Báo Times của Anh cho biết: Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối rời nhiệm sở của mình. Ông Boris Johnson đã nói với các bộ trưởng rằng ông sẽ không từ chức vì ông tin rằng nó sẽ dẫn đến nhiều tháng hỗn loạn và bất ổn.
Theo bài báo, chính trị gia này “hoàn toàn quyết tâm” ở lại.
Tuần trước, người ta biết rằng cựu Thứ trưởng Ngoại giao Anh phụ trách các vấn đề châu Âu và Hoa Kỳ Christopher Pincher trước đó đã tham gia một cuộc ẩu đả trong lúc say rượu trong một câu lạc bộ ở London. Một số chính trị gia cho rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bổ nhiệm Pincher vào vị trí phó điều phối viên của phe bảo thủ trong nghị viện, mặc dù biết rõ về quá khứ chẳng mấy hay ho của ông ta. Johnson đã đưa ra lời xin lỗi và thừa nhận rằng mình “đã làm điều sai trái”, nhưng kết quả sau đó là một loạt đơn từ chức do thiếu niềm tin vào thủ tướng.
Như vậy đã có 9 vị bộ trưởng nước Anh từ chức trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, một số quan chức nổi tiếng của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đã tuyên bố từ chức. Tổng cộng, theo Sky News, hơn 30 thành viên chính phủ đã rời bỏ chức vụ của họ trong vòng chưa đầy một ngày. Ngoài ra, một số người đứng đầu các cơ quan ban ngành của Anh đã đưa ra lời kêu gọi tập thể yêu cầu thủ tướng Johnson từ chức.
Trong bối cảnh hàng loạt quan chức cấp cao từ chức, Đảng Bảo thủ của Anh sẽ thảo luận về việc thay đổi các quy tắc để ngăn việc Johnson bị lật đổ, với một cuộc bỏ phiếu để thay đổi ban lãnh đạo của đảng có thể trong một tuần, Bloomberg đưa tin.
Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin không loại trừ rằng vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson giờ đây có thể trở lại trong chương trình nghị sự.
Theo các quy tắc hiện hành, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai đối với thủ tướng chỉ có thể được thực hiện một năm sau cuộc bỏ phiếu trước đó. Johnson đã trải qua một quy trình tương tự vào tháng Năm.
Kaelin cho biết Ủy ban của Đảng Bảo thủ (cái gọi là Ủy ban năm 1922) sẽ quyết định có thay đổi thủ tục thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không.
“Johnson đã nhận được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 5, nhưng với kết quả rất kém, có tới 40% chống lại ông ta. Nhưng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lại có thể nằm trong chương trình nghị sự trong những ngày tới, thật kỳ lạ. Và đối với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, 50 phần trăm cộng với một phiếu bầu trong thành phần của ủy ban năm 1922 là đủ. Vậy thì thực sự điều gì cũng có thể xảy ra”, ông nói trên chương trình Soloviev Live.
“Nền kinh tế Anh đang lao dốc và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chính phủ không thực hiện các biện pháp nghiêm túc. Có rất nhiều khẩu hiệu, rất nhiều, và toàn theo phong cách của Boris Johnson… Thứ hai là sự mất lòng tin nội bộ, đặc biệt là sự mất lòng tin đối với Johnson, người đã gây ra hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác. Tôi đếm được 4 vụ bê bối trong tháng trước, khi ông ấy đã ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc và lần nào cũng may mắn thoát hiểm”, đại sứ Kaelin nói thêm.
Được biết, hơn 30 nhân viên chính phủ Anh đã từ chức trong vòng chưa đầy một ngày, theo Sky News đưa tin.
Một loạt các đơn từ chức trong Nội các Anh bắt đầu với sự ra đi hôm thứ Ba của hai bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ Johnson – Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid. Đã có 9 bộ trưởng từ bỏ nhiệm sở.
Sau đó, các cấp phó của nhiều bộ, một số thứ trưởng và hơn mười thư ký riêng của các bộ trưởng trong nội các Anh đã từ chức. Dù không có cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thì nội các nước Anh cũng đã gần như hoàn toàn tan rã…
The Cuong – Tổng hợp từ Times, Sky News, Bloomber