Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu



ĐNA -

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng nằm trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/1/2022.

Chiến lược hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường. Đồng thời, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện có, đưa ra định hướng giải pháp thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển bền vững hơn, là tiền đề rất tốt để ngành nông nghiệp tái cơ cấu, đổi mới phát triển.

Thu hoạch lúa đông xuân 2019 – 2020 tại mô hình “Cánh đồng lớn” ở Cần Thơ

Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông – lâm – thủy sản đạt bình quân từ 2,5 – 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 – 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 – 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 – 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

Là chiến lược đầu tiên về nông nghiệp nông thôn mà Thủ tướng phê duyệt, thể hiện rõ đổi mới về tư duy, định hướng phát triển cho các ngành, các lĩnh vực trong nông nghiệp nông thôn thay vì đưa ra những con số hay mục tiêu quá cụ thể, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã thể hiện được rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh.

Trên cơ sở lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ những mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược qua các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 – 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đặc biệt Bộ NN&PTNT xác định sẽ chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 – 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chiến lược đã nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai; khẳng định việc trao quyền phân cấp cho người dân. Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn, tập trung cấp thôn bản, ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân, phát triển cộng đồng.

Định hướng lại phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn để “ly nông bất ly hương”, giảm tải cho các thành phố lớn; đa dạng hóa định hướng phát triển nông thôn mới ở các vùng theo ba loại mô hình (vùng ven đô, vùng chuyên canh, vùng nông thôn truyền thống); xây dựng nền “kinh tế dịch vụ” ở nông thôn. chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi tư duy sản xuất từ cái đang có sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường, tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế việc chỉ làm “gia công”. Hình thành các vùng chuyên canh được đầu tư bài bản, sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững với doanh nghiệp làm đầu tàu. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp cả đầu vào và chế biến đầu ra.

Với nhiều đột phá trong chính sách, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực nhằm thực hiện hài hòa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển toàn cầu./.
Lê Hoàng-Thùy Vân