Vườn Cúc Họa mi độc đáo của Thành phố biển nở hoa tuyệt đẹp. Nhiều bạn trẻ và du khách từ phương xa hay tin tìm đến đã không khỏi “ngỡ ngàng”, mê mẩn trước không gian Cúc họa mi duy nhất của Đà Nẵng. Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng) cho biết, mô hình trồng hoa cúc Họa mi trái mùa (tại quận Cẩm Lệ), với diện tích hơn 500m2 (trong năm 2022) đã thành công như mong đợi.
Một loài hoa thuần khiết, tinh anh, nét văn hóa đặc trưng của Tràng An
Hoa cúc Họa mi hay còn gọi là Cúc La Mã, là loài hoa nhỏ thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cúc Họa mi có thân vươn cao với nhiều cành nhánh, phía đầu mọc những cánh hoa có kích thước nhỏ, mềm mại, trắng thuần tinh khôi của loài hoa bao quanh nhụy vàng đậm.
Hoa cúc Họa mi nhìn nhỏ nhắn nhưng dẻo dai, ẩn sâu bên trong, loài hoa này chứa đựng ngôn ngữ ẩn dụ của một tình yêu thầm lặng. Những cánh hoa nhỏ nhắn, trắng thuần khiến gợi liên tưởng đến tình yêu tinh khôi mãi thuở ban đầu, trong sáng hồn nhiên và thanh khiết.
Văn học nghệ thuật, vì thế, hay mượn hình ảnh “trắng ngần” của Cúc Họa mi để nói về tình yêu của các thiếu nữ … Cúc Họa mi cũng ví với cốt cách thanh lịch, cao sang.
Cúc Họa mi còn mang ý nghĩa khác là sự thịnh vượng và cao quý. Mọc theo từng đóa, nên cây cũng biểu hiện sự gắn kết, chân thành của tình bạn.
Trong đời sống, Cúc Họa mi được dành làm quà tặng cho người thân, trang trí nội thất; như các họ Cúc khác, Cúc Họa mi làm trà uống hằng ngày có tác dụng giải độc gan, thanh mát cơ thể.
Vào Đà Nẵng … Cúc Họa mi chịu nở trái mùa, làm đẹp phố biển
Cúc Họa mi vốn dĩ được trồng vào những ngày chớm đông, cuối tháng 10 đầu tháng 11 hằng năm, tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt trồng nhiều nhất trên đất thủ đô Hà Nội.
Cứ mỗi lần Cúc Họa mi nở rộ, hàng ngàn lượt khách từ mọi miền tổ quốc đều đổ về thăm quan, thỏa thích hòa mình vào không gian của hoa. Nhiều bức ảnh tuyệt đẹp bên vườn cúc Họa mi trở thành kỷ niệm khó quên của nhiều thế hệ. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.
Thấy được ý nghĩa, nét đẹp riêng của Cúc Họa mi, và hơn nữa, những năm gần đây, nhu cầu của khách du lịch đến phố biển đang có biến chuyển theo xu thế chung. Ngoài yêu cầu về lưu trú, dịch vụ khó tính hơn, du khách còn mong muốn điểm đến, phải “có nơi để “check-in” làm kỷ niệm và tương tác trên mạng xã hội”.
Thành phố Đà Nẵng, ngoài các điểm du lịch nổi tiếng; phần lớn du khách, nhất là du khách nội địa thường “kháo” nhau về các góc “check-in” lãng mạn, nơi nhất định phải ghé đến, lưu lại các tấm ảnh đẹp. Tuy nhiên vườn hoa mới và lạ thì tại Đà Nẵng chưa nhiều.
Góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, đặc biệt “mang một chút nét đẹp tinh khôi từ Hà Nội” vào phố biển Đà Nẵng; cuối năm 2018 đầu năm 2019, TS. Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng đã đề nghị Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng triển khai thử nghiệm mô hình trồng hoa Cúc Họa mi.
