Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khủng hoảng năng lượng, Liên minh châu Âu kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt



ĐNA -

Theo thông báo chính thức của Liên minh châu Âu (EU), kế hoạch của EU về cắt giảm tiêu thụ khí đốt trên toàn khối ở mức 15% nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 9/8/2022. Đây là hành động cần thiết của EU trong bối cảnh các nước trong khối chịu áp lực phải tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới.

Đức và các nước châu Âu phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.

Mục đích của kế hoạch là giúp EU tăng dự trữ khí đốt kịp thời cho mùa đông. Theo đó, các nước thành viên sẽ buộc phải cắt giảm tiêu thụ khí đốt ở mức ít nhất 15% vào giai đoạn từ giữa tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, dựa trên mức tiêu thụ trung bình của 5 năm trước.

Kế hoạch khẩn cấp của EU nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ đã được thông qua trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới do nguồn cung khan hiếm. Theo thông báo của Cộng hòa Séc, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, thỏa thuận này đã được các nước EU phê chuẩn, ngoại trừ Hungary và Ba Lan. Hungary là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ tại cuộc họp của EU. Hungary hiện đang đàm phán với Nga để nhập khẩu thêm khí đốt. Trong khi đó, Ba Lan cũng không phê chuẩn thỏa thuận này dù trước đó ủng hộ.

Dù không đạt được sự đồng thuận của tất cả thành viên, kế hoạch cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ của các nước EU là bước đi quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc của khối vào nguồn cung khí đốt của Nga trước mùa cao điểm về tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền đông Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ tại EU.

Theo quy định mới của EU, Đức-nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Âu, sẽ phải tiết kiệm lượng khí đốt tiêu thụ nhiều hơn đáng kể so với các nước EU khác. Số liệu của Ủy ban châu Âu cho biết, từ đầu tháng 8/2022 cho đến tháng 3/2023, Đức sẽ phải tiết kiệm khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt tiêu thụ để có thể đạt mục tiêu mà các nước EU đã đề ra.

Để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho những tháng mùa đông sắp tới, Chính phủ Đức mới đây thông báo thu phụ phí sử dụng khí đốt từ tháng 10 tới. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào giữa tháng 8 và bắt đầu triển khai từ ngày 1/10/2022. Thời hạn hiệu lực của quy định kéo dài tới ngày 1/4/2024. Sắc lệnh thu phụ phí khí đốt nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của các công ty kinh doanh khí đốt cũng như bảo đảm duy trì nguồn cung cho người dân và nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck nhấn mạnh, việc thu phụ phí khí đốt không phải là quyết định dễ dàng, song là cần thiết để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho các hộ gia đình cũng như cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Với khoản phụ phí thu được, các công ty nhập khẩu khí đốt của Đức có thể bớt gánh nặng trong việc chuyển sang mua khí đốt từ các nguồn khác. Các công ty nhập khẩu khí đốt ở Đức đang chịu sức ép đáng kể do nguồn cung từ Nga bị cắt giảm. Để bù vào lượng thiếu hụt, các công ty đang phải tìm cách nhập khẩu từ các nguồn thay thế với giá cả đắt hơn gấp nhiều lần.

Cũng trong việc này, Chính phủ Pháp cảnh báo các công ty và người dân có thể phải giảm mức tiêu thụ năng lượng trong mùa đông tới, ngay cả khi lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của nền kinh tế lớn thứ hai EU ở mức tối đa. Theo Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher, lượng khí đốt dự trữ chiến lược của Pháp đang ở mức 80% công suất và có thể đạt 100% trước ngày 1/11/2022 tới. Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp phải tiết giảm tiêu thụ khí đốt và điện năng do có thể vẫn không đủ cung cấp trong trường hợp thời tiết quá lạnh.

Kế hoạch khẩn cấp của EU nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ và giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga là biện pháp cần thiết tạm thời trong lúc các nước trong châu lục tìm kiếm những lựa chọn nguồn cung thay thế. Châu Âu tiếp tục đối mặt thách thức lớn trong tìm kiếm các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

The Cuong/ tổng hợp