Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

IRSAC – Lấy lợi ích Quốc gia, lợi ích nhân dân làm tôn chỉ, mục đích



ĐNA -

Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á (IRSAC) là cơ quan chuyên nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống, hiện đại các quốc gia khu vực Đông Nam Á – trực thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam. Đồng thời tổ chức các loại hình hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian, truyền thống các dân tộc Đông Nam Á với mục tiêu lan tỏa, đẩy mạnh giao lưu quốc tế mang tính cộng đồng, tạo dựng một bản sắc chung của khu vực đó là Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.

Năm nay 2022, kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN, đã có nhiều sự kiện diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần hợp tác, giao lưu, đối ngoại, thể hiện tinh thần chung tay vì cộng đồng ASEAN. Nhân dịp này, Tạp chí Đông Nam Á có cuộc trao đổi với Ông Lê Văn Tiếp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á (IRSAC).

Viện trưởng Lê Văn Tiếp và phóng viên Tạp chí Đông Nam Á

PV: Thưa Ông, tiến trình xây dựng và phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong 55 năm qua, khẳng định vị thế và hình ảnh của ASEAN ngày càng được nâng cao, vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng ở tầm khu vực và quốc tế. Góp phần cho sự phát triển này, lĩnh vực nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á có vai trò như thế nào?

Viện trưởng Lê Văn Tiếp: Văn hóa, nghệ thuật có thể nói là dấu ấn ghi lại quá trình hình thành và phát triển của loài người qua các thời đại. Văn hóa luôn thể hiện nét đặc trưng của từng quốc gia, dân tộc. Vì thế, văn hóa nghệ thuật là bức tranh thể hiện bản sắc của dân tộc. Mặc dù là bản sắc riêng biệt và có đặc thù độc đáo nhưng có điểm chung là sản phẩm tinh thần được sáng tạo nhằm phục vụ đời sống con người trong từng thời đại. Đặc biệt hơn, sản phẩm văn hóa giữ vai trò quan trọng là định hướng tiến bộ cho con người trong suốt quá trình phát triển xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật rất quan trọng. Mục tiêu cơ bản là xác định tính chất khoa học trong từng sản phẩm văn hóa, chứng minh khoa học về sự đóng góp tích cực của sản phẩm văn hóa đối với việc nâng cao giá trị đời sống tinh thần của dân tộc, của quốc gia… như các lễ hội, các di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống vv…Từ đó, tổ chức triển khai ứng dụng thông qua các loại hình như biểu diễn, phục dựng, giao lưu nghệ thuật, triển lãm… mục tiêu cơ bản là ra sức bảo tồn, đồng thời phát huy, phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nhiệm vụ cơ bản là tạo sự lan tỏa rộng khắp, mở rộng giao lưu quốc tế, tạo nên cộng đồng văn hóa ASEAN, hiệu quả mang lại không chỉ tinh thần giao lưu, cộng đồng quốc tế mà còn thể hiện tính giáo dục truyền thống hết sức thiết thực.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á đã đóng góp có hiệu quả tích cực cho tiến trình xây dựng và phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bộ KH&CN và vai trò hết sức quan trọng của Trung ương Hội Nghiên cứu về Đông Nam Á – Việt Nam đã chứng nhận nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chủ đề Văn hóa, nghệ thuật Đông Nam Á có giá trị đặc biệt và đã có nhiều ứng dụng mạng lại hiệu quả tốt. Tổ chức nhiều cuộc biểu diễn, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, di sản, du lịch các quốc gia Đông Nam Á tại Việt Nam và các nước lân cận, đánh dấu được bước phát triển trong hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật. Điều đó chứng minh rõ nét vai trò, nhiệm vụ của công tác nghiên cứu, phát triển và bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á rất quan trọng với tiến trình xây dựng và phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Năm nay 2022, Việt Nam kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN

PV: Thưa Ông, đối với văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, theo ông, hiện nay chúng ta cần làm gì để bảo tồn và phát huy các giá trị của nó, đặc biệt là tạo tính lan tỏa cộng đồng quốc tế?

Viện trưởng Lê Văn Tiếp: Không phải đến bây giờ mới làm, mà Việt Nam đã chú tâm đến công tác này hàng chục năm qua. Như chúng ta đã biết, từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025” (gọi tắt là đề án 161). Trong đó, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch hành động với nhiệm vụ nâng cao nhận thức, tuyên truyền về ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nói riêng.

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân. ASCC mang một ý nghĩa quan trọng khi đặt người dân là trung tâm, phục vụ cho người dân và nhanh chóng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực. ASCC cũng đã chủ động và tích cực hợp tác với hai trụ cột Chính trị – An ninh và Kinh tế để giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN. Tiếp tục bám vào nội dung, mục tiêu trên, Việt Nam cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu khoa học các lễ hội dân gian, truyền thống có giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc. Nghiên cứu có kế hoạch bảo tồn một số lễ hội chưa được xem trọng hoặc bị lãng quên, mai một trong đời sống xã hội, đặc biệt các lễ hội tín ngưỡng, tập tục, tập quán của các vùng, miền, dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ cơ bản bản nhằm hệ thống hóa nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giới thiệu cùng bạn bè quốc tế về giá trị đặc biệt của văn hóa Việt Nam, trong đó có các loại hình nghệ thuật dân gian…Thông qua bằng việc tổ chức các hoạt động như: Hội diễn, liên hoan, giao lưu quốc tế, xây dưng tụ điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quốc tế, trung tâm trưng bày hiện vật, cần thiết có thể phổ cập các loại hình tổ chức này ngay các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của khách du lịch quóc tế.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam

PV: Thưa Ông, thời gian tới, IRSAC có kế hoạch hoạt động cụ thể gì nhằm thực hiện chức nhiệm vụ của mình?

