Chiều ngày 10/10/2022, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ ngày 9/10 đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất lớn, lượng mưa đo phổ biến từ 300-450mm. Đêm 10/10 đến sáng 11/10, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó xuống chậm. Mưa lũ, gió lốc khiến nhiều ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị tốc mái; địa phương đã sơ tán nhiều hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đỉnh lũ trên các sông có khả năng như sau: Sông Vệ tại trạm sông Vệ 5,20 m, trên mức BĐ3: 0,70 m; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc 6,00 m, dưới mức BĐ3 0,50 m; sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ dao động ở trên mức BĐ1. Tổng số hồ chứa thủy lợi hiện có là 126 cái gồm: 121 hồ chứa có trần tự do, 05 hồ có cửa van điều tiết. Tính đến 15h ngày 10/10, dung tích các hồ chứa thủy lợi đạt trung bình khoảng 61% (hồ có tràn tự do: 52,7%, hồ có cửa van điều tiết: 62,5%).
Chiều 10/10, tại thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh đã xảy ra một đợt lốc xoáy làm tốc mái 21 nhà ở của người dân và làm bị thương 1 người dân. Ông Phạm Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Tịnh Hiệp đã huy động lực lượng dân quân cùng người dân khẩn trương chặt đốn các cây cối ngã đổ, đồng thời giúp người dọn đồ đạc trong nhà bị tốc mái hư hỏng.
Trong chiều ngày 10/10, học sinh trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ (vùng ngập lụt) đã nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Do mưa lớn và lũ trên các sông Trà Câu, Vệ, Phước Giang lên nhanh nên trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ bị ngập lụt và đồng thời một số vị trí ngầm, tràn giao thông trên địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Sơn Hà bị ngập, gồm: Thị xã Đức Phổ, ngập tại các phường Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Thuận khoảng 0,5-1 m, tổng số nhà dân bị ngập khoảng 150 hộ.
Tại huyện Nghĩa Hành, các xã Hành Dũng, Hành Đức, Hành Minh, Hành Nhân, thị trấn Chợ Chùa, Hành Tín Tây (thôn Phú Khương, Phú Thọ) bị ngập tuyến đường giao thông từ 0,5-1 m. Riêng các xã Hành Dũng, Hành Nhân nước ngập nhà dân khoảng 100 hộ, sâu trung bình 0,5-0,7 m. Tại các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh bị ngập một số vị trí ngầm, tràn giao thông. Tại huyện Sơn Hà bị ngập các ngầm tràn cầu Thạch Nham, cầu Sơn Linh – Sơn Giang, cầu Sông Rin.
Hiện nay, tại các điểm đường giao thông bị ngập, có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng xung kích đảm bảo an toàn.
Trong chiều 10/10, huyện Nghĩa Hành đã thực hiện di dời 84 hộ/139 khẩu (Hành Dũng 70 hộ với 100 khẩu; Hành Nhân 14 hội với 39 khẩu). Tại thị xã Đức Phổ chủ yếu di dời xen ghép một số hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, chiều ngày 10/10, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết ở các địa phương đang có mưa, lũ diễn biến phức tạp để tập trung vào công tác phòng, chống mưa, lũ từ 17h ngày 10/10.
Rà soát phương án ứng phó tình huống mưa, lũ lớn; đôn đốc triển khai thực hiện phương án ứng phó với lũ lớn và sạt lở núi, bờ sông, suối bờ biển. Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Vệ, Trà Câu, Phước Giang, Thoa tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ.
Chy Le