Ngày 23/7/2025, hãng tin Reuters dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, việc Mỹ tăng thuế và những bất ổn kéo dài trong thương mại toàn cầu đang tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. ADB đồng thời hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực này trong cả năm nay và năm 2026.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á mới công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo rằng tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính hệ thống. Cụ thể, nhu cầu nội địa tại nhiều quốc gia trong khu vực đang có xu hướng suy yếu, do loạt yếu tố tiêu cực như căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng tăng cao, cùng với sự bất ổn kéo dài trong thị trường bất động sản Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Trước bối cảnh này, ADB đã quyết định điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2025 xuống còn 4,7%, so với mức 4,9% được đưa ra hồi tháng 4. Dự báo cho năm 2026 cũng được hạ từ 4,7% xuống còn 4,6%. Trong các tiểu vùng, Đông Nam Á được đánh giá sẽ chịu tác động tiêu cực rõ rệt nhất, với mức tăng trưởng kỳ vọng giảm còn 4,2% vào năm 2025 và 4,3% trong năm tiếp theo, thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đó là 4,7% cho cả hai năm.
“Châu Á – Thái Bình Dương đã tương đối kiên cường trước những biến động bên ngoài trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng đang xấu đi khi các rủi ro vĩ mô và bất ổn toàn cầu ngày càng leo thang”, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB, ông Albert Park nhận định. Theo ông, các nền kinh tế trong khu vực cần tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô, đồng thời đẩy mạnh hội nhập khu vực và thương mại mở nhằm kích thích đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
ADB định nghĩa khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển gồm 46 nền kinh tế trải dài từ Trung Quốc đến Gruzia và các đảo quốc Thái Bình Dương như Samoa, không bao gồm các nước phát triển như Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Các điều chỉnh dự báo lần này diễn ra trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu tiếp tục bất ổn, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt biện pháp thuế mới. Cụ thể, một thỏa thuận vừa đạt được với Nhật Bản sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Nhật thấp hơn mức 25% từng bị đe dọa. Trong khi đó, hàng hóa từ Philippines sẽ chịu mức thuế mới 19%, cao hơn mức 17% công bố hồi tháng Tư nhưng thấp hơn ngưỡng 20% từng được đề xuất.
Chính sách thương mại của ông Trump, vốn đặt trọng tâm vào việc áp thuế mạnh tay với phần lớn đối tác – tiếp tục gây biến động lên dòng chảy thương mại toàn cầu. Phần lớn các nước xuất khẩu vào Mỹ hiện đang phải đối mặt với mức thuế cơ bản 10% áp dụng từ tháng 4, và nhiều nước sẽ chịu mức thuế bổ sung cao hơn bắt đầu từ ngày 1/8 tới đây.
Những điều chỉnh dự báo tăng trưởng của ADB cho thấy rõ mức độ nhạy cảm của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước các cú sốc toàn cầu, từ chính sách thương mại đến những bất ổn nội tại như thị trường bất động sản Trung Quốc. Trong bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế tiếp tục khó lường, các nền kinh tế trong khu vực cần chủ động củng cố sức chống chịu, thúc đẩy cải cách cơ cấu và đẩy mạnh hợp tác khu vực để duy trì động lực tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.
Minh Anh