Viện trưởng Lê Văn Tiếp: Trong thời gian qua, được sự ủng hộ của Bộ Khoa học & Công nghệ, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Nghiên cứu về Đông Nam Á – Việt Nam, IRSAC đã thực hiện đạt kết quả một số công tác thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hiện nay đang trong quá trình triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học lĩnh vực lễ hội dân gian như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Thoại Ngọc Hầu, lễ hội đền Hùng, Hội Lim, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ hội vía Bà Chùa Xứ…Ngoài ra còn nghiên cứu làm phim phục vụ du lịch về văn hóa ẩm thực các vùng miền Việt Nam, đây là thể loại phim tài tiệu giới thiệu nguồn gốc, quá trình hình thành và tính văn hóa đời sống trong một số loại ẩm thực đặc trưng các dân tộc, vùng miền Việt Nam. Nghiên cứu khoa học đối với một số loại hình nghệ thuật dân gian như: Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, Ca Trù, Hát Xẩm, hát Cải lương Nam Bộ…Đồng thời tiến hành sưu tầm nhiều hiện vật có liên quan đến văn hóa nghệ thuật như: Nhạc cụ các dân tộc, phục trang biểu diễn, tuồng tích, đồ nghề cá nhân biểu diễn của các nghệ nhân, nghệ sỹ nổi tiếng… 

Từ nay đến hết tháng 3 năm 2023, IRSAC dự kiến sẽ tổ chức chương trình lễ hội Văn hóa – Ẩm thực Đông Nam Á tại TP.HCM, lễ hội này diễn ra 4 ngày và qui tụ khoảng 300 gian hàng giới thiệu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, các món ăn truyền thống và hiện đại của 11 quốc gia Đông Nam Á tham gia (Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, nghệ nhân, thương hiệu sản phẩm). Nhiều gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật độc lạ, truyền thống của dân tộc các quốc gia.

Triển khai kế hoạch xây dựng Phòng trưng bày nhạc cụ dân tộc các nước Đông Nam Á tại số 1196 đường 3 tháng 2, quận 11, TPHCM. Bước đầu đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Đại Sứ Quán và Tổng lãnh sự các nước tại Việt Nam. Sau thời gian hoạt động phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước tại đây, phòng trưng bày sẽ di chuyển đến một số tỉnh, thành trong cả nước.

Lập kế hoạch và triển khai tổ chức tụ điểm sinh hoạt Văn hóa – Ẩm thực hoạt động thường xuyên tại TP.HCM. Tại đây phục vụ khách du lịch các món ăn của các quốc gia Đông Nam Á, và có chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống các nước, biểu diễn luân phiên phục vụ nhu cầu giải trí khách du lịch.

Thực hiện và ra mắt phim Ca kịch cải lương “Kiên Trung” đề tài về anh hùng Nguyễn Trung Trực (đang quay hình). Sau đó đưa đến công chiếu các đài truyền hình trong nước.

Phối kết hợp với chính quyền một số quận, huyện tổ chức hội Xuân Quý Mão – 2023 mang đặc trưng lễ hội cổ truyền dân tộc Tết Nguyên Đán. Chủ yếu tổ chức phục dựng các loại hình trò chơi dân gian, các tập tục cổ truyền đậm chất nhân văn của người Việt Nam.

Biểu diễn ca múa ca múa nhac ngày dân tộc Việt Nam

PV: Thưa Ông, được biết IRSAC hiện tại hoạt động trong khuôn khổ tự cân đối tài chính, lấy thu bù chi, như vậy để thực hiện các chương trình nêu trên thì IRSAC sẽ triển khai thực hiện bằng phương thức nào?

Viện trưởng Lê Văn Tiếp: Đúng vậy, IRSAC hoạt động theo cơ chế tự cân đối tài chính, không sử dụng ngân sách. Hầu hết các hoạt động của IRSAC vừa qua chúng tôi sử dụng nguồn vốn tích lũy của mình đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… theo phương thức hợp tác, hợp danh đôi bên cùng có lợi. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư sẳn sàng hợp tác, đầu tư vốn cho các hạng mục. Tuy nhiên, IRSAC sẽ cân nhắc việc lựa chọn đối tác, bởi điều kiện hợp tác ở đây phải đảm bảo tính bền vững và lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân làm tâm điểm để hướng tới. Mặc khác, chúng tôi rất cần sự ủng hộ từ phía chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành có liên quan để hỗ trợ IRSAC hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.

Liên hoan văn hóa ẩm thực Quốc tế tại Việt Nam

PV: Tạp chí Đông Nam Á trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Ông. Chúc Ông luôn dồi dào sức khỏe, chúc IRSAC thời gian tới đạt nhiều thành tích trong hoạt động.
The Cuong – Việt Hùng thực hiện