Chuyên gia y tế hàng đầu của Anh cho biết gần như tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm đủ liều đều thuộc diện triệu chứng nhẹ.
Giáo sư Andrew Pollard – một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vaccine AstraZeneca và là người đứng đầu Nhóm vaccine Đại học Oxford (Oxford Vaccine Group), ngày 23/11 cho biết COVID-19 giờ không còn là căn bệnh với người đã hoàn tất tiêm chủng vaccine. “Nỗi hoảng sợ dâng trào” của những bệnh nhân đang phải thở gấp trong phòng điều trị tích cực (ICU) hiện phần lớn chỉ tập trung vào nhóm đối tượng chưa tiêm – ông Pollard nói.
Theo chuyên gia hàng đầu của Anh, ngay cả với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, phần lớn những người tiêm đủ liều nếu có nhiễm COVID-19 cũng sẽ chỉ ở thể nhẹ, với cảm giác chỉ hơi khó chịu một chút so với bình thường. “Nhìn một cách tổng quan, COVID-19 không còn là bệnh với người đã tiêm vaccine. Vaccine giúp hạn chế chứng nghẹt thở, suy hô hấp, với rất ít ngoại lệ”, Giáo sư Pollard bày tỏ.
Giới khoa học đang hy vọng việc triển khai tiêm mũi tăng cường kết hợp với miễn dịch tự nhiên từ một số lượng lớn người nhiễm COVID-19 trong đợt lây nhiễm cao điểm hồi mùa hè vừa qua sẽ giúp Anh thoát khỏi tình cảnh dịch bệnh bùng phát, như những gì đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu.
Theo ông Pollard, Anh – với các bước nới lỏng về giãn cách xã hội từ mùa hè và đạt tỉ lệ tiêm chủng bình quân cao hơn nhiều nước châu Âu, sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn trong sóng lây nhiễm mới. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định COVID-19 vẫn sẽ gây sức ép lên hệ thống y tế của Anh trong mùa đông này, với việc các bệnh nhân chưa tiêm chủng cần buồng ICU, còn những người đã tiêm đủ hai liều nhưng thuộc diện cao tuổi, bệnh nền vẫn đứng trước nguy cơ bị đe dọa về sức khỏe, thậm chí là cả tử vong.
“Làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Anh, vốn đang lặp lại ở cấp độ mạnh hơn tại nhiều nước châu Âu, sẽ trực tiếp gây ra tình trạng gia tăng số lượng người cần điều trị ICU của nhóm bệnh nhân chưa tiêm chủng. Để ngăn chặn tình trạng bệnh chuyển biến nặng, những người này cần tiêm mũi thứ nhất và hoàn tất mũi thứ hai càng sớm càng tốt. Còn với những người may mắn như chúng ta đã tiêm đủ liều, câu chuyện dường như rất khác biệt. Với phần đông những người đã tiêm chủng, biểu hiện bệnh sẽ ở thể nhẹ”, giáo sư Pollard nói.
Giáo sư Peter Openshaw, thành viên của Nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus đường hô hấp mới và mới nổi (Nervtag) cũng có những đánh giá tương tự. Ông cho biết bản thân vui mừng vì Anh hiện tránh được việc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa như một số nước châu Âu. Tuy nhiên, điều vẫn gây lo ngại chính là số ca lây nhiễm tại Anh còn ở mức cao.
“Cá nhân tôi mong muốn chúng ta phải đưa tỉ lệ lây nhiễm xuống thấp hơn nữa. Ai cũng biết rằng đeo khẩu trang có tác dụng. Do vẫn còn những người chưa tiêm chủng vì nhiều lý do khác nhau, nên vẫn cần nỗ lực, giảm độ lây lan của virus, cũng như tăng độ che phủ của vaccine. Không thể có thành công chỉ bằng một giải pháp đơn lẻ. Chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp, trong đó có tiêm mũi tăng cường, đeo khẩu trang, cẩn trọng không để làm lây lan virus”, Giáo sư Openshaw bình luận.
Diễn biến dịch bệnh tại Anh có xu hướng lắng dịu hơn so với nhiều nước châu Âu. Trung bình hiện nay Anh ghi nhận khoảng 40.000 ca mắc/ngày, nhưng số ca tử vong được giữ ở mức thấp. Anh đã tiêm mũi tăng cường cho hơn 15 triệu người. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 22/11 nói rằng Anh vẫn đang đi đúng hướng và chính quyền không có ý định chuyển sang “Kế hoạch B” về phòng chống COVID-19.
“Kế hoạch B” đề cập đến một số biện pháp hạn chế tăng cường để ngăn chặn dịch bệnh, như khuyến khích làm việc tại nhà, đeo khẩu trang ở một số địa điểm, không gian nhất định.
Theo The Guardian