Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Tối ưu hóa nguồn lực huy động, thực hiện thành công đề án “Xây dựng thành phố môi trường”



ĐNA -

“Để Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản quy định liên quan, phù hợp với tính thực tiễn tại địa phương, đồng thời, phải phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ, chúng tôi nhận thức rằng bên cạnh rất nhiều thách thức hiện hữu, cũng đang có không ít cơ hội. Một trong các cơ hội chính là được chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án ngay tại Đà Nẵng (thời gian qua), các địa phương bạn, cũng như ở quy mô lớn hơn…

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận những chia sẻ, trao đổi thông tin này, kể cả thông tin là những cản ngại trong quá trình triển khai, thực hiện; lắng nghe và học tập từ ý kiến đề xuất, những gợi ý về giải pháp phù hợp theo hướng “tăng cường địa phương hoá” trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các đối tác.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương: Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận những chia sẻ, trao đổi thông tin này, kể cả thông tin là những cản ngại trong quá trình triển khai, thực hiện. Ảnh: Trung Đức – Asean News

Đây là những yếu tố quyết định quan trọng, những hỗ trợ quý báu cho Đà Nẵng thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà nẵng chia sẻ.

Ngày 23/9, đã diễn ra hội thảo quốc tế “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức. Chủ đề chính của hội thảo lần này là “Địa phương hóa và hợp tác hiệu quả, vì Đà Nẵng – Thành phố môi trường”.

Đại diện Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, các chuyên gia, cố vấn của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; Cục Quản lý Tài nguyên Nước; đại diện các tổ chức, các đối tác (trong nước, quốc tế) lĩnh vực bảo vệ tài nguyên – môi trường; đại diện các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đã tham dự hội thảo.

Sáng kiến địa phương – Đối tác địa phương là trung tâm hợp tác
“USAID đánh giá cao đề án Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố Môi trường đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành, vào tháng 4 năm 2021. USAID cam kết đồng hành cùng Đà Nẵng trong cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe người dân một cách bền vững.

“Sáng kiến Địa phương”, là một trong những chương trình ưu tiên của USAID, nhằm tăng cường năng lực và mạng lưới các đối tác địa phương, và lấy các đối tác địa phương, làm trung tâm, thúc đẩy các sáng kiến hành động tập thể, giải quyết các thách thức của địa phương trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các dự án nhận tài trợ trong khuôn khổ ”Sáng kiến địa phương” của USAID tại Việt Nam gồm: Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước – CAWACON (CECR); Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” – LSPP (Green Hub); Dự án các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe môi trường (PHAD); Dự án “Chung tay vì không khí sạch” – CAfCA (Live&Learn). Trong đó có 3 dự án đang trực tiếp hợp tác chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, Chi cục Bảo vệ Môi trường Đà Nẵng bao gồm CAWACON, LSPP và CafCA.

Bà Ann Maxine Wallace – Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường (USAID). Ảnh: Trung Đức – Asean News.

Tôi thực sự tin tưởng rằng sự kiện đặc biệt này mang lại một cái nhìn và cách tiếp cận mới cho Đà Nẵng, trong đa dạng hóa các nguồn lực, giải quyết các vấn đề môi trường của mình.

Hội thảo này đặt một dấu mốc cụ thể cho sự hợp tác tiếp tục giữa các tổ chức nhà nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác nhằm xây dựng Đà Nẵng – thành phố sinh thái trong tương lai” – bà Ann Maxine Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường (USAID) nhìn nhận.

Thay mặt Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chuyên gia Vũ Thùy Dung, cho biết thêm: Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, thành phố Đà Nẵng, rất phù hợp với những mội dung hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với USAID.

Ngày 28/1/2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và bà Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam đã chính thức ký kết một MOU, xác định các lĩnh vực hợp tác bảo vệ môi trường gồm: Quản lý chất lượng không khí; Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và an ninh nguồn nước; Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Quản lý và tái chế chất thải rắn, rác thải nhựa (đại dương) và Giảm phát thải gây ra biến đổi khí hậu.

“Đặc biệt, hợp tác nhấn mạnh đến nhiệm vụ thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường, định hướng và tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các tổ chức/mạng lưới địa phương, để cùng giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường, thông qua những phương pháp tiếp cận tác động (hành động) tập thể. USAID sẽ tích cực hỗ trợ (kỹ thuật) để xây dựng và thực thi chính sách giảm thiểu ô nhiễm; triển khai các sáng kiến hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Quan trọng nữa, là nâng cao năng lực cho các bên liên quan, triển khai thành công và duy trì bền vững hiệu qua các sáng kiến tác động tập thể” – bà Vũ Thùy Dung nhấn mạnh.

“Một số dự án hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực từ bên ngoài đã và đang được triển khai với kết quả khả quan, tạo được tác động tích cực đối với công tác quản lý môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, hành động về bảo vệ môi trường của người dân.
Nhờ đó, thành phố Đà Nẵng đã tạo được quan hệ tốt và sự tin cậy với các tổ chức, đơn vị tài trợ, hỗ trợ; các tổ chức trong và ngoài nước đã chủ động liên hệ, đề xuất hỗ trợ thành phố triển khai các hoạt động nghiên cứu, thí điểm.

