó có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với AUKUS trong tương lai. Xét về sức mạnh của Mỹ và sự căng thẳng trong cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, cho dù là Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng hay Hội nghị cấp cao và hội nghị ngoại trưởng Đông Á, thì tất cả đều thảo luận về một số các vấn đề gây tranh cãi, thậm chí nguyên tắc xử lý một số vấn đề cũng bị vướng mắc lâu nay khiến tuyên bố chung cuối cùng cũng ít có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy an ninh khu vực.
Các hiệp định thương mại tự do đa phương khu vực lấy ASEAN làm trung tâm đã đạt được những tiến triển và thành tựu to lớn, nhưng lại có không phát huy được tác dụng trong việc thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa các nước. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên với Mỹ và Anh để phát triển một lực lượng vũ trang hùng mạnh hơn. Điều này cũng có nghĩa là đối với Australia, mặc dù đã tham gia sâu vào tiến trình hội nhập khu vực nhưng AUKUS mới là điều quan trọng nhất. Nếu tình hình này tiếp diễn, nhiều nước trong khu vực có khả năng từ bỏ cơ chế hợp tác đa phương với ASEAN là trung tâm, khiến ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề.
AUKUS rất có thể sẽ không để tâm đến các mối quan ngại của ASEAN và vẫn sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN, thậm chí phá hoại nền tảng của cấu trúc an ninh khu vực. Mỹ dù tỏ thái độ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng vẫn cho rằng ASEAN chỉ là lãnh đạo của cấu trúc khu vực Đông Nam Á, trong khi Mỹ mới là lãnh đạo của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giữa hai bên đang có sự xung đột mạnh mẽ. Mỹ, Anh và Australia nhận ra rằng ASEAN về cơ bản không thể thực hiện bất kỳ phản ứng thực chất nào, và bất kỳ biện pháp đối phó nào mà ASEAN thực hiện cũng không thể gây tổn hại thực sự cho họ, vì vậy ngay từ đầu họ đã không quan tâm đến cảm nhận cũng như các phản ứng có thể có của ASEAN. Mỹ luôn lo ngại rằng một ASEAN đang trỗi dậy và đoàn kết có thể giống như châu Âu – lâu nay luôn tìm kiếm sự tự chủ chiến lược và sớm hay muộn sẽ tạo thành sự thách thức đối với Mỹ. Tuy nhiên, sau những thất vọng khi cố gắng lợi dụng các đồng minh Philippines và Thái Lan để chia rẽ ASEAN, Mỹ lại dựa vào đồng minh Nhật Bản để tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á với danh nghĩa là để cân bằng với Trung Quốc đang trỗi dậy, về bản chất là làm cho cấu trúc đa phương khu vực với ASEAN là trung tâm trở nên kém hiệu quả hơn, cuối cùng khiến ASEAN không phát huy được vai trò chủ đạo trong khu vực, tạo nền tảng quan trọng để Mỹ nâng cao quyền phát ngôn. Cùng với việc thiết lập AUKUS, Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường phối hợp chiến lược với Anh và Australia, một mặt đưa Anh trở thành đối tác đối thoại toàn diện của ASEAN, tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN và thậm chí cả Hội nghị cấp cao Đông Á, mặt khác ép buộc các đồng minh và yêu cầu các đối tác từng bước làm suy yếu chức năng của cấu trúc đa phương khu vực, làm nổi bật vai trò của AUKUS và Bộ tứ, nâng cao vai trò điều phối chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nếu Mỹ không thay đổi chiến lược bá quyền của mình, AUKUS cũng sẽ giống như Bộ tứ, từng bước làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, và điều này chí ít trong ngắn hạn sẽ không được ASEAN chấp nhận. Mỹ, Anh và Australia có thể bắt tay nhau quay lưng lại với Pháp, thì họ cũng có thể làm như vậy với các nước khác. Đối với các nước ASEAN, mặc dù có động lực mạnh mẽ để tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Anh và Australia, nhưng trong lĩnh vực an ninh truyền thống chỉ giới hạn ở hợp tác song phương giữa các nước, không thể hoặc không muốn tham gia các vấn đề của AUKUS. Mặc dù diễn biến nhanh chóng của tình hình quốc tế và khu vực đã thôi thúc các nước ASEAN phải chọn bên, nhưng khi xu thế chưa rõ ràng, họ vẫn chọn chính sách chung sống hòa bình với tất cả các nước hơn là thiên về một bên và làm mất lòng bên còn lại, chưa nói đến việc tách khỏi tập thể ASEAN mà họ vẫn đang dựa vào.
Duy trì tính trung lập tương đối, dựa vào sự đoàn kết của ASEAN và duy trì quyền tự chủ chiến lược ở mức độ lớn nhất có thể phù hợp với lợi ích chiến lược của tất cả các nước ASEAN. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN sẽ cố gắng hết sức để duy trì và cứu vãn địa vị trung tâm dù là chỉ trên hình thức và cũng đã suy yếu của ASEAN, mà sẽ không triển khai hợp tác thực chất với AUKUS, điều này sẽ gây tổn hại đến lợi ích chung của ASEAN. Nếu trong tương lai AUKUS càng bộc lộ rõ tính xâm lược mạnh mẽ hơn, thì sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột gay gắt với ASEAN.
Kết luận AUKUS là một thỏa thuận thể chế hạn hẹp do Mỹ-Anh-Australia thiết lập, thiên về cạnh tranh an ninh, có thể khiến ASEAN trở thành bên chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Mặc dù một số học giả cho rằng AUKUS dường như chỉ là “một phần bổ sung” cho cấu trúc an ninh khu vực, nhưng bất kỳ hành động chiến lược nào làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN cũng sẽ phá vỡ các nỗ lực và phương pháp của ASEAN nhằm thiết lập một trật tự khu vực bao trùm, hòa bình và ổn định.
AUKUS có thể khơi gợi sự bất đồng giữa các nước trong khu vực, gây ra một cuộc xung đột và chạy đua vũ khí hạt nhân. Tuy AUKUS chỉ nhấn mạnh việc Mỹ và Anh hỗ trợ Australia xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tăng cường hợp tác an ninh giữa các đồng minh của Mỹ, nhưng các nước ASEAN vẫn lo ngại rằng ngay cả khi Australia không vì múc đích sản xuất vũ khí hạt nhân, thì cũng sẽ làm trầm trọng thêm các nguy cơ an ninh hạt nhân, đối lập và gây hại cho chính sách xây dựng một khu vực không có hạt nhân ở Đông Nam Á mà ASEAN đã thiết lập, đe dọa đến nỗ lực của ASEAN nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. AUKUS sẽ nâng cao quyền phát ngôn của ba nước đối với các vấn đề điểm nóng trong khu vực, khiến ASEAN trở nên “mất tiếng nói” trong khu vực.
Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng việc AUKUS hình thành đã nhắc nhở ASEAN rằng “sự thiếu quyết đoán trong một môi trường địa chính trị phức tạp và diễn biến nhanh chóng có thể phải trả giá”. Cựu Đại sứ Indonesia tại Anh Rizal Sukma cho rằng AUKUS được thành lập là một cột mốc đánh dấu việc ASEAN trở thành một tổ chức “tầm thường” và không nhiều ảnh hưởng, không đủ khả năng tiếp tục quản lý các mối quan hệ giữa các nước lớn.
Mỹ và Anh có ý đồ thông qua việc giúp Australia xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân để tăng cường sức mạnh quân sự trên biển và sự hiện diện của ba quốc gia trong trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời bảo vệ và chứng minh địa vị chủ đạo truyền thống của mình ở khu vực này. Cùng với việc thực hiện chiến lược “cường quốc biển”, tăng cường sức mạnh để duy trì trật tự an ninh trên biển, nâng cao năng lực và lòng tin trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, khả năng Trung Quốc sẽ vấp phải sự bao vây chiến lược, cạnh tranh chiến lược và thậm chí là xung đột từ các cường quốc biển truyền thống như Mỹ, Anh và nước lớn đang trỗi dậy như Australia sẽ tăng lên.
PV/tổng hợp