Năm 2019 Trung tâm Công nghệ Sinh học Đã Nẵng đã “Xây dựng mô hình thử nghiệm trồng hoa cúc Họa mi đầu tiên hơn 10.000 cây tại vườn thực nghiệm của Trung tâm”. Với tinh thần miệt mài tìm hiểu của những kỹ sư, nghiên cứu viên, Nhóm thực hiện mô hình về kỹ thuật đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi đã trồng loài hoa này, đưa về áp dụng và mong muốn có một kết quả tốt nhất.
Sau hơn 3 tháng áp dụng kỹ thuật và chăm sóc cho thấy mô hình thử nghiệm đầu tiên đã thành công với những khóm hoa nở rộ, tươi tắn không khác nhiều so với hoa được trồng ở Thủ Đô.
Đến năm 2020, để hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc Họa mi tại thành phố Đà Nẵng, Trung tâm tiếp tục xây dựng mô hình lần thứ 2 với hơn 20.000 cây giống. Sau thời gian miệt mài chăm sóc, tất cả hơn 20.000 cây đã vươn mình nở rộ trắng tinh khôi cả một vùng trời.
Những bông hoa Cúc Họa mi trắng nhỏ nhắn mỏng manh, mộc mạc đã bung lụa khoe sắc tại thành phố Đà Nẵng đáng sống.
Năm nay, Trung tâm tiếp tục xây dựng mô hình trồng hoa cúc Họa mi trái mùa với diện tích hơn 500m2. Kết quả, là Vườn Cúc họa mi Đà Thành trái mùa vẫn cho hoa tuyệt đẹp, làm ngỡ ngàng không biết bao nhiêu người dân thành phố, và du khách tìm đến.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương – Nghiên cứu viên Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, để trồng hoa cúc Họa mi thành công trong 3 năm qua, Trung tâm đã ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình kỹ thuật. Ngoài giống, việc cải tiến quy trình kỹ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng để trồng thành công đối với cây trồng được đưa từ nơi khác về.
Ví dụ, Cúc họa mi thích nghi với nhiệt độ từ 24– 26 độ C, tuy nhiên ở Đà Nẵng nhiệt độ thường cao hơn và khắc nghiệt hơn so với thủ đô. Do vậy, phải áp dụng kỹ thuật để làm giảm độ nóng cho cây, đồng thời tạo môi trường tốt nhất để cây sinh trưởng, khỏe mạnh (Đà Nẵng có một mùa khô nắng nóng khốc liệt).
Để Cúc Họa mi là loài cây tham gia chuyển đổi cơ cấu …
Thông thường, Cúc Họa mi nở rộ vào thời điểm cuối thu và đầu đông (tháng 10,11 dương lịch), tuy nhiên, các nhân viên tại trung tâm đã thực hiện trồng thành công, cây hoa phát triển tốt và hơn nữa có thể chăm sóc và điều khiển hoa nở trái mùa.
Những cánh hoa cúc trắng thanh mảnh, nhẹ nhàng nở bung đầy sức sống. Giữa màu xanh mướt mát của lá và các chấm trắng li ti điểm xuyết từ nụ hoa tạo một background xinh đẹp sắc trắng tinh khôi, độc đáo của vườn cúc họa mi Đà Thành đủ làm bao người xốn xang, say đắm.
Đây là điểm khác biệt và nổi bật của mô hình hoa cúc Họa mi tại thành phố Đà Nẵng.
Từ nay trở đi, người dân thành phố và khách du lịch khi đến Đà Nẵng có thể gặp Cúc Hoa Họa mi, kể cả thời điểm trái mùa. Loài hoa trắng tinh khôi gợi nhắc một Hà Nội xa xôi, trở nên thật gần, bởi Cúc Họa mi đã được chăm sóc đặc biệt, sống khỏe ở vùng duyên hải, kể cả khoe sắc giữa thời tiết nắng nóng ngày hè của Đà Nẵng.
Mô hình trồng hoa cúc Họa mi cho thấy hiệu quả và rất có tiềm năng phát triển, một số người dân, đơn vị trên địa bàn đã liên hệ và trao đổi với Trung tâm về kỹ thuật trồng cúc Họa mi, thay vì chỉ trồng một số lòai hoa cúc truyền thống như trước đây.
Tiềm năng phát triển các mô hình hoa cúc Họa mi tại Đà Nẵng rất lớn , và nhất định mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình trồng hoa cúc Họa mi cho các hộ nông dân, đơn vị và các địa phương lân cận, đưa giống hoa cúc Họa mi này đến với người trồng hoa… sẽ hướng tới hiện thực yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng phát triển mô hình du lịch nhà vườn.
Thành công này cũng sẽ giúp người dân thành phố mạnh dạn chuyển đổi một số loài hoa truyền thống kém hiệu quả, sang trồng hoa cúc Họa mi, cải thiện khả năng thu nhập cho người trồng.
Đà Nẵng là thành phố có nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất để phát triển du lịch, dịch vụ. UBND thành phố đã ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch và luôn xem du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Đặc biệt UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đến năm 2025.
Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung Việt Nam, hiện tượng thời tiết cực đoan hàng năm thường xuyên xãy ra như mưa bão, hạn hán, lũ lụt… đã ảnh hưởng nặng nề đến mô hình trồng hoa nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung, hậu quả là ngành trồng trọt thường bị thiệt hại kép, vừa trắng tay do thiên tai, vừa phải chịu giảm diện tích đất canh tác (tình trạng ngập úng sạt lở; sau thiên tai là sâu bệnh).
Sản xuất nông nghiệp thường phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thời tiết, mang nhiều yếu tố rủi ro. Điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai ở Đà Nẵng chưa thực sự mang lại thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng và gây khó khăn khi chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật vào canh tác.
Trong thời gian tới, Ngành Khoa học và Công nghệ thành phố tiếp tục góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng mới hiện đại và phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ du lịch ở vùng nông thôn.
“Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh hơn nữa, việc tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc Họa mi cho người dân thành phố, nhằm nhân rộng mô hình, mở ra hướng sản phẩm hoa mới, cho bà con nông dân, cho nhà vườn.
Chúng tôi cũng sẽ kiên trì vận động người dân tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào xây dựng mô hình trồng hoa, năm vững và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm hoa có chất lượng, có tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, tạo thêm điểm nhấn đối với khách du lịch khi đến với thành phố Đà Nẵng “Thành phố đáng sống.
Trong tương lai, nếu chúng ta tăng cường liên kết “5 Nhà” (Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nhà đầu tư – Nhà sản xuất – Nhà truyền thông), thì nhất định sẽ nâng cao giá trị trong triển khai các mô hình nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch”, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương – Nghiên cứu viên Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cho biết.
Để Đà Nẵng có thêm nhiều vườn cúc Họa mi, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, có thêm cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp mạnh dạn cùng tham gia đầu tư để triển khai mô hình. Mặt khác, tiếp tục đầu tư hoàn thiện chu trình khép kín, từ nghiên cứu đến thực tế; hỗ trợ chiều sâu công tác nghiên cứu gắn với triển khai mô hình trồng và cần thực hiện ngay quy hoạch một số vùng chuyên canh cho loài hoa mới.
Để mô hình trồng Cúc Họa mi, cũng như sắp tới, trồng thành công một số loại hoa trái mùa khác, yêu cầu hướng dẫn nhà nông-nhà vườn, tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, khả năng đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất để hạn chết thiệt hại khi thiên tai xảy ra, là rất quan trọng. Điều này cho thấy cũng rất cần cả về số lượng, lẫn chất lượng nguồn cán bộ khoa học – kỹ thuật (khuyến nông – khuyến canh) có trình độ (thích nghi với nông nghiệp công nghệ cao), tâm huyết.
Thành công trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào mô hình trồng Cúc Họa mi trái mùa, mở ra hướng tiếp cận mới cho Đà Nẵng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng kinh tế nông thôn gắn với dịch vụ và du lịch./.
Bài và ảnh: Hương Nguyễn/Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng