Thứ tư, Tháng mười 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Anh hùng Bông Văn Dĩa, linh hồn của đường Hồ Chí Minh trên biển

ĐNA -

Hơn 60 năm đã trôi qua, kể từ khi con đường Hồ Chí Minh trên biển được khai mở, nhưng sự kính trọng, ngưỡng mộ của các thủy thủ dành cho ông – Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa, vẫn vẹn nguyên. Thủy thủ xem ông là người “anh cả” của Đoàn tàu không số, nhiều con tàu được tôn vinh là “cá kình Biển Đông” thì ông chính là “anh cả” của những con cá kình. Ông là niềm tự hào, hãnh diện lớn lao của cán bộ, chiến sĩ ở đường Hồ Chí Minh trên biển. Các đồng chí, đồng đội  noi theo tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên trung, gan dạ, mưu trí, dũng cảm và gương mẫu của ông để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.

Anh hùng Bông Văn Dĩa, linh hồn của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Người chiến sỹ cộng sản tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
Ông Bông Văn Dĩa, sinh năm 1905, tại ấp Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Thuở nhỏ gia đình nghèo nên ông Bông Văn Dĩa không được học chữ. Khi thầy giáo Phan Ngọc Hiển về ở gần nhà thì ông mới được đi học. Được thầy giáo, nhà báo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển, dạy học và giác ngộ cách mạng, ông Bông Văn Dĩa tham gia hoạt động cách mạng. Năm 19 tuổi ông Bông Văn Dĩa là một trong những thanh niên hoạt động tích cực ở vùng Rạch Gốc quê hương. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng.

Ngày 12/12/1940, từ căn cứ Tân Dân, ông được cấp trên giao nhiệm vụ đến Hòn Khoai trao Nghị quyết khởi nghĩa của Tỉnh ủy Cà Mau cho ông Phan Ngọc Hiển và cùng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 13/12/1940, dưới sự lãnh đạo của ông Phan Ngọc Hiển, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai thắng lợi rực rỡ. Ngày 15/12/1940, ông Phan Ngọc Hiển lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa đánh đồn Kiểm Lâm ở Tam Giang, giúp dân Rạch Gốc sơ tán vào rừng để tránh khủng bố của địch. Hoảng sợ trước phong trào cách mạng lớn mạnh của nhân dân Cà Mau, địch tung lực lượng truy bắt ta. Ngày 22/12/1940, tại bãi Khai Long, ông Phan Ngọc Hiển và ông Bông Văn Dĩa cùng nhiều đồng đội khác tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ  bị địch bắt.

Ngày 12/7/1941, ở sân vận động thị xã Cà Mau, ông Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội bị thực dân Pháp đưa ra xử bắn. Trước lúc hy sinh, lời nói của ông Phan Ngọc Hiển khiến kẻ thù phải khiếp sợ: “Những người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt được thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ được độc lập”. Hiện nay ở thành phố Cà Mau còn di tích 10 mộ chiến sĩ cách mạng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Các thế hệ cách mạng của quê hương Cà Mau khắc ghi trong tim nguyện ước của người chiến sỹ cộng sản kiên trung Phan Ngọc Hiển và đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rất nhiều đảng viên dũng cảm đấu tranh với địch, giữ trọn khí tiết của người chiến sỹ cộng sản đến hơi thở cuối cùng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cà Mau bị địch dìm trong biển máu. Ngày 13/7/1941 ông Bông Văn Dĩa bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày đi Côn Đảo.

Ông Bông Văn Dĩa và ông Nguyễn Trung Thành (Anh hùng lực lượng vũ trang) tại cuộc triển lãm vũ khí của quân giới. Năm: 1971.Ảnh: Nguyễn Trung Hiếu

Những năm tháng lao tù ở Côn Đảo
Giữa năm 1941, Thống đốc Nam Kỳ cử Bơruonnê ra làm chúa đảo thay Buviê. Bơruonnê thực hành chế độ nhà tù rất tàn bạo. Một số quyền lợi tối thiểu trước đây người tù giành được nay bị xóa bỏ. Chúng cấm tù nhân nhận thư từ, quà cáp, không được hội họp, đọc sách báo. Ra vào khám phải tự lột trần truồng cho chúng khám xét. Điều kiện ăn ở lại càng khắc nghiệt hơn. Người tù thì nhiều, trại giam thì có hạn, mọi người phải ở chật như nêm trong sự ngột ngạt, nóng nực đến cùng cực. Các loại bệnh nguy hiểm mặc sức hoành hành, tàn phá cơ thể và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ông Bông Văn Dĩa bị giam ở khám 8 Banh III, khu vực dành riêng cho những người tù “nguy hiểm”. Hàng ngàn tù chính trị đã chết trong thời kỳ này vì đòn roi và chế độ đày ải khắc nghiệt, vì các bệnh kiết lỵ, ghẻ hờm. Tại chốn giam cầm đầy rẫy hiểm nguy của kẻ thù, ông Hai Địa (bí danh của ông Bông Văn Dĩa) ở cùng khám với ông Lê Duẩn. Tại đây, ông Lê Duẩn cảm nhận được tình thương bao la của những người cộng sản cùng chung chí hướng. Ngày ở khám 8, banh III, anh Hai Địa luôn che chắn những trận đòn của kẻ thù cho ông Lê Duẩn. Từ khi được Anh Ba Lê Duẩn bồi dưỡng thêm những hiểu biết về Đảng, về cách mạng, ông Bông Văn Dĩa đã xem Đảng là niềm tin, là lẽ sống của mình. Vào ngày 17/9/1945, ông Lê Duẩn cùng các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Phan Trọng Tuệ, Bông Văn Dĩa… được Ủy ban nhân dân Nam Bộ đưa tàu “Phú Quốc” và một đoàn ghe ra đón chính trị phạm ở Côn Đảo chiến thắng trở về.

Sau ngày toàn thắng 30/4/1975 đ/c Lê Duẩn về tận Mũi Cà Mau thăm những gia đình đã có công nuôi chứa, bảo vệ 1955 – 1956. (ảnh lưu niệm đ/c với gia đình Bông Văn Dĩa ở ấp Đước Râu, xã Tân Ân, người đã vượt đường biển đưa đ/c về miền Bắc 1975). Ảnh: Châu Ngọc Tiếp

Đi mở đường xuyên Tây
Ngày 13/3/1946,các ông Nguyễn Văn Sa Tỉnh đội trưởng Bạc Liêu và ông Nguyễn Văn Ngoan tài chính tỉnh Bạc Liêu cùng một số ông khác chở khoảng 50 tạ tôm khô tới chi bộ Rạch Gốc. Chi bộ Rạch Gốc phân công ông Bông Văn Dĩa chuẩn bị ghe cộ và người chở tôm khô đi Thái Lan bán lấy tiền mua vũ khí. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo của cách mạng và khó khăn tài chánh của tỉnh nhà, ông Bông Văn Dĩa biết những năm tháng mình hoạt động cách mạng, nếu ông lấy ghe nhà đi thì vợ con sẽ đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Nhưng yêu cầu của cách mạng không thóai thoác được, ông Bông Văn Dĩa đã thuyết phục vợ tìm cách khắc phục khó khăn của gia đình để cho ông lấy ghe đi hoạt động cách mạng, vợ ông vui vẻ đồng ý.

Sau một thời gian làm việc trên đất Thái, đêm 18/9/1946, ông Bông Văn Dĩa chở khoảng 16 tấn vũ khí xuống ghe đậu tại Băngkok. Ông Bông Văn Dĩa làm tài công phụ cho chiếc ghe này. Nhiệm vụ chỉ huy ghe do các ông: Dương Quang Đông, Bông Văn Dĩa, Trương Văn Kỉnh, Lâm Văn Kính, Nguyễn Văn Ngoan, Phạm Thái Hòa (Ba Nhâm) đảm trách. Ghe đi từ Băngkok đến MaiRuốt  (đất liền của Thái Lan) và Ko kút (đảo ở cách bờ Thái Lan 10 hải lý ). Tại đây, đoàn tổ chức thêm một chiếc ghe nhỏ để trinh sát. Khi tổ chức hoàn chỉnh rồi  thì cả đoàn rời Thái Lan về Cà Mau. Không may giữa đường gặp gió chướng nên bị trôi dạt vào hòn Thổ Chu. Chờ mãi không được gió thuận, cả đoàn nằm lại đây cả tháng, lương thực mang theo cạn sạch, phải lên bờ đào củ chuối rừng ăn. Đến ngày 13/7/1946, đoàn tới vàm Rạch Gốc. Ông Bông Văn Dĩa cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương.

