Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Hà Nội: “Khúc ca khải hoàn”, một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022).

ĐNA -

Sáng 5/10/2022, tại Hà Nội, Ban Quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã ra mắt trưng bày “Khúc ca khải hoàn”. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022). Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ; gợi nhớ cuộc trở về với biết bao cảm xúc, niềm vui của 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô.

Các đại biểu tham quan trưng bày.

“Khúc ca khải hoàn” được thể hiện qua 3 nội dung: Bền bỉ kháng chiến, Ngày về chiến thắng và Hà Nội của ta.

“Bền bỉ kháng chiến” giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Nhân dân từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

“Ngày về chiến thắng” là hình ảnh về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Nhưng tất cả đều thất bại trước lòng yêu nước, khát khao tự do của nhân dân. Lực lượng tự vệ, công nhân với thái độ kiên quyết, đúng mực, có lý lẽ đã ngăn chặn hiệu quả sự phá hoại, lôi kéo của địch.

Lực lượng tiếp quản đã đảm bảo tính mạng, giữ vững cơ sở vật chất, phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân Hà thành chuẩn bị cho ngày giải phóng. Các chị, các mẹ thức thâu đêm để may cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu. Thanh niên nam, nữ hăng hái dựng cổng chào, giăng đèn kết hoa trên các đường phố. Tất cả đã sẵn sàng cho Ngày về chiến thắng.

Nội dung thứ 3 “Hà Nội của ta” là những hình ảnh sau ngày giải phóng, nhân dân Hà Nội tiếp tục vượt qua khó khăn để tạo dựng cuộc sống mới. Vừa dựng xây Thủ đô, vừa kháng chiến chống Mỹ, người Hà Nội vẫn vươn lên bằng niềm tin son sắt vào Đảng, vào chân lý bất diệt “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về sáng sớm ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Người người mặc quần áo đẹp nhất để đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.

Gần 70 năm đã trôi qua từ ngày tiếp quản Thủ đô, hơn 30 năm tiến hành đổi mới, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát, rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi… Hà Nội đang vươn cao để quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhưng ký ức về Thủ đô anh hùng vẫn còn mãi với thời gian. Những địa điểm được tiếp quản ngày ấy giờ trở thành “chứng nhân” lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên.

Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10/10/1954, dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Hà Nội – Thủ đô anh hùng – Thành phố vì hòa bình.

Tại Lễ ra mắt trưng bày, quý vị đại biểu sẽ hòa cùng không khí hân hoan, hào sảng của ngày Giải phóng Thủ đô 68 năm về trước. Ban Tổ chức sẽ tái hiện hình ảnh các bà mẹ và các cô gái trong trang phục áo dài thướt tha đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Trong không gian trưng bày rực rỡ cờ hoa, đại biểu sẽ cùng hát vang bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sỹ Văn Cao.

Thân nhân học sinh kháng chiến Hà Nội năm xưa xem lại hình ảnh, kỷ vật của người thân. (Ảnh: HL)

Các đại biểu tham dự trưng bày cũng được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sỹ từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954.
Huy Quang