Thứ Sáu, Tháng Sáu 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

“Áo dài truyền thống – hành trình trở lại”

ĐNA -

Tạp chí Đông Nam Á trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới về cuốn sách “Áo dài truyền thống – hành trình trở lại”. Đây là ấn phẩm đặc biệt về chiếc Áo dài – Quốc phục của người Việt Nam do Câu lạc bộ Đình Làng Việt góp phần Kỷ niệm 280 năm (1744 – 2024) thời điểm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế chiếc Áo năm thân làm trang phục cho dân chúng Đàng Trong, để rồi sau này, thời Hoàng đế Minh Mạng (1791 – 1841) quy định là trang phục dùng chung trong cả nước Việt Nam, tức Quốc phục.

Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn lao vì chiếc Áo dài năm thân đã trở thành một dấu chỉ vật chất quan trọng thể hiện sự thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc và cũng có nghĩa là thống nhất văn hóa giữa hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vùng đất Cố đô Huế thực sự là nơi khai sinh ra chiếc Áo dài năm thân, và ngày nay đang trên đà phát triển để Huế trở thành một Kinh đô lễ hội, đặc biệt là Kinh đô Áo dài – theo Đề án của tỉnh Thừa Thiên-Huế mà ngành Văn hóa của địa phương đang chủ trì triển khai tích cực, có hiệu quả.

TS Trần Đoàn Lâm, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, tác giả bài viết.

 “Áo dài truyền thống – hành trình trở lại”
Trong dòng chảy lịch sử và cả văn hóa dài đến vô cùng, người ta phải đặt ra các dấu mốc tương đối theo thời gian nhằm hiện thực hóa lượng thời gian đã qua hoặc sắp tới giúp cho hình dung ra đại lượng này một cách cụ thể. Những dấu mốc là một dịp để người ta hồi cố quá khứ, nhắc nhớ lại những gì đã làm được hay chưa làm được sau một hành trình, rút bài học kinh nghiệm nhằm giúp cho hiện tại và tương lai. Nhờ có những cột mốc nhắc nhớ như vậy, ở góc độ nhận thức luận, ta thấy quá khứ luôn hàm ẩn một ý nghĩa nào đó, đồng thời làm cho sự tồn sinh của một thực thể theo đấy mà trở nên có ý nghĩa.

TS. Phan Thanh Hải với ” Tôi mặc áo dài”.

Một thập kỷ hay 10 năm, tính đến thời điểm hiện tại, cũng là một cột mốc như vậy trong tiểu sử của Câu lạc bộ Đình Làng Việt vốn ra đời từ năm 2014. Ban Chủ nhiệm đã quy tụ được đông đảo những người trân quý di sản văn hóa dân tộc Việt Nam – những người mong mỏi có một diễn đàn, một “sân chơi” bổ ích để cùng nhau giúp sức chung tay vào công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc mà Đảng và nhà nước đang chủ trương, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình- chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt cùng phu nhân.

Một thập kỷ trôi qua đầy ắp các hoạt động phong phú, đa dạng, giàu về chất và lượng của Câu lạc bộ như: đi điền dã, khảo sát các ngôi đình làng ở khắp ba miền đất nước; tọa đàm, hội thảo, trao đổi về các chủ đề khác nhau; diễn xướng văn nghệ dân gian; tư vấn hay tham gia các ý kiến trực tiếp hoặc qua phương tiện truyền thông đại chúng góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Một nội dung quan trọng trong hoạt động của Câu lạc bộ là làm cho chiếc Áo dài năm thân được hồi sinh như là một di sản của truyền thống với mục đích phục vụ cho cuộc sống đương đại, góp phần vào phong trào cổ súy văn hóa dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế sâu rộng.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng “Trang phục truyền thống thể hiện phong thái và hồn cốt dân tộc”.

Cuốn sách bạn đọc đang có trong tay với cái tên “Áo dài truyền thống – hành trình trở lại” chính là một ấn phẩm góp phần Kỷ niệm 280 năm (1744 – 2024) thời điểm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế chiếc Áo năm thân làm trang phục cho dân chúng Đàng Trong, để rồi sau này, thời Hoàng đế Minh Mạng (1791 – 1841) quy định là trang phục dùng trong cả nước Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn lao vì chiếc Áo dài năm thân đã trở thành một dấu chỉ vật chất quan trọng thể hiện sự thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc và cũng có nghĩa là thống nhất văn hóa giữa hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vùng đất Cố đô Huế thực sự là nơi khai sinh ra chiếc Áo dài năm thân, và ngày nay đang trên đà phát triển để Huế trở thành một Kinh đô lễ hội, đặc biệt là Kinh đô Áo dài – theo Đề án của tỉnh Thừa Thiên-Huế mà ngành Văn hóa của địa phương đang triển khai tích cực, có hiệu quả.

Cuốn sách cũng là một trong những thành quả đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động của Câu lạc bộ Đình Làng Việt (2014 – 2024). Trong một khung thời gian có thể nói là khá hạn hẹp, từ tháng 3 năm 2024 đến nay, sau gần 2 tháng, cuốn sách đã hình thành, bao gồm 456 trang với hơn 52 bài viết của 47 tác giả là khách mời và thành viên của Đình làng Việt. Người viết có độ tuổi khác nhau, từ cao niên đến tuổi học trò, mà khi xếp năm sinh theo một thứ tự tuyến tính, nó càng làm nổi bật lên những đặc thù trong cách tiếp cận và nhận thức về Áo dài năm thân, đồng thời cho thấy một sự tiếp nối thế hệ, cũng đồng thời là tiếp nối mạng mạch truyền thống văn hóa dân tộc. Các tác giả đến từ các vùng miền khác nhau, lĩnh vực khác nhau; có người là chính khách nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn; có người là nhà quản lý, kiến trúc sư, hoạ sĩ, thiết kế thời trang, nhà báo, nghệ nhân, thậm chí là  người nước ngoài hay học sinh, sinh viên v.v, tạo thành một tập thể cùng sẻ chia điểm tương đồng là tình yêu với di sản trang phục của tiền nhân để lại. Tình yêu đó chính là chất men, chất kết dính để gắn kết nội dung cuốn sách, tạo thành một khu hoa viên rực rỡ sắc màu để bạn đọc có thể ghé vào dạo chơi, ngắm các bông hoa với vẻ đẹp khác nhau, nhưng tất cả đều bừng nở trong ánh nắng chan hòa của một mùa xuân Chấn hưng Văn hóa dân tộc..

Về kết cấu, cuốn sách gồm hai phần:

Phần I: Đi tìm giá trị Áo dài năm thân

Phần II: Trở về với truyền thống của ông cha

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa và phu nhân

Với kết cấu sách như vậy, bạn đọc có thể gặp gỡ những nhà nghiên cứu, họa sỹ thiết kế, hay nghệ nhân trực tiếp làm ra Áo dài truyền thống để nghe họ kể về lịch sử hình thành, phát triển, các tiêu chuẩn hay đặc diểm nhận dạng chiếc Áo dài tạm gọi là “chuẩn mực” theo truyền thống, cùng quy trình và kỹ thuật sản xuất có liên quan. Bên cạnh đó, độc giả cũng sẽ được nghe chia sẻ của những người thực hành mặc Áo dài, để từ đó lấy cảm hứng bắt nguồn từ những câu chuyện trải nghiệm cá nhân thú vị, đặc sắc. Đích đến là để làm sao cho chiếc Áo năm thân có cơ hội hiện diện một cách xứng đáng không những trong tâm tưởng của bạn đọc — thay vì các định kiến hay hiểu biết chưa chính xác do điều kiện lịch sử — mà còn trong tủ trang phục hay sưu tập trang phục của chính họ, trong vai trò tạm gọi là “bộ Quốc phục”, để góp phần vào việc xác quyết và nhận diện bản sắc Việt Nam ở cấp độ văn hóa – xã hội, trên bình diện trong nước và quốc tế. Đây chính là “hành trình trở lại” của chiếc Áo năm thân với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể của người Việt Nam.

Nội dung cuốn sách, như đã nói ở trên, cho phép nó có “độ mở” nhất định, cả về thuật ngữ, định danh và nội dung nói chung. Hiện tại, Áo dài truyền thống có thể hiểu là loại áo có vạt (tà) dài – số tà có thể là 3 nhưng do 5 thân áo ghép lại, hoặc có thể là 2 như loại Áo dài đã được cách tân từ khoảng những năm 20 thế kỷ 20; nó thường có tay chẽn hay tay rộng (loại áo tấc), cổ đứng, cài khuy bên phải cổ. Nó có những định danh khác nhau như Áo (dài) ngũ thân, Áo (dài) năm thân, Áo dài truyền thống, hay đơn giản là Áo dài. Ý thức được sự đa dạng trong chi tiết của loại hình di sản này, nên Ban Biên tập tôn trọng cách chọn dùng các định danh khác nhau trong các bài viết, miễn là chúng không cản trở việc hình dung và cảm nhận tương đối xác thực về một đối tượng thống nhất: đó là Áo dài truyền thống Việt, nhờ các đặc điểm nhận dạng nổi bật và chuyên biệt.

Nhà nghiên cứu lão thành Phan Thuận An và bài viết.

Độ mở của nội dung cũng đồng thời sẽ tạo thuận lợi để chào đón các ý kiến thảo luận, đóng góp có tính xây dựng từ công chúng nhằm phục vụ cho các lần tái bản cuốn sách được cập nhật, bổ sung sau này. Nói một cách khác, bản thân đối tượng bàn đến là Áo dài Việt truyền thống vốn quen thuộc trong quá khứ nhưng lại trở thành tương đối “mới mẻ” trong thời hiện tại, vì số đông công chúng có lẽ biết đến tên loại trang phục này chủ yếu thông qua các tác phẩm diễn xướng dân gian trên sân khấu truyền thống, hay tác phẩm điện ảnh có chủ đề liên quan tới lịch sử, tới quá khứ, hay thông qua sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, hay thậm chí qua các loại Áo dài thời trang, cách tân vốn đang khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Những cảm nhận kiểu Áo dài như vậy có sự sai biệt ở mức độ khác nhau so với loại Áo dài năm thân truyền thống, khiến trong nhiều trường hợp, khó có thể đem lại cho công chúng một khái niệm tương đối chính xác về loại phục trang truyền thống này.

PGS.TS Bùi Xuân Đính với bài “Nghĩ về tà áo dài”.

Do vậy, Ban Biên tập ý thức rất rõ rằng, Áo dài cần là một chủ đề được tiếp tục nghiên cứu, xem xét và thảo luận trên phạm vi rộng rãi hơn nữa với những chiều kích khoáng đạt hơn nữa, để tiến tới một định danh thống nhất cho nó cùng với các tiêu chuẩn tổng quát kèm theo, và cũng để những khiếm khuyết có thể có trong nội dung cuốn sách dần được lấp đầy hay bổ sung cho hoàn chỉnh.

Dù vậy, đến thời điểm này, cuốn sách cũng đã được định hình hoàn chỉnh để Kỷ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế Áo dài, khai sinh nó như loại áo mặc quy chuẩn, làm tiền đề cho sự thống nhất về một loại hình trang phục trong phạm vi cả nước Việt Nam; đồng thời để chào mừng 10 năm ngày ra đời của Câu lạc bộ Đình làng Việt.

TS. Phan Thanh Hải với bài viế: “Trang phục truyền thống và sự kế thừa”

Ban Biên tập xin trân trọng cảm ơn các tác giả đóng góp bài viết, hình ảnh minh họa, bộ phận làm công việc biên tập nội dung và biên tập kỹ thuật, thiết kế, dàn trang, Nhà Xuất bản Thế giới, những người tham gia phát hành cuốn sách; đồng thời cũng rất mong muốn bạn đọc sẽ nhiệt thành đón nhận ấn phẩm như một món quà trí tuệ, nhắc nhớ lại ký ức, lần theo các mốc son trong hành trình quay trở lại với di sản tốt đẹp của dân tộc ta.

TS. Trần Đoàn Lâm