Theo báo Anh Guardian, thái tử Mohammed bin Salman (MbS), nhà lãnh đạo của vương quốc dầu mỏ Trung Đông là một người nổi tiếng cứng rắn, nắm trong tay quyền kiểm soát lượng dầu mỏ dự trữ khổng lồ. Thái tử có nhiều điểm tương đồng với ông Putin. Trong những tháng qua, thái tử Ả Rập Saudi có nhiều cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thúc đẩy quan hệ và hợp tác về dầu mỏ giữa Ả Rập Saudi và Nga, điều này khiến phương Tây lo ngại.
Trong 8 tháng kể từ cuộc xung đột của Nga ở Ukraine, quan hệ giữa Riyadh và Moscow đã nâng lên một tầm cao mới. Trong khi Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga, thái tử MbS lại chọn cách thức thúc đẩy quan hệ với ông Putin. Thái tử MbS thường xuyên có những cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Putin về vấn đề hợp tác song phương và thảo luận tình hình thị trường dầu mỏ.
Hồi đầu tháng này, OPEC+ ra tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày. Ả Rập Saudi và Nga là hai quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất để tổ chức ra tuyên bố chung. Quyết định này đã gây khó khăn cho Mỹ và phương Tây, làm giá năng lượng tăng cao trở lại. Mùa hè năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tới thăm Riyadh, gặp thái tử MbS nhưng ông Biden đã phải ra về tay trắng mà không đạt được bất cứ thỏa thuận dầu mỏ nào với Ả Rập Saudi.
“Các chính quyền Ả Rập Saudi trước đây thường rất nhạy cảm với Mỹ và thường đưa ra chính sách tương đồng cùng Mỹ”, Robin Mills, giám đốc điều hành công ty Qamar Energy ở Dubai, nói. “Nhưng diễn biến thời gian qua lại không như vậy”.
Tháng trước, Ả Rập Saudi thông báo đóng vai trò trung gian để Nga và Ukraine trao đổi tù binh, trong đó 5 người nước ngoài tham gia chiến đấu được Nga trả tự do. Ông Putin khi đó nói đã đưa ra quyết định sau khi nhận được cuộc điện thoại với đề nghị từ phía thái tử MbS, theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ả Rập Saudi bỗng nhiên gây chú ý trên trường quốc tế, khi dàn xếp thành công một thỏa thuận vốn không có liên hệ gì với tình hình Trung Đông.
“Đây giống như một món quà mà ông Putin gửi tới thái tử MbS”, một quan chức Anh giấu tên am hiểu vấn đề nói, theo Guardian. “Ông Putin muốn tạo cơ hội để Ả Rập Saudi đạt được bước tiến ngoại giao”.
Kể từ sau 4 năm vụ ám sát nhà báo Mỹ-Saudi Jamal Khashoggi ở lãnh sự quán tại Thổ Nhĩ Kỳ, thái tử MbS ghi dấu ấn trên trường quốc tế một cách tích cực hơn. Thái tử đặt mục tiêu đưa Ả Rập Saudi trở thành thế lực trong khu vực và thu hút đầu tư trên toàn cầu. Mối quan hệ với Nga giúp Ả Râp Saudi hướng tới mục tiêu này.
Gần đây, Ả Rập Saudi ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề Ukraine, thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng các quan chức nước này chưa từng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga, cũng như Nga không nhắc tới cuộc chiến chống phiến quân Houthi của Ả Rập Saudi ở Yemen.
Năm 2016, thái tử MbS khi đó còn là Bộ trưởng Quốc phòng, đã gặp các nhà ngoại giao Anh, bao gồm cả quan chức tình báo Anh MI6. Mục đích cuộc gặp là tham khảo ý kiến của giới chức Anh về ông Putin.
“Thái tử có vẻ rất ấn tượng với ông Putin”, một quan chức Anh giấu tên vài năm sau tiết lộ. “Thái tử dường như ngưỡng mộ ông Putin và phong cách lãnh đạo của Tổng thống Nga”.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Argentina năm 2018, thái tử MbS đã gây chú ý khi có màn đập tay cao với ông Putin, thay vì bắt tay thông thường. Thời gian gần đây, thái tử và ông Putin cũng đang thúc đẩy các chính sách đi ngược lại mong muốn của Mỹ.
“Ông Putin cảm thấy trong thế giới đa cực mới, thái tử MbS có vai trò hợp tác với Nga”, quan chức Anh giấu tên nói. “Ả Rập Saudi ngồi trên mỏ dầu khổng lồ và có vị thế chiến lược quan trọng. Ảnh hưởng của dầu mỏ đối với thế giới vẫn sẽ còn đáng kể trong nhiều thập kỷ tới. Thực tế là thái tử MbS không quá quan tâm đến việc quyết sách mình đưa ra có đem lại lợi ích cho Nga hay không. Chỉ là ông Putin và thái tử Ả Rập Saudi có một số quan điểm tương đồng nhau”.
Chy Le/ Theo báo Anh Guardian