Điều này có được là do các chủ trương, chính sách đã ban hành của trung ương và thành phố rất phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và mối quan tâm của các cơ quan, tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước“, ông Võ Nguyên Chương khẳng định thêm.

Bà Vũ Thùy Dung – Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nâng cao năng lực cho các bên liên quan, triển khai thành công và duy trì bền vững hiệu qua các sáng kiến tác động tập thể là yếu tố rất quan trọng. Ảnh: Trung Đức – Asean News.

Chia sẻ kinh nghiệm: Tính thích ứng để kết nối cộng đồng cùng tham gia
Với cách thức trao đổi bàn tròn, đại diện các (mô hình) điển hình (đã và đang) được áp dụng theo phương thức “tiếp cận địa phương hoá”, cũng như (mô hình) hợp tác kết nối trong các lĩnh vực bảo vệ tài nguyên (nước), hay giải quyết các vấn đề môi trường, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý cho Đà Nẵng.

Chia sẻ kinh nghiệm “địa phương hóa” trong xây dựng dự án (bảo vệ môi trường), với kinh nghiệm từ dự án “Chung tay hành động bảo vệ Nguồn nước” (CAWACON, cũng do USAID tài trợ), TS. Ông Nguyễn Khắc Hùng – Giám đốc CECR (cơ quan điều phối dự án CAWACON) cho rằng:

Tính thích ứng (Adaptive) trở thành yếu tố có ý nghĩa quyết định khi dự án là một phần của các chương trình hành động, gắn với kế hoạch của địa phương trong một giai đoạn nhất định. Từ đó, 3 yêu cầu không thể thiếu đó là xây dựng chương trình một cách thích ứng (Adaptive Programming); xây dựng kế hoạch một cách thích ứng (Adaptive Planning) và lãnh đạo một cách thích ứng (Adaptive Leadership).

Tính thích ứng không chỉ giúp địa phương nắm bắt cơ hội (hợp tác, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính), mà còn thúc đầy các giải pháp sáng tạo (để thích ứng). Đặc biệt, nếu thỏa mãn các nội dung cũng như phương pháp, dự án dễ dàng kết nối cộng đồng cùng tham gia (tính thích ứng chủ động từ cộng đồng, với một dự án bảo vệ môi trường được phát triển linh hoạt).

Chung tay bảo vệ môi trường, Đà Nẵng là địa phương đã huy động rất tốt sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp … Ảnh: Oanh Trần.

Quan điểm “kết nối cộng đồng cùng tham gia”, cũng nhanh chóng nhận được ý kiến “đồng điệu”:

“Chúng tôi sẽ chung tay xây dựng một nền tảng số công cộng. Qua nền tảng này, chúng tôi huy động người dân và doanh nghiệp cùng hành động để giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Chúng tôi sẽ hợp tác với các nhóm của cộng đồng mục tiêu, đối tác và công chúng và cùng thiết kế một nền tảng tương tác trực tuyến. Trong đó, lấy người sử dụng làm trung tâm. Nội dung của nền tảng sẽ được cập nhật thường xuyên, và ở đó chúng tôi tăng cường các kỹ năng vận động cộng đồng (dựa trên dữ liệu về ô nhiễm rác thải nhựa, nguồn lực và nhu cầu của địa phương), đánh giá, phân tích các tác động (có thể làm) thay đổi hành vi.

… đến mỗi nhà và cộng đồng. Ảnh: Thùy Trinh

Thông qua nền tảng này, chúng tôi giúp cộng đồng nâng cao hiểu biết về sức khoẻ môi trường, giám sát ô nhiễm rác thải với sự tham gia của chính cộng đồng về giải pháp quản lý rác thải nhựa và tác động rác thải nhựa lên sức khoẻ con người”, bà Nguyễn Thu Trang, đại diện tổ chức Greenhub (hiện đang điều phối thực hiện dự án giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa – LSPP).

Được biết, triển khai Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND thành phố về phê duyệt Kế hoạch thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 của UBND thành phố về ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường như: chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành ở các địa phương; tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi, vận động tài trợ để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, nội dung hợp tác quốc tế đã đi vào chiều sâu, được lồng ghép trong công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Cũng trong ngày 23/9/2022 đã diễn ra lớp tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn” với sự tham dự của 100 học viên. Hoạt động do Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) tổ chức diễn ra đến hết ngày mai. Giảng viên chính của lớp là Thạc sỹ Phạm Tiến Toàn – Chuyên viên Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), Thạc sỹ Phạm Hồng Sơn (Cục bảo vệ Môi trường Miền Trung – Tây Nguyên) và Chuyên gia địa phương. Ảnh Trung Đức – Asean News

“Nguồn kinh phí (tạm tính trong giai đoạn 2021-2024) đã và đang huy động được trên 70 tỷ đồng tài trợ, hỗ trợ đáng kể cho thành phố ; qua đó cũng đã thiết lập được nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước và các chuyên gia địa phương trong triển khai giải pháp, sáng kiến về bảo vệ môi trường tại thành phố”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết thêm./.
Trung Đức