Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ám ảnh những “chuyến tàu” mang tên FLC

ĐNA -

Thị trường chứng khoán (TTCK) được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, là kênh huy động vốn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp để phát triển, mở rộng sản xuất cũng như cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng. TTCK là một thị trường hết sức nhạy cảm, là thị trường của niềm tin. Do đó, tính minh bạch là điều cần đặc biệt chú trọng. 

Giới đầu tư hẳn còn chưa quên được cú sốc “nhảy tàu” của chủ tịch FLC – Trịnh Văn Quyết năm 2017 khi bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC cũng như hàng loạt giao dịch “chui” với các cổ phiếu cùng họ FLC như AMD, KLF, HAI… khiến nhiều nhà đầu tư đã thiệt hại nặng nề rơi vào cảnh trắng tay, “cháy tài khoản” vì bị call margin.

Trong khi mới gần đây chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình và chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo tập đoàn Sovico , “người góp công, người góp của” cùng nỗ lực hàng trăm cán bộ, nhân viên thực hiện “chiến dịch 100 ngày đêm không nghỉ giải cứu sàn HOSE”, nhằm đảm báo tính ổn định, liên tục của TTCK, thu hút đầu tư nước ngoài và góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên thế giới, thì một lần nữa bộ phim “Chuyến tàu kinh hoàng FLC” lại được công chiếu trên sàn chứng khoán khi đầu tuần này, ngày 10/2/2022 , chủ tịch FLC – Trịnh Văn Quyết tiếp tục bán “chui” 75 triệu cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư “ngỡ ngàng, ngơ ngác, ngã ngửa” không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Phiên “đánh úp “sáng tăng trần , chiều giảm sàn” của hàng loạt cổ phiếu FLC cùng các cổ phiếu cùng họ như ROS, HAI, AMD, KLF và ART khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay. Trong khi chủ tich Trịnh Văn Quyết ” mang khoảng 3600 tỷ về cho mẹ” thì các cổ đông FLC đó là một “đêm không ngủ” vì lo “cháy tài khoản”.

Cổ phiếu FLC "cắm đầu" giai đoạn 2017
Cổ phiếu FLC “cắm đầu” giai đoạn 2017

Những hành vi vi phạm công bố thông tin dạng mua chui, bán lén không chỉ là vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần. Mà có thể coi là gian lận tài chính, cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường. Rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại trước các giao dịch “bán chui” có tính chất đầu cơ, lướt sóng, khiến thị trường kém minh bạch. Ngoài ra, gây nhiều rủi ro khác cho các công ty chứng khoán cho vay margin các cổ phiếu này.

Tại Mỹ, cá nhân nội bộ vi phạm giao dịch tay trong/nội gián có thể bị kết tội hình sự lên đến 20 năm tù, hoặc bị phạt tiền đến 5 triệu USD hoặc bị cả hai. Nghiêm trọng hơn, mức phạt có thể lên tới 25 triệu USD. Đối với những hình phạt vi phạm dân sự, số tiền phạt lên tới 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần số lợi nhuận thu được.

Ở Trung Quốc, chỉ với một vi phạm liên quan đến khâu chuẩn bị tài chính chưa thật rõ ràng trong giao dịch mua cổ phiếu mà mới đây vợ chồng diễn viên nổi tiếng Triệu Vy đã bị cấm không cho giao dịch chứng khoán trong 5 năm. Theo giới phân tích, lỗi này so với các mức độ vi phạm về bán chui cổ phiếu, giao dịch nội gián, thao túng giá… của Việt Nam thì không đáng kể gì.  Hệ lụy lâu dài không chỉ là sự thua lỗ của các nhà đầu tư mà là sự xói mòn niềm tin vào một thị trường không minh bạch. Có lẽ đến lúc cần chế tài giám sát thật chặt chẽ và mạnh mẽ từ sở GDCK và UBCKNN, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu mục tiêu nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của FTSE Russell và MSCI trước 2025.

Thanh Tung