Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa với các đối tác



ĐNA -

Sáng ngày 4/2/2023, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại Indonesia nhằm thảo luận về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực. Phát biểu tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các sáng kiến ở khu vực cần xuất phát từ thiện chí hợp tác, bổ sung và tương hỗ cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cùng đóng góp vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa với các đối tác, phát huy hiệu quả và giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, thúc đẩy xây dựng lòng tin và hiểu biết, cùng hợp tác ứng phó các vấn đề đang nổi lên.

Chia sẻ quan ngại chung về những biến động khó lường ở khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết, tự cường và linh hoạt thích ứng, củng cố nội lực, phát huy vai trò trung tâm.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự AMMR 2023 – Ảnh: TTXVN

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN cần kiên trì, củng cố lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS 1982), hướng tới trật tự hàng hải khu vực dựa trên luật lệ, bảo vệ hiệu quả lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia ven biển. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông báo kế hoạch của Việt Nam tổ chức một số cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và kế hoạch tổ chức Ngày Hàn Quốc tại ASEAN.

Về vấn đề Myanmar, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ quan điểm người Myanmar giải quyết vấn đề Myanmar, triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm là cốt lõi và biện pháp để ASEAN hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng bày tỏ tin tưởng Indonesia-Chủ tịch ASEAN 2023, và cá nhân bà Redno Marsudi, Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN 2023 về Myanmar sẽ thành công trong dẫn dắt tiến trình thực hiện Đồng thuận 5 điểm.

Sáng 4/2, Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức bế mạc.
Sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi nhấn mạnh hội nghị đã thảo luận thực chất và đạt được những kết quả tích cực. Hội nghị đã thảo luận các vấn đề trọng tâm đó là đánh giá kết quả thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) về vấn đề Myanmar; các vấn đề khu vực và quốc tế; quan hệ ASEAN với các đối tác.

Về vấn đề Myanmar, Indonesia với tư cách nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 đã đề cập sâu sắc đến tiến trình thực hiện 5PC, đồng thời nhấn mạnh 5PC có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự thống nhất của ASEAN trong giải quyết vấn đề Myanmar. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tái khẳng định cách tiếp cận thống nhất trong thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) nhằm thúc đẩy sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia thành viên của khối, cũng như bảo đảm các chương trình hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này, đặc biệt là những người Hồi giáo Rohingya.

Về chủ đề “Các vấn đề ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng”, các nước thành viên của ASEAN đã thống nhất những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hướng tới những kết quả tích cực. ASEAN sẽ mở rộng quỹ ứng phó COVID-19 thành quỹ ứng phó ASEAN cũng như tập trung nguồn lực nhằm xây dựng Khung kinh tế xanh ASEAN.

Về triển khai trụ cột Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tái khẳng định tiếp tục thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng thúc đẩy sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất trên cơ sở thực chất, hiệu quả và khả thi. Indonesia sẽ chủ trì đàm phán COC với cuộc họp đầu tiên vào tháng 3 tới. Các Bộ trưởng cũng thống nhất đánh giá, rà soát các dự án cụ thể trong khuôn khổ AOIP, trong đó xây dựng lòng tin với các đối tác, cùng hợp tác trên cơ sở cùng hướng tới lợi ích của các bên. Bên cạnh đó, ASEAN cũng sẽ tăng cường xây dựng Triển vọng hàng hải ASEAN.

Bà Retno Marsudi khẳng định, các các quốc gia thành viên ASEAN đều ủng hộ ý định của Indonesia triệu tập một số sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thực hiện AOIP. Indonesia mong muốn được hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan trong suốt quá trình đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2023.

Hội nghị khẳng định ASEAN sẽ thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực và quốc tế trên cơ sở thực chất, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Chy Le