Giữa năm 1951, ông Bông Văn Dĩa tiếp tục sang Thái Lan, báo cáo với Đảng bộ Việt Kiều và nhờ Hội Việt Kiều giúp đỡ mua sắm thêm vũ khí về bổ sung cho chiến trường Nam Bộ. Ban ngày làm thợ mộc, ban đêm ông Bông Văn Dĩa thu xếp việc mua sắm vũ khí. Sau một thời gian, ông Bông Văn Dĩa chuyển về xóm Pátkhong (Koskong) Campuchia vào tháng 10/1952. Lúc này ông Bông Văn Dĩa là Bí thư và là trưởng ban tiếp vận. Tháng 6/1953, ông Bông Văn Dĩa tham gia Huyện ủy viên Koskong và Ban cán sự miền Tây Cao Nguyên. Thời gian ở đây, ông Bông Văn Dĩa mua hàng cho Ban ngoại vụ, tổ chức vận tải bằng đường biển về nước. Mặt khác, ông Bông Văn Dĩa còn tự túc đảm chi 4 tháng trong năm cho toàn đơn vị, cùng với Huyện ủy Kókong gỡ rối ngụy chanh (ngụy Kapuchia) định nổi dậy chặt đứt huyện Kókong với vùng Tây và khu Tây Nam Cao Miên. Ông Bông văn Dĩa đã chỉ huy dẹp ngụy và ổn định được tình hình ở vùng này. Tháng 7/1954,sau thắng lợi của chiến trường Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơne vơ được  ký kết, ông Bông Văn Dĩa được lệnh thu xếp, bàn giao lại địa phương, rút toàn bộ về nước để đi tập kết. Tháng 10/1954, ông Bông Văn Dĩa về đến Chắc Băng-Cà Mau.

Tiếp rước Tổng Bí thư Lê Duẩn tại sân bay và đến thị trấn Năm Căn, huyện Ngọc Hiển (bên trái ông Lê Duẩn, Hắc Hổ, bên phải là Sáu Pháo và đoàn tùy tùng Tổng Bí thư). Ảnh: Châu Ngọc Tiếp

Những ngày ở lại miền Nam
Về tại Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, ông Bông Văn Dĩa được phân công nhiệm vụ công tác tại bộ phận phân phối tiền Đông Dương Ngân hàng (Pháp) cho các tỉnh để đổi lấy tiền Cụ Hồ. Đến gần mãn kỳ tập kết, ông Tư Lẩu, Trưởng Văn phòng Trung ương Cục làm việc với ông Bông Văn Dĩa. Ông Tư Lẩu thông báo: Trung ương Cục chỉ định ông Bông Văn Dĩa ở lại miền Nam cùng với ông Phạm Hồng Thám giữ vàng, vũ khí, súng ngắn, cacbin và đạn dược của Trung ương Cục. Trung ương Cục đưa cho ông Bông Văn Dĩa 200.000 đ Đông Dương để lo làm tự túc cho Trung ương Cục. Trung ương Cục giới thiệu tới ông Bông Văn Dĩa thêm hai ông để liên lạc với nhau. Đó là ông Bình vựa cây ở Giá Rai và ông Năm, chuyên chở than đước đi Sài Gòn bán. Tháng 1/1955, ông Bông Văn Dĩa về ở với gia đình tại Rạch Gốc. Thu xếp các nhiệm vụ được giao xong xuôi, ông Bông Văn Dĩa cùng đi giấu vàng, giấu vũ khí với ông Bình, mua khô cá gộc để ông Năm đi bán. Được một thời gian hai ông trên bị bắt. Ông Bông Văn Dĩa tìm cách liên lạc với cấp trên.

Tháng 6/1955, tình hình của ông Lê Duẩn ở Cà Mau rất căng thẳng. “Các cán bộ bảo vệ đang băn khoăn chưa biết rút về đâu thì ông Lê Duẩn nói:“Còn một chỗ, còn một người có thể tin cậy: Anh Hai Địa ở Rạch Gốc. Rạch Gốc là đất có thể nương náu. Anh Hai Địa từng bị tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, mỗi lần chúng tôi bị địch đánh thì anh Hai Địa xông ra chịu đòn thay. Phải đi tìm anh Hai Địa, đó là con người có thể tin cậy trong lúc khó khăn cùng cực của cách mạng”.(1).“Nhờ ông Ba Pháo, ông Lê Duẩn và đội cận vệ đến vàm Rạch Gốc ở nhà anh Hai Bông Văn Dĩa (Hai Địa)”.(2) Được nuôi giấu ông Lê Duẩn ở trong nhà, ông Bông Văn Dĩa rất phấn khởi. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 1955, ông Lê Duẩn nhận được mật báo “địch đã biết Anh Ba ở lại miền Nam chúng đang truy tìm, bằng cách lần dò theo bước chân của những người đi theo anh”. Ở vùng đất Mũi này rất bất tiện cho việc liên hệ chỉ đạo ở các địa phương, nên Anh Ba quyết định chuyển về Bến Tre(3).

Cuối năm 1957, ông Bông Văn Dĩa liên lạc được với ông Châu Văn Đăng Phó Bí thơ liên tỉnh. Ông Châu Văn Đăng trao đổi với ông Bông Văn Dĩa bàn giao công việc tự túc để nhận công tác mới. Ông Bông Văn Dĩa bàn giao số vàng, tiền, súng, đạn   đã cất giấu đầy đủ, bán ghe, bán lưới đem tiền và tất cả biên nhận của ông Năm khi nhận cá gộc thành tiền lên thanh toán với ông Châu Văn Đăng. Việc thanh toán xong, ông Bông Văn Dĩa nhận công tác giao liên từ tỉnh này đến tỉnh khác bằng con đường công khai. Ông Tư Mau giao cho ông Bông Văn Dĩa một chiếc ghe tam bản trọng tải khoảng 4000 kg. Ông Bông Văn Dĩa đem về nhà sửa, bàn bạc với vợ con cùng đi với ông cho hợp pháp. Từ tháng 2/1958 đến tháng 4/1960 ông Bông Văn Dĩa làm rất tốt nhiệm vụ giao liên. Từ tháng 5/1960 đến 20/6/1961, ông Bông Văn Dĩa làm Phó Chủ tịch mặt trận xã Mười Sao  huyện Năm Căn.

Bức ảnh lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn với những gia đình nuôi chứa, bảo vệ 1955 – 1956 tại Mũi Cà Mau. (Trái qua phải: Ông Sáu Pháo, anh hùng Văn Nhờ, ông Lê Duẩn, anh hùng Bông Văn Dĩa, con gái Bông Văn Dĩa, Ông Hắc Hổ, hai cháu ngoại Bông Văn Dĩa). – Châu Ngọc Tiếp

Nhận công tác tuyệt mật
Đang làm công tác tại xã Mười Sao thì Mặt trận tỉnh Bạc Liêu  rút ông Bông Văn Dĩa về  Mặt trận để chuẩn bị thành lập Mặt trận tỉnh. Được một thời gian công tác ngắn Tỉnh ủy Bạc Liêu rút ông Bông Văn Dĩa khỏi Mặt trận tỉnh để nhận công tác mới. Chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, ngày 21/6/1961, ông Bông Văn Dĩa đến bộ phận của ông Nguyễn Văn Đạo (Bảy Đường), Tư Lưới (Nguyễn Thanh Trầm) và một số anh em khác nhận công tác. Bộ phận này thuộc Trung ương của ông Lê Duẩn để lại hoạt động bí mật. Ông Bảy Đường trình bày mục đích, yêu cầu của Trung ương về nhiệm vụ công tác mới, mục đích của ông Lê Duẩn khi đề nghị Tỉnh ủy Bạc Liêu điều động ông Bông Văn Dĩa về đây và những yêu cầu của công tác tuyệt mật. Học một tuần, ông Bảy Đường thay mặt Trung ương thành lập chi bộ chi bộ ba đảng viên do ông Bông Văn Dĩa làm Bí thư.

Giao nhiệm vụ ông Bông Văn Dĩa có 7 người: Bông Văn Dĩa, Trần Bá Phước, Ngô Văn Tân (Năm Kỷ), Nguyễn Văn Dũng (Sáu Dũng), Cao Văn Của (Bảy Của) ,Trần Văn Đáng (Ba Cụt), Võ Tấn Thành (Ba Thành), một ghe buồm có gắn máy. Ông Bông Văn Dĩa và anh em lao vào trùng tu ghe gần một tháng, cho ghe hạ nề, ghe xuống nước chạy thử, máy móc có phần bảo đảm tương đối. Các giấy tờ hợp pháp như sách ghe, giấy ngư phủ, giấy hành nghề đánh cá của ngư phủ ngụy, một la bàn nhỏ, nhỏ bằng đồng hồ đeo tay, một cây thước bằng đước, một bản đồ Việt Nam in trên bìa tập vở 100 trang của học sinh…..tất cả được ông Bảy Đường chuẩn bị xong xuôi. Ông Phạm Ngọc Sến (Mười Kỷ), Bí th Tỉnh ủy xuống tận ghe chiêu đãi toàn ghe một bữa cơm thân mật, đồng thời bổ sung cho ghe ông Huỳnh Văn Chiếu (Hai Chiếu,Tư Quang).Như vậy là toàn ghe có 8 người.

Chiều ngày 31/7/1961, ông Bông Văn Dĩa chỉ huy anh em chở xuống ghe hơn 2 tấn gạo trắng và rời bến đến địa điểm khác. Đến ngày 1/8/1961, ghe do ông Bông Văn Dĩa làm thuyền trưởng, Bí thư chi bộ rời rạch Cá Mòi đi ra miền Bắc. Những khó khăn, gian nan, vất vả trên đường mọi người đều cố gắng vượt qua. Đến chiều tối ngày 7/8/1961, ghe vô tới cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, Công an tỉnh Quảng Bình nghi ngờ là tàu biệt kích đột nhập nên ghe bị bắt giữ tại đây. Ông Bông Văn Dĩa lên đồn báo với đồn trưởng rằng: “Tôi là Bông Văn Dĩa (Hai Địa) ở trong Nam ra đây theo chỉ thị của Trung ương Đảng. Nhờ đồn trưởng báo về Trung ương gấp. Còn theo thủ tục thì đồn trưởng cứ thi hành theo nguyên tắc. Chỉ nhờ đồn trưởng báo như vậy”. Ông Trưởng ty Công an Quảng Bình hỏi: “Ở Trung ương Đảng thì ông biết ai?” Ông Bông Văn Dĩa trả lời: “Tôi biết Anh Ba Lê Duẩn.”

Dịp may hiếm gặp, lúc bấy giờ, ông Lê Duẩn- Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang vào làm việc tại Quảng Bình. Khoảng 10 giờ ngày 11/8/1961, xe hơi đến đồn Nhật Lệ đón ông Bông Văn Dĩa tới nhà giao tế gặp ông Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn tay bắt, mặt mừng ôm hôn ông Bông Văn Dĩa thắm thiết. Ông Bông Văn Dĩa  phấn khởi nói một hơi với ông Bí thư thứ nhất về tình hình ở Nam Bộ và mong muốn của Khu ủy Khu IX về việc “xin Trung ương chi viện thật nhiều súng đạn để đánh giặc…” ông Lê Duẩn trả lời: Gặp anh, em rất mừng, em nhớ các ba, các má, các anh, các em  ở trong đó lắm. Các anh cứ yên tâm, Trung ương sẽ giải quyết. Các anh ở đây nghỉ ngơi cho khỏe ít hôm rồi sẽ về Hà Nội”.

Đến ngày 13/8/1961, ông Bảy Hùng đại diện của Ủy ban Thống nhất Trung ương, đưa xe vào đón anh em của thuyền Cà Mau về số nhà 18, đường Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Ghe máy, gạo và các phương tiện khác dưới ghe, ông Bông Văn Dĩa giao lại cho đồn Công an Quảng Bình. Ngày 23/10/1961, được sự chấp nhận của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định số 97/QP doTrung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thành lập Đoàn 759, sau đổi lại là đoàn 125- Đoàn vận tải quân sự đường biển. Trung ương quyết định cử thuyền của Bạc Liêu do ông Bông Văn Dĩa thuyền trưởng trở về đi trinh sát, nắm tình hình trên biển, báo cáo phương án mở bến của Trung ương để Khu ủy Khu IX chuẩn bị. Trung ương cử ông Trung tướng Trần Văn Trà và Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh đến số nhà 18 Nguyễn Thượng Hiền chỉ định ông Bông Văn Dĩa làm Bí thư chi bộ và ông Hai Tranh làm Phó Bí thư  chi bộ. Chi bộ này gồm 5 đảng viên là Bông Văn Dĩa, Lê Thanh Lồng, Ngô Văn Tân (Năm Kỷ), Sáu Dũng và Tư Phước. Ông Bông Văn Dĩa và cả đoàn nhận được chỉ thị:

“Báo cáo với Khu ủy, nếu bộ phận này có một khu ủy viên phụ trách thì rất tốt, vì bộ phận này rất bí mật trực tiếp có điện đài. Đi thăm dò các đảo ngoài khơi như :Hòn Chuối,Hòn Nam Du,hòn Thổ Chu,Hòn Ông,Hòn Bà…xem trong mấy đảo này đảo nào  thanh vắng không có địch tới lui, ít hoặc không có dân chúng cư trú, để cất giữ vũ khí, hàng hóa từ Bắc chuyển vào Nam, rồi đem vào đất liền (Mũi Cà Mau) để phân phốicho các khu… nếu các đảo không có đủ điều kiện đã yêu cầu thì nghiên cứu một vài vùng biển ngoài khơi, ngoài vùng biển Cà Mau cho  thật đảm bảo để  vũ khí và hàng ngoài Bắc chuyển vào, bỏ xuống đây  và tổ chức đưa người , ghe nhỏ ra lặn lấy  đem vô đất liền …

Ông Bông Văn Dĩa phải học thuộc lòng một số mật danh, để khi nghiên cứu xong, liên lạc bằng điện đài xin chỉ thị thi hành kế hoạch trên đây.

Bây giờ các ông trở về Nam  bằng đường hợp pháp, sao cho không có dấu vết gì của miền Bắc. Các việc này có ông Phước ở Đoàn 559 lo liệu thật chu đáo”.

Sau một thời gian chuẩn bị, ông Bông Văn Dĩa học thuộc lòng các mật danh và chỉ thị của cấp trên. Ngày 5/4/1962, tàu trinh sát rời cửa sông Nhật Lệ tiến về Nam. Khoảng 8 giờ sáng ngày 14/4/1962, tàu trinh sát gặp 2 tàu Mỹ từ hướng Phi Luật Tân quần theo, chúng đảo xung quanh nhiều vòng cách ghe  khoảng 5 m. Để đối phó với chúng, tàu trinh sát thủ tiêu hết tất cả bản đồ, địa bàn. Địch quần đảo đến 14 giờ chúng mới chịu buông. Tàu chạy trầm, không xác định được đã đi đến đâu, từ 14 giờ ngày hôm trước đến  khoảng 7 giờ sáng hôm sau  ông Bông Văn Dĩa mới xác định được Cù Lao Bảy xã  (Cù lao Thu). Chạy theo phương hướng đã xác định, chiều 18/4/1962 tàu tới Cà Mau.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm và làm việc với tỉnh Minh Hải. ảnh: Võ An Khánh

Ngày 25/4/1962, Khu ủy Khu IX nghe đoàn báo cáo lại chỉ thị của Trung ương, phân công ông Dương Minh Cảnh (Ba Hòa)- Khu ủy viên phụ trách chung, ông Nguyễn Văn Đạo (Bảy Đường) và ông Bông Văn Dĩa là phó của bộ phận đi khảo sát. Ngày 19/5/1962, đoàn đi khảo sát các địa điểm  do Trung ương gợi ý, hơn 10 ngày các điểm  không đạt về độ sâu và sự an toàn. Ông Bông Văn Dĩa nhớ lại hồi làm tự túc cho khu thấy Vàm Lũng (rạch Kiến Vàng) là nơi lúc nước lớn đầy (thủy triều lên) thì có độ sâu lòng lạch khoảng trên 2 đến 3 m. Với độ sâu này thì tàu chở trên 30 tấn  có thể vào được. Cả đoàn nhất trí đi về Kiến Vàng, Vàm Lũng  đo đạc, khảo sát địa điểm mới theo gợi ý của ông Bông Văn Dĩa. Sau 24 giờ đo mực nước, kết quả nhận thấy: Địa điểm này thuận lợi về nhiều mặt. Khu ủy Khu IX thống nhất chọn bến Vàm Lũng theo báo cáo của đoàn khảo sát.

Tháng 7/1962, nhận được điện báo cáo của Khu ủy Khu IX, Trung ương Đảng mời đích danh ông Bông Văn Dĩa ra Bắc trực tiếp báo cáo tình hình chuẩn bị bến ở Cà Mau. Để bảo đảm cho việc ra Bắc báo cáo tình hình chắc chắn, Khu ủy khu IX tổ chức hai tàu cùng đi ra Bắc. Ngày 24/7/1962, tàu thứ nhất do ông Phan Văn Nhờ (Tư Mau) thuyền trưởng xuất phát từ  bến Vàm Lũng đi ra Bắc. Ngày 30/7/1962, tàu đến ngang Cửa Việt, bị tàu Đống Đa 07 của Hải quân ngụy bắt đem về Đà Nẵng giam giữ. Ngày 26/7/1962, thuyền thứ hai do ông Bông Văn Dĩa thuyền trưởng, 6 ngày đêm vượt qua sóng to gió lớn, vượt qua sự kiểm soát phong tỏa của kẻ thù, đến đêm 1/8/1962, tàu cập vào bờ biển tỉnh Nam Định an toàn. Rạng sáng 2/8/1962, dân quân địa phương nghi là thuyền biệt kích nên bắt giữ. Ông Bông Văn Dĩa nói: “Bây giờ các anh bắt giữ chúng tôi hoặc làm gì cũng được vì đó là nguyên tắc,thủ tục của các anh. Nhưng yêu cầu các anh điện về  ông Lê Duẩn, về Ủy ban thống nhất Trung ương và Tổng Quân ủy Trung ương biết là trong vụ này có người tên là Hai Địa theo lệnh của Trung ương ra đây. Chừng nào ba chỗ trên không công nhận thì tự ý các anh làm gì cũng được”.

19 giờ cùng ngày, Trung ương đề nghị ông Đoàn Hồng Phước-Đoàn trưởng đoàn 759 vào Nam Định đón đoàn ông Bông Văn Dĩa ra Hà Nội, trực tiếp làm việc với ông Lê Duẩn và Trung tướng Trần Văn Trà, Tổng tham mưu phó toàn bộ chuyến đi trinh sát. Nghe ông Bông Văn Dĩa báo cáo xong, ông Lê Duẩn và Trung tướng Trần Văn Trà hỏi: “Ông chắc chắn tàu cỡ hơn 30 tấn vào Vàm Lũng được phải không?”. Ông Bông Văn Dĩa trả lời :“- Dạ thưa Anh Ba,thưa Trung tướng Trần Văn Trà! Chắc chắn tàu cỡ hơn 30 tấn vào Vàm Lũng tốt” Ông Bông Văn Dĩa đáp. Ông Lê Duẩn tiếp: “Nếu chắc được thì sẽ giao ông Bông Văn Dĩa dẫn đường đi chuyến đầu tiên, ông  sang Bộ Tổng tham mưu kẻ đường cho con tàu sẽ vào bến Vàm Lũng. Chuyến đi này, các ông trong Bộ Chính trị nhất trí khoan báo cáo với Bác Hồ, sợ Bác lo lắng, các ông phải hết sức bí mật và cẩn trọng. Chúc các ông thành công”. Chấp hành chỉ đạo của ông Lê Duẩn, 8 giờ đêm ngày 14/10/1962, tàu Phương Đông 1 gồm 12 người rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) đi theo đường kẻ số 1 (đường vạch sẵn trên bản đồ) do ông Bông Văn Dĩa kẻ. Đến đảo Hải Nam thì gặp gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, nên tàu Phương Đông 1 phải đi theo đường kẻ số 2 do ông Bông Văn Dĩa kẻ. Đi đến Hòn Đồ ở phía Cù Lao Thu thì máy bị trục trặc. Đến 6 giờ sáng ngày 20/10/1962, tàu tới Cà Mau. Khi tàu lọt vô tới Cửa Vàm Lũng, ông Bông Văn Dĩa báo tin vui tới đoàn 125 và Trung ương biết. Ngay sau chuyến tàu đầu tiên này thành công, tàu của ông Bông Văn Dĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II và cá nhân ông Bông Văn Dĩa được tặng Huân chương Quân công hạng III.

Kế đó, Trung ương báo tin phải liên tiếp đón ba tàu Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 đi theo con đường ông Dĩa đã vạch ra và đi thành công. Vì ông Bông Văn Dĩa hiểu rõ vùng Rạch Gốc nên sau ba chuyến đi ra Bắc thành công có giá trị mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tháng 9/1962, Trung ương đồng ý để Quân khu IX chọn ông Bông Văn Dĩa tham gia thành lập Đoàn 962. Vừa nhận nhiệm vụ, ông đã bắt tay xây dựng căn cứ, cùng đồng đội nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều cách đánh tàu Mỹ độc đáo khiến địch bất ngờ. Đồng thời ông đã tích cực tổ chức bến bãi, kho tàng và vận chuyển vũ khí. Ngay những lúc khó khăn  gian khổ ác liệt nhất,  ông Hai Địa động viên anh em trong Đoàn kiên trì giữ vị trí, đêm thức trắng, ngày mắc võng giữa rừng, ăn uống kham khổ, để bốc hàng, dọn hàng và vận chuyển hàng từ Cà Mau lên chiến khu Hắc Dịch.

Thành lập từ năm 1962, hoạt động trên địa bàn vùng duyên hải từ Cà Mau đến Hắc Dịch, Đoàn 962 đã làm trọn nhiệm vụ vinh quang mà lịch sử giao phó: xây dựng các bến bãi, đón hàng quân sự từ các chuyến tàu không số, cất giữ, vận chuyển, giao hàng cho chiến trường Nam Bộ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, Trung đoàn 962 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 167 huân, huy chương các loại. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1967, ông Bông Văn Dĩa được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi chiến tranh kết thúc, ông Bông Văn Dĩa luôn giữ vững tinh thần bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng quê hương. Ngày 31/5/1983, trái tim lớn của người Anh hùng ngừng đập.

Về Rạch Gốc hôm nay đi trên con đường mang tên người anh hùng Bông Văn Dĩa, trong  tiếng xạc xào của  sóng và gió biển, trong tiếng reo vui của đàn em nhỏ mỗi buổi sáng sớm mai đến trường Trung học cơ sở mang tên người Anh hùng Bông Văn Dĩa, chúng ta hiểu rằng Cà Mau đang khoác màu áo mới. Những hy sinh lặng thầm của người Anh hùng đang được các thế hệ tiếp nối trên quê hương Cà Mau  tôn vinh, trân trọng, ngưỡng mộ, gìn giữ, noi gương.

Thế Cương – Nguyễn Hoàng Anh

Tư liệu tham khảo:
Báo Quân đội nhân dân, Chân dung Chính trị viên của Đoàn tàu không số, Thứ 6 ngày 23/9/2011, Hồng Hải-Trịnh Dũng
Lê Duẩn, Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, HàNội,2002, trang 916.
Lê Duẩn, Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2002, trang 917).
Hồi ký của cố Anh hùng Bông Văn Dĩa,năm 1976.

Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử:
Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962( năm 2017).
Anh hùng Ngô Văn Tân, thợ máy tàu Phương Đông 1 (năm 2017).
Báo vụ tàu Phương Đông 1 Nguyễn Xuân Lai (năm 2017).
Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đắc Thắng (năm 2023).
Trung tá,Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh (năm 2024).