Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Khai mạc khóa học mùa hè vì mục tiêu thích ứng và phát triển bền vững

ĐNA -

“Sau thành công của hai khóa học mùa Hè 2016, chủ đề “Tác động thí điểm: Quy hoạch không gian mặt nước và bờ sông Cẩm Lệ”; và 2019, chủ đề “Lưu vực xanh Hòa Bắc”; năm nay, khóa học mùa Hè lần nữa được tổ chức với một chủ đề mới, mang tên “Du lịch bền vững dựa vào cộng đồng cho lưu vực sông Cu Đê”.

Khóa học sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, quản lý nông lâm nghiệp bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng phi tập trung và mạng lưới du lịch bền vững dọc theo thung lũng sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Chúng tôi có niềm tin rằng, thêm một lần nữa, khóa học cũng sẽ đạt được thành công không kém hai khóa đã qua”, TS.KTS. Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhấn mạnh.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (bìa phải ảnh), tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các Chuyên gia, Giảng viên đến từ các Đại học Đức. -Ảnh trong bài: Trung Đức – Asean News.

Sáng nay, 20/9/2022, tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, khóa học mùa Hè (Summer School) 2022 đã chính thức bắt đầu. Khóa học là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Emplement! – Tăng cường khả năng hợp tác, đồng vận và thực thi các chiến lược thúc đẩy sự bền vững và năng lực thích ứng của các vùng đô thị, xem xét mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn”.

Summer School 2022 do Đại học Kiến trúc Đà Nẵng phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt và Tổ chức AT – Verband tổ chức.

Tham gia khóa học có hơn 45 giáo sư, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học tại Việt Nam (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng; Đại học Bách Khoa và Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, và các trường đại học Đức (Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt, Đại học Kỹ thuật Berlin, Đại học Khoa học Ứng dụng Ostfalia, Trường Đại học Hohenheim) và Tổ chức IZES (Đức). Thêm một lần, cơ hội được mở ra để sinh viên các trường Đại học tại Việt Nam và Đức cùng giao lưu trao đổi văn hóa, học thuật, những vấn đề cùng quan tâm chung.

Được biết, dự án Emplement có 4 lĩnh vực hành động (Du lịch; Nông ngiệp và Lâm nghiệp; Công nghiệp; Môi trường – Xây dựng), bao gồm các tiểu dự án:

Du lịch bền vững, vệ sinh và xử lý rác thải phù hợp và thúc đẩy đa dạng sinh học cho lưu vực sông Cu Đê ; Mạng lưới du kịch bền vững tại khu vực (Đà Nẵng và Quảng Nam); Xây dựng kế hoạch hành động cho các khu công nghiệp nhằm bảo đảm tính bền vững ; Quản lý và giám sát các mô hình tiêu thụ và phân phối điện năng trong các tòa nhà; Trung tâm sản xuất bền vững, không gây biến đổi khí hậu với chu trình khép kín và chuỗi giá trị được tối ưu hóa để tận dụng giá trị các loại hoa quả.

Đại diện Tổ chức AT – Verband – Stuttgart, giới thiệu về dự án “Emplement! – Tăng cường khả năng hợp tác, đồng vận và thực thi các chiến lược thúc đẩy sự bền vững và năng lực thích ứng của các vùng đô thị, xem xét mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn”.

Mục tiêu bao trùm của dự án là thúc đẩy các hành động trong bối cảnh tốc độ đô thi hóa, tăng trưởng đô thị diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhu cầu gia tăng tiêu thụ tài nguyên và năng lượng, đưa đến tình trạng khan hiếm. Đặc biệt, tốc độ phát triển và tăng trưởng nhanh chóng còn gây áp lực lên hạ tầng đô thị và đưa đến nhiều rui ro sinh thái.

Trong khi đó, nhiều chiến lược đã được đề ra, ban hành nhưng chỉ mới dừng lại ở khía cạnh đề xuất giải pháp, chưa cụ thể hóa cách thức và phương pháp thực hiện. Rõ ràng đã có một khoảng cách trong nhiệm vụ đề ra chiến lược so với yêu cầu hiện thực hóa bằng hành động thông qua những kế hoạch chi tiết và cụ thể.

Do vậy, mục tiêu trọng tâm mà dự án hướng đến là xây dựng phương pháp và công cụ để hiện thực hóa các chiến lược, kế hoạch hành động một cách hiệu quả, cũng như nâng cao năng lực cho những bên liên quan để áp dụng (vận dụng) những phương pháp và công cụ được xây dựng. Đó cũng là đóng góp tiêu biểu (của dự án) vào chương trình hành động, thực thi các chiến lược phù hợp ở địa phương.

Trong những năm vừa qua, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, với mong muốn đem đến nhiều hơn, cơ hội giao lưu, trải nghiệm bổ ích cho người học. Điển hình là các hoạt động học tập gắn kết lợi ích cộng đồng, trong đó khóa học mùa Hè là một minh chứng sinh động, thiết thực.

Qua khóa học, các học viên/sinh viên được khuyến khích khả năng học tập chủ động, tìm tòi và tích lũy thêm kỹ năng từ quá trình trải nghiệm thực tế, cùng làm việc, cùng gắn kết và chia sẻ với cộng đồng, cũng như tương tác, trao đổi các vấn đề quan tâm với sinh viên quốc tế.

Sinh viên quốc tế tham dự khóa học mùa Hè 2022 tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

“Chúng em còn yếu trong giao tiếp, nhất là ngoại ngữ. Lần này, khóa học các có các bạn sinh viên nước ngoài, hy vọng chúng em vừa có cơ hội giao tiếp, vừa học hỏi thêm.
Ngoài ra, khi thâm nhập thực tế chúng em cũng chưa xử lý tốt các tình huống. Cái quan trọng nhất là làm sao trong giao tiếp, nâng khả năng tương tác, cùng làm việc và kêu gọi được sự hợp tác, giúp đỡ ngay tại cộng đồng mà chúng em đến.

Khóa học mùa Hè lần này hướng đến các vấn đề sát với đời sống và phát triển kinh tế trong xu thế bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, chúng em nghĩ rằng đó là những nội dung vô cùng bổ ích. Những ngày tham gia khóa học, em và các bạn sẽ rất tập trung và hoạt động đầy trách nhiệm”, bạn Phạm Thị Ngọc Thơ, sinh viên năm thứ 4, Khoa Môi trường, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết.

Trong khi đó, với Nguyễn Trần Minh Lộc, sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, thì đây là cơ hội tuyệt vời để người học được tiếp cận những vấn đề từ thực tế và học từ thực tiễn cuộc sống.

Mối quan tâm theo chuyên ngành của Lộc là vật liệu mới, và phong cách kiến trúc mới phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Nếu có những chuyến đi thực tế, cơ hội để Lộc ghi nhận và so sánh nhiều phong cách kiến trúc, cũng như cách sử dụng vật liệu, thì đó là điều rất đáng quý. Lộc cho biết, nếu gặp các công trình cổ, bạn cũng sẽ dành thời gian ký họa để giữ lại nét đẹp cổ kính của kiến trúc truyền thống.

Với chủ đề “Du lịch bền vững dựa vào cộng đồng cho lưu vực sông Cu Đê”, trong ngày làm việc đầu tiên, các Chuyên gia đã trao đổi nhiều bài giảng, báo cáo khoa học phong phú: “Định hướng phát triển du lịch và du lịch cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng” ; “Khái niệm du lịch bền vững dựa vào cộng đồng cho lưu vực sông Cu Đê: Các chiến lược cho du lịch sinh thái dựa vào văn hóa và cộng đồng, cùng các dự án tiềm năng” ; “Du lịch bền vững và những kinh nghiệm triển khai du lịch bèn vững tại Hòa Bắc”; và Nâng cao năng lực phát triển phát triển du lịch dựa vào cộng đồng (Đề xuất các hoạt động và phương pháp nghiên cứu cho các Nhóm cụ thể), …
Trung Đức