Để giải quyết bài toán chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn công nghệ Bkav đã giới thiệu phương pháp luận Data-Centric. Đó là lấy dữ liệu làm trung tâm,tập trung mọi dữ liệu về Big Data, sẵn sàng cho việc bùng nổ hiệu năng, đáp ứng những nhu cầu vô hạn, chưa thể dự tính trước.
Chiều nay 26/8/2022, đã diễn ra hội thảo “Phương pháp luận về chuyển đổi số”, do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn công nghệ Bkav tổ chức. Đây cũng chính là triết lý để Bkav xây dựng và phát triển Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX”, ông Nguyễn Tử Quảng – CEO, Chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav chia sẻ.
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Khẳng định chuyển đổi số là động lực mới và là “chìa khóa” để giải quyết các “điểm nghẽn” của thành phố, mở ra nhiều không gian phát triển mới cho Đà Nẵng; cũng như, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng cho thành phố; ngày 17/6/2021, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU; UBND thành phố cũng có quyết định ban hành “Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong vận hành và phát triển chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh nhiều năm nay, Đà Nẵng chủ trương “Một nền tảng – Đa đối tác – Đa ứng dụng”. Đến nay, UBND thành phố cũng đã chính thức ký kết hợp tác với với các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vietinbank,…
Hội thảo “Phương pháp luận về chuyển đổi số”, đã mang đến thêm, cách tiếp cận toàn diện, mới, trong triển khai chuyển đổi số. Đó là Bộ giải pháp tổng thể với nguyên tắc Data-Centric để các cơ quan, địa phương tham khảo, lựa chọn.
“Với phương pháp tiếp cận Data-Centric, cơ quan, tổ chức sẽ tập trung quy hoạch và thiết kế dữ liệu, sau đó sử dụng công cụ là các nền tảng cốt lõi của bộ giải pháp Bkav DX, kết hợp ứng dụng công nghệ mới, là có thể chuyển sang điều hành dựa trên số liệu.
Bkav DX có khả năng tùy biến cấu hình nhờ việc kết hợp 17 nền tảng, có thể đáp ứng tương đương với hàng ngàn phần mềm mà không cần phải lập trình lần nữa”, CEO – Chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng phân tích.
Ngoài nội dung giới thiệu Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số của BKAV; nhân sự kiện hội thảo phương pháp luận chuyển đổi số; Sở Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn công nghệ Bkav cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.
Tập đoàn công nghệ Bkav sẽ hỗ trợ Đà Nẵng triển khai dùng thử nghiệm các giải pháp phục vụ đời sống an sinh xã hội, ứng dụng chuyển đổi số (bao gồm các ứng dụng hỗ trợ người dân, hộ dân cư sử dụng các dịch vụ, tiện ích chuyển đổi số môt cách thuận lợi), nền tảng Big Data xử lý và phân tích dữ liệu lớn.
Bkav cũng sẽ giúp tư vấn, cập nhật công nghệ số cho các cơ quan, doanh nghiệp tại Đà Nẵng để phục vụ giải quyết các bài toán lớn về Chuyển đổi số.
“Đặc điểm của chuyển đổi số là thay đổi mọi hoạt động dựa vào công nghệ. Ngoài sự thay đổi tư duy của tổ chức, doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ cho chuyển đổi số mang tính quyết định.
Làm chuyển đổi số cũng giống như quy hoạch và xây dựng khu đô thị với các toà nhà chọc trời, cần phải có kiến trúc, có thiết kế, có các biện pháp, công cụ thi công thích hợp. Đội ngũ thiết kế, đội ngũ thi công cần phải có năng lực và đặc biệt là chúng ta cần có một phương pháp luận rõ ràng”, ông Nguyễn Tử Quảng nhấn mạnh thêm.
Đà Nẵng chính thức triển khai Nền tảng Công dân số
Theo ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, kể từ tháng 9/2022, Đà Nẵng sẽ chính thức triển khai trên diện rộng nền tảng Công dân số, trong đó hạt nhân là “Hồ sơ công dân số”.
Theo đó, mỗi công dân sẽ có 1 hồ sơ số, được (cấp) gắn mới mã QR (1 công dân/ 1 mã QR duy nhất theo chuẩn quốc gia, sử dụng lâu dài). Kết thúc giai đoạn thí điểm, đến nay, toàn thành phố đã có hơn 240.000 tài khoản công dân số (Đà Nẵng hiện có dân số gần 1,2 triệu người; số người trong độ tuổi lao động là 579.541 người).Mỗi người dân đủ dộ tuổi công dân đều có quyền đăng ký, tạo tài khoản công dân số cho mình; Đoàn Thanh niên/Tổ Công nghệ số cộng đồng sẽ hỗ trợ công dân trong đăng ký, tạo tài khoản công dân số. Doanh nghiệp, tổ chức: đăng ký, tạo tài khoản công dân số cho nhân viên mình. Công tác tập huấn, hướng dẫn rộng rãi sẽ được triển khai đồng loạt trong tháng 9/2022.
“Khi công dân thực hiện đăng ký tài khoản, hệ thống sử dụng công nghệ OCR để tự động rút trích thông tin từ CMND/CCCD. Thông qua ID điện tử, hệ thống sẽ kết nối với các hệ thống bên ngoài, khai thác thêm thông tin sức khoẻ, bảo hiểm, học tập, sử dụng các dịch vụ công ích khác, hay kết quả giải quyết (nhận và trả hồ sơ) thủ tục hành chính khi công dân có nhu cầu. Hồ sơ Công dân số này sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu công dân thành phố Đà Nẵng; cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, kể cả Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong quản lý, sử dụng hồ sơ công dân số, chúng tôi thực hiện phân tách thành các khối thông tin (block) riêng biệt, thuận tiện cho công tác thu thập, quản lý và đồng bộ, trao đổi, chia sẻ dữ liệu (block thông tin cơ bản, block y tế sức khỏe, giáo dục, hộ tịch, bảo hiểm,…).
Khi hoàn chỉnh, hồ sơ công dân số là nơi giúp công dân quản lý (an toàn, bảo mật cao) tài liệu, giấy tờ (CCCD, giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ, bảo hiểm, …), chữ ký số của công dân (nếu có), quản lý quá trình sử dụng dịch vụ công của người dân.
Đặc biệt, theo hướng cá nhân hoá từng người dùng, hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố sẽ cung cấp các dịch vụ, tiện ích số của Chính quyền, doanh nghiệp, cung cấp thông tin, thông báo, hướng dẫn kịp thời đến người dân đúng với nhu cầu, sự quan tâm của mỗi người” – ông Trần Ngọc Thạch cho biết.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng – Hội Tin học Việt Nam – Trung Nam Group (chủ đầu tư Đà Nẵng IT Park) đã ký kết biên bản ghi nhớ, cùng hợp tác, đưa chuyên gia số toàn cầu về Đà Nẵng, sống và làm việc (ngắn hạn). Qua đó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số, thu hút đầu tư, thiết thực góp phần phát triển kinh tế số của Thành phố./.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cùng lãnh đạo Tập đoàn công nghệ Bkav, đồng chủ trì phiên thảo luận về Phương pháp luận chuyển đổi số.
Trung Đức