Ngày 4/8/2002, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo 6 tháng đầu năm do Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì. Tạp chí Đông Nam Á-ASEAN đăng tải bài phát biểu của bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, tổng kết công tác quản lý nhà nước về báo chí của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2022.
Khái quát tình hình
Qua rà soát, quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đến ngày 15/7/2022, Đà Nẵng có 115 cơ quan báo chí. Trong đó: 04 CQBC địa phương hoạt động; Có 06 CQBC đăng ký mới hoạt động trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm là VPĐD Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, VPĐD khu vực Nam Trung Bộ Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tại thành phố Đà Nẵng, VPĐD khu vực miền Trung tại Đà Nẵng Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, VPĐD khu vực miền Trung Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, PVTT Báo Đấu thầu, PVTT Báo Văn hóa; Có 11 CQBC không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn thành phố đang trong quá trình tiếp tục xử lý.
Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí
Sở TTTT tiếp tục chú trọng công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về báo chí đối với các CQBC địa phương, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác hoạt động tại Đà Nẵng.
Cụ thể: có văn bản hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện báo cáo hoạt động báo chí 6 tháng đầu năm 2022; cho ý kiến về việc Bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng; hỗ trợ xây dựng Đề án Chuyển đổi số tại báo Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề nghị các đơn vị phối hợp góp ý đề cương bài viết liên quan đến thành phố Đà Nẵng của Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng; đề nghị các đơn vị phối hợp chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn cho Chủ tịch UBND thành phố theo đề nghị của Báo Tuổi trẻ Thủ đô; đề nghị Cục Báo chí hướng dẫn việc quản lý đối với phóng viên không đủ điều kiện hoạt động thường trú tại địa phương; đề nghị 22 cơ quan báo chí phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện hồ sơ cấp thẻ nhà báo cho Trưởng Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú tại thành phố Đà Nẵng; thông tin phóng viên báo chí không đủ điều kiện hoạt động thường trú tại thành phố Đà Nẵng (Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance); Tiếp tục đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện hồ sơ cấp thẻ nhà báo cho Trưởng VP đại diện và phóng viên thường trú tại Đà Nẵng; Đề nghị Cục báo chí hướng dẫn quản lý nhà nước về báo chí đối với 02 đơn vị sáp nhập và thuộc thẩm quyền quản lý của Báo Công an Nhân dân theo quy hoạch báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố về việc công nhận hoạt động mới đăng ký của 6 Văn phòng Đại diện, PVTT tại ĐN.
Tham mưu UBND TP về đề xuất phối hợp tuyên truyền theo đề nghị của một số cơ quan báo chí; khảo sát nhu cầu hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí năm 2022; Triển khai thực hiện Chương trình hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố.
Công tác quản lý nhà nước về công tác phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí
Tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong tình huống đột xuất, bất thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Nghị định 09 của Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở TTTT đã ban hành hơn 40 báo cáo, văn bản tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, Sở TTTT thường xuyên gửi thông tin về chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền thành phố qua email, mạng xã hội cho khoảng 2.000 lượt cơ quan báo chí, cán bộ thông tin cơ sở và Tổng đài 1022 để thực hiện tuyên truyền. Ban hành hơn 110 công văn hướng dẫn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố, trong đó tập trung tăng cường công tác truyền thông về: các chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố; Chương trình 4 an của thành phố, Đề án Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường, …
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí:
Trong 6 tháng đầu năm, Sở TT&TT đã tiếp nhận và giải quyết 10 đơn thư khiếu nạu, tố cáo, phản ánh về những thông tin không chính xác trên báo chí, mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố. Đối với trang thông tin điện tử sai phạm, Sở TT&TT đã tiếp nhận và xử lý rà soát cung cấp thông tin 09 trường hợp theo đề nghị của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng CNC, Công an thành phố, Công an quận Sơn Trà.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí được chú trọng: Sở TT&TT đã xây dựng Kế hoạch thanh tra các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn thành phố ngay từ đầu năm, theo đó trong 6 tháng đầu năm đã thanh, kiểm tra 20 cơ quan báo chí, 01 Phóng viên thường trú, 01 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Qua đợt kiểm tra, có 01 đơn vị đã sáp nhập với VPĐD miền Nam là Tạp chí Viện kiểm sát, 01 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là Công ty TNHH Trung tâm Tin tức – Truyền thông – Truyền hình và 01 đơn vị chưa phối hợp để Đoàn Kiểm tra đúng tiến độ là VPĐD Tạp chí Kinh tế nông thôn. Về cơ bản các cơ quan, phóng viên đã đáp ứng các yêu cầu nội dung kiểm tra theo Quyết định số 88/STTT-TTra ngày 27/5/2022 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Các VPĐD cơ quan báo chí được kiểm tra đã phối hợp tốt trong công tác kiểm tra, cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan theo yêu cầu, đáp ứng đầy đủ thủ tục hoạt động và điều kiện đặt VPĐD tại thành phố Đà Nẵng; phần lớn các tin, bài thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các chính sách phát triển của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan báo chí chưa tuân thủ tôn chỉ, mục đích đối với các tin, bài đăng tải.
Thông qua đợt kiểm tra, Đoàn Kiểm tra đã yêu cầu các VPĐD cơ quan báo chí cam kết thực hiện đúng các quy định đối với cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hoạt động của Cơ quan đại diện phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao; tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thông tin tuyên truyền cần đảm bảo lượng thông tin tích cực là dòng chảy chính trên tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng; Trưởng CQĐD là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động của nhân viên, phóng viên, cộng tác viên của cơ quan, đơn vị và đối với các tác phẩm báo chí do phóng viên, cộng tác viên thực hiện liên quan đến thành phố Đà Nẵng. Đối với việc cấp giấy giới thiệu, cơ quan đại diện tham mưu cơ quan báo chí khi cấp giấy giới thiệu cần lưu ý thực hiện đúng quy định về tôn chỉ mục đích, thời gian, địa điểm giới thiệu phóng viên, cộng tác viên đến liên hệ công tác. Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động khi có thay đổi về nhân sự, địa điểm và các thông tin liên quan khác để Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng xem xét, tham mưu UBND thành phố xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh theo quy định của pháp luật. Đối với VPĐD Tạp chí Kinh tế nông chưa kiểm tra được, Sở TTTT sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành các công việc theo quy định quản lý Nhà nước về báo chí trong quý III/2022.
Nhiệm vụ của Tổ Công tác thông tin báo chí (Tổ báo chí):
Thực hiện điểm báo và điểm tin MXH hàng ngày, qua đó đã phát hiện các nội dung được báo chí phản ánh và đề xuất cơ quan chức năng phản hồi, xử lý; điểm báo, tin MXH chuyên đề đối với các vụ việc nổi cộm, được dư luận quan tâm để phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu đề xuất kịch bản truyền thông, tránh xảy ra khủng hoảng truyền thông làm ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố.
– Đề nghị UBND TP xem xét chỉ đạo các nội dung liên quan đến phương án hoạt động của Tổ công tác thông tin báo chí thành phố và phương án nâng cao chất lượng điểm báo, điểm tin mạng xã hội năm 2022; Tiến hành các công việc kiện toàn Tổ Công tác thông tin báo chí thành phố Đà Nẵng; Báo cáo Tình hình và kết quả phản hồi thông tin báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng qua các tháng năm 2022.
Tổ Công tác thông tin báo chí ghi nhận các cơ quan báo chí đã thực hiện hơn 60.000 tin, bài, phóng sự, chuyên đề phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thành phố Đà Nẵng tính đến ngày 30/6/2022. Qua công tác điểm báo, đã thực hiện chọn lọc và điểm hơn 6.442 tác phẩm báo chí gửi đến lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện và tổng hợp vấn đề báo chí quan tâm, phản ánh đề nghị các cơ quan, đơn vị xử lý và phản hồi. Hỗ trợ lượt view. Tổng số lượng các vấn đề đã được phản hồi là 122/162 vấn đề đạt 75,3% vấn đề báo nêu cần phản hồi. Tiếp tục đề nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương các ngành quan tâm.
Tình hình hoạt động của các cơ quan báo chí
Cơ quan báo chí địa phương
Nhìn chung, tình hình phát hành, phát sóng của các CQBC địa phương tương đối ổn định. Các cơ quan báo chí địa phương vẫn đảm bảo việc tổ chức thực hiện sản xuất, xuất bản các sản phẩm báo chí và phản ánh trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng đã bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố và các khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tuyến tin, bài viết, đồng thời liên tục cập nhật thông tin các văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố… đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, kịp thời và hiệu quả diễn biến và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến đông đảo nhân dân.
Các CQBC địa phương hoạt động tuân thủ theo các quy định của pháp luật về báo chí, bám sát tôn chỉ, mục đích trong việc thông tin, tuyên truyền; chú trọng xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tốt đội ngũ người làm báo. Công tác thông tin, báo cáo, thời gian phát hành, nộp lưu chiểu, đăng phát quảng cáo, chế độ nhuận bút và các hoạt động khác cũng được các CQBC địa phương đảm bảo đúng quy định.
Báo chí Trung ương và địa phương khác có VPĐD và PVTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Cùng với các CQBC địa phương, VPĐD, PVTT đã tích cực hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sự kiện lớn của thành phố Đà Nẵng. Trong 6 tháng đầu năm, Sở TTTT ghi nhận hơn 50.000 tin, bài về thành phố đã được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố đăng tải thông tin, tuyên truyền về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, đặc biệt chú trọng đến các sự kiện lớn như: Diễn đàn đường bay Châu Á, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022, các sự kiện du lịch của Đà Nẵng… qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, củng cố và mở rộng quan hệ của thành phố với các nước, các tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch nước ngoài, tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đặc biệt được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm phản ánh. Từ tháng 01/2022 đến nay, các cơ quan báo chí đã thực hiện trên 25.000 tin bài có nội dung tuyên truyền về công tác chỉ đạo, triển khai và thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn; những cách làm hay, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều tác phẩm báo chí tập trung thông tin công tác thu hút đầu tư, các hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, thông tin các địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ…đến đông đảo nhân dân được biết.
Hoạt động tác nghiệp của hầu hết các VPĐD, PVTT trên địa bàn thành phố về cơ bản đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật về báo chí; chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình tác nghiệp báo chí trên địa bàn thành phố.
Đánh giá chung
Ưu điểm
– Công tác quản lý nhà nước về báo chí tiếp tục được Sở TT&TT triển khai tích cực, thông qua việc triển khai Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan; thường xuyên rà soát, nhắc nhở, thanh tra, kiểm tra các quy định về báo chí từ đó xử lý hoặc kiến nghị Cục Báo chí xử lý các trường hợp sai phạm.
– Chủ động và thường xuyên hướng dẫn, triển khai Nghị định số 09/2017/NĐ-CP về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; điều chỉnh, đổi mới quy trình điểm báo giúp cho công tác phát hiện vấn đề báo nêu được kịp thời, hiệu quả, việc phản hồi thông tin báo nêu của các cơ quan, đơn vị được thực hiện nhanh hơn và đi vào nề nếp, góp phần ổn định dư luận xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông.
– Nhận thức của lãnh đạo các cấp ngành địa phương về tầm quan trọng của báo chí trong tình hình hiện nay ngày càng được nâng cao. Qua đó, tạo cơ hội cho công tác quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả. Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí và các cấp ngành địa phương được cải thiện.
– Hoạt động báo chí về cơ bản tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Báo chí.
– Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến trong đời sống chính trị, các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn, các sự kiện đối ngoại quan trọng; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của thành phố; bám sát phản ánh thực tiễn cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh thành phố đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước; tuyên truyền phản bác lại những thông tin không đúng sự thật và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; thực hiện tốt chức năng cảnh báo, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và chính quyền, ảnh hưởng tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.
– Nhiều cơ quan báo chí đã dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ thành phố trong công tác thông tin tuyên truyền về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố và Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022, góp phần đồng hành cùng thành phố tuyên truyền các nội dung về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tuyên truyền các chỉ tiêu đạt và vượt mức đề ra để phục hồi kinh tế thành phố trong tình hình mới.
Tồn tại, hạn chế
– Công tác phối hợp quản lý nhà nước về báo chí giữa Sở TT&TT và các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về những thông tin không chính xác trên báo chí, mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố gửi tới tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng quá trình giải quyết chưa triệt để do cần có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng, địa phương khác trong quá trình xử lý vụ việc.
– Tình trạng báo chí giật tít, câu view, đưa lại thông tin thiếu kiểm chứng dẫn đến sai lệch, có dấu hiệu áp đặt, suy diễn thiếu căn cứ vẫn còn tồn tại. Tình trạng trang thông tin điện tử sao chép tin bài của các cơ quan báo chí. Một số cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí vẫn chưa chú trọng chỉ đạo, định hướng, quản lý phóng viên của báo mình trong thực hiện các Quy tắc sử dụng MXH nên vẫn còn tình trạng phóng viên thông tin sai lệch, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực đối với một vấn đề chưa có thông tin kiểm chứng.
– Một số VPĐD, PVTT còn thiếu các điều kiện hoạt động báo chí theo đúng Luật Báo chí.
– Vẫn còn tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật trên địa bàn thành phố.
– Công tác phản hồi thông tin báo nêu đã dần tạo thành thói quen và được các đơn vị quan tâm, tỷ lệ tiếp nhận, xử lý và phản hồi việc xử lý đến các cơ quan báo chí cao. Tuy nhiên, tỷ lệ các cơ quan báo chí đăng tải, đính chính các thông tin được phản hồi vẫn còn thấp khoảng 35%.
Nhiệm vụ trọng tâm Sở Thông tin và Truyền thông
– Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo thành phố và các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về báo chí. Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm, giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện các nhiệm vụ do Thường trực Thành ủy giao liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội. Giám sát hoạt động đưa tin của phóng viên, nhà báo; kịp thời đề xuất xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố.
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố. Tiếp tục giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về những thông tin không chính xác trên báo chí, mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố gửi tới.
– Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; chú trọng thông tin nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan báo chí để thực hiện tuyên truyền hiệu quả.
– Nâng cao kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội nhằm hạn chế tối đa việc thiếu kiểm soát thông tin cung cấp cho cơ quan báo chí. Tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị quy trình phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong tình huống đột xuất, bất thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
– Tham mưu UBND sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Tổ báo chí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
– Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương tuyền truyền lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh với các quan điểm sai trai của các thế ực thù địch phản động. Tăng cường công tác triển khai chương trình hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh hiệu quả hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh của thành phố.
Tiếp tục tham mưu các giải pháp tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí hàng tháng. Một mặt đồng hành hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc tiếp cận thông tin. Một mặt là địa chỉ tin cậy của người dân, tổ chức, cơ quan địa phương, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin về dấu hiệu vi phạm trong hoạt động báo chí, không gian mạng ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt lưu tâm vấn đề báo hóa tạp chí, Trang TTĐT và báo hóa mạng xã hội, biểu hiện tư nhân hóa báo chí theo tiêu chí nhận diện của Bộ TTTT. Đề nghị các cơ quan báo đài địa phương đăng toàn văn QĐ 1418 ngày 22/7/2022. Các cơ quan báo chí đồng hành cùng với tp trong việc phê phán các hành vi, dấu hiệu vi phạm của các phóng viên, các cơ quan báo chí để bảo vệ uy tín, hình ảnh của báo chí chuyên nghiệp trên địa bàn, thật sự là là diễn đàn, cầu nối của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền
Tiếp tục tham mưu quản lý công tác đăng tải phản hồi thông tin báo nêu theo Luật Báo chí, tỷ lệ này hiện chỉ 35 %.
Trên đây là một số thông tin về công tác quản lý nhà nước về báo chí trong 6 tháng đầu năm 2022 và một số định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Sở Thông tin và Truyền thông.
“Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cam kết là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Đề nghị các doanh nghiệp hợp tác trao đổi thông tin về các phóng viên báo chí đến quấy nhiễu sai tôn chỉ mục đích, Sở TTTT sẽ xử lý nghiêm túc.” Bà Nguyễn Thu Phương khẳng định
Tài liệu tham khảo:
– 22 cơ quan báo chí chưa có thẻ nhà báo cho Trưởng Văn phòng đại diện, Phóng viên thường trú tại thành phố Đà Nẵng: Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Kinh doanh, Báo Nhân đạo và đời sống, Báo Người Công giáo, Báo sinh viên Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Văn hiến, Tạp chí Giao thông vận tải, Tạp chí Vận tải Ô tô – Báo điện tử Dailo.vn tại Đà Nẵng, Tạp chí Vietnam Logistics Review, Tạp chí Kinh tế và Đồ uống khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, Tạp chí Kinh tế Nông thôn, Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, Truyền hình Công an nhân dân Khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại Đà Nẵng, Chuyên đề Công an Đà Nẵng, Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống, PVTT Báo điện tử Vnexpress tại Đà Nẵng, PVTT Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, PVTT Báo Tri thức trực tuyến – Zing.vn, PVTT Thời báo Kinh tế Sài Gòn, PVTT Chuyên đề Công an TP HCM
– Công văn số 969/STTTT-TTBCXB ngày 28/04/2022;Công văn số 1075/STTTT-TTBCXB ngày 11/5/2022 Đề nghị thực hiện quy định hoạt động đối với VPĐD/PVTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Tạp chí Cộng sản); Công văn số 1074/STTTT-TTBCXB ngày 11/5/2022 Đề nghị thực hiện quy định hoạt động đối với VPĐD/PVTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Tạp chí Kiểm sát); Công văn số 859/STTTT-TTBCXB ngày 20/04/2022 đề nghị Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan đến hoạt động Văn phòng đại diện/Phóng viên thường trú trên địa bàn thành phố; Công văn số 901/STTTT-TTBCXB ngày 22/04/2022 đề nghị Tạp chí điện tử kinh doanh và phát triển phối hợp thực hiện một số nội dung liên quan đến hoạt động Văn phòng đại diện/Phóng viên thường trú trên địa bàn thành phố. Công văn số 1091/STTTT-TTBCXB ngày 12/5/2022 hướng dẫn quản lý nhà nước về báo chí đối với 03 đơn vị sáp nhập và thuộc thẩm quyền quản lý của Báo Công an Nhân dân theo quy hoạch báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Công văn số 526/STTTT-TTBCXB ngày 30/06/2022;Công văn số 1390/STTTT-TTra ngày 17/6/2022 (gửi Cục ATTT); Công văn số 886/STTTT-TTBCXB ngày 22/04/2022;
– Công ty TNHH XD và TM SaiKo, bà Đào Thị Mai Hường, vụ việc facebooker Dương Hằng Nga, vụ việc facebooker Lê Hải.
PV/CQĐDMT